Người đốt chìm chiến hạm espérance


         Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Trước sức kháng cự quyết liệt của quân và dân ta ở Đà Nẵng, quân Pháp chuyển hướng xâm chiếm Gia Định và các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào Nam Kỳ, nhất tề đứng lên chống giặc giữ nhà, giữ nước.

Lớp lớp người dân yêu nước thương nòi, những người con ưu dũng của dân tộc đã đứng lên đảm nhận nhiệm vụ đánh giặc cứu nước với một tinh thần cương quyết và triệt để. Nam Kỳ là nơi đứng mũi chịu sào, là tiền đồn chống giặc, là chiến trường trực tiếp của cuộc kháng chiến. Ngay khi quân Pháp đặt chân lên mảnh đất này, nhân dân đã tích cực tham gia vào công cuộc đánh giặc cứu nước. Từ những cánh tay tự nguyện cầm vũ khí đứng trong đội quân nghĩa sĩ, đến những tấm lòng tham gia đóng góp của cải vật chất, cổ vũ tinh thần, ủng hộ nghĩa quân chiến đấu. Nhiều đội nghĩa quân được tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Một trong những dấu ấn để lại sâu sắc bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm cuối TK XIX của nhân dân ta là cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo, lịch sử Việt Nam cận đại thường gọi là khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực (1861-1868). Cuộc khởi nghĩa này đặc biệt nổi danh với chiến thắng đốt chìm pháo hạm Espérance (Hy Vọng) của Pháp trên vàm Nhật Tảo. Sự kiện đã gây một tiếng vang lớn cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam cuối TK XIX.

Nguyễn Trung Trực (1837-1868), tên thật là Nguyễn Văn Lịch, còn có tên gọi khác là Chơn, quê ở phủ Tân An tỉnh Gia Định (nay là huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Ông xuất thân là ngư dân trên sông Vàm Cỏ Đông, về sau tham gia vào hệ thống lính đồn điền do quan Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương tổ chức ở Gia Định. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, Nguyễn Văn Lịch trở thành nghĩa sĩ chống Pháp chiến đấu giữ đồn Chí Hoà năm 1861 dưới sự chỉ huy của Trương Định. Đại đồn Chí Hoà thất thủ (25-2-1861), Trương Định cùng nghĩa quân lui giữ Gò Công, bắt đầu cuộc khởi nghĩa Trương Định. Nguyễn Văn Lịch được phong làm Quyền sung quản binh đạo, trực tiếp chỉ huy một nhóm nghĩa quân chống Pháp ở Tân An.

Trước giờ phút nguy nan của toàn dân tộc, Nguyễn Trung Trực đã phát huy tinh thần xướng nghĩa, đứng lên tập hợp lực lượng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực ngày càng lớn mạnh, trở thành một lực lượng kháng chiến quan trọng ở Nam Kỳ, liên tiếp gây cho quân Pháp nhiều khó khăn, tổn thất.

Lúc bấy giờ, thực dân Pháp chủ yếu dựa vào ưu thế của lực lượng thủy quân, đã dùng nhiều tàu chiến án ngữ trên các dòng sông ở Nam Kỳ. Trong chiến thuật của bộ chỉ huy quân đội Pháp, mỗi tàu chiến sẽ là một pháo đài di động, ban ngày xuôi ngược tuần tra, kiểm soát đường giao thông thủy bộ, ban đêm buông neo giữa dòng sông canh giữ, vừa cơ động, vừa vững chắc, đảm bảo an toàn cho quân lính trước các cuộc tấn công bền bỉ và mưu trí của quân và dân ta. Chiếc pháo hạm Espérance do trung úy hải quân Parfait chỉ huy, trang bị đại bác, được thả neo trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn thuộc địa phận làng Nhật Tảo (thường được gọi là sông Nhật Tảo hay vàm Nhật Tảo). Chiến hạm Espérance như một tiền đồn của quân Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông, kiểm soát toàn bộ hoạt động của tàu thuyền và cư dân ở vùng đất hai bên dòng sông.

Với sự giúp đỡ của người dân địa phương, Nguyễn Trung Trực tổ chức điều tra tình hình địch, lập kế hoạch quyết tâm tiêu diệt chiến hạm Espérance, nhổ cái gai trong mắt người dân Vàm Cỏ Đông. Trước hết, Nguyễn Trung Trực bố trí để một đội nghĩa quân làm kế nghi binh phân tán lực lượng địch thành công, lôi kéo được một bộ phận quân Pháp rời tàu lên bờ, đi vào các làng lùng sục, càn quét.

Buổi trưa ngày 10-12-1861, Nguyễn Trung Trực cùng hai Sung phó quản binh đạo là Võ Văn Quang và Hoàng Khắc Nhượng trực tiếp chỉ huy 59 nghĩa quân điều khiển 5 chiếc thuyền nhỏ được ngụy trang cẩn thận, áp sát tàu Espérance làm như xin giấy thông hành như những tàu thuyền thường ngày qua lại trên sông. Bất ngờ, nghĩa quân đồng loạt từ khoang thuyền nhanh chóng nhảy lên chiếm tàu, dùng vũ khí thô sơ tiêu diệt địch. Không kịp trở tay, 37 quân địch gồm 17 lính Pháp và 20 lính mã tà (binh lính đánh thuê người Malaysia trong quân đội viễn chinh Pháp) bị tiêu diệt. Nghĩa quân hy sinh 4 người.

Trong lúc Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa binh đánh chiếm tàu, nhóm nghĩa quân làm kế nghi binh cũng phục kích tiêu diệt gọn toán quân địch trên bờ. Ngay sau đó, được sự giúp đỡ của nhân dân làng Nhật Tảo, nghĩa quân nổi lửa đốt cháy chiến hạm Espérance. Pháo hạm Espérance, niềm hy vọng của thực dân Pháp trong cuộc xâm lược Việt Nam cuối TK XIX, bùng cháy ngút trời rồi từ từ chìm sâu xuống đáy dòng sông Vàm Cỏ Đông. Mấy hôm sau, quân Pháp kéo đến trả thù, đốt hết nhà cửa trong thôn Nhật Tảo.

Chiến công đốt chìm tàu Espérance đã tạo tiếng vang rất lớn trong dư luận. Quân dân ta nức lòng, tin tưởng vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Quân xâm lược Pháp kinh hoàng trước thế trận nhân dân của những người kháng chiến.

Lần đầu tiên kể từ khi quân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, người nước Nam bằng vũ khí thô sơ, nhưng dũng cảm và mưu trí, đã chủ động tấn công và giành thắng lợi trong một trận thủy chiến, nhấn chìm được “tàu thiếc, tàu đồng” của tư bản phương Tây, đặt dấu mốc quan trọng về tinh thần bất khuất của nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Với chiến công này, nỗi lòng của người dân Nam Kỳ cũng được thỏa thuê.

Chiến thuật và kinh nghiệm của trận đánh này đã nhanh chóng được phổ biến và áp dụng rộng rãi. Tàu chiến Pháp trên các kênh rạch bị tấn công liên tiếp, như trận đánh tàu tuần tiễu Pháp trên sông Bến Lức (12-1862), trận đánh tàu chiến Pháp trên sông Tra (16-12-1862). Sau chiến thắng Nhật Tảo (10-12-1861), chiến sự ngày càng bùng phát dữ dội, khiến cho hải quân mà thực dân Pháp thường tự hào là lực lượng chủ yếu, hùng mạnh, từng chiếm ưu thế trong quá trình tiến hành cuộc xâm lược ở Gia Định nói riêng, các tỉnh Nam Kỳ nói chung, sa vào tình trạng lúng túng, bị động và bị tấn công toàn diện.

Sau chiến công đốt chìm tàu Espérance, Nguyễn Trung Trực được triều đình Huế phong chức Quản cơ, coi giữ vùng Hà Tiên.

Ngày 20-6-1867, Pháp tiến chiếm tỉnh thành Vĩnh Long. Cuối tháng 6-1867, thực dân Pháp chiếm luôn các tỉnh thành Châu Đốc, An Giang và Hà Tiên. Triều đình Huế dấn sâu vào con đường thỏa hiệp, dần từng bước cắt nhượng toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp. Các đội quân kháng chiến nhận được lệnh buộc phải bãi binh, các thủ lĩnh nghĩa quân bị điều động đi các nơi khác. Nguyễn Trung Trực được triều đình điều về Bình Thuận. Ông đã chống lại lệnh điều động và bãi binh của triều đình, không đầu hàng, cũng không cộng tác với quân Pháp. Nguyễn Trung Trực đã hy sinh quyền lợi cá nhân, tiếp tục ở lại cùng nghĩa quân chiến đấu chống quân xâm lược. Nguyễn Trung Trực xây dựng căn cứ Hòn Chông, quy tụ nghĩa quân khắp vùng về lập đồn trại, luyện quân, xây dựng lực lượng tiếp tục chống Pháp.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm được Hà Tiên, tách Rạch Giá thành tỉnh riêng biệt, thành lập chính quyền tỉnh do người Pháp cai trị. Một đồn lính được xây dựng ở tỉnh lỵ Rạch Giá gọi là đồn Kiên Giang, có lính Pháp và lính mã tà đóng giữ. Nguyễn Trung Trực và bộ chỉ huy nghĩa quân nhận thấy rằng Rạch Giá là một thương khẩu, có nhiều lợi ích kinh tế, xung quanh là rừng rậm, biển lớn, về quân sự có thể dễ tấn công mà quân địch lại không có đường rút chạy và cũng bị hạn chế về đường tiếp viện. Trong trường hợp bị tấn công, Pháp chỉ có một con đường tiếp viện duy nhất cho đồn Kiên Giang và tỉnh lỵ Rạch Giá là bằng đường thủy thông qua con kênh đào từ núi Sập sang, nhưng hai bên bờ kênh có nhiều cây cối rậm rạp, thuận lợi cho nghĩa quân mai phục, tập kích giặc. Sau khi suy xét kỹ lưỡng, Nguyễn Trung Trực quyết định tấn công tỉnh lỵ Rạch Giá.

Được sự trợ giúp của những người phụ nữ yêu nước như bà Điều, bà Đỏ… rồi có Quản Cầu làm nội ứng, Nguyễn Trung Trực tổ chức đánh đồn Kiên Giang, chiếm lại tỉnh lỵ Rạch Giá. Vào lúc 4 giờ sáng ngày 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân dùng thuyền bí mật tiếp cận mục tiêu, bất ngờ đổ bộ đánh úp đồn Kiên Giang. Trong trận đánh này, nghĩa quân đã dùng vũ khí cá nhân và kỹ thuật cận chiến đánh giáp lá cà tiêu diệt toàn bộ quân địch trong đồn, trong đó có Chánh Phèn – chủ tỉnh Rạch Giá – cùng 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, thu toàn bộ vũ khí và làm chủ toàn bộ vùng Rạch Giá. Trận đánh đồn Kiên Giang này có thể coi là lần đầu tiên quân ta đánh lấy đồn giặc ngay tại sào huyệt của địch ở chính tỉnh lỵ bị chiếm đóng.

Sau khi chiếm được tỉnh lỵ, Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy nghĩa quân bố trí nhiều đồn trại chạy từ Rạch Giá đến núi Sập, hình thành phòng tuyến chống quân Pháp tái chiếm.

Cay cú trước thất bại thảm hại, hai ngày sau khi thất thủ đồn Kiên Giang, tức ngày 18-6-1868, trung tá hải quân A. Léonard Ansart mang viện binh từ Vĩnh Long, có sự hỗ trợ của tri phủ Trần Bá Lộc và tri huyện Đỗ Bá Phương, tái chiếm Rạch Giá. Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực chiến đấu kiên cường trước các trận tấn công ngày càng mãnh liệt của quân Pháp. Cuối cùng, sau 6 ngày làm chủ tỉnh lỵ Rạch Giá, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, Nguyễn Trung Trực buộc phải cùng nghĩa quân rút lui về căn cứ Hòn Chông. Đến khoảng 15 giờ 30 ngày 21-6-1868, quân Pháp chiếm lại đồn Kiên Giang. Tận dụng lợi thế trên chiến trường, quân Pháp tiếp tục truy kích nghĩa quân trên đường rút lui, bao vây căn cứ Hòn Chông. Đến khoảng tháng 8-1868, Nguyễn Trung Trực phải bỏ căn cứ Hòn Chông, chỉ huy nghĩa quân rút ra đảo Phú Quốc củng cố lực lượng.

Quân Pháp dồn hết lực lượng tấn công Phú Quốc, quyết tâm bắt bằng được người đã đốt cháy chiến hạm Espérance. Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân rút lên đỉnh núi. Quân Pháp bao vây, cắt đường tiếp tế, tìm mọi cách dụ hàng nghĩa quân và thủ lĩnh Nguyễn Trung Trực.

Đường tiếp tế bị cắt đứt, nghĩa quân không thể kéo dài cuộc chiến đấu. Vòng vây của địch ngày càng khép chặt. Tháng 9-1868, Nguyễn Trung Trực rơi vào tay quân Pháp. Chính quyền thực dân Pháp muốn được giáp mặt và quy phục Nguyễn Trung Trực. Cụ Nguyễn bị đưa về Sài Gòn. Tại đây, một cuộc đấu tranh cân não diễn ra giữa những kẻ xâm lược ngoại bang và một người dân Việt Nam yêu nước. Thực dân Pháp ra sức dụ dỗ Nguyễn Trung Trực, nhưng ông cương quyết không đầu hàng, quyết hy sinh cho dân, cho nước. Và, trong cuộc đối đầu cuối cùng với quân thù, Nguyễn Trung Trực đã một lần nữa chiến thắng với câu nói bất hủ: “Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Cuộc đối đáp này sẽ còn vang mãi vào trong lịch sử như một trận chiến đấu cam go, quyết chiến vô cùng khẳng khái và oai hùng. Lời tuyên bố ôn tồn mà thật mạnh mẽ, đầy kiêu dũng và hiên ngang, chất chứa tinh thần yêu nước nồng nàn làm quân thù khiếp nhục. Nguyễn Trung Trực mãi là tấm gương sáng, bài học yêu nước sâu sắc trong tâm trí bao thế hệ người dân Việt Nam.

Cuối cùng, trước thái độ kiên cường, khí phách bất khuất của Nguyễn Trung Trực, ngày 27-10-1868, thực dân Pháp bất lực, xử chém người anh hùng của hỏa hồng Nhật Tảo, kiếm bạt Kiên Giang ở Rạch Giá. Nguyễn Trung Trực đã hiên ngang đi trên hàng chiếu hoa cạp điều, bước tới pháp trường của quân xâm lược trước con mắt chứng kiến của hàng ngàn người dân Nam Kỳ tới tế sống ông. Trước khi chết, ông để lại bài thơ tuyệt mệnh đầy hào khí:

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên

Yêu gian đảm khí hữu long tuyền

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa

Bão hận thâm cừu bất đới thiên

Dịch:

Theo việc binh nhung thuở trẻ trai

Phong trần hăng hái tuốt gươm dài

Anh hùng gặp phải hồi không đất

Thù hận chan chan chẳng đội trời

                                      (Đông Hồ dịch)

Với cái chết tự nguyện trên pháp trường Rạch Giá trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Nam Kỳ, Nguyễn Trung Trực đã một lần nữa thăng hoa, tự đốt mình cháy lên, hóa thân thành ngọn lửa bất diệt, làm rạng bừng lên phẩm chất Việt Nam. Ánh lửa bất khuất ấy đã tỏa sáng, đốt nóng tâm hồn người Việt Nam từ đó, để nhân lên lớp lớp biết bao những ngọn lửa bừng cháy mãnh liệt trong cuộc đấu tranh kiên cường giành và giữ nền độc lập dân tộc.

Đến đây, cùng với cái chết của người anh hùng dân tộc, cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực cũng kết thúc sau 8 năm kiên cường, oanh liệt chống thực dân Pháp.

Dõi nhìn cuộc kháng chiến chống Pháp nửa cuối TK XIX, Nguyễn Trung Trực và cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực (1861-1868) có ý nghĩa và vị trí đặc biệt. Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ khi thực dân Pháp đã chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh (1867). Với chiến thắng đốt chìm tàu Espérance, lần đầu tiên trong lịch sử chống Pháp, quân dân ta đã đốt cháy một tàu chiến địch – là ưu thế đặc biệt của Pháp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, giải được nỗi niềm uất ức bấy lâu của nhân dân ta trước phương tiện kỹ thuật quân sự hiện đại của địch, làm hả hê đông đảo người Việt Nam yêu nước đương thời, tiếp tục nhen lên trong lòng quân và dân ta niềm tin thắng lợi. Chiến công diệt đồn Kiên Giang cũng là lần đầu tiên quân ta đánh thắng đồn giặc ở ngay trung tâm đầu não của địch, kiểm soát và làm chủ tỉnh lỵ trong nhiều ngày. Trong tất cả chiến công sáng ngời đó, lấp lánh hình ảnh vị thủ lĩnh Nguyễn Trung Trực với những dấu ấn đậm nét của một tài năng quân sự. Những chiến công của nghĩa quân để lại nhiều bài học giá trị về công tác binh vận, sự đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào các tộc người, sự vận dụng linh hoạt, mưu trí, chủ động sáng tạo chiến thuật du kích và lối đánh đặc công,…

Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực (1861 – 1868) là một dấu son trong lịch sử chống Pháp nửa cuối TK XIX nói riêng, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung. Nguyễn Trung Trực xứng đáng được xếp vào hàng ngũ những thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp xuất sắc, một danh nhân quân sự Việt Nam, một anh hùng dân tộc. Và chính nhân dân Nam Kỳ đương thời đã có tổng kết sâu sắc về người anh hùng này:

Thắng phụ nhung trường bất túc luân

Đồi ba đê trụ ức ngư dân

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa

Lưỡng toàn vô úy báo quân thân

Anh hùng cường cảnh phương danh thọ

Tu sát đê đầu vị tử nhân

                    (Điếu Nguyễn Trung Trực – Huỳnh Mẫn Đạt)

Dịch:

Thắng bại chi bàn việc tướng quân

Người chài trụ đá khúc gian truân

Lửa bừng Nhật Tảo râm trời đất

Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần

Một sớm nhẹ mình nêu tiết nghĩa

Đôi đường trọn chữ báo quân thân

Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi

Lũ sống khom lưng chết thẹn dần

                                          (Ca Văn Thỉnh dịch)

Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012

Tác giả : Hà Duy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *