Biểu tượng văn học trong văn xuôi nguyễn tuân


 

Văn chương của Nguyễn Tuân đậm chất văn hóa. Những nội dung lớn trong tác phẩm của nhà văn, như cảm thức thiên nhiên, tâm thức văn hóa lịch sử, con người…, đã thể hiện rõ điều này. Trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học, có thể xác định chính biểu tượng, một trong các phương thức nghệ thuật mà Nguyễn Tuân ý thức sử dụng trong quá trình xây dựng tác phẩm, đã góp phần tô đậm, làm nổi bật chất văn hóa cho nội dung văn xuôi của ông.

Luôn dành cho cuộc sống chung quanh một thái độ thẩm mỹ đặc biệt, bằng những thao tác lựa chọn và kết hợp giữa những hình ảnh với hình thức diễn tả phù hợp trên cơ sở của cả hữu thức và vô thức, Nguyễn Tuân đã tạo ra trong tác phẩm của mình những hệ biểu tượng nhiều tầng bậc nhằm thể hiện thế giới nội tâm của mình.

Hình ảnh con đường xuất hiện với mật độ dày trong tác phẩm của Nguyễn Tuân và được xây dựng thành một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc. Thật ra, hình ảnh con đường trong tác phẩm văn học không hoàn toàn mới lạ vì chúng đã hiện diện trong những hải trình xa xứ lưu đày hoặc công cán của cha ông xưa, thậm chí, đã trở thành một hình ảnh nổi bật trong văn học Việt Nam 1930 – 1945 khi các nhà văn lãng mạn nói về lý tưởng sống của mình. Nhưng trong sự thể hiện của Nguyễn Tuân, chúng lại mang những sắc màu mới.

Trong tác phẩm của Nguyễn Tuân trước 1945, đường không được miêu tả cụ thể mà được cảm nhận là một ảnh hình quen thuộc gắn với mỗi cuộc ra đi. Trên hành trình ruổi rong của người lữ khách, con đường dài tít tắp và vô định được hình dung qua hiện diện của những dòng sông, những hải trình cùng các con tàu, các phương tiện để chuyển dời.

Trong tâm hồn của Nguyễn Tuân, kẻ vốn tự coi mình là “cái hình ảnh bất diệt của người du tử thiên vạn cổ”, những con đường đã hiện ra như vệt nước sau đuôi tàu, rất rõ rệt nhưng chẳng để lại dấu vết gì sau đó. Bởi dẫu con người từng khắc khoải, thẫn thờ nhìn con tàu đi “để dưỡng cái bệnh đổi chỗ” của mình, đã “xuất hết năng lực tinh thần ra” mà chú mục vào hình ảnh con tàu đại dương để “chờ đợi một sự hiển linh của ảo cảnh”, thì con đường vẫn cứ mịt mờ, vô định. Những con đường mở ra từ bến Sáu Kho, nơi con tàu chở than bẩn thỉu chỉ còn chờ con nước thủy triều lên là kéo neo, đến Hồng Kông vào ngày cùng năm tận, nơi con tàu đói Kinh Châu, tàu Canton, Doumer hay tàu Compiègne sang trọng hứa hẹn những chuyến đi tới tận Tân thế giới… đều mang cái khát vọng trào sôi được ra đi song cũng nặng nề chở trong đó nỗi lạnh lẽo vô tình của con người trước cuộc đời bấp bênh sóng. Con đường trở nên thật khó hình dung, nắm bắt ngay trong sự hiện diện tưởng chừng rất cụ thể của nó. Và cuộc viễn trình của con người, cũng vì thế, vừa cụ thể, sống động lại vừa mịt mờ và nghiệt ngã.

Sau 1945, trong một tâm thế mới, hình ảnh những con đường hiện ra trong tác phẩm của Nguyễn Tuân cụ thể và chân thực hơn. Lý tưởng sống dẫu không bao giờ là một hiện hữu cố định nhưng lúc này dường như đã thật rõ nét trong sự vận động, vừa định hình vừa bồi đắp. Và những con đường – biểu tượng của khát vọng, lý tưởng sống, dù là đường sông, đường biển, đường Tây Bắc ngựa thồ trụy thai, đứt ruột, sang lệch cả xe ba bốn cầu, những con đường phố phường Hà Nội đầy hoa và cây hay những con đường đang được mở mang, khai phá…, tất cả đều hiện ra trong một cái nhìn mới mẻ, giàu văn hóa. Đó là huyết mạch giao thông “ầm ầm hối hả sự sống ba miền”, là đích đến “thênh thang chói chang ánh sáng tự do”, là hành trình sống của con người trong suốt cuộc hiện sinh, mở ra cho con người “thêm nhiều góc độ mà nhìn vào cảnh đẹp giàu và hùng vĩ của đất nước ông bà”. Những con đường không chỉ mang trong nó khát vọng, lý tưởng sống của con người đang trào sôi trong từng nhịp sống mà còn là cách thức để tiến hành, là đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo. Biểu tượng con đường trong tác phẩm của Nguyễn Tuân vì thế trở nên sinh động và mới lạ, gợi nhiều ý nghĩa sâu xa.

Trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, gió cũng tồn tại như một con đường. Đó là những con đường vô hình, uyển chuyển, có thể dẫn con người đến những miền xa với nhiều khả năng liên tưởng mở rộng.

Trong văn hóa phương Đông, gió là biểu hiện hữu hình của khí, một thực thể căn bản làm nên thế giới vật chất. Sự sống của gió ứng với nhịp chuyển vận của vạn vật, của lòng người. Nguyễn Tuân đã mượn gió mà cảm nhận cuộc sống, hòa cùng với nó bằng muôn ngàn giai âm tinh tế của tâm hồn mình. Ông tìm thấy ở những cơn gió, tụ hoặc tán, hiện diện cùng sương, hương, mây khói với những độ đậm nhạt khác nhau sự thôi thúc “dĩ tận vi độ” của niềm khao khát sống: “Gió đã lên, người ta phải cố mà sống”.

Trước 1945, những cơn gió trong tác phẩm của Nguyễn Tuân thường là thứ gió “rờn rợn và rầu rầu” mù lòa, “lạc đường và đang hỏi đường”. Gió khóc than và bắt người phải khóc. Nó “thổi chết lòng người”. Những cơn “gió xưa cũ” ấy thổi mờ mịt con đường dẫn tới tương lai. Sau 1945, hình ảnh gió vẫn tiếp tục xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Tuân nhưng nó đã mang điệu hồn khác. Nguyễn Tuân tả gió, vẽ lên khuôn mặt tinh thần của nó không chỉ bằng sự quan sát, khả năng tái hiện thiên nhiên, cuộc sống một cách tài hoa, khát khao được thỏa mãn những cảm xúc, cảm giác mãnh liệt của mình mà còn bằng cả tâm hồn say sưa, rạo rực niềm xúc động về cuộc đời mới đang vặn mình, thay da đổi thịt. Hình ảnh những cơn gió “cuộn thành đợt sóng luồng” cố đuổi theo người bộ hành đang rảo bước, phụt những luồng hơi “nhổ cả cột nhà”, “chém móng ngựa thồ, cuốn rối đuôi và bờm tóc ngựa”, “giúi gục đầu ngựa” rồi còn “động cỡn” lên, “tự do bừa bãi” a dua với gió Lào “đốt dãy nhà phía đông”, “đốt nốt dãy nhà phía tây cho cháy rụi” thực sự mang đến những cảm giác mạnh, lạ trong tâm hồn người đọc. Đó là những cơn gió không chỉ hiện ra bằng hình hài mà còn bởi “phẩm hạnh”, tính khí hung hãn, dữ tợn cùng khả năng hủy diệt, tàn phá của nó. Gió trở thành biểu tượng của thiên nhiên dữ dội, là năng lượng của sự sống đang cuộn nén, hừng hực trong từng cái oặn mình, thở dốc, lôi quật, giằng xé vạn vật, con người…

Để có thể phiêu du cùng với gió trên hành trình vô hướng, kẻ lữ hành không thể thiếu chiếc valy. Chiếc valy là một hình ảnh mới, xuất hiện như một môtip được lặp đi lặp lại trong những sáng tác của Nguyễn Tuân trước 1945, gắn với mỗi chuyến lưu đãng của con người đến những miền xa. Không chỉ hiện diện trong đời sống con người như kết quả của việc “làm chết mất cái khăn gói vải muôn nghìn năm buộc túm bốn đầu của cha ông chúng ta”, nó còn thật sự trở thành một “vật tùy thân”, kẻ đồng hành không thể thiếu của người lữ thứ.

Hình ảnh của chiếc valy trong tâm hồn của Nguyễn Tuân là biểu hiện cụ thể cho khát vọng đi, khát vọng thay đổi của con người. Bởi gắn với chuỗi ngày xê dịch, nó không đơn thuần là hành trang của con người trong mỗi cuộc chuyển dời mà đã trở thành đại diện, tâm hồn, tâm trạng của người viễn khách. Với kẻ khát lên đường, chiếc valy là một sinh thể sống mà thức ăn nuôi dưỡng là bụi đường trường mới mẻ, là khí trời lạ lẫm, là hơi biển mặn mòi xa xôi nhưng vô cùng gần gụi. Nó giúp cho tâm hồn con người những khi cùng va ly “lủi thủi trên cái bấp bênh của sóng”, rung cảm tận cùng với cái “thế giới đầy rẫy đau khổ và thắc mắc tâm linh”, để kẻ lữ khách yêu cuộc đời vô định được an tâm gối đầu lên chiếc va ly, vỗ về nó và vỗ bảo lòng mình, rằng “chỉ có những người trôi dạt nơi góc bể mới an ủi nổi kẻ sầu muộn chỗ chân mây”. Trong văn xuôi của Nguyễn Tuân, chiếc valy thực sự trở thành một biểu tượng có khả năng cụ thể hóa khát vọng sống của con người.

Con đường, ngọn gió, chiếc va ly… hiện ra với tần số lớn trong những trang viết của Nguyễn Tuân. Chúng nối kết với nhau thành một hệ biểu tượng làm nổi bật lý tưởng, khát vọng và hành trình sống của nhà văn.

Trong thế giới thiêng liêng của nghệ thuật, người tài tử thường đi tìm những tri âm, tri kỉ siêu việt để thăng hoa những khát vọng vừa thanh cao vừa bỏng giãy thế tục của mình. Đồng hành cùng với họ, đàn, rượu, lửa… trở thành hệ biểu tượng tiêu biểu làm nổi bật chất lượng cuộc sống của con người trong văn xuôi Nguyễn Tuân.

Cây đàn cùng với trống, phách, roi chầu, tiếng hát… là những thành phần quan trọng trong những chầu hát, cuộc vui của con người. Chúng xuất hiện với tần số lớn trong những trang viết của Nguyễn Tuân trước 1945. Và với kẻ tài tình, chúng không chỉ là những nhạc cụ mà còn là sự sống, gắn liền với sinh mệnh của con người. Có khi nó là người bạn đường sẻ chia những buồn vui trên cuộc hành trình lưu đãng của những kẻ đa tình, khi nó là tiếng tơ tình nồng nàn mà cô đơn của tâm hồn bao kẻ tài hoa và có lúc lại như một bí ẩn ma quái, liễm kết nghẹn ngào, u uẩn của những kiếp người oan uổng, bế tắc đang quằn quại đau thương trước cuộc đời. Cái âm ba huyền hoặc của ca trù dân tộc náu quyện trong hồn đàn đã nối kết những kẻ tài tình với nhau trong tận cùng buồn vui, đau đớn. Cùng với tiếng hát, tiếng đàn không chỉ là những âm thanh cụ thể, là âm nhạc mà là tiếng lòng, là đời ng­ười “dội vang lên một giây phút của thời gian rồi mà hết luôn với tất cả chung quanh”.

Biểu tượng đàn trở nên sinh động khi Nguyễn Tuân không để nó hiện diện quen thuộc bằng những công dụng bình thường vốn có mà để nó vật vã, hậm hực, khóc than, đổ mồ hôi, tuôn cả máu trong đêm đen lặng tờ. Cây đàn với tang được làm bằng “nắp ván thôi cỗ quan tài một người con gái đồng trinh” đã khiến bao hồn người bị ám ảnh, đặt họ vào trong vòng xoáy cuộn của những ưu tư về sự đánh đổi cuộc đời mình. Đàn là con người, âm thanh của nó là là hồn người. Nó không chỉ còn là một nhạc khí. Nó là linh vật mang sức mạnh cứu rỗi, đưa con người ra khỏi chốn tuyệt vọng, chán chường của những tháng ngày say sưa bất tận. Cây đàn cùng tiếng hát, tiếng phách tinh khiết, cất lên những giai âm trong vắt, len vào từng kẽ ngách tâm hồn của những con người đang chắt gạn hồn mình hòa vào tơ trúc mà thăng hoa nghệ thuật.

Sau 1945, biểu tượng đàn dường như nhạt hẳn trong sáng tác của Nguyễn Tuân. Thay vào đó là sự hiện diện của tiếng hát cất lên từ tâm hồn người trước núi sông gấm vóc và nguồn sống mới đang sôi trào. Tiếng hát đã mang trong nó một ý nghĩa khác. Với những thanh âm “hát cho cả một quê hương dâng vi vu gió mới và lồng lộng một trời cao rộng chói lòa”, cái trau chuốt, vắt lọc của vẻ đẹp nghệ thuật, của tài hoa nghệ sĩ không còn được Nguyễn Tuân đào sâu khai thác mà ông hướng đến đề cao vai trò, ý nghĩa của nó trong cuộc đời.

Thế giới biểu tượng trong tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn gắn chặt với hiện thực cuộc sống. Dù khi mang khí vị hư huyền hay khi cất lời ngợi ca cuộc sống, cây đàn cùng với tiếng hát, cái roi chầu, trống, phách… không chỉ là biểu tượng của cuộc sống tài hoa, gắn liền với phong cách lãng tử một thời mà còn là tinh kết của các giá trị tinh thần gắn với đời sống lao động rất bình thường nhưng cũng rất đỗi vinh quang của con người.

Hành trình sống với những dằn vặt, trở trăn để đi tới sáng rỡ của sự thức nhận ý nghĩa cuộc sống của Nguyễn Tuân còn được làm đậm thêm bằng biểu tượng lửa. Trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, lửa thường được cụ thể hóa bằng những đám cháy. Lửa cháy ở Túy lan trang biến vườn túy lan thành “cái âm phần” hoang phế nát đau dưới bước chân giẫm đạp của trâu bò. Người chơi lửa ở chốn sơn lâm để được “gần tạo vật”, được “trở lại với mọi rợ, với hoang phá”, để không một thành kiến nào có thể hiện diện trong đầu. Lửa gắn liền với một trạng thái tâm lý đặc biệt, mang đậm màu sắc của cảm xúc, bắt nguồn từ sự khám phá khách quan. Đó là phưong tiện để con người được tháo bỏ mọi tù túng, giả dối, che đậy và thành kiến của cuộc đời mà tự do trong uyên nguyên cõi sống của hồn mình.

Nguyễn Tuân đã xây dựng biểu tượng lửa trong tác phẩm của mình bằng mơ mộng về sự tinh khiết. Vì thế, lửa có ý nghĩa như một sự thanh tẩy làm thanh sạch tâm hồn con người. Đó là ngọn lửa thiêng liêng mà nhân vật Nguyễn mong được “đem nửa đời tội lỗi của mình đánh đổi lấy” dẫu chỉ một “giây lát tin tưởng chân thành” đang cháy trong tâm hồn những hướng đạo sinh trẻ tuổi. Vượt qua những ô tạp của cuộc đời, ngọn lửa cũng đồng thời trở thành “sức dẫn của thương dấu và tủi nhớ” để con người “giật lùi về một dĩ vãng tối mò”, soi sáng cho họ nhìn rõ bóng tối, để sống thực với mình, để đốt cháy hết những “cố nhân” trong con người cũ của mình. Và hơn thế, để cảm thấy trong con người mình đã “cháy một cánh rừng già” và trên “đống tro lòng của đám hỏa tai ấy, sẽ có những mầm thảo mộc khác nhú lên mọc lên, rất tươi rất khỏe”. Và cũng vì thế, cái chết nếu có xảy ra cùng với lửa, thì đó sẽ là cái chết ít cô đơn nhất trong mọi cái chết. Bởi dù sao, cùng với lửa, cái chết ấy đã có ý nghĩa như một phần tất yếu của sự sống. Đó là cái chết mang tính vũ trụ.

Trong ý thức văn hóa của Nguyễn Tuân, lửa vừa là sức mạnh hồi sinh, chất xúc tác có khả năng thanh lọc, làm mới tâm hồn con người vừa là bạn đồng hành của con người trong bước vận động tiến triển của cuộc sống. Vì thế, trên những con đường lên Tây Bắc, đến những miền xa xôi của Tổ quốc, lửa đã tiếp tục cháy sáng. Nó làm ấm sáng lòng người, cháy lên trong hồn người cái mạch nối thiêng liêng giữa hiện tại và quá khứ, làm thành nhiệt huyết nóng bỏng, thành quyết tâm, niềm vui, niềm hạnh phúc của con người trước cuộc đời.

Trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, còn có sự hiện diện của rượu, thứ nước bốc lửa, có khả năng kích thích khả năng tinh thần đồng thời cũng tạo ra những khả năng ấy ở con người.

Nguyễn Tuân đã viết về rượu bằng sự tồn tại cùng với những tác động, giá trị của nó đối với cuộc sống tinh thần của con người. “Rượu khê” Vĩnh Trị ngon nổi tiếng ở châu Thang có thể dưỡng nuôi, tỏa ngát “vương giả hương” một loài lan quý; rượu tăm chỉ dành uống lúc thanh tâm của người “biết thưởng thức những vị thanh lương đạm bạc” trong bữa tiệc “thạch lan hương”, rượu cất hương sen hồ Tây, rượu bên tả ngạn sông Nhĩ, rượu chôn dưới tửu phần… Tất cả đều ngát hương “phong vị hồi cận đại” đủ sức khiến con người có thể thấy hồn mình trở nên “chếnh choáng để giác quan thừa sức mà nhầm lộn về cuộc đời thực tại quanh mình”.

Trong sự khám phá, phát hiện của Nguyễn Tuân, rượu có khi hiện ra như một thứ chất lỏng được “thi vị hóa trở thành nguồn sống cho túy lan” nhưng cũng có khi lại là “một thứ nước độc” làm mê muội, hủy hoại con người. Với hương vị và khả năng tác động đặc biệt, rượu không còn là thứ vật chất tầm thường mà lắm khi nó là hiện ra như một thứ quyền uy với tinh thần con người. Nó giúp con người quên đi những khúc mắc, đau khổ ở cuộc đời để tìm vui trong thoáng chốc; khơi gợi những hoài ức xa xôi để con người có thể được quay về, chân thật với những phút giây sống của lòng mình. Nó có thể làm tăng bao xúc cảm tinh tế, đẹp đẽ của con người nhưng cũng đầy uy lực khi thiêu đốt hủy hoại cuộc sống của chính họ. Trong ý thức văn hóa của Nguyễn Tuân, rượu và cả cách uống rượu của con người mang chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh tích cực, có giá trị như một thứ “phụ gia” giúp con người cảm nhận và rung động sâu hơn với cuộc đời bằng mọi cung bậc cảm xúc có thật của tâm hồn.

Như vậy, đàn, lửa, rượu là những biểu tượng cùng cấp độ. Chúng tạo thành một hệ biểu tượng biểu thị chất lượng cuộc sống, khát vọng nghệ sĩ to lớn của con người. Hệ biểu tượng này khiến thế giới tinh thần của con người trong tác phẩm của Nguyễn Tuân hiện ra hết sức cụ thể, tinh tế và không kém phần phức tạp. Nó làm nên sự độc đáo cho tác phẩm của Nguyễn Tuân.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 296, tháng 2-2009

Tác giả : Ngô Minh Hiền

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *