Nhà khoa học nguyễn đình tứ, tài năng và phẩm chất


 

Nguyễn Đình Tứ là nhà khoa học vật lý nổi tiếng, người đặt nền móng, sáng lập và trực tiếp chỉ đạo quá trình hình thành, phát triển năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông đã được giải thưởng của Hội đồng khoa học Viện Dupna và năm 1968 được chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh cùng với nhóm tác giả quốc tế về đề tài: Phát hiện bằng thực nghiệm hiện tượng chưa biết trước đây về sự tạo thành phản hạt hyperon sigma âm và giải thưởng Hồ Chí Minh về: Cụm công trình phát hiện phản hạt hyperon sigma âm và tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao.

Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1-10-1932, quê gốc ở xã Song Lộc, làng Nguyên Xá, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống yêu nước, giàu lòng cách mạng. Cụ thân sinh anh là Nguyễn Mỹ Tài – một nhà giáo uyên bác và yêu thơ văn, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930. Mẹ anh sinh trưởng trong một gia đình quyền quý, có cậu ruột là nhà cách mạng cùng thời với Bác Hồ – cụ Võ Liêm Sơn.

Ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường qua các cấp học từ tiểu học, trung học rồi đại học anh luôn nổi tiếng là học giỏi, thông minh và đam mê học tập. Năng lực bẩm sinh về khoa học tự nhiên và ý thức rõ ràng với đất nước và xã hội đã hình thành rất sớm ở con người này. Trong những năm còn ở trung học, anh đã sáng chế ra kính viễn vọng để quan sát các ngôi sao trên trời. Cũng như ở trung học (1), tại trường chuyên khoa (2) anh hai lần được nhà trường cho vượt lớp. Bên cạnh việc học tập chăm chỉ, xuất sắc, anh Tứ luôn tích cực tham gia các phong trào của nhà trường và địa phương. Kết thúc năm học, anh được kết nạp vào Đảng năm 17 tuổi.

Sự nghiệp khoa học của anh bắt đầu từ năm tháng học ở Trường Khoa học cơ bản ở Nam Ninh (Trung Quốc). Tại đây anh luôn đứng đầu và được tuyên dương là học sinh ưu tú. Sau khi học xong ở Nam Ninh, anh được đi học Đại học Thủy lợi ở Vũ Hán.

Năm 1957, giáo sư Lê Văn Thiêm và giáo sư Tạ Quang Bửu cử các anh Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Hoàng Phương và Dương Trọng Bái sang tham gia nghiên cứu tại Viện Dupna của Liên Xô. Đó là nhóm cộng tác viên đầu tiên của Việt Nam. Ở Viện Dupna, anh Tứ được phân công làm việc trong phòng thí nghiệm vật lý năng lượng cao. Kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn này là đã có những đóng góp chính trong việc phát hiện ra phân hạt sigma âm – một trong những hạt baryon quan trọng nhất lúc bấy giờ.

Bước vào lĩnh vực mới về vật lý và công nghệ đặc biệt này, nhà khoa học trẻ tuổi tự trang bị hành trang cho mình chủ yếu bằng con đường tự học. Và chỉ trong một thời gian ngắn ông đã làm chủ các phương pháp thực nghiệm, nắm bắt khá sâu sắc những kiến thức vật lý lý thuyết cần thiết. Ông đã công bố và đóng góp xuất sắc vào những thành tựu nghiên cứu của tập thể khoa học quốc tế trên 50 công trình khoa học. Từ đó ông trở thành nhà vật lý nổi tiếng và đã có nhiều báo cáo khoa học quốc tế.

Khi về nước, bên cạnh những công việc quản lý trong ngành giáo dục, tuyên huấn, ông vẫn dành nhiều thời gian cho sự nghiệp khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân.

Dưới sự lãnh đạo của giáo sư Nguyễn Đình Tứ, ngành năng lượng nguyên tử nước ta trong gần 20 năm đầu tiên đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Lò phản ứng Đà Lạt đã khôi phục và mở rộng. Công nghệ chiếu xạ được triển khai thi điểm ở Hà Nội, Đà Lạt và TP.HCM. Các ứng dụng khoa học – kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế đã được triển khai. Việc đào tạo cán bộ khoa học cho ngành hiện đại này cũng được ông rất quan tâm – chính ông đã mở đường cho sự phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA), với Liên Xô, Ấn Độ, Nhật Bản…

Tuy bận rộn với sự nghiệp khoa học, nhưng giáo sư Nguyễn Đình Tứ vẫn tham gia tích cực, nghiêm túc vào các hoạt động xã hội và giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Ông từng là Hiệu phó Trường Đại học Tổng hợp (1971-1976), Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1976-1987). Ông là đại biểu quốc hội khóa VIII, là Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Kỹ thuật của Quốc hội. Từ năm 1976 ông là Ủy viên Trung ương Đảng, sau đó là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng. Nguyễn Đình Tứ là nhà giáo xuất sắc, tận tụy, nhà quản lý giáo dục mẫu mực, vị bộ trưởng, có tầm nhìn sâu rộng, có uy tín; có nhiều đóng góp cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng và sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam nói chung.

Là một nhà khoa học lớn, một vị lãnh đạo cao cấp, nhưng Nguyễn Đình Tứ luôn sống giản dị, thẳng thắn và dân chủ. Trong giao tiếp ông sống chan hòa, nhã nhặn, khiêm tốn và trong sạch. Và như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: “Là một nhà vật lý, nhưng tư duy chính trị của anh Tứ khá sắc bén… Là một cán bộ có tính đảng cao, anh đã thể hiện nhạy bén chính trị của mình trước những hoạt động khoa giáo từ trung ương xuống địa phương… Anh nêu khẩu hiệu khoa giáo hướng về cơ sở, chỉ đạo hàng loạt công việc trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dân số, thể dục thể thao, chăm sóc và bảo vệ trẻ em theo tinh thần này”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã viết: “Chúng ta tự hào nhắc đến một người con của quê hương Hà Tĩnh, một con người tài năng đầy sáng tạo, đã cống hiến nhiều cho khoa học và đất nước, nhưng lúc nào cũng khiêm tốn, giản dị và chân tình…

Nguyễn Đình Tứ – nhà khoa học, nhà chính trị tài năng và đức độ – đó là sự đánh giá chung của các nhà khoa học hàng đầu ở nước ta.

Ông là người con thông thái và đức độ của núi Hồng, sông La!

Nhắc tới một con người lỗi lạc, chúng ta không thể không nói tới đời riêng, tới mối tình trong sáng giàu chất cách mạng của ông.

Như trong Hồi ký của chị Nguyễn Thu Nhạn – người vợ yêu quý và chung thủy của anh: “Hai người quen nhau, rồi yêu nhau tha thiết khi còn ở Trung Quốc, ngay từ những ngày hai người cùng học tập và sinh hoạt trong một tổ. Rồi sự chia ly lại đến! Anh sang Liên Xô làm việc, chị ở lại học ngành y. Kết thúc năm năm học tập, sau khi nhận bằng bác sĩ, anh Tứ qua Bắc Kinh đón tôi về Hà Nội làm lễ cưới. Bà con, bạn bè đến rất đông. Đám cưới của chúng tôi lúc bấy giờ rất đơn giản. Giáo sư Lê Văn Thiêm có đơn dự và đọc thơ chúc mừng.

Sau 10 ngày về thăm quê, chúng tôi trở ra Hà Nội và có 2 tuần trăng mật trong một gian phòng nhỏ của người bạn cho mượn tại phố Thuốc Bắc. Đến 1-11-1955, cả hai lại lên đường: người về Viện Nhi Bắc Kinh để tiếp tục học chuyên khoa nhi, người tiếp tục sự nghiệp của mình ở Viện Dupna…”.

Học xong, chị Nhạn về nước và công tác tại Bệnh viện B Hà Nội. Thời gian này chị vừa nuôi con, vừa làm việc, nhưng anh Tứ thì chưa về. Chị đã phải chuyển nhà 7 lần và cuối cùng được sống trong gian phòng 17m2 tại B1 Kim Liên với số người là 18. Sau một năm, anh chị được phân thêm 5m2. Đến năm 1966 anh Tứ có quyết định sang Liên Xô làm việc lần thứ hai. Lần này được Chính phủ cho chị đi theo anh với tiêu chuẩn phu nhân, nhưng chị từ chối và xin đi học nghiên cứu sinh.

Trong thời gian anh Tứ làm việc ở Viện Dupna, chị Nhạn hoàn thành luận án tiến sĩ. Cuối năm 1971, anh Tứ về nước, rồi lần lượt đảm nhiều chức vụ trong ngành giáo dục. Và khi đã là bộ trưởng, anh chị và các cháu vẫn ở trong một căn hộ 22m2. Khi có khách, anh chị phải trải chiếu trên sàn nhà, nhường giường cho khách. Tuy vậy anh Tứ chưa bao giờ phàn nàn. Thậm chí năm năm sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm vào dịp tết, thấy gia đình bộ trưởng mà ăn ở chật chội, tối tăm, ông đề nghị với cấp có thẩm quyền phân cho một biệt thự nhỏ ở khu A2, Trung Tự. Thế nhưng anh Tứ từ chối, xin nhường cho người khác cần thiết hơn. Đấy là chưa kể đến chuyện ngày ngày đi làm anh vẫn mang theo cặp lồng cơm ăn trưa và ngủ ngay trên bàn làm việc. Mãi về sau phải chấp hành quyết định của cấp trên, anh mới chịu chuyển về ngôi nhà mới. Tại đây, sau giờ làm việc, anh Tứ thi thoảng ra vườn chăm sóc cây cối và chơi với các cháu. Không ngờ hôm anh ốm, bác sĩ đưa anh đi bệnh viện, cháu nội chạy theo hỏi ông đi đâu. Anh nhẹ nhàng với cháu “ông đi một lát rồi về”. Và như chị Nhạn thổn thức: “nào ngờ đâu, đó lại là lời chào của ông đối với cháu”.

Chị Nhạn – vợ anh, vị giáo sư, bác sĩ đã từng cứu sống bao sinh mạng, nhưng đành bó tay trước căn bệnh của chồng mình. Chị nghẹn ngào xúc động: “là một bác sĩ, tôi hiểu rõ thế nào là sự sống”. Và tự đáy lòng chị nấc lên hai chữ biệt ly:

Em có ngờ đâu anh sắp đi…

Biệt ly dương thế với âm ty

Đớn đau biết mấy trong giây phút

Vĩnh viễn từ đây cảnh biệt ly

Nhà khoa học tài năng và lỗi lạc, một con người đức độ và khiêm nhường – giáo sư Nguyễn Đình Tứ – ra đi, để lại bao tiếc nuối cho gia đình, cho hàng triệu người Việt Nam.

_______________

1, 2. Đó là Trường Phan Đình Phùng (trung học) và Trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng đều ở Hà Tĩnh.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013

Tác giả : Nguyễn Phan Thọ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *