Đào tạo sau đại học ngành âm nhạc, cái nhìn hình vòng xuyến

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, đào tạo sau đại học đang là vấn đề mang tính thời sự đối với sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam. Một bức tranh nhiều sắc màu đậm nhạt khác nhau, tạo cho người trong, ngoài cuộc có những cung bậc tình cảm vui buồn lẫn lộn thật khó diễn tả. Nếu trên phương diện lý thuyết, vui vì ngày càng có nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước; còn thực tế lại buồn, bởi chất lượng nguồn nhân lực do một số cơ sở đào tạo ra không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Tình trạng này là do hệ quả mang tính dây chuyền, nó không có biên giới riêng cho một cơ sở nào trong việc đào tạo sau đại học ngành âm nhạc.

Tôi không có khả năng khái quát vấn đề, do đó xin được vòng vo kể 2 câu chuyện. Tôi đồ rằng, chuyện này không mới với những người làm công tác đào tạo, nhưng hy vọng ở một kênh khác, sẽ tìm được sự cộng cảm với nhiều người thực sự có năng lực, nhưng không có điều kiện tiếp tục học tập, đồng thời qua đây để họ thấy rõ hơn một số đường nét cơ bản trong bức tranh đào tạo sau đại học nhiều màu sắc này.

Cách đây hơn 10 năm (2005), tôi và một số bạn bè ngồi uống cafe tại một quán ven đường, đang huyên thuyên chuyện đời, chuyện nghề, bỗng nhiên có người đến, đưa lá đơn, xin anh bạn tôi chữ ký. Nhìn qua lá đơn, chẳng nể sự có mặt của mọi người, bạn nói lớn: ông đã tốt nghiệp cao học, đạt trình độ thạc sĩ rồi mà không biết viết cái đơn à? Ông về viết lại, khi được, cầm đến ký sau. Trước khi về, thạc sĩ này nói: thày thông cảm, vì em là dân chuyên ngành, khả năng viết lách có hạn… Công việc giữa hai người coi như đã xong, nhưng cái dư âm vẫn còn để lại cho mấy người bạn tôi đang ngồi đó. Họ, từ trạng thái ngỡ ngàng rồi chuyển sang sự hoang mang, bởi không ai tin nổi, đã đạt tới trình độ thạc sĩ lẽ nào không viết nổi lá đơn.

Hơn 10 năm, câu chuyện tưởng đi vào dĩ vãng, nhưng do quy luật của sự vận động, nói chính xác hơn là do nhu cầu mang tính chiến lược của ngành giáo dục nước nhà, mà một số người trong lứa, lớp thạc sĩ trên, tiếp tục học lên và nay đã được cấp bằng tiến sĩ. Các tiến sĩ này lại gánh trên vai một “trọng trách lớn và sứ mệnh vinh quang” là đào tạo thế hệ kế tiếp với tư cách là người hướng dẫn, hoặc thành viên phản biện trong các hội đồng chấm luận văn cao học chuyên ngành văn hóa nghệ thuật.

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ được ít lâu, “không có trâu thì bắt bò kéo cày”, dẫu sao, tôi thật may mắn được một số cơ sở đào tạo giao cho phản biện (độc lập và phản biện trực tiếp trong hội đồng) mấy luận án tiến sĩ (cả ở khối văn hóa và khối nghệ thuật). Nhớ một lần cách đây không lâu (2011), tôi phản biện độc lập (phản biện kín) luận án tiến sĩ thuộc khối chuyên ngành nghệ thuật. Luận án dài gần trăm trang, nhưng rất khó tìm thấy bóng dáng của NCS, mà chỉ nhìn thấy tri thức của người khác. Kết luận phản biện, tôi đề nghị NCS sửa và trích dẫn cho rõ ràng, yêu cầu cho tôi xem lại lần 2.

Lần thứ 2, NCS không nắm được quy chế đào tạo tiến sĩ, nên rất hồn nhiên tự đổi tên đề tài, thêm được mấy trang về thực trạng của trường, nên luận án dài 101 trang. Tuy nhiên, vẫn như lần trước NCS vẫn không chịu sửa, mặc dù tôi đã chỉ rõ nguồn từng trang. Tôi yêu cầu NCS phải thực hiện trích dẫn cho đàng hoàng, minh bạch, đó là điều cần có đầu tiên của người làm công tác nghiên cứu. Rồi với cuốn luận án không sửa (hoặc sửa không đáng kể), một ngày đẹp trời, cũng do tính nhân văn của hội đồng mà NCS nọ đã bảo vệ thành công. Thế rồi chẳng bao lâu, tiến sĩ ấy bị chính người trong cơ quan – nơi anh ta công tác, tố giác về tội đạo văn. Báo chí vào cuộc, Bộ GDĐT ra quyết định đề nghị cơ sở đào tạo treo bằng (không phải hủy bằng). Hiện tại thì mọi việc đã ổn thỏa, tấm bằng vẫn được trao cho chủ nhân của nó. Qua vụ việc trên, tôi không có ý tự đề cao mà luôn có ý thức muốn giữ tên tuổi cho một số giáo sư đáng kính. Dẫu việc làm và ý nghĩ đó là tốt, nhưng đôi khi vẫn bị nhiều người trong giới cho là mụ dì ghẻ khó tính? Qua đây tôi hiểu được một phần, thế nào là tính nhân văn trong một số hội đồng bảo vệ luận văn, luận án hiện nay.

Cũng xin nói lại rằng, việc dẫn ra 2 trong nhiều câu chuyện ở đây, tôi hoàn toàn không có ý đồ chê bai người khác, mà chủ yếu dựa vào đấy tìm ra mối liên hệ nào đó, chí ít là cách tư duy của người học chuyên ngành, hay sự tương tác giữa người hướng dẫn khoa học và học viên… Trên cơ sở đó, sẽ có cái nhìn khách quan, để bình tĩnh giải thích và cắt nghĩa được một số vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo sau đại học và sâu xa hơn là thực lực của những người có được tấm bằng đó thế nào.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở đã đào tạo cho ngành âm nhạc với các chuyên ngành như Âm nhạc học, Lý luận phương pháp dạy học âm nhạc… Dân âm nhạc còn có thể học ở các cơ sở đào tạo khác với các chuyên ngành: văn hóa học, văn hóa dân gian… Nhiều trường với ưu thế riêng, đã tạo được một sức hút mạnh mẽ so với một số cơ sở khác cùng đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Số lượng học viên mỗi năm một tăng, hàng năm được bổ sung thêm mã ngành mới, đó chính là bằng chứng sống động mà chẳng ai có thể phủ nhận được. Dẫu số lượng học viên khá đông, nhưng chất lượng đào tạo luôn là vấn đề được ban lãnh đạo của các cơ sở quan tâm hàng đầu, đó là nhận thức hoàn toàn đúng đắn, là trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục đối với sự phát triển của đất nước.

Tôi thật may mắn, được một số cơ sở phân công hướng dẫn học viên viên cao học chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Quản lý văn hóa, Văn hóa học. Trong quá trình làm việc, tôi nhận một số trong nhiều vấn đề mà học viên luôn tỏ ra lúng túng, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu ra của một số cơ sở đào tạo.

Thứ nhất, về phía học viên, khi mới bắt đầu vào học, đa số họ tỏ ra hứng khởi, bởi được đào tạo trong môi trường mới, với trình độ cao hơn. Tuy nhiên, sự hứng khởi đó chẳng được bao lâu, thì gặp phải thử thách đầu tiên là việc xây dựng đề cương, tiếp theo là trả một số chuyên đề bằng hình thức tiểu luận. Đây thực sự mới chỉ là khó khăn ở chặng đầu mà học viên gặp phải, nhưng đã bộc lộ khá đầy đủ ưu – nhược điểm về tri thức của mỗi người.

Đa phần học viên tỏ ra lúng túng trong việc chọn lựa tên luận văn. Luận văn dễ có sự trùng lặp về ý tưởng cũng như câu chữ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi một mặt, không ít học viên điểm xuất phát chuyên môn là cao đẳng chính quy, sau tiếp tục học đại học tại chức hoặc liên thông; mặt khác một phần cũng do tính chất của chuyên ngành quy định, nhưng có lẽ cái quan trọng nhất vẫn là sự không linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề của học viên.

Ví dụ, đối với chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, vô hình chung đã hình thành một mô hình, mô thức, dạng thức cho tên của luận văn. Tên của luận văn thường bắt đầu bằng từ: nghiên cứu, đề xuất, đổi mới, biện pháp, đưa vào, nâng cao… Nhiều người với tư duy thiếu logic dẫn tới tên luận văn dài dòng, vô định, nhiễu loạn thông tin về ngoại diên, không có nội hàm và bấp bênh về đối tượng nghiên cứu. Chẳng hạn, nếu tên luận văn là: Nghiên cứu đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong dạy học phân môn học hát cho học sinh lớp 6 tại Trường Trung học cơ sở Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, hoặc Đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy soạn đệm ca khúc trên đàn phím điện tử cho sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Y… thì rõ ràng không thể chấp nhận được.

Dạng luận văn: nghiên cứu, đề xuất, đổi mới, biện pháp, đưa vào, nâng cao, rút ra… thực chất mục đích của người viết là hướng tới cải thiện việc dạy và học ngày càng có chất lượng hơn. Nhưng xem ra, những học viên khóa sau nhận thấy mô thức, dạng thức này không hay, lại có sự trùng ngẫu lớn, vì thế họ quyết tâm tìm ra cách đặt vấn đề mới. Ví như: Dạy học ca khúc mang chất liệu dân ca trong môn thanh nhạc cho sinh viên sư phạm âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh A, hoặc Dạy nhạc jazz trong môn lịch sử âm nhạc cho sinh viên sư phạm âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm tỉnh B hoặc Aria của Franz Schubert trong dạy học thanh nhạc trường Đại học A… Cách đặt vấn đề này, theo tôi cũng chẳng thể chấp nhận được, bởi ngoài sự không rõ ràng về nội hàm, nó còn cho thấy người viết không nắm chắc về mối quan hệ từ, quan hệ hô ứng cũng như sự đăng đối cả về ý, tứ trong ngữ pháp tiếng Việt. Điều này không nên vin vào cớ vì học chuyên ngành hay cơ sở đào tạo chuyên ngành sâu (như câu chuyện thứ nhất tôi đề cập ở trên) để biện bạch, che đậy cho lỗ hổng kiến thức văn hóa phổ thông của họ.

Thứ hai, khi bắt tay vào làm luận văn, do chưa quen với cách tư duy khoa học (lôgic), mặt khác trong tâm thức của một số học viên luôn cho rằng mình là người học chuyên ngành, kết hợp nhiều vấn đề khác tác động, làm cho sự nhiệt huyết của những ngày đầu đã dần tan biến. Đến lúc đó, không ít học viên, coi việc làm luận văn chẳng còn là mục đích tự đào tạo chính đáng nữa, mà đã chuyển sang màu sắc thực dụng, tìm mọi cách, bằng mọi giá để làm cho xong. Bởi thế, việc chép công trình của người khác với thái độ hồn nhiên, vô tư để đưa vào luận văn của mình (như câu chuyện thứ hai tôi đề cập ở trên) không phải là hiếm gặp. Đã có hiện tượng học viên không chịu viết luận văn,mà nhờ hoặc thuê người khác làm, trường hợp như vậy, thì việc sao chép, cắt ghép tri thức của các nghiên cứu trước đó là điều không thể tránh khỏi.

Có một vấn đề nữa mà tôi không thể không đề cập tới, đó là tính chân xác và khả năng ứng dụng, áp dụng của luận văn. Nhiều học viên năng lực kém, nhưng bằng chiến dịch bàn tay dài (nếu không muốn nói là quá liều) sẵn sàng can thiệp một cách hồn nhiên ở những vùng ngoài địa hạt của mình. Không dạy, hoặc thậm chí chưa đi dạy, nhưng rất vô tư chỉ ra những điểm yếu trong việc dạy học âm nhạc của giáo viên ở một trường nào đó, rồi đề ra những giải pháp, kiến nghị để đổi mới…

Những luận văn như các dạng trên, rõ ràng tác giả chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đầu tiên của một nhà nghiên cứu, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đối với một số ít học viên, làm luận văn bằng cách này hay cách khác, chất lượng ra sao không cần quan tâm, mà mục đích cốt là lấy được tấm bằng thạc sĩ. Có tấm bằng là một lợi thế lớn đối với nhiều người: có thể chuyển từ giáo viên tiểu học, trung học lên giảng viên đại học; có cơ hội nhiều hơn trong việc biên chế xét tuyển và làm lãnh đạo… Những cơ hội này, chắc ít người từ chối vì lý do là học chuyên ngành.

Thứ ba, phải nhìn nhận chất lượng đào tạo sau đại học là hệ quả của quá trình dài lâu, từ tiểu học đến đại học rồi các chuyên đề của cao học, mà công đoạn cuối cùng là sự tương tác giữa người hướng dẫn khoa học và học viên. Người học hiện nay đang sống trong môi trường thông tin đa chiều, cho dù phông văn hóa của một số người hơi mỏng, nhưng họ vô cùng thông minh trong việc truy cập tài liệu trên mạng. Ngược lại người hướng dẫn khoa học không phải là thánh, họ còn bị chi phối bởi nhiều công việc ngoài chuyên môn. Tuy nhiên, chất lượng luận văn tốt hay không, bên cạnh khả năng của học viên, thì vai trò của người hướng dẫn là vô cùng quan trọng.

Thứ tư, đào tạo sau đại học, có thể được ví von như việc canh tác mùa vụ, bên cạnh nhiều hạt chắc mẩy, vẫn có hạt xanh lép, đấy là điều hiển nhiên, phù hợp với quy luật vận động của xã hội. Chỉ có nhìn nhận như vậy, mới có niềm vui, trên cơ sở đó sẽ đánh giá đúng thành quả lao động của đội ngũ giảng viên, người hướng dẫn khoa học và học viên.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : NGUYỄN ĐĂNG NGHỊ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *