Hoài thanh và cá tính sáng tạo của nhà văn


Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên. Ông sinh ngày 15-7-1909 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống cách mạng ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hoài Thanh khai sinh văn nghiệp của mình từ năm 1936 với hàng loạt các bài viết đăng trên các báo: Phổ thông, Dân chúng, Gazettede Huế, Tràng An… Sau đó bằng nhiều bài nghiên cứu, phê bình, tiểu luận có giá trị, ông đã trở thành một cây bút lý luận phê bình sắc sảo, có nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu văn học thời bấy giờ cùng cả những ảnh hưởng không nhỏ về sau này.

Trong mối quan hệ văn học, nhà văn, với tư cách chủ thể sáng tạo, là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trước Hoài Thanh, quan niệm về nhà văn rất mờ nhạt, thậm chí chưa thật chính xác. “Nhà văn với tư cách là một nghệ sĩ thực thụ chưa được bàn đến nhiều”(1). Phần lớn những ý kiến về nhà văn được thể hiện qua những lời bạt, lời đề tựa của một số cuốn sách, tập thơ (2), hoặc gián tiếp qua dạng sáng tác như ở các câu thơ của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông… Các tác giả xưa, khi bàn đến vấn đề nhà văn thường chỉ xoay quanh các vấn đề về hoàn cảnh thúc đẩy sự sáng tạo của người nghệ sĩ, về tài cao và đức rộng (3). Tác giả Nhữ Bá Sĩ còn nhấn mạnh nhà văn là “con người gột đức ngưng chí, tầm mắt mênh mông, phong tư trầm tĩnh, đưa tinh thần ra ngoài tám cõi, thả tâm trí trên muôn tầm”(4). Đặc biệt, Lưu Hiệp đã mạnh dạn đề cập đến vấn đề về cá tính và phong cách của nhà văn. Theo ông, văn học là lĩnh vực mà cá tính của chủ thể sáng tạo được bộc lộ một cách rõ nét. Đồng thời mỗi nhà văn “phải có một nét riêng, nhưng chỉ có những cái riêng nào hay, sắc, sâu, tinh… thì mới đáng gọi là phong cách”(5). Đây là một điểm tiến bộ trong quan niệm về nhà văn của các học giả xưa, bắt đầu có ý thức thoát khỏi những ảnh hưởng có tính bắt buộc của giáo lý trung đại. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu xưa chưa đi sâu, phân tích một cách cụ thể quan niệm về cái tài, về cá tính sáng tạo của nhà văn như thế nào, phẩm chất văn chương nghệ thuật của họ ra sao. Khái niệm về nhà văn về cơ bản vẫn để chỉ những người kiêm việc, tức là không có quan niệm về nghệ sĩ thuần túy. Vì thế, vô hình trung vai trò và phẩm chất của nhà văn đối với sự phát triển của văn học đích thực đã không được đánh giá thật xác đáng.

Hoài Thanh, với một cái nhìn mang tư duy lý luận hiện đại, đã đề xuất hệ thống quan điểm mới trên cơ sở tôn trọng tài năng nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhà văn. Ông lấy hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm là trung tâm điểm xuất phát trong quan niệm của mình. Đặc biệt, quan niệm về nhà văn của Hoài Thanh chính là sự mong muốn được giải thoát cho cái tôi cá nhân đã luôn bị văn học cũ kìm hãm để tạo đà cho sức thể hiện mới của văn học nghệ thuật hiện đại.

Hoài Thanh, quan niệm có hai kiểu nhà văn. Một là “nhà văn hoàn toàn” tức là những người bẩm sinh chỉ biết làm văn. Đó là những người mà “hơi gió thoảng, tiếng chim kêu, một người rách rưới lê gót dưới vệ đường, bao nhiêu người đời không để ý”(6) thì lại để lại trong tâm trí họ “những tiếng vang không dứt, những vết thương không bao giờ lành… Tâm trí… luôn luôn đi về những chốn người đời không ngờ tới”(7). Khái niệm “nhà văn hoàn toàn” của Hoài Thanh là một khái niệm độc đáo, mới mẻ, “thể hiện quan niệm rõ ràng về nhà văn như một chủng người đặc biệt. Đó là con người mà tài năng văn học là thiên tính chứ không phải do giáo dục hay trải nghiệm mà thành. Kiểu nhà văn thứ hai, theo ông, không chỉ biết làm văn mà còn có thể làm những việc khác nữa (8). Ở đây, có lẽ Hoài Thanh muốn đề cập đến kiểu người làm nghệ thuật như ông, những người làm công tác phê bình văn học. Hoài Thanh vẫn quan niệm, phê bình cũng là một dạng sáng tác văn học. Phê bình và nghệ thuật là cùng một mục đích, một tính cách, tức là chúng chỉ khác nhau về hình thức, còn về bản chất thì thống nhất. Ông khẳng định: “Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật. Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình. Nói một cách khác, nghệ thuật là phê bình tự nhiên mà phê bình là một lối nghệ thuật gián tiếp, một lối nghệ thuật lấy nghệ thuật làm tài liệu”(9).

Đưa ra hai kiểu nhà văn, Hoài Thanh còn nhằm phân biệt giữa nhà văn và nhà báo. Ông cho rằng dù thế nào, dứt khoát là nhà văn khác nhà báo. Trong khi đó đối lập với ông, Hải Triều lại gần như đồng nhất nhà văn với nhà báo, vì với Hải Triều họ đều làm những công việc phục vụ cho các tư tưởng xã hội. Hoài Thanh khẳng định: “Nhà báo chỉ mong thay đổi một thời, nhà văn có hy vọng ảnh hưởng đến lòng người mãi mãi; nhà văn muốn trao mỹ cảm cho người xem, nhà báo nếu cũng có ước muốn ấy sẽ trở thành nhố nhăng rồ dại”(10). Đương nhiên Hoài Thanh không cho rằng nhà văn phải quay lưng lại với xã hội, với cuộc đời, để chỉ toàn nói những chuyện trong cõi mơ, cõi mộng. Ông chỉ chủ trương quan tâm đến những yếu tố có giá trị ảnh hưởng lâu dài của văn học. Văn chương chỉ trở thành văn chương đích thực khi nó đạt được giá trị trường cửu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, đối với Hoài Thanh giá trị đích thực của văn chương là đồng nhất với giá trị nghệ thuật vĩnh viễn.

Đương thời, học giả Hoa Bằng cũng có quan niệm tương tự. “Theo tôi, một nhà báo phải là một người hoạt động, phải là người tiếp xúc, lăn lộn với đời… Những bài do ngòi bút nhà báo viết ra có một lối riêng của văn viết báo. Một nhà văn phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều và viết nhiều… Một bài văn thường có tính cách vĩnh viễn hơn một bài báo có vẻ nhất thời (11).

Cả Hoài Thanh và Hoa Bằng đều đưa ra những quan niệm về nhà văn gắn liền với tính cách văn chương. Báo chí song hành cùng đời thực, cùng những sự kiện có tính chất nóng hổi. Đối với báo chí, những mẩu thực tế càng tươi càng quý giá. Với văn chương, cũng rất cần phải có nguồn tài liệu từ thực tế đời sống, nhưng nó muốn trở thành bài văn hay, có giá trị không thể “không có dầu mỡ làm cho trơn chu bóng bảy, không có hoa hòe hoa sói làm cho văn vẻ mỹ miều, không có soi tỉa chạm trổ làm cho vui mắt, không có âm nhạc nhịp nhàng, tiết tấu làm cho êm tai”(12). Đề cao chất văn, tính văn chính là cơ sở để hai ông phân biệt nhà văn và nhà báo.

Điều quan trọng trong quan niệm của Hoài Thanh về nhà văn là dù là kiểu nhà văn nào thì tố chất không thể thiếu là phải có cá tính sáng tạo. Ông nói khá nhiều về vấn đề này và coi đó là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của văn chương. Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng của Hoài Thanh. Với Hoài Thanh, “văn chương cần phải theo bẩm tính của nhà văn”(13). Bẩm tính ở đây chính là cái tài, hay chính là khả năng sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của mỗi nhà văn. Theo Hoài Thanh, thiên chức của nhà văn khi cầm bút là phải sáng tạo ra một thế giới khác ngoài thế giới thực. Để làm được điều ấy thì nhà văn phải có tài. Không có tài, không có bản sắc riêng, nhà văn khó mà có thể tạo được dư ba trong lòng người đọc chứ chưa nói đến việc có thể làm ảnh hưởng đến lòng người mãi mãi. Vì thế, Hoài Thanh tỏ ý đặc biệt trân trọng cái tài, coi nó là một nguồn sống và mong muốn cho nó có một địa vị danh dự. Khi đã công nhận cái tài của nhà văn là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, thì đi liền với nó tất yếu là sự thừa nhận, khẳng định vai trò cá nhân và cá tính sáng tạo của nhà văn trong việc tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị. Vai trò cá nhân và cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn sẽ giống như một nguồn dinh dưỡng nuôi sống, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của cái tài nhà văn, đồng thời là điều kiện để giúp nhà văn thâm nhập và đứng vững trong thế giới văn chương nghệ thuật (14).

Hoài Thanh đưa ra một so sánh khá thú vị trước khi khẳng định về cá tính sáng tạo của nhà văn: “Cây trên rừng muôn ngàn lá không có hai lá giống nhau. Trong rừng người cũng vậy, chưa từng thấy hai người hình dung giống hệt nhau. Hình dung còn thế huống nữa tinh thần”(15). Và “nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này, nhưng thế giới này trong con mắt nhà văn phải có hình sắc riêng”(16). Bởi “cái quan trọng và đáng chú ý không phải là thế giới hiện thực trong đó con người đang sống, đáng chú ý là cái thế giới riêng biệt được tạo ra bởi nhà nghệ sĩ vốn không hề biết bất kỳ sự hạn chế nào trong sự du hý tự do của trí tuệ và tưởng tượng”(17). Do vậy, nếu mỗi nhà văn không có một bản sắc riêng, một hình sắc riêng thì thật khó mà có thể góp phần tạo ra được một nền văn chương phong phú, nhiều màu sắc đẹp được. Hình sắc riêng ấy theo con mắt của nhà lý luận phê bình Hoài Thanh là rất quan trọng.

Lịch sử phát triển của văn học cho thấy, trước đây đã tồn tại lối làm văn theo mẫu; các bài thơ bị quy định bởi niêm, luật, vần, số câu chữ, cách so sánh… một cách tương đối cứng nhắc. Điều này phản ánh nhãn quan và trình độ tư duy của nhà văn trong xã hội cũ. Tư duy đó, nhãn quan đó trong tình hình mới đã dần trở nên lạc hậu khi bối cảnh đời sống xã hội thay đổi, tư duy và nhận thức của con người cũng không còn hạn hẹp trong tầm nhìn có tính chất định hướng của một số người nhất định trong xã hội. Thời buổi gió Âu mưa Á đã tạo ra những thay đổi lớn trong nhận thức và tư duy của người Việt. Sự ảnh hưởng và tiếp thu của văn hóa phương tây, sự biến động của văn hóa phương đông đã tạo điều kiện cho người Việt Nam lần đầu tiên được mở rộng nhãn quan và có được hai tiếng tự do trong nhận thức của mình. Trong lĩnh vực văn học, những cách nhìn và lối thể hiện nghệ thuật theo kiểu truyền thống đã dần được thay thế bằng cách nhìn và bước đi mới nhưng không phải là đã thoát ly hoàn toàn khỏi yếu tố cũ.

Song, để có được cái hình sắc riêng, để có được một cá tính sáng tạo riêng, theo Hoài Thanh, nhà văn cần phải được tự do, nhà văn hòa mình vào tập thể nhưng không được lẫn mình vào đó. Quan điểm của Hoài Thanh là đề cao vai trò của cá nhân trong xã hội, vai trò cá tính sáng tạo của nhà văn giữa làng văn. Sáng tạo trong nghệ thuật đã là điều không hề dễ, sáng tạo để người khác thấy hay và nể phục lại còn khó hơn. Nếu ép nhà văn vào một khung khổ chính trị, đạo đức xã hội một cách cứng nhắc thì nghệ thuật không còn là nghệ thuật nữa mà trở thành tài liệu thuyết giáo cho tư tưởng xã hội mất rồi! Đề cao cá tính sáng tạo cũng chính là cơ sở để Hoài Thanh khẳng định vai trò của nhà văn trong việc bảo vệ và gia tăng nguồn sức mạnh phát triển cho văn chương nghệ thuật. “Ta nên nhớ rằng, để cho nhà nghệ sĩ được tự ý giữ gìn phẩm cách và trách nhiệm riêng của mình, làm thế chẳng những là có ích cho nghệ thuật mà cũng là có ích cho quần chúng. Còn mượn sự kiểm duyệt cùng những thế lực gián tiếp mà xếp nghệ sĩ vào đội ngũ, mặc dầu người ta có muốn hay không, như thế là làm cạn nguồn bao nhiêu tư trào có ích, như thế là ngăn sự phát triển của tư tưởng, một điều nguy hiểm cho hiện tại nhất là cho tương lai”(18)…

Đặc biệt, theo Hoài Thanh: “Nhà văn phải biết nghe, biết thấy, biết cảm xúc, biết suy nghĩ một cách khác thường, sâu sắc khác thường”(19). Nếu không có những cái khác thường ấy, mỗi nhà văn thật khó có thể tạo cho tác phẩm của mình những nét riêng, sự hấp dẫn riêng. Đó cũng chính là một phẩm chất cần có của cá tính sáng tạo để tạo nên phong cách sáng tác của mỗi nhà văn.

Qua quan niệm này, chúng ta có thể thấy văn chương đi theo và phục tùng chính trị một cách khô cứng và khuôn mẫu là điều mà Hoài Thanh luôn luôn phủ nhận. Ông lớn tiếng tranh luận với Hải Triều là bởi vì trong quan niệm của Hải Triều, văn chương có giá trị chỉ nên gắn liền với xã hội, phục vụ xã hội, phục vụ nhân sinh. Đành rằng, trong thời đại cách mạng, người ta không thể ngồi rỗi với một tâm hồn chỉ thiết tha với nghệ thuật thuần túy để thưởng thức những tác phẩm hay, ngâm vịnh những bài thơ đặc sắc mà không có ý nghĩa cứu vớt thực tại. Nhưng, văn chương cũng phải có đời sống riêng của nó. Nó phải được sống cuộc sống của nó trước khi sống cuộc sống chung với xã hội. Xét thật ra, văn chương mà không có được đời sống riêng ấy trước thì cũng khó mà có thể có được tính hữu ích trong đời sống xã hội. Cuộc sống ấy của văn chương được ra đời và phát triển theo quy luật của nghệ thuật và sự thể hiện cái đẹp trong đó. Một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, dù chỉ là thuần túy cảm xúc, mà khi đọc xong có thể giúp mang đến cho người ta lòng yêu cái đẹp, yêu cuộc sống và là động lực để tiếp tục chiến đấu thì chẳng phải cũng chính là văn chương có ích hay sao?

Thêm vào đó, văn chương gắn liền với sự sáng tạo là yếu tố quyết định sự thành bại. Thơ mới là một minh chứng cho điều này. Rất nhiều nhà thơ đã nhờ có “một cuộc cách mạng trong thi ca” này mà thành danh và có những đóng góp quan trọng cho nền thơ nước nhà.

Hoài Thanh đã từng nhận xét về Xuân Diệu: “Mặc dầu có nhiều đoạn kiểu cách, nhất là trong mấy bài thơ tình, tập Thơ thơ ra đời đã gieo vào giữa cái giá lạnh, cái hững hờ, cái thô lỗ của cuộc đời hàng ngày, những âm điệu huyền ảo, cái hương vị lạ lùng của một thế giới nào mong manh, u uẩn cùng một nỗi lòng say đắm trước cảnh thiên nhiên xưa nay trong văn chương ta chưa từng có”(20).

Hay khi nói về Thế Lữ, Hoài Thanh cũng khảng khái khẳng định: “Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo… Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”(21).

Có thể nói, xuất phát từ quan niệm đánh giá các nhà thơ và các tác phẩm của họ bằng sự đặc sắc của tài năng và cá tính sáng tạo độc đáo mà Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh đã trở thành một bức tranh vẽ toàn bộ sự nghiệp thơ mới một cách lộng lẫy, hoành tráng. Mỗi nét vẽ đều được tạo dựng từ chính phong cách cá nhân không trùng lặp của mỗi nhà văn. Tất cả đều thể hiện một vẻ đẹp riêng không lẫn lộn đồng thời hòa mình vào vẻ đẹp chung một cách quyến rũ và hấp dẫn nhưng đầy tự chủ.

Có thể nói, quan niệm về nhà văn của Hoài Thanh mở ra một phạm vi hoạt động rộng hơn, tự do hơn cho các nhà văn. Sự rộng rãi này cũng được Hoài Thanh nhận thức rõ ràng. Đó không phải là một sự tự do vượt cách theo kiểu vô lối. Hoài Thanh nói: “Chúng tôi muốn dư luận hết sức rộng rãi với nhà văn. Rộng rãi không phải là hoan nghênh một cách vô luận sách gì, những sách kiệt tác cũng như những sách viết không thành câu (22).

Tự do cho nhà văn là điều mà Hoài Thanh cho rằng mới có thể tạo nên một nền văn chương phong phú. Và tự do nhất thiết phải gắn liền với thành thực. Bởi thiếu thành thực, các nhà văn sẽ không thể phô diễn tâm linh của mình và sẽ tự hãm mình trong vòng khách sáo. Hơn thế tự do và thành thực trong văn chương đòi hỏi cần thiết ở nhà văn phải có một cái tài: “Nghĩ thế nào, nói ra như vậy là thành thực. Nhưng thường thường nào ta có biết ta nghĩ thế nào. Phải là người có tài mới có thể đi vào chỗ cùng sâu trong cõi lòng, vạch những cái kín nhiệm uất ức rồi đưa phả vào những âm điệu hồn nhiên. Những âm điệu ấy đến tai người đời, người đời sẽ giật mình không ngờ người ta lại có thể thành thực đến thế”(23).

Quan niệm của Hoài Thanh cho thấy, nếu anh không phải là một nhà văn có tài thì không thể đem được cái thành thực cùng sự tự do và cá tính sáng tạo vào văn chương. Mà đó lại là những điều cốt yếu để tạo ra sức sống cho văn chương nghệ thuật. Có thể nhận thấy rằng, lần đầu tiên địa vị văn học của nhà văn được ý thức một cách sâu sắc và đề cao đến vậy. Quan niệm về nhà văn đã vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của tư tưởng xã hội để trở thành một yếu tố có vai trò ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của văn học, tạo cơ sở để xây dựng một nền văn học có giá trị. Hoài Thanh. trong quan niệm này, đã có những đóng góp mới mẻ. Một lý thuyết về nhà văn và những phẩm chất cần phải có đã được Hoài Thanh đưa ra tương đối hệ thống với một lập luận chặt chẽ và có tính lý luận cao.

Trong khi bày tỏ quan điểm của mình, Hoài Thanh cũng có chút cực đoan. Chẳng hạn như khi ông cho rằng nhà văn khi sáng tác phải được tự do tuyệt đối, thậm chí là yêu cầu được cho nhà văn thoát ra khỏi khung khổ của đạo đức. Nhà văn là một người đứng trong xã hội, trưởng thành và chịu ảnh hưởng của một môi trường xã hội và một ý thức hệ nhất định. Dù là vì nghệ thuật thuần túy đi chăng nữa thì nhà văn cũng không thể tránh khỏi tiếng nói của giai cấp mình được thể hiện trong tác phẩm. Đồng thời cũng khó mà vượt qua được cái khuôn khổ đạo đức mà mình đang sống trong đó. Sự tự do trong sáng tác là cần thiết nhưng đó là sự tự do trong môi trường nghệ thuật. Người nghệ sĩ phải được mặc sức thể hiện tâm hồn mình qua từng con chữ với một ý thức nghệ thuật cao độ và khả năng sáng tạo không ngừng. Sự lên gân của Hoài Thanh trong việc đòi tự do một cách hoàn toàn cho nhà văn thiết nghĩ có thể chỉ là phút cao hứng nhà văn đứng từ góc độ nghệ thuật thuần túy mà lên tiếng chứ không có ý phủ nhận hoàn toàn lập trường đạo đức và lập trường giai cấp trong mỗi nhà văn. Mà thực ra, ông có muốn phủ nhận cũng không được vì đó vốn dĩ là cái tất yếu trong mỗi nhà văn rồi.

Có thể nói, quan niệm của Hoài Thanh là sự mở đường cho một cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá mới về nhà văn trong văn học. Đây một quan niệm có nhiều yếu tố mới, hiện đại. Những phẩm chất, vai trò, vị trí của nhà văn trong văn học được Hoài Thanh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan và công bằng. Quan trọng hơn, theo chúng tôi, quan niệm về cá tính sáng tạo nhà văn của Hoài Thanh có nhiều nhân tố hợp lý, khoa học để trở thành cơ sở để xây dựng lý thuyết về phong cách sáng tác của nhà văn, một yếu tố quan trọng để phân biệt cũng như đánh giá những đóng góp của các nhà văn với văn học nước nhà. Đây cũng chính là dấu hiệu quan trọng cho việc xây dựng một quan niệm văn học phải thể hiện được cái tôi cá nhân của nhà văn như một yêu cầu không thể thiếu trong sự phát triển một nền nghệ thuật phong phú, đặc sắc.

_______________

1, 2, 3, 4, 5. Phương Lựu, Lý luận văn học cổ điển phương đông, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.297, 301, 299, 62.

            6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23. Từ Sơn, Hoài Thanh toàn tập, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.184, 188, 26, 192, 236, 194, 30, 32, 196, 200, 112, 315, 205.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010

Tác giả : Trần Thị Ngọc Anh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *