Chân dung và sự nghiệp anh hùng dân tộc lê lợi


 

Cuối thu tháng 9-1406, lấy cớ Hồ Quý Ly tước ngôi nhà Trần, triều Minh Trung Quốc đưa 80 vạn quân chia làm hai mũi qua biên giới phía Bắc, tấn công xâm lược nước ta. Quân đội triều Hồ chống đỡ không được, đến ngày 17-6-1407, quân Minh cơ bản hoàn toàn làm chủ trên vùng đất của ta, triều Hồ sụp đổ đánh dấu một chế độ cai trị Trung Hoa đối với dân tộc Việt Nam. Dưới chế độ tàn bạo, hà khắc của nhà Minh, nhân dân ta phải sống nô lệ lầm than cùng cực nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Phụ nữ bị hãm hiếp, đàn ông bị tiêu diệt, tra tấn phanh thây, trẻ con bị giết thê thảm, của cải, châu báu bị cướp bóc, nhà cửa bị thiêu đốt, nhà Minh thực hiện một chính sách đồng hóa từ trung ương đến địa phương. Tất cả những vật báu bằng đồng là bảo vật quốc gia như mỹ nghệ trang sức, tượng, đồ dùng bằng đồng, vàng, bạc của nhà nước cũng như của dân, chúng vơ vét để chế tạo vũ khí và đưa về Trung Quốc những báu vật quý giá. Chứng kiến những tội ác tày trời của giặc Minh, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ soái đã thu hút được sức mạnh toàn dân tộc đứng dậy đánh đuổi giặc Minh hết sức quyết liệt và đều khắp trong cả nước.

Trước tình thế một bên là đội quân hùng mạnh, trang bị vũ khí đầy đủ và đa dạng với tính năng độc ác, bản chất binh lính là tàn bạo, đòi hỏi nghĩa quân phải vững vàng, tin tưởng vào ngọn cờ đại nghĩa Lam Sơn vượt mọi khó khăn gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đồng lòng chiến đấu đến cùng để bảo vệ gian sơn bờ cõi Đại Việt.

Trong sự nghiệp bình Ngô giải phóng dân tộc của Lê Lợi phải nói đến công lao nổi bật vĩ đại của ông xuyên suốt quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước là đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng ấy, từ khi phất cờ khởi nghĩa, Lê Lợi đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân, từ những người nông dân, tiểu thương cho đến vương hầu, quý tộc, từ kinh thành đến đồng bằng, miền núi, miền xuôi, miền biển, các tôn giáo, các dân tộc hướng về nghĩa quân Lam Sơn, dưới lá cờ đại nghĩa của Lê Lợi đồng lòng đứng dậy kháng chiến chống Minh. Sự lan tỏa lời kêu gọi của Lê Lợi mà nghĩa quân ngày một đông lên, các nhà hào kiệt về với nghĩa quân như: Nguyễn Trãi đến từ Thăng Long, Nguyễn Xí đến từ Nghệ An, Trần Nguyên Hãn đến từ Vĩnh Phúc, Trịnh Lôi đến từ Hà Nam, Bùi Quốc Hưng đến từ Hà Sơn Bình, Lưu Nhân Chú đến từ Thái Nguyên,… Với dũng khí và uy tín cao, Lê Lợi đã quy tụ được những người tài giỏi văn, võ của cả nước về với nghĩa quân cùng với nhân dân ta đoàn kết một lòng dũng cảm chiến đấu tiêu diệt quân Minh, một đội quân tàn bạo và hung ác nhất trong lịch sử.

Trong những lúc thuận lợi, khó khăn nhất nghìn cân treo sợi tóc của cuộc chiến tranh giải phóng, nhân dân ta đã tình nguyện cống hiến tiền, của và ngay cả tính mạng, tự nguyện hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nhân dân trong cõi tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc”. Với phương châm lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, Lê Lợi đã căng địch ra mà đánh, cụm địch lại khi cần thiết mà tiêu diệt và cứ như thế sức mạnh của nghĩa quân dần dần lớn mạnh mở rộng ra cả nước với thế chẻ tre chưa từng có trong lịch sử dân tộc thời bấy giờ.

Trong 10 năm, nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử, Lê Lợi đã lãnh đạo nghĩa quân đánh thắng nhiều trận lớn làm kẻ thù kinh hoàng bạt vía, quân tướng hỗn loạn, hết đạo quân này đến đạo quân khác lần lượt đầu hàng.

Sau Hội thề Đông Quan, ngày 29-12-1427, quân Minh bại trận được nghĩa quân cho phép rút về nước. Đến ngày 3-1-1428 quân Minh không còn bóng dáng ở nước ta.

Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế ngày 15-4 Mậu Thân 1428 tại điện Kính Thiên hiệu là Thuận thiên thừa vận, Duệ Vân Anh Vũ đại vương, đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô Đông Đô (Hà Nội). Đánh dấu một thời kỳ mới kiến quốc, lập ra những chính sách cai trị về kinh tế xã hội cho nước Đại Việt. Sự nghiệp của Lê Lợi, mà linh hồn của người đã đậm sâu trong Bình Ngô đại cáo là bản anh hùng ca, là tuyên ngôn độc lập của nước ta thời bấy giờ. Trong Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi: “Lê Thái Tổ từ khi lên ngôi đến khi mất, thi hành chính sự thực rất khả quan, như ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện thu thập sách vở, mở mang trường học…”.

Lê Lợi mất ngày 22-8 năm Quý Sửu 1433, hưởng thọ 49 tuổi.

Hơn 600 năm đã qua, nhưng bài học của cuộc kháng chiến thần thánh do Lê Lợi phát động và lãnh đạo đã chứng minh một thiên tài kiệt xuất về quân sự, chính trị, ngoại giao đã đến đỉnh cao được kết tinh bởi sức mạnh toàn dân tộc cho kháng chiến thắng lợi.

Lê Lợi đã mất cách đây 6 thế kỷ nhưng những di sản về tư tưởng và khí phách của ông vẫn còn sống động mãi trong sự nghiệp của nhân dân ta. Tư tưởng sức mạnh cả dân tộc, dân là gốc, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn,… thật sự hợp ý hợp lòng với Nguyễn Trãi. “Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi có ý nghĩa rất sâu sắc. Lê Lợi nhận thấy ở Nguyễn Trãi một tấm lòng lớn vì nước vì dân, một tư duy uyên bác, một trí tuệ sâu sắc về chiến lược và sách lược. Nguyễn Trãi nhận ra ở Lê Lợi một lãnh tụ đầy khí phách, có tài thao lược kiệt xuất. Hai vị anh hùng dân tộc ấy từ khi dựng cờ khởi nghĩa cho đến ngày toàn thắng đều chung một ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần tiến công trong các hành động quân sự, phát huy cao độ lòng nhân ái truyền thống, phát huy bản chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng, tiến công bằng địch vận theo chủ trương tâm công, kết hợp tiến công quân sự với tiến công ngoại giao, vừa tổ chức cuộc chiến đấu lâu dài vừa biết kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh giải phóng giành toàn thắng”(1).

Mục đích cuối cùng của cuộc kháng chiến là đánh đuổi và lật đổ chế độ phong kiến tàn bạo nhà Minh, giải phóng hoàn toàn cho dân tộc, đưa giang sơn quy về một mối.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng mà bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh do Lê Lợi làm chủ soái đã viết nên bản anh hùng ca vĩ đại không những trong chiến tranh mà ngay cả trong việc xây dựng tổ quốc, mãi mãi là những bài học quý giá cho mọi thế hệ mai sau.

Năm nay kỷ niệm 595 năm (1418-2013) khởi nghĩa Lam Sơn, 585 năm (1428-2013)Lê Lợi đăng quang Hoàng đế, 580 năm ngày mất Lê Thái Tổ (Lê Lợi) (1433-2013).

Nhìn lại những trang sử oai hùng của dân tộc, sự nghiệp của anh hùng dân tộc Lê Lợi ở đầu TK XV, hậu thế cũng phải suy ngẫm:

Lê Lợi là một nhà chính trị thiên tài với cách nhìn biện chứng đã đánh giá đúng thực trạng bối cảnh đất nước bị áp bức xâm lược của nhà Minh và thấm sâu lòng yêu nước của nhân dân ta lúc bấy giờ để ra kế sách chiến lược trường kỳ kháng chiến. Nắm chắc thời cơ tấn công địch, xuất phát từ thế và lực của ta và địch để định hướng tổ chức chiến đấu lâu dài.Trong bối cảnh thế cuộc rất không cân sức ta và địch, vì vậy đòi hỏi tổ chức kháng chiến phải có bài bản khoa học mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu cũng chưa nói hết được trí tuệ tài giỏi về tổ chức của Lê Lợi. Trước hết phải nói đến sự lan tỏa tính thuyết phục về mặt uy tín tài năng của ông trong việc quy tụ và việc sử dụng nhân tài vào các vị trí lãnh đạo mà các nhà hào kiệt ở khắp nơi trong nước về với nghĩa quân. Mặc dù họ biết rằng về phò tá cho Lê Lợi kháng Minh là vô cùng vất vả gian khó cả về mặt vật chất cho đến tình cảm gia đình riêng tư, tính mạng…, nhưng tất cả đều vì nghĩa lớn, vì giang sơn xã tắc, hạnh phúc cho đồng bào.

Sự nghiệp của Lê Lợi không có cách nào khác là phải tập hợp sự đồng lòng tất cả các lực lượng cùng một chí hướng nhằm lật đổ chế độ độc tài tàn bạo nhà Minh từ trung ương đến các địa phương thống nhất giang sơn lập nên vương triều hùng mạnh để đưa dân tộc thoát khỏi cảnh nước mất nhà tan. Lê Lợi không những là một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất mà còn là nhà ngoại giao lỗi lạc. Để lấy ít thắng nhiều, ngoài việc sử dụng sách lược chiến thuật tiêu hao lực lượng địch trong mọi tình huống, ông còn dùng kế sách thuyết phục địch đầu hàng và khi giặc thua trận thì cấp thuyền, lương thực cho địch về nước. Để chấm dứt việc xâm lược nước ta sau này, Lê Lợi đã bắt tướng giặc nhà Minh ký hiệp ước chấm dứt sự xâm lược nước ta như là một văn bản pháp lý ngoại giao. Với chính sách khôn khéo, mềm dẻo, giặc thua, đầu hàng thì mở đường cho rút lui, thể hiện tính nhân đạo của người chiến thắng buộc giặc Minh phải khâm phục và sợ hãi trước lòng khoan dung của Lê Lợi.

Ngày nay hậu thế không những khâm phục sách lược ngoại giao của các tiền nhân mà còn phải nghiên cứu học tập những bài học vô cùng quý giá đó để ứng dụng cho công tác đối ngoại ở thời kỳ hội nhập và tình hình quốc tế khó lường.

Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, thực thi chính sách cai trị đưa đất nước Đại Việt hưng thịnh, hùng mạnh, đánh dấu một kỷ nguyên mới của một triều đại mà giang sơn tổ quốc đã về một mối và sự nghiệp ấy của ông tỏa sáng vững bền cho các triều đại sau này.

_______________

       1. Trích xã luận báo Nhân Dân ngày 20-9-1985, nhân dịp Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kỷ niệm trọng thể 600 năm ngày sinh anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Hoàng Hoa Mai

3/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *