Những tác phẩm piano việt nam


 

Lịch sử phát triển của văn hóa loài người luôn có sự giao lưu, tiếp biến và chuyển hóa các hình thức, phương pháp nghệ thuật giữa các dân tộc ở các nước trong cùng một châu lục, khác châu lục. Dân tộc Việt Nam có một nền văn hiến lâu đời, có truyền thống văn hóa luôn biết tiếp nhận cái mới theo những cách riêng để làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc. Điều đó đã được chứng minh qua các cuộc tiếp biến với văn minh phương Bắc (Trung Hoa) ở các thể kỷ trước và TK XX, qua con đường Việt hóa âm nhạc châu Âu để hình thành nhạc mới (tân nhạc – âm nhạc cải cách), trong đó có âm nhạc thính phòng, giao hưởng mà các tác phẩm viết cho đàn piano của các nhạc sĩ Việt Nam là một bộ phận.

Cuộc tiếp biến giao thoa lần thứ nhất khoảng nửa đầu TK XX với âm nhạc phương Tây mà chủ yếu thông qua âm nhạc Pháp, là sự tiếp nhận tự nguyện hình thức ca khúc phương Tây, để từ thập niên 40 hình thành ca khúc mới. Ca khúc mới còn gọi là tân nhạc, trở thành một phong trào cải cách lớn với các dòng: ca khúc lãng mạn, ca khúc theo nhịp điệu khiêu vũ, ca khúc yêu nước, tiến bộ và ca khúc cách mạng. Trong khi đó, các loại hình nhạc cũng được người Pháp đưa vào Việt Nam khá sớm với chương trình hòa nhạc của nhiều đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ độc tấu lừng danh, với nhiều tác phẩm nổi tiếng của châu Âu thời ấy. Giai đoạn này, ở nước ta mới chỉ lẻ tẻ xuất hiện vài ba tác phẩm cho piano của Thái Thị Lang, Nguyễn Xuân Khoát, Võ Đức Thu… Có lần phóng viên hãng Radio Sài gòn phỏng vấn, bà Thái Thị Lang trả lời: “Nguồn dân ca vô tận là một kho báu đối với người sáng tác”, và bà đã có một tuyển tập piano bao gồm 30 bài được xuất bản tại Paris dưới bút danh Louise Nguyễn Văn Tỵ. Trong tập này, nhiều bài sử dụng chất liệu hoặc nguyên dạng âm nhạc dân gian cổ truyền. 9 bài sử dụng nguyên dạng âm nhạc từ các bài cải lương Nam Bộ: Rondo populaire (Bài tạ), Depart (Mẫu tầm tử), Strategie (Khổng tử tọa lầu), Les troise bonzes (Tam pháp nhập môn), La sapeque d’or (Kim tiền), Rencontre (Long hổ hội), Chant des Feter (Bình bán vân), La Lentille et Lotus (Ngũ điểm), Hành vân (Hành vân). Một số bài của trong tuyển tập này, hiện vẫn được sử dụng trong chương trình học piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Về biểu diễn piano thời tiền chiến, nhạc sĩ Lê Thương viết: “Năm 1942, một năm trỗi dậy của nhạc mới, tình thế thay đổi hẳn. Hội Nam kỳ Đức trí Thể dục (SAMIPIC) – mà hoạt động thường xuyên của tiểu ban mỹ thuật là âm nhạc, ca kịch – mời bà Thái Thị Lang diễn tấu những khúc nhạc của bà về dương cầm như Lý ngựa ô, Bình bán” (1). Và: “ cố nhạc sĩ Võ Đức Thu có trình dương cầm một tác phẩm mới nhan đề Việt Nam tân nhạc điệu năm 1942 do Hội Nam kỳ Đức trí Thể dục tổ chức mời biểu diễn” (2). Cũng về vấn đề này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Nhung viết: “Ông Nguyễn Xuân Khoát đã thể nghiệm một tiểu phẩm cho đàn piano dựa trên đề tài Chinh phụ ngâm, có tiêu đề Trống Tràng Thành. Tác phẩm có sắc thái cổ kính, dựa trên cơ sở thang âm toàn cung” (3).

Phải nói rằng âm nhạc thính phòng, giao hưởng Việt Nam, trong đó có các tác phẩm cho đàn piano được khẳng định và phát triển vào những năm 60 TK XX. Lý do là, sau khi nửa nước được giải phóng năm 1954, Đảng và nhà nước chú trọng đến công tác đào tạo. Các nhạc sĩ được đi học ở nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Albanie, Hungarie, Bulgarie, Triều Tiên… Ở trong nước, năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam, rồi Nhạc viện Hà Nội, bên cạnh đó các đoàn nghệ thuật, nhà hát được thành lập để đưa tác phẩm đến với công chúng qua các buổi hòa nhạc.

Hơn 50 năm qua, tác phẩm viết cho đàn piano của nhạc sĩ Việt Nam đạt một số lượng khá lớn. Nhiều bài đã vang lên trong các buổi hòa nhạc, hay giới thiệu trên sóng phát thanh truyền hình từ trung ương tới địa phương như Tổ khúc quê hương Tây Nguyên (Nguyễn Văn Thương), Liên khúc sonate (Trần Ngọc Xương), Chủ đề và biến tấu (Đỗ Hồng Quân)… Có tác phẩm vang lên trong các phòng hòa nhạc ở nước ngoài qua việc trao đổi tác phẩm giữa Hội Nhạc sĩ Việt Nam với Hội Nhạc sĩ các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Đức, Tiệp, Bulgarie, Rumanie, Hunggarie, Triều Tiên, Cuba… trước đây; với Mỹ, Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á sau này. Giới thiệu tác phẩm piano Việt Nam ra nước ngoài có các nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, cố nghệ sĩ Hoàng My, Nguyễn Hữu Tuấn…

Khá nhiều tác phẩm piano Việt Nam được xuất bản từ thập niên 70 TK XX tới nay. Có tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài như tập Giai điệu các bài ca và điệu múa gồm 16 bài của Nguyễn Văn Thương, xuất bản tại Laipxich, CHDC Đức năm 1972; tập Con cò trắng gồm 10 bài của Nguyễn Văn Nam, Hội Nhạc sĩ Liên Xô xuất bản năm 1984.

Tác phẩm piano Việt Nam luôn đa dạng về thể loại và hình thức. Các nhạc sĩ đã vận dụng khéo léo các thể loại, hình thức của âm nhạc châu Âu trên chất liệu từ âm nhạc dân gian, cổ truyền Việt Nam để thể hiện hình tượng của tác phẩm. Phần lớn các tác phẩm có tiêu đề, liên quan đến nội dung, hình tượng, thông qua các phương tiện diễn tả âm nhạc, như sợi dây liên hệ giữa nhà soạn nhạc, nghệ sĩ và thính giả.

Trước hết là những bài chuyển soạn từ dân ca, dân vũ. Ở loại này các nhà soạn nhạc cần tìm được những facture thích hợp với hình tượng của bài dân ca, dân vũ đó, đồng thời tiến hành hòa âm, phức điệu sao cho phù hợp với phong cách kỹ thuật đàn piano. Chẳng hạn như Trống cơm, Cò lả, Múa quạt (Thái Thị Liên), Lý cây bông (Việt Kim)… là những ví dụ điển hình. Trong Giai điệu các bài ca và điệu múa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng vậy, trong mỗi bài chứa đựng trong đó nét dân ca của một tộc người hay vùng miền nào đó. Chẳng hạn bài 1, 2, 7: dân ca Thái; bài 3, 5: dân ca Gia rai; bài 4, 6, 9, 16 là giai điệu của các bài trong hòa tấu âm nhạc cổ truyền người Việt (Điệu bắc, Tứ quý, Cửu khúc, Kim tiền); bài 11: dân ca Quan họ; bài 13: dân ca Vĩnh Phúc, bài số 14: dân ca miền Nam; bài 8: dân ca Nùng, bài 10, 12: dân ca Mông.

Bài số 6 từ giai điệu Tứ quý trong nhạc chèo, tác giả Nguyễn Văn Thương đã chuyển soạn cho piano có tên mới là Vui xuân. Bài này lần thứ nhất được trình bày giai điệu giữa hai tay theo thủ pháp canon (đuổi). Lần nhắc lại, giai điệu đưa lên cao quãng tám, còn tay trái tấu một âm hình tiết tấu không đổi trong hai nhịp một: 

rồi chuyển sang:

Toàn bài thể hiện không khí hội làng trong ngày xuân vui vẻ, nhộn nhịp.

Ở một vài tác phẩm khác, khi chuyển soạn, tác giả còn nhắc lại nguyên dạng giai điệu dân ca thêm một, hoặc vài ba lần như La Lentille et le Lotus (Hoa súng và hoa sen), được Thái Thị Lang chuyển soạn nguyên dạng từ bài Ngũ điểm trong nhạc cải lương Nam Bộ. Bà trình bày giai điệu này thành bốn lần (a, a1, a2, a3), mỗi lần là một kiểu âm hình khác nhau. Toàn bài được trình bày theo kiểu phức điệu giữa hai tay. Ở những nhịp cuối cùng của bài, tác giả dùng kỹ thuật glissando (vuốt) phím đen để mô phỏng lối vuốt trên đàn tam thập lục.

Tác phẩm piano Việt Nam, cho dù vận dụng cấu trúc của âm nhạc châu Âu từ đơn giản đến phức tạp, nhưng nhiều bài tạo được những ấn tượng nhất định và có đời sống trong sinh hoạt thưởng thức âm nhạc, chẳng hạn: Em là cô gái dệt (Chu Minh), Khúc tự sự (Đàm Linh), Dòng nước trong (Trần Tất Toại). Chúng tôi xin được điểm thêm một số tác phẩm sau:

Bài ca không lời của Hoàng Dương cấu trúc ở hình thức biến tấu, gồm chủ đề và 5 biến khúc. Chủ đề tác phẩm được dùng từ bài quan họ Bèo dạt mây trôi, nhưng đã được nhạc khí hóa qua các âm hình của tay trái và tay phải để biểu hiện tính trữ tình. Các biến khúc tiếp theo vẫn giữ nguyên khuôn khổ như chủ đề, nhưng thay đổi bằng các âm hình mới để thể hiện các khía cạnh khác nhau của tình cảm.

Tác phẩm Trống và lửa của Thụy Loan được viết dưới dạng prelude, sử dụng điệu thức 5 âm làm động cơ phát triển. Trước khi chủ đề xuất hiện, phần mở đầu hình thành ba hình tượng để làm nền: hình tượng trống là những quãng 2 trì tục; hình tượng lửa là những nét chạy lướt có biến âm trên cơ sở điệu thức 5 âm; âm thanh cồng chiêng là những quãng 4 tăng. Tác phẩm có cấu trúc ở hình thức 3 đoạn đơn dạng a b c. Cũng ở dạng prelude còn có các tác phẩm: Vui mùa gặt (Nguyễn Xuân Khoát), Rủ nhau đi gánh lúa vàng (Nguyễn Văn Nam), Đau thương và phẫn nộ (Nguyễn Thị Nhung), 12 bản preludes (Ca Lê Thuần), 10 bản preludes (Minh Khang)…

Hãy hát múa đi của Vân Đông khai thác âm điệu dân vũ của đồng bào Thái. Phần đầu và phần cuối của tác phẩm, tác giả sử dụng âm hình tiết tấu không đổi biểu hiện tính chất không khí vũ hội. Tác phẩm cấu trúc ở hình thức ba đoạn đơn với phần giữa tương phản. Dạng này còn có: Vũ khúc (Thái Thị Liên), Vũ khúc mùa xuân (Huy Du), Vũ khúc (Hoàng Đạm)…

Tác phẩm Scherzo cho 2 đàn piano của Trần Ngọc Xương sử dụng tiết tấu, âm điệu đặc trưng của âm nhạc chèo để hình thành chủ đề âm nhạc. Tác phẩm viết ở hình thức 3 đoạn phức với phần đầu và phần cuối là những khúc biến tấu trên âm điệu bài Con gà rừng. Âm nhạc ở những phần này viết tốc độ nhanh, thể hiện tính cách hài hước, vui hoạt. Để tạo sự tương phản, phần giữa xuất hiện chủ đề mới và trình bày theo thủ pháp phức điệu, viết ở nhịp 6/8. Các tác phẩm viết piano ở thể loại này còn có: Lưu không (Hoàng Đạm), Con ngựa ô (Thái Thị Lang), Lý ngựa ô (Hoàng My), Lý ngựa ô (Hữu Tuấn), Hòa tấu 95 cho hai đàn piano (Đỗ Hồng Quân)…

Khúc hát ru của Ngô Sĩ Hiển được hình thành trên chất liệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Âm nhạc có tính chất trữ tình, mượt mà. Lối tiến hành giai điệu sử dụng nhiều âm luyến láy, nét đặc trưng trong giai điệu dân ca, tô đậm tính chất dân tộc làm cho giai điệu tác phẩm mềm mại, duyên dáng. Tác phẩm có cấu trúc ở hình thức 3 đoạn phức. Cũng ở thể loại ru viết cho piano còn có: Tiếng ru (Nguyễn Đình Tấn), Khúc hát ru (Ngô Sĩ Hiển)…

Bản fantaisie Bồng bềnh của Đặng Tuệ Nguyên được hình thành trên chủ đề của bài hát Hồ núi Cốc của Phó Đức Phương. Tác giả sử dụng hòa thanh và tiết tấu mang hơi hướng nhạc jazz với những nốt nhấn đảo phách và hợp âm có nhiều âm phụ tạo ra những quãng nghịch. Với tốc độ nhanh và tiết tấu ghồ ghề, tác phẩm miêu tả cảm xúc bồng bềnh, trôi nổi trên những ngọn sóng của hồ núi Cốc.

Capricco của nhạc sĩ Vĩnh Bảo được xây dựng trên 3 chất liệu âm nhạc khác nhau, cấu trúc có tính tự do, chú trọng khai thác các kỹ thuật biểu hiện của đàn piano. Phần thứ nhất có tốc độ chậm (adagio), nhịp 3/4, mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên. Phần hai chuyển sang nhịp 4/4, tốc độ nhanh (allegro) xây dựng trên 2 chủ đề mới. Chủ đề một sáng sủa, vui hoạt, trên chất liệu của làn điệu Con gà rừng. Chủ đề hai mang tính trữ tình, ở điệu fa thăng thứ. Phần ba là phần tái hiện ở tốc độ chậm vừa (andante), nhịp 4/4 có thay đổi chất liệu từ phần đầu mang tính hùng dũng, mãnh liệt.

Chủ đề và biến tấu của Đỗ Hồng Quân là tác phẩm gồm chủ đề và 9 biến khúc. Chủ đề của tác phẩm lấy nguyên dạng bài dân ca quan họ Người đi đâu. Với tính trữ tình mềm mại, duyên dáng chủ đề vang lên ở bè tay phải, còn tay trái là những chồng âm gồm quãng 2 và quãng 5 thay đổi luân phiên tạo màu sắc cho giai điệu. 9 biến khúc tiếp theo khai thác các nhân tố chính của chủ đề bằng nhiều thủ pháp khác nhau. Viết ở dạng variation này còn có tác phẩm: Quê mẹ (Nguyễn Thị Nhung), Chủ đề và biến tấu chú mèo con (Đặng Tuệ Nguyên)…

Dạng tổ khúc là một trong những liên khúc phổ biến, là sự luân phiên của một số chương nhạc tương phản về nội dung, về tính chất thể loại thường gặp trong âm nhạc châu Âu TK XVIII. Tác phẩm piano Việt Nam cũng có dạng này như Tổ khúc chăm học, chăm làm (Nguyễn Hữu Tuấn), Quê huơng Tây Nguyên (Nguyễn Văn Thuơng)…

Sonatine, sonate là những tác phẩm cấu trúc trong một chương hay một liên khúc gồm nhiều chương (ít nhất là hai chương trong đó có một chương viết ở hình thức sonate). Mỗi chương là một độc lập về cấu trúc. Sonatine, sonate được hoàn chỉnh ở TK XVIII trong các sáng tác của trường phái cổ điển Viên. Tác phẩm piano Việt Nam theo dạng này có sonatine một chương của Nguyễn Hữu Tuấn, những bản sonatine ba chương của Phạm Văn Chừng, Nguyễn Viên, Nguyễn Thị Nhung…

Concertino, concerto, thể loại âm nhạc xuất hiện vào TK XVII, XVIII ở châu Âu, là tác phẩm viết cho một nhạc cụ hòa tấu với dàn nhạc giao hưởng. Thể loại này đòi hỏi người độc tấu phải thể hiện những ưu thế của cây đàn, có trình độ kỹ điêu luyện để đua tài với dàn nhạc, có sự phối hợp cần thiết giữa bè độc tấu với các bè khác của dàn nhạc… Với đặc điểm và yêu cầu như vậy, nên concertino, concerto cho piano với dàn nhạc giao hưởng, phải đến thập niên thứ 80 của TK XX mới dần xuất hiện trong nền âm nhạc Việt Nam. Loại một chương có: Concertino cho piano và dàn nhạc của Ca Lê Thuần (1983), Concertino cho piano và dàn nhạc tuổi trẻ của Chu Minh (1986), concerto Tổ quốc tôi cho piano và dàn nhạc của Nguyễn Đình Lượng, concerto cho piano và dàn nhạc Bất khuất của Đỗ Dũng (dựa trên bản Tình ca của Hoàng Việt)…

Ngoài các thể loại đã nêu trong tác phẩm piano Việt Nam còn các bản được sáng tác theo cấu trúc của phức điệu invention, fuga như Lưu không của Hoàng Đạm và tập Fuga gồm 8 bản của Ca Lê Thuần…

Do yêu cầu của đào tạo, các nhà sư phạm piano còn chuyển soạn ca khúc, nhạc đàn để diễn tấu 4 tay như Hát ru, Vui tết Trung thu (Thái Thị Liên), Tiến lên đoàn viên (Phạm Tuyên- Hữu Tuấn), Làng tôi (Văn Cao – Hữu Tuấn), Ba Vì năm xưa (Huy Du – Hữu Tuấn ), Câu chuyện cổ tích (Nguyễn Văn Nam – Hữu Tuấn).

Các tác phẩm piano Việt Nam không những phong phú về thể loại mà còn đa dạng về cấu trúc. Trong nhiều tác phẩm, do đòi hỏi của nội dung hình tượng âm nhạc, nên có nhạc sĩ còn kết hợp hai hay nhiều thể loại và hình thức âm nhạc. Nội dung tác phẩm là sự đa dạng về những cảm xúc của nhà soạn nhạc trước đổi thay của quê hương đất nước, ca ngợi các bậc vĩ nhân và cả những bức xúc của con người thời đại trước xã hội, trước vận mệnh của dân tộc.

Ngôn ngữ âm nhạc trong các tác phẩm piano Việt Nam ngày càng đậm tính dân tộc qua cách vận dụng giai điệu, tiết tấu, điệu thức và các quãng đặc trưng trong âm nhạc dân gian, cổ truyền dân tộc. Vì vậy, để thể hiện tốt các tác phẩm piano Việt Nam, đòi hỏi các nghệ sĩ piano cần phải nghiên cứu, xử lý tác phẩm một cách nhuần nhuyễn để có thế đem tới người nghe những rung động thực sự.

_______________

1, 2. Lê Thương, Thời tiền chiến của tân nhạc, Tạp chí Âm nhạc số 1-1988, tr.25.

3. Nguyễn Thị Nhung, Âm nhạc thính phòng giao hưởng, Viện Âm nhạc xb, Hà Nội, 2001, tr.25.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014

Tác giả : Huy Phương

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *