Vài nét về giai điệu trong hát bồng mạc

Là một trong những thể loại dân ca của người Việt vùng châu thổ sông Hồng, trước đây, hát bồng mạc phổ biến ở nhiều tỉnh thuộc khu vực này. Tuy nhiên, khi Viện Âm nhạc thực hiện dự án Nghiên cứu dân ca vùng châu thổ sông Hồng, việc khai thác tư liệu gặp khá nhiều khó khăn. Bài bản hát bồng mạc hiện nay đã thất thoát đáng kể, còn rất ít các bậc cao niên hát được thể loại này. Bài viết dựa trên bài bản ký âm của nhạc sĩ Đặng Bá Oánh với tư liệu thu thanh của các nghệ nhân: Mai Thị Miên (78 tuổi) ở Thái Bình; Phạm Duy Từ (82 tuổi) ở Thái Bình; Nguyễn Thị Huệ ở Hải Phòng; Phạm Văn Mùi (62 tuổi) ở Hải Phòng.

1. Khái quát về hát bồng mạc

Hát bồng mạc không có quy định chặt chẽ về thời điểm, thời gian trình diễn mà tùy thuộc vào tâm trạng của mỗi cá nhân, được thể hiện dưới dạng hát ngâm ngợi, nhịp điệu tự do. Do thể loại không mang tính thi thố, không nhằm mục đích giao duyên đối đáp nên hát bồng mạc ít được đưa vào giao lưu trong các dịp lễ hội. Nội dung hát bồng mạc chủ yếu nói về những cảnh vật trong cuộc sống, tâm sự tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, những công việc hàng ngày… Trong các bài hát bồng mạc thường nhắc tới đình, miếu, cây đa, giếng nước… điều đó cho thấy văn hóa làng đã thấm sâu trong lòng người dân, trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống của họ. Kia mái đình, cây đa, giếng nước/ Đây ngôi nhà hợp tác mới dựng lên/ Đây đường mới đắp thẳng hàng cây xanh bóng mát/ Đây cánh đồng ta lúa nặng hạt trĩu bông.

Đình là nơi thờ tự linh thiêng của cộng đồng làng, là nơi tất cả mọi người đều tôn thờ và thờ phụng một cách tôn nghiêm. Đây cũng là nơi sinh hoạt, hội họp mỗi khi có những sự kiện lớn của làng… Đình làng đã trở thành người bạn thân thiết, là nơi tin tưởng để gửi gắm tâm sự và bày tỏ cảm xúc. Qua đình ghé nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói (ta) thương mình bấy nhiêu.

Lời ca trong hát bồng mạc được hình thành bởi thơ lục bát, lục bát biến thể, thơ 7 từ, 4 từ. Giai điệu hát bồng mạc được tiến hành trên cơ sở thang 5 âm không có bán cung: la – đô1 – rê1 – mi1 – sol1 tương ứng với cung nam, rê1 – mi1 – sol1 – la1 – xi1 tương ứng với cung bắc. Khi tiến hành giai điệu, các thang âm này đôi khi trở thành thang 5 âm khuyết, chỉ có 4 âm, nhưng tính chất âm nhạc vẫn được thể hiện rõ bởi cách luyến láy và cấu trúc khá ổn định của thanh điệu.

2. Kỹ thuật phổ thơ, nhịp điệu

Về phổ thơ, phổ biến theo cách xuôi chiều, nhắc lại cụm từ, điệp từ. Trong quá trình phổ thơ, các từ đệm lót, đưa hơi, các từ đệm phụ có vai trò rất quan trọng tạo nên phong cách của hát bồng mạc.

Từ phụ có nghĩa được dùng là ta, đôi, nay… thường được xen vào lời thơ chính nhằm bổ sung và làm rõ nghĩa hơn cho lời ca. Từ phụ không có nghĩa được dùng là thời, mà, chứ, ấy mấy, đôi thời, ơi chứ, này ai ơi, ơi chứ ai ơi… được dùng nhằm bổ sung hoàn thiện cho ý nhạc. Ngoài ra, các tiếng đưa hơi cũng được sử dụng, đó là những âm i…, a… bổ trợ cho nhịp thơ và tạo đường âm luyến láy khi về kết.

Hát bồng mạc vận dụng thủ pháp phổ thơ xuôi chiều bằng cách đưa vào câu hát những nguyên âm ia nhằm đưa hơi và thực hiện luyến láy. Chẳng hạn lời thơ: Chỉ thề nay có bên dòng nước biếc/ Đạo hạnh ấy ta chớ có quên. Khi hát trở thành: Chỉ thề nay i… a… bên i… dòng nước biếc i…/ (ấy mấy) a… đạo i… hạnh ấy ta chớ có a… quên

Ngoài ra, các từ đệm phụ đã tạo nên cấu trúc âm nhạc thêm phần ổn định, trong nhiều trường hợp các cụm từ đệm gồm ba, bốn từ đã tạo nên câu nhạc khá dài, phá vỡ cấu trúc cân bằng trong âm nhạc. Ví dụ: Ai khéo xe xăn ơi chứ ai ơi/ Thuận thời mà cầm lấy tay/ Thời này giao mặt/ Cầm lấy tay thời giao mặt ta dặn rằng

Thủ pháp nhắc lại từ, cụm từ cũng là kỹ thuật phổ thơ được dùng nhiều trong hát bồng mạc. Cụm được nhắc lại có thể gồm ba từ như câu hát: Duyên phận (ta) phải chiều/ Duyên phận (đôi) chúng ta/ Duyên phận (ta) phải chiều. Khi hát trở thành: Duyên phận i… (ta) phải chiều này ai ơi í… đôi thời (đôi) chúng i… ta/ Thời này, a duyên i… ơi phận (đôi) chúng ta thời/ Duyên i… phận (ta) phải i… chiều. Hoặc nhắc lại cụm năm từ: (Ta) rủ nhau lên miếu (ta) xuống đền. Khi hát trở thành: (Ta) rủ nhau a nhau (thời) a (này) a lên i… ơi a miếu (ta) rủ nhau (thời) lên a miếu (ta) xuống i… đền i…

Bên cạnh đó, thủ pháp dùng điệp từ cũng khá phổ biến. Có thể điệp một từ hoặc hai từ như câu hát: (ấy mấy) a đạo i… đạo hạnh này ta chớ có a quyên hỡi chứ ai ơi… hoặc: Gương soi, lược giắt, trâm i… cài i… trâm cài con bước i… i… ra.

Như vậy, phổ thơ trong hát bồng mạc khá đa dạng. Phổ biến là thủ pháp phổ thơ xuôi chiều, nhắc lại cụm từ, điệp từ. Đặc biệt, dù được phổ thơ ở thủ pháp nào cũng đều sử dụng các từ đưa hơi, từ đệm lót để thực hiện luyến láy. Trong đó, thủ pháp nhắc lại cụm từ thường tạo nên những câu nhạc khá dài, mở rộng khuôn khổ cấu trúc âm nhạc.

Về nhịp điệu, bồng mạc là thể loại hát ngâm ngợi, tự do nên cách phân nhịp thơ, hình tiết tấu rất đa dạng, tùy thuộc vào việc người ngâm muốn nhấn mạnh ngữ nghĩa của từ nào thì từ ấy sẽ được dừng lại một thời gian lâu hơn để luyến láy, dẫn đến dự phân ngắt phá vỡ quy luật phổ biến. Những yếu tố đó cùng với quy luật tiến hành giai điệu đã làm cho hát bồng mạc mang tính ngâm ngợi tự do trên khuôn khổ cho phép của thể loại này.

Với thơ lục bát, câu lục có thể được chia thành những cú đoạn nhỏ như: 6 = 2 (1 + 1) + 4 (3 + 1), câu bát với tiết tấu nhịp thơ kiểu đồng độ, không dừng lại ở ca từ nào mà được hát chậm dần đều theo kiểu 8 = 8 hoặc nhịp thơ chia thành những cú đoạn nhỏ: 8 = 4 (2 + 2) + 4 (1 + 1 + 1 + 1); thơ 7 từ phổ biến là lối phân ngắt lẻ trước chẵn sau theo cấu trúc 7 = 3 + 4 (2 + 2); thơ 4 từ phổ biến là lối phân ngắt thành hai nhóm chẵn 4 = 2 + 2.

3. Mối quan hệ giữa thanh điệu và cao độ

 Hát bồng mạc được hình thành trên cơ sở dấu giọng phát âm của miền Bắc, đồng thời với những âm điệu riêng, vận dụng trên nguyên tắc: thanh sắc (/) ứng với âm c2 hoặc d2 = âm vực cao; thanh hỏi, ngã ( ? ~ ) ứng với âm a1 = âm vực trung; thanh huyền, hỏi, nặng ( ? . ) ứng với âm a, e1 hoặc c1 = âm vực thấp.

Các thanh điệu ứng với âm vực như trên đã kết hợp với những quãng đặc trưng tạo nên âm điệu riêng của hát bồng mạc. Thanh (/) có thể được hát quãng 3 đi lên (a1 – c2), quãng 2 đi lên (c2 – d2), tiêu biểu hơn cả là được luyến lên một quãng 8, từ âm (a – a1, c – c1). Nếu trong hát sa mạc quãng 8 là quãng đặc trưng được hát luyến lên ở thanh (?) thì ở hát bồng mạc chiếm ưu thế cho các quãng 8 là thanh (/).

Ví dụ 1: Thanh (?) được hát ở âm vực thấp, theo chiều hướng đi lên hoặc đi xuống quãng 3, quãng 4.


 

Ví dụ 2: Thanh (-) được hát ở âm vực trung, ngoài ra còn thường được dùng để tạo luyến láy. Các nhóm âm luyến láy ở thanh (-) thường xoay quanh các âm chính của làn điệu.


 

Ví dụ 3: Thanh (~) thường được bắt đầu từ âm thấp sau đó luyến lên âm vực trung một quãng 3 hoặc 4, ít xuất hiện ở âm vực cao.


 

Ví dụ 4: Thanh (.) có cao độ ở âm a, e1, c1 hoặc luyến láy xoay quang âm a, âm e1


 

Ví dụ 5: Thanh ( ) được hát ở âm a hoặc NÂLL xoay quanh âm a.


 

4. Các nhóm âm luyến láy (NÂLL) tạo nên mô hình giai điệu

Hát bồng mạc thường có mô hình luyến láy xoay quanh âm điệu của ca từ, đặc biệt là luyến láy để về kết câu, kết bài. Các NÂLL được thực hiện bằng cách vận dụng các âm chính trong thang âm của bài xoay quanh một âm cố định (a; e1; a1). Cụ thể: các NÂLL xoay quanh âm a1 dùng cho các từ có thanh không và sắc; xoay quanh âm e1 dùng cho các từ có thanh không; xoay quanh âm a dùng cho các từ có thanh huyền và nặng.

Ít có các hiện tượng NÂLL xoay quanh các từ có thanh hỏi và ngã. Nếu có chỉ là những mô hình luyến láy ngắn, không có ý nghĩa đặc trưng. Các dạng NÂLL thường gặp như sau:

Có 4 dạng NÂLL dùng để kết câu, kết bài:

NÂLL 1: xoay quanh âm e1 rồi đổ về âm c1. Đây là NÂLL được dùng nhiều nhất để kết câu có ca từ cuối ở thanh ( – ).


 

NÂLL 2: cũng được dùng để kết câu ở ca từ có thanh (-).


 

NÂLL 3: dùng cho ca từ kết có thanh (/), là NÂLL được bắt đầu từ âm a1 lên âm d2 rồi đi xuống âm c1 theo kiểu mô tiến thang 5 âm.


 

NÂLL 4: có đặc điểm là nhóm âm vây xung quanh làm nổi bật vai trò của âm a. Đây là nhóm âm kết cho ca từ có thanh ().


 

Ngoài 4 NÂLL dùng để kết câu, kết bài còn có các NÂLL được sử dụng rải rác trong bài, mục đích là tạo đường nét luyến láy để đổ về âm tiếp theo được nhấn mạnh. Các NÂLL này có đường nét mờ nhạt hơn nên thường dựa vào các NÂLL trên để thực hiện, nhiều khi chỉ nhận thấy như đó là lối hát rung trong cổ họng của người hát và đặc điểm là đường âm hướng tới thanh điệu tiếp theo. Ngoài ra còn có NÂLL theo hướng chuyển động lên xuống nhịp nhàng rồi hướng lên cao trước khi đi xuống âm vực thấp. Tiêu biểu là 2 NÂLL sau:

NÂLL 5:


 

NÂLL 6:


 

Như vậy, trong hát bồng mạc gồm hai NÂLL chính: nhóm 1, là những NÂLL dùng để kết câu, kết trổ và kết bài. Đây là những cơ sở cho sự luyến láy đa dạng của nhóm thứ hai; nhóm 2, NÂLL rải rác trong bài, tùy thuộc vào thanh điệu của ca từ để hình thành trên cơ sở NÂLL thứ nhất. Nhiệm vụ cơ bản của NÂLL này là liên kết giữa hai ca từ có thanh điệu khác âm vực ở các quãng xa. Có hai mục đích: những NÂLL hướng tới ca từ tiếp theo được nhấn mạnh làm giảm bớt sự đột ngột trong giai điệu và NÂLL có đường âm theo hướng đi lên trước khi đi xuống âm vực thấp tạo nên âm điệu đặc trưng.

Hát bồng mạc được hình thành bởi sự kết hợp nhiều thể thơ: thơ lục bát, 7 từ, 4 từ. Từ những đặc điểm về quãng và NÂLL như trên, giai điệu hát bồng mạc có sơ đồ như sau:

Câu lục thường vận dụng giai điệu trên cơ sở NÂLL sau ca từ 1 và 5. Kết câu không sử dụng NÂLL mà chỉ thường luyến xuống quãng 3 từ c1-a.

Mô hình 1:


 

Câu bát có 4 mô hình giai điệu cơ bản. Cả 4 mô hình đều sử dụng NÂLL đặc trưng để kết câu.

Mô hình 2:


 

Mô hình 3:


 

Mô hình 4:


 

Mô hình 5:


 

Với thơ 7 từ, các mô hình giai điệu không dựa vào các NÂLL mà dựa vào quãng, tùy thuộc vào thanh điệu ca từ, đôi khi NÂLL xuất hiện ở kết câu như ở mô hình 6.

Mô hình 6:


 

Mô hình 7:


 

Với thơ 4 từ và lục bát biến thể cũng theo các các mô hình như trên. Trên cơ sở đó, người hát sẽ vận dụng các quãng, các NÂLL đặc trưng kết hợp với mối quan hệ ca từ trong thơ để hình thành giai điệu.

Là loại hát ngâm do cá nhân thể hiện, không mang tính tập thể diễn xướng, không mang hình thức thi thố, tranh tài, nội dung của hát bồng mạc chỉ nói đến những vấn đề đơn giản xoay quanh tình cảm của con người gắn bó với đời sống thường ngày. Trên thực tế, ta còn gặp những biểu hiện tương đồng giữa bồng mạc với một số thể loại khác. Có thể bắt gặp lối ngâm tự do của bồng mạc trong một số làn điệu quan họ hay biểu hiện có ảnh hưởng qua lại với một số làn điệu chèo, mà rõ nhất là ảnh hưởng của nó với hát vỉa trong chèo truyền thống. Là thể loại hát ngâm mang tính tự do, dàn trải, âm điệu buồn da diết, trong quá trình hình thành và tồn tại, hát bồng mạc đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của nền dân ca Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 401, tháng 11 – 2017

Tác giả : ĐỖ THỊ THANH NHÀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *