Vĩ thanh từ những bài ca viết về phụ nữ


 

 

 

Không riêng ở Việt Nam, cũng không riêng gì cuộc chiến tranh ở Việt Nam, mà bất cứ nước nào, cho dù cuộc sống thường nhật vẫn êm đềm trôi hay chiến sự xảy ra, thì phụ nữ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Nước ta, TK XX, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đã góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp giả phóng dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay, chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng vẫn còn đó trong cuộc sống hiện tại những ký ức vui buồn của một thời đã qua. Và, trên lĩnh vực sáng tác âm nhạc, vẫn còn đó sự khuyết thiếu về sự phản ánh một đối tượng cần được kính trọng, cần được phản ánh…

Một chiều tháng giêng, tuy tiết trời đã sang xuân, nhưng cái giá lạnh của mùa đông như vẫn muốn lưu lại và còn đủ mạnh để làm tê cóng lòng người. Từ lớp học trên tầng 2 của trường Cao đẳng VHNT Thái Bình, tôi mở cửa nhìn ra cánh đồng, bất chợt thấy một phụ nữ lom khom vuốt từng đọn lúa. Bất chợt những vần thơ của ai đó vọng lại trong tâm trí tôi:

Con cò trắng

co chân đứng

đợi nắng.

Cánh đồng vắng

 trời chiều.

Gió lạnh lắm

Mưa rơi lạnh lắm

Một mình chị tôi

lội xuống ruộng sâu…

Cô đơn trong trời chiều, run rẩy trong gió lạnh. Tôi nhìn mà chạnh lòng, rồi nghĩ lại ngày xưa, trên những cánh đồng thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ, các mẹ, các chị của tôi (và của tất cả chúng ta) đã sống một thời vàng son tươi rói. Thời ấy, các mẹ, các chị tuổi tròn mười tám, đôi mươi cũng thắt đáy lưng ong, cũng bắp chân trắng ngần, mắt đen như hạt nhãn, cổ kiêu ba ngấn, áo thắm nâu non nào có kém ai.

Những làng quê của châu thổ Bắc Bộ xưa vốn thanh bình là thế, chiến tranh đến, bao đợt bom rùng rùng làm xáo trộn cả luống cày, đảo lộn cuộc sống. Thời buổi chiến tranh, cũng như nam giới, không ít chị em ra chiến trường làm công tác giao liên, cứu thương hay dân công hỏa tuyến… Số nhiều ở lại hậu phương làm giáo viên, công nhân xí nghiệp, thợ xây dựng… ngoài công việc theo thiên chức của người phụ nữ, thêm nặng trên đôi vai gầy là việc sản xuất và chiến đấu. Thời đó, những khẩu hiệu: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng Nam; Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang… đã ngấm vào máu thịt và trở thành chân lý sống của nam nữ thanh niên miền Bắc.

Khí thế cách mạng hừng hực luôn hướng về miền Nam thân yêu. Trên khắp các nẻo đường của tổ quốc đều ghi dấu ấn của người phụ nữ. Phải nói rằng ở thời kỳ này, văn hóa nghệ thuật cách mạng nói chung và âm nhạc cách mạng nói riêng luôn là giá đỡ về mặt tinh thần, và đã phát huy được vai trò xung kích của nó trong việc động viên mọi người hăng hái tham gia chiến đấu, sản xuất. Do đó, dẫu ở làng quê hay ở những nẻo đường Trường Sơn khốc liệt nhất, chị em vẫn có lòng tin để vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống thường nhật.

Cái giá trị nhân văn ở những năm tháng này ngoài nhiệm vụ chính trị, thì cái quan trọng nhất có lẽ là các nhạc sĩ đã biết cộng cảm cùng người phụ nữ. Không ít nhạc sĩ đã đi thực tế ở các làng quê, do đó họ dễ thông cảm và biết cách đề cao vai trò của chị em. Nói cách khác, trong thời chiến, người phụ nữ Việt Nam cũng là một trong đối tượng đáng được quân tâm đúng mức và cũng là đối tượng được phản ánh trong nhiều tác phẩm thanh nhạc. Bởi vậy phụ nữ không bị lẻ loi, và chính điều này đã tạo nên một giá trị tinh thần vô cùng lớn lao, khiến chị em cống hiến công sức – đôi khi vượt khỏi cả giới hạn của giới tính – cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, An Chung, Hoàng Vân, Thái Cơ… là những nhạc sĩ có đóng góp đáng kể trong việc nâng cao hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ ở vùng châu thổ Bắc Bộ nói riêng. Với Tiễn anh lên đường (Nguyễn Văn Tý) đã thấy sự dám nhận trách nhiệm cao cả và những việc làm cụ thể đáng khẩm phục của chị em thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Yên tâm vững bước mà đi, hỡi người mà em yêu/ Việc nhà việc nước dẫu có bao nhiêu em sẽ làm tròn/ Anh cứ yên tâm, vững bước anh lên đường…”. Và, không chỉ có nói thế, mà khi anh nơi chiến trường thì ở nhà người vợ/ người chị vào dân quân cũng chắc tay súng bên cạnh việc ruộng đồng làm thủy lợi, sớm hôm vun trồng, cuốc bẫm cày sâu để lo cho vụ sau đồng lúa xanh rờn. Cái niềm tin đã được khơi lên: “Mai ngày giặc Mỹ phải tan/ Chim vui tổ ấm không còn đôi nơi/ Nam Bắc ta sẽ sum họp đời đời/ Đồng lúa chúng ta đẹp lắm/ Non nước rạng ngời hơn những mùa xuân”. Rõ ràng đây là cái kết có hậu, bởi vai trò của người phụ nữ trong kháng chiến đã được đề cao, chính điều này đã làm cho chị em không có cảm giác bị lạc lõng, bỏ rơi.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cánh đồng hình như chỉ có người phụ nữ. Chị em cứng cỏi và tự tin hơn nhiều, việc đồng càng thêm giỏi giang và sẵn sàng gánh vác, đảm nhiệm các công việc nặng nhọc vốn là của cánh mày râu: “Ở làng quê ta, cày bừa giờ gái thay trai/ Từ luống cao đồng trũng ruộng ngoài/ Cày khéo tay nổi tiếng thôn đoài/ Thay trai, nay gái đua tài” (Đường cày đảm đang – An Chung). Dẫu công việc có nặng nhọc, dẫu có xa cách gái/ trai, vợ/ chồng – Bắc/ Nam, nhưng nghe đâu đó vẫn là tiếng ca yêu đời được cất lên từ chính những hoàn cảnh đó, của những con người đó. Niềm hy vọng, rồi tin tưởng vào ngày thống nhất Bắc – Nam sẽ đến; đến trong niềm vui mộc mạc, thanh bình trong không gian thôn dã: “Giặc tan anh về/ Đón anh thăm đường cày”.

Cuốc bẫm cày sâu, chân lội dưới bùn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đó là nghề vô cùng vất vả, nhất là trong thời buổi chiến tranh vắng bóng anh, bóng chàng, thế nhưng nhạc sĩ Hoàng Vân đã biết thổi một luồng sinh khí dồi dào, tạo cho hình ảnh người phụ nữ trở nên lung linh ngời sáng:”Hỡi ai đã đi năm châu bốn biển/ Mà hỏi có gì đẹp trong cô gái Việt Nam/ Đẹp lắm chứ anh hùng lắm chứ/ Thời đại chúng ta thật là vẻ vang..” Bởi: “Từng cây lúa, từng cây súng/ Dâng tự hào cùng cô gái Việt Nam…”. Rồi vẫn là cái kết có hậu và nên thơ trong sự hồn hậu thân thương: “Mừng chị nhé, mừng em nhé/ Tan giặc về em hát chị nghe” (Hai chị em – Hoàng Vân).

Chính sự đánh giá và tôn vinh đúng mức vai trò của người phụ nữ, nên trong giai đoạn cả nước cùng đánh Mỹ, chị em càng có tránh nhiệm hơn trong việc ruộng đồng bắt: “Đất với người cùng một dòng suy nghĩ/ Ấy phải làm gì cho tiền tuyến hôm nay” (Bài ca 5 tấn – Nguyễn Văn Tý). Và: “Bắt đất tăng thêm mùa/ Nhớ lời dạy của Bác Hồ chị em mình chung tình chăm lo vun xới/ Tay ta quen nắm seo cày giục trâu bước tới/ Như thể bao người từng quen mà xốc tới đánh Mỹ tơi bời/ Ta hát vang lên ới chị em ơi/ Nào ta hát vang lên ới chị em ơi” (Nón trắng trên đồng – Thái Cơ).

Các nhạc sĩ không chỉ dành tình cảm để xây dựng hình tượng và ca ngợi người phụ nữ trên đồng ruộng, mà ở lĩnh vực khác chị em cũng dành được tình cảm ấy. Nhạc sĩ Nguyễn văn Tý đã trải lòng khi viết về công việc chăn nuôi: “Tôi đến thăm bao nhà người giỏi chăn nuôi/ Cũng chồng đi vắng thường ít gặp/ Con thơ luôn níu áo mẹ chơi/ Đây những con người thắm tình hợp tác/ Sớm hôm gánh vác bao việc chung/ Nắng hạ mưa đông người vững lòng vun xới/ Nên thành gái giỏi thơm tiếng chăn nuôi/ Những mùa cơm mới vẫn nhớ lại công người/ Nghĩ về non nước ta càng mến yêu người” (Người giỏi chăn nuôi – Nguyễn Văn Tý). Về đề tài này, nhạc sĩ Xuân Giao viết Câu chuyện chăn nuôi cũng là để ca ngợi chị em: “Nghìn con lợn béo, cân đều trăm cân/ Bao nhiêu gian khổ (ấy) em đã từng…/ Thương ai đi xa em giữ trọn lời/ Chốn quê hương, em nhận thay người đâu dám quên”. Không chỉ công việc đồng áng nơi hậu phương, mà chị em còn lo lắng, quan tâm đến người yêu, người chồng nơi tiền tuyến thông qua những việc làm tưởng đơn giản, nhưng rất thiết thực. Toàn bộ tâm trí, tình cảm được gửi vài mũi chỉ đường kim vá áo cho anh “để mùa đông đỡ rét, để mùa hạ che mưa”. Không còn là tình cảm riêng tư nữa, mà đã vượt lên một cung bậc cao hơn vì mục đích: “Miền Bắc, miền Nam ta chung tay đánh Mỹ rửa thù cho làng quê/ Tiền tuyến trai anh hùng, hậu phương gái đảm đang” (Khâu áo gửi người chiến sĩ – Nguyễn Đức Toàn).

Một mảng vô cùng quan trọng, đó là công việc của chị em nơi chiến trường lửa đạn cũng được các nhạc sĩ phản ánh vô cùng sinh động. Những chặng đường Trường Sơn bụi mù khói bom đạn, thời tiết thì khắc nghiệt, nhưng đã có bao nhiêu cô gái tuổi thanh xuân đến đây mở tiếp những chặng đường ra tiền tuyến để “cho từng tuyến xe anh qua”. Mỗi đoạn đường đều “in dấu chân em/ Đường Trường Sơn yêu biết mấy/ Khi miền Nam sáng trong lòng em” (Đường Trường Sơn xe anh qua – Văn Dung). Cũng đối tượng là các cô gái trên những tuyến đường ấy, giống như nhạc sĩ Văn Dung ca ngợi sự hồn nhiên vui tươi coi thường hiểm nguy, nhạc sĩ Xuân Giao còn có sự cảm phục: “Phải chăng em cô gái mở đường/ Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát/ Ôi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường” (Cô gái mở đường – Xuân Giao).

Tôi vẫn biết rằng, một tác phẩm thanh nhạc nói chung và ca khúc nói riêng chỉ tiếp cận phần lời là chưa đủ. Giai điệu âm nhạc kết hợp với lời ca mới tạo nên diện mạo của một ca khúc. Đặc biệt, phải có giai điệu âm nhạc và thông qua đó người nghe mới thấy được cái tinh thần và không khí của thời đại. Dẫu vậy, chẳng còn cách nào hơn là phải đề cập tới phần lời và coi như, tôi hoặc ai đó đã thuộc và thấm phần giai điệu của các bài hát. Cái cốt yếu của sự nhắc nhớ qua một số lời ca của các bài ca khúc được nêu ở trên, chính là để nhìn thấy tính nhân văn của các nhạc sĩ, khi họ biết hòa và biết đề cao vai trò của đối tượng được phản ánh. Họ đã biết cộng cảm, chia sẻ, động viên chị em trong năm tháng khói lửa chiến tranh. Nói cách khác, không ít nhạc sĩ đã đề cao trách nhiệm của một công dân đối với tổ quốc, họ nhìn nhận và đánh giá thực tại trong mối quan hệ nhiều chiều, hướng tới tương lai để từ đó tạo nên một sức mạnh tinh thần, giúp nhân dân nói chung và chị em nói riêng vượt qua gian khó để đóng góp sức người và của cải cho tổ quốc.

Cuộc chiến nào rồi cũng đến hồi kết. Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, non sông được thu về một mối. Niềm vui tràn ngập trên khắp phố phường, các làng quê từ Bắc tới Nam. Và cũng từ đây, trong sâu thẳm của niềm vui bất tận đã xuất hiện nhiều nỗi buồn. Bao hy vọng của nhiều chị em, ngày xưa tiễn anh lên đường để ngày thống nhất được “đón anh thăm đường cày” đã không thành hiện thực. Cuộc chiến tranh đã kết thúc, nhưng nhiều mối tình lại dang dở. 15 năm nhân dân ta bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, rồi sau đó bước vào thời kỳ đổi mới, nhưng không ít nỗi đau khó có thể hàn gắn lành lặn được. Thời gian trôi cứ trôi, các chị ngày nào còn phơi phới thì nay đã bước sang tuổi xế chiều… Và, những người chị ấy giờ đây có thể là: “Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo/ Ô hay trời không nín gió cho ngày chị sinh/ Ngày chị sinh, trời cho làm thơ/ Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở/ Cho làm câu hát để người lý lơi” (Chị tôi, thơ Đoàn Thị Tảo, nhạc Trọng Đài). Hay: “Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo/ Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi/ Chị thương hai đứa em, thương mẹ già còn đau/ Chị chưa muốn lấy chồng/ Rồi một đêm sáng trăng có một người đàn ông qua/… Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu/ Để chị tôi ngóng chờ mắt lệ dài/ Hàng cau đau trái cau, bao lá trầu buồn theo/ Chị tôi chưa có chồng” (Chị tôi – Trần Tiến). Hoặc “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im” (Đất nước, thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Phạm Minh Tuấn). Rồi cũng có thể: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che/ Chiều biên cương trắng trời sương núi/ Mẹ già mỏi mắt nhìn theo/ Việt Nam ơi Việt Nam/ Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con…” (Màu hoa đỏ, thơ Nguyễn Đức Mậu, nhạc Thuận Yến)…

Vẫn biết chiến tranh là vô cùng khắc nghiệt, súng đạn chẳng từ một ai, nhưng có một điều khiến nhiều người day dứt, đó là từ ngày thống nhất đất nước đến nay, số lượng những bài hát thuộc dạng trên ngày càng ít đi. Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, nói cho bóng bẩy là, đã có sự chuyển đổi trong thẩm mỹ của một số tác giả trẻ, do đó vẫn có không ít ca khúc viết về người phụ nữ, nhưng là những người phụ nữ thuộc tầng lớp khác. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên trong ca khúc dạng này, hình như họ đang có xu hướng từ chối truyền thống văn hóa của ông cha: khát khao da nâu, mắt biếc, môi trầm…; thích hưởng thụ: đi ăn kem bờ hồ, mặc váy ngắn hay quần yean, đi giày cao gót; thích những cuộc tình tay đôi tay ba, sau đó ủ ê, buồn chán không còn sinh khí để sống…

Người ta thường đổ lỗi cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ của cơ chế kinh tế thị trường đến đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung và đời sống âm nhạc nói riêng. Theo tôi, cơ chế nào thì cũng do con người tạo ra, sự ảnh hưởng đó chỉ là phần nhỏ, không mang yếu tố quyết định tới sự sống còn của đối tượng được phản ánh trong tác phẩm. Vậy thì vấn đề ở đây thuộc về bản thân của chủ thể sáng tạo, nếu không phải là sự vô tình với lịch sử, không phải sự nhạt lòng đối với đối tượng cần được phản ánh, thì có lẽ cái còn lại thuộc về lĩnh vực của phông văn hóa, đó là cách ứng xử của kẻ ăn quả và người trồng cây.

Vì cuộc sống hạnh phúc của ngày hôm nay, mà bao người phụ nữ những năm kháng chiến đã hiến dâng tuổi thanh xuân cũng như hạnh phúc gia đình của họ cho tổ quốc. Nay lớp người ấy đã về già, chẳng ít người trong cuộc sống thường nhật gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Các mẹ, các chị cần lắm sự quan tâm của xã hội mà các nhạc sĩ không phải là người không có trách nhiệm ấy. Hãy đem đến nhiều giai điệu và lời ca mang tính nhân văn để động viên những con người một thời đã góp sức viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Dẫu nay cuộc sống thực tại phải bước chân xuống bùn, run rẩy trong trời chiều thì các mẹ các chị không có cảm giác bị bỏ rơi, vẫn tìm được niềm tin trong cuộc sống. Đó, âu cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của những nhạc sĩ chân chính.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Nguyễn Đăng Nghị

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *