Sự phụng thờ trần văn năng ở đồng tháp

Từ ngày 14 đến 17 – 2 âm lịch hàng năm, tại di tích lịch sử đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng, Thanh Bình, Đồng Tháp tổ chức lễ hội tưởng niệm vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi giặc Xiêm, giữ yên bờ cõi. Lễ hội được bắt nguồn từ một lễ giỗ nhỏ của xóm ấp, nay phát triển thành lễ giỗ cấp huyện, mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước Tây Nam Bộ. Mỗi mùa lễ hội, người dân lại làm lễ tưởng niệm ông, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.

Nhân vật thờ tự

Cho đến nay, các nghiên cứu về lễ hội tưởng niệm nhân vật Trần Văn Năng còn ở mức khiêm tốn. Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng: “Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, một nhân vật lịch sử có tầm cỡ như vậy mà ngoài các bộ sách của Quốc sử quán nêu trên, các sử sách sau này không thấy ở đâu viết về ông, kể cả loại từ điển nhân vật; chỉ trong Quốc sử tạp lục của Nguyễn Thiệu Lâu có 7 trang; trong năm 1960, ở Sài Gòn, Bao La cư sĩ chép lại tiểu sử của ông trong Đại Nam thực lục cho đăng trên tạp chí Phổ thông (số 110)” (1). Để làm rõ về nhân vật thờ tự, thời gian, không gian thờ tự trong bài viết về lễ hội này, bài viết đưa ra một số tư liệu.

Năm 2000, có tư liệu cho rằng ông là người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa; bị bệnh, rồi qua đời tại xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp năm 1835 (thọ 72 tuổi).

Năm 2005, Đồng Tháp nhân vật chí nhận định rằng ông là người huyện Vĩnh Xương, Khánh Hòa; khi đi thuyền đến Bến Siêu (cù lao Tây) thì qua đời, thọ 72 tuổi. Để tưởng nhớ công lao, nhân dân địa phương lập đền thờ chiêm bái tại vàm rạch Đốc Vàng, làng Tân Thạnh (nay thuộc huyện Thanh Bình).

Năm 2008, Danh tướng Trần Văn Năng cho biết: “Qua Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện được biết Trần Văn Năng quê ở Vĩnh Xương (Khánh Hòa ngày nay), sinh năm quý Hợi (1763), có sức vóc, võ nghệ cao cường, theo phò chúa Nguyễn rất sớm, lập được nhiều thành tích, được thăng chức vệ úy, rồi đô thống chế” (2).


 Tượng đài Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng. Ảnh internet 

Năm 2011, bài viết có nhan đề Từ dinh Ông Đốc Binh Vàng đến đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng, cái nhìn công tâm của hậu thế nhận định rằng ông là người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, sinh năm Quý Hợi (1763); khi lâm bệnh, ông giao binh quyền cho Trương Minh Giảng rồi về nước dưỡng bệnh. Ngày 11 – 1 năm Giáp Ngọ (nhằm ngày 20 – 2 – 1835), thuyền đến Bến Siêu thì ông qua đời, thọ 72 tuổi.

Năm 2013, Địa chí tỉnh Đồng Tháp đã dành 3 trang, đưa ra 2 khảo dị bàn luận về địa danh dinh Ông Đốc Vàng (phần phụ lục): khảo dị 1 cho rằng địa danh Đốc Vàng có nguồn gốc từ nhân vật Hoàng Công Hiệu, trong Đại Nam nhất thống chí “Hoàng Công Thiệu, người thôn Lộ Bôi, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi là một võ tướng thời chúa Nguyễn Phước Khoát (1738 – 1765)” (3).

Có khảo dị cho rằng Trần Văn Năng là người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, sinh năm Quý Hợi (1763), có sức vóc, giỏi võ nghệ, quy thuận với chúa Nguyễn rất sớm, lập nhiều công to, được thăng chức vệ úy, rồi đô thống chế. Trong lúc đánh quân Xiêm ra khỏi Chân Lạp, bỗng lâm bệnh, rồi giao binh quyền cho Trương Minh Giảng, về nước dưỡng bệnh. Thuyền đến Bến Siêu (Thanh Bình, Đồng Tháp) thì qua đời, thọ 72 tuổi, lúc ấy là năm Minh Mạng 16 (1835).

Năm 2008, với bài Đền thờ Thượng tướng quận công Trần Văn Năng, đề cập đến đền thờ, tiểu sử của ông Trần Văn Năng, nhằm giới thiệu tới bạn đọc, khách hành hương mỗi khi về tham dự lễ hội có ghi chép như sau: “Ông Trần Văn Năng, sinh năm 1763, quê huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Thời trẻ có sức vóc khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, tòng quân năm 1777. Năm 1812, ông làm phó tướng quân Chấn Vũ. Năm 1813, ông theo tổng trấn Lê Văn Duyệt đưa Nặc Chân về nước. Triều đình triệu ông về kinh, cho kiêm lý 5 doanh nhân thần sách. Sau đó, lần lượt giao ông coi trấn thủ Nghệ An (1818), trông coi việc dựng cung Từ Thọ, lãnh kiểm duyệt quân đội, sung chức phù liễn sứ. Năm 1825, sửa lại Thái Miếu, ông được sung chức đổng lý đại thần, rồi bổ vào Nam làm phó tổng trấn thành Gia Định. Sau đó, ông được triệu về kinh làm thự tiền quân đô thống chế, coi danh sách các tập ấm anh danh. Năm 1826, được thăng trưởng doanh, kiêm quyền lĩnh thương bạc, coi binh giáo dưỡng. Năm 1828, ông quản Tào Chính, rồi quyền lãnh ấn triện của tướng quân thống chế. Năm 1832, vua cho rằng lúc buổi đầu trung hưng, Trần Văn Năng lập được nhiều quân công, có nhiều công tốt rõ rệt nên tấn phong làm lương tài hầu. Ông qua đời ở tuổi 72, năm 1835 (Minh Mạng thứ 16). Thi hài ông được đưa về tẩn liệm tại Đốc Vàng. Ông được truy tặng thái phó, tấn phong làm tân thành quận công, cho tên thụy là Trung Dũng, gia thưởng nhiều gấm lụa. Vua còn ban chức tước cho hai con trai ông là Văn Thọ, Văn Liên. Mộ ông hiện nằm ở triền núi Hoàng Long, thuộc thôn Thượng 2, Thượng Xuân, Huế. Tại vàm rạch Đốc Vàng, nơi tẩm liệm, tạm quàn thi hài ông, các quan chức, bô lão, nhân dân lập miếu thờ, tưởng niệm công đức một vị có công đuổi giặc xâm lược, trong đó có trận chiến thắng vang dội ở Vàm Nao, sông Tiền” (4).

Cấu trúc lễ hội

Không gian tổ chức lễ hội

Cách đây hơn 100 năm, nhân dân trong vùng phát hiện ngôi miếu đổ nát, bên trong có bài vị Trần Ngọc thượng tướng quận công, là người có công đánh đuổi giặc Xiêm ở Vàm Nao ngày trước, họ xây cất lại ngôi đền thờ, gọi là dinh Ông Đốc Vàng. Qua nhiều lần trùng tu, dinh ngày càng to lớn, rộng rãi, khang trang.

Ngày 19 – 1 – 2004, Bộ VHTTDL công nhận đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng ở rạch Đốc Vàng, xã Tân Thạnh là di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau đó ra chỉ thị có phương án trùng tu, tôn tạo ngôi đền, bắc cầu, mở đường bộ trải nhựa từ thị trấn Thanh Bình đến dinh để nhân dân các nơi thuận tiện về viếng, xây dựng phần đất bồi phía ngoài dinh thành vườn cây ăn trái, nuôi tôm cá theo công nghiệp, thu hút khách du lịch đến tham quan. Hàng năm, vào ngày 14, 15, 16, 17 tháng hai âm lịch là lệ cúng, làm lễ tưởng niệm, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, ấm no, hạnh phúc.

Công tác chuẩn bị

Mỗi khi đến mùa lễ hội Trần Văn Năng, ban quản lý khu di tích, ban tế lễ tề tựu họp bàn kế hoạch thực hiện trước đó một tháng.

Lúc 8 giờ ngày 14 – 2 âm lịch, các thành viên trong ban tập trung tại đền thờ, Trưởng ban phân công nhiệm vụ để chuẩn bị cho ngày lễ tưởng niệm. Phó ban hội hương gồm 2 người (1 phụ trách phần lễ, 1 phụ trách thủ quỹ), 2 người tiếp theo chịu trách nhiệm về khánh tiết, 2 người về ánh sáng, 2 người về phần hậu cần, 2 người về phần tiếp tân, 2 người về thanh tể (lo về phẩm vật tế lễ), 2 người giữ trật tự tại đền thờ (chưa kể đội an ninh trật tự của chính quyền), 2 người chịu trách nhiệm giữ xe cho khách mời của các đơn vị đến dự.

Đến 8 giờ 30 ngày 15 – 2, tổ chức trò chơi dân gian như võ thuật, nhảy bao bố, đập nồi, kéo co, đánh bóng chuyền.     

Đến 9 giờ, tiếp đãi cơm chay. Ban tổ chức phân công khoảng 20 người làm công tác hậu cần (có bảng tên, trang phục tiếp tân). Các thực phẩm được chuẩn bị trước gần cả tháng. Thời gian tiếp đãi liên tục từ 9 giờ sáng cho tới chiều, đến khoảng 19 giờ 30 tiếp đãi cháo. Các món trong cơm chay như: canh chua, món mắm chay mặn, rau xào, đậu hủ, nấm, bí hầm dừa, cà hầm dừa. Cháo chay được nấu gồm: gạo, nấm, cải đỏ, giá, bún, đậu hủ, tiếp đãi từ 19 giờ 30 đến 22giờ. Trước khi khách sử dụng, các món ăn nấu chín được ban kiểm tra an toàn thực phẩm kiểm tra, đảm bảo tính vệ sinh an toàn thực phẩm mới được đưa ra tiếp đãi khách.

Các nghi lễ chính

Lễ thỉnh sắc thần: Thỉnh sắc thần là lễ rước 6 cái sắc của ông Trần Văn Năng được triều Nguyễn phong tước cho còn để lại. Khoảng 7giờ, các ban tề tựu, phân chia công việc, các xe tập trung, tàn lọng, trống, kèn. Đúng 9 giờ 30, rước sắc tại dinh di chuyển tới đình thần xã Tân Thạnh (cách khoảng 4km). Tại đây, ban nghi lễ vào làm lễ, cúng vái, mời thần đình về dự lễ; rồi từ đình, đoàn rước tiếp tục rước sắc di chuyển sang miếu bà ở xã Phú Lợi, Thanh Bình. Tại đây, ban nghi lễ cũng vào làm lễ cúng vái, mời Bà (giống như mời thần tại đình); rồi tiếp tục rước sắc về đình ở thị trấn Thanh Bình. Cũng tại đình này, ban nghi lễ vào làm lễ mời thần đình (giống như hai điểm trước) rồi rước sắc về dinh, đưa vào an vị trên bàn thờ chính điện, người dân tự do chiêm bái.

Lễ cúng tiên sư: là lễ cúng tam giáo đạo sư. Các lễ vật dâng cúng là một đầu lợn, rau, dưa. Đúng 14 giờ, ban tế tự, đội học trò lễ (gồm 2 xướng, 4 người quỳ lạy) vào thắp hương làm lễ cúng vái, nhằm báo với các thần hôm nay là ngày lễ giỗ ông Trần Văn Năng. Xong phần cúng vái của ban nghi lễ, các thời gian còn lại nhân dân tự do chiêm bái. Phần tiếp đãi cơm chay cho khách hành hương về dự lễ cúng vái vẫn được thực hiện từ sáng cho tới chiều.

Lễ trình sinh: là lễ trình con lợn đang sống để cúng nhằm báo cáo. Con lợn được tắm rửa sạch sẽ, đưa vào chính điện, 1 người trong ban tế lễ vào thắp hương trình báo. Sau đó, chuyển con lợn xuống nhà bếp, chọc tiết, cạo lông, mổ bụng, làm lòng sạch sẽ, tiếp tục khiêng lên tế lễ (chưa nấu chín). Lúc này vào lễ chính cúng, ban tế tự bao gồm cả đội học trò lễ, nhạc lễ chuẩn bị chính tế. Đến 1giờ ngày 16 – 2, đại diện chính quyền huyện Thanh Bình trực tiếp đọc tiểu sử về ông.

Lễ chính tế – xây chầu (lúc 1giờ 10, ngày 16 – 2): Ban tế lễ thực hiện lễ chính tế chia là 3 ban, tổng cộng 20 người. Mỗi ban gồm 4 học trò lễ đăng điện (dâng vật phẩm), 6 người quỳ (đông hiến 2, tây hiến 2, giữa 2) dâng vật phẩm cho học trò lễ đăng điện. Khi nhận vật phẩm, 4 học trò lễ thực hiện nhiệm vụ dâng vật phẩm từ ngoài vào chính điện. Đi sau 4 học trò lễ dâng vật phẩm có 2 đào thài, họ vừa đi theo sau vừa thài bài mang ý nghĩa nội dung theo từng tuần phẩm vật. Cứ trình tự như vậy để dâng 7 tuần lễ (1 cửu sát, 1 tuần hương, 3 tuần rượu, 1 tuần ẩm phước, 1 tuần trà). Xong 7 tuần dâng vật phẩm nói trên là vào lễ chính tế, xây chầu. Vào xây chầu, trên sân khấu đặt sẵn bàn hướng án, cái trống lớn; Ông chính tế lên sân khấu (đối diện với bàn thờ cánh điện) làm lễ cúng vái 3 lần; đánh 3 hồi chín chặp (đánh trống) theo tiền bần, hậu phú. Xong đánh trống, đoàn hát bội (trên 20 người) hát 7 lễ gồm: mặt nhật – mặt nguyệt; tìm hoa – tìm hương; tam tài – phước lộc thọ; đại bội; tứ tướng xưng vương; bát tiên; gia quan tấn tước, thời gian còn lại do nhân dân tự do chiêm bái. Đến 9 giờ 30 ngày 16, ban tế tự tiếp đãi các đoàn bạn tới cúng tế bữa cơm mặn. Sau đó, tiếp tục hát bội.

Lễ túc yết (lúc 1h, ngày 17 – 2): là lễ làm 1 con lợn cúng đêm thứ hai. Về nội dung, hình thức cúng giống như lễ chính tế. Sau đó đãi cơm khách, tiếp tục chương trình hát bội. Đến 9 giờ, ban tổ chức họp tổng kết, bế mạc. Ở lễ hội Trần Văn Năng, diễn trình lễ hội theo thứ tự: lễ thỉnh sắc thần, lễ cúng tiên sư, lễ trình sinh, lễ chính tế, xây chầu, lễ túc yết.

Về nghi thức, nghi lễ, ngoài phần đội học trò lễ dâng các tuần hương, rượu, trà như bao lễ hội khác; lễ tưởng niệm Trần Văn Năng cũng đầy đủ các nghi thức, nghi lễ mang đặc trưng Nam Bộ. Theo Phan Kế Bính: “Khi hiến rượu, người ta (ở Bắc) đi một cách khoan thai, nghiêm trang. Ở Nam Kỳ, thì hiến rượu, hiến đồ ăn, thường có hai người đóng tuồng, mặc đồ nhung trang cầm nến đi trước, kế đến mỗi bên ba bốn cô hát, áo mũ rực rỡ, mỗi ả cầm vài nén hương, vừa đi vừa đọc câu chúc hỗ, rồi mới đến các người hiến rượu, hiến đồ ăn đi sau. Mà cách đi thì ngồ ngộ: người nào mắt cũng nhâng nhâng, nháo nháo, nghiêng đầu nghiêng cổ, chân bên nọ đá chân bên kia, làm cho ai lạ mắt cũng phải phì cười mà họ cho thế mới là đi kiểu” (5). Nguyễn Xuân Hồng lại cho rằng: “Kiểu đi lạ mắt này có lẽ được mô phỏng từ các vũ sinh ở triều đình Huế, du nhập vào Gia Định thời Tả Quân Lê Văn Duyệt. Những con hát mà Phan Kế Bính mô tả trong Nam gọi là đào thài; thài là điệu múa đưa đẩy, để phục vụ dịp cúng tế” (6). Kiểu đi lạ mắt này ý muốn nói rằng con cháu cùng vui, cùng say với ông trong ngày lễ tưởng niệm. Còn đào thài là những bài có giai điệu du dương, nhằm chúc tụng chiến tích của nhân vật thờ tự.

Về tục hèm thì sự tôn kính thần linh tương ứng với thực tế dễ dẫn đến những cấm kỵ, kiêng cữ mà hèm là một dạng riêng biệt cho người Việt ở phía Bắc như ta đã biết. Tuy nhiên tính cách địa phương mang yếu tố lịch sử của hèm đã khiến cho nó không tồn tại ở miền Nam. Tại lễ trình sinh ông Trần Văn Năng, việc trình con heo đang sống trong lễ trình sinh nêu trên phải chăng là dấu hiệu của một tục hèm ở miền Bắc truyền vào còn sót lại ở Tây Nam Bộ.

Lễ hội tưởng niệm thượng tướng quận công Trần Văn Năng được tổ chức vào tháng hai âm lịch hàng năm trên địa bàn huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp là lễ hội mang ý nghĩa đặc sắc của vùng Nam Bộ. Lễ hội để nhớ ơn công lao ông trong việc đánh đuổi giặc Xiêm, bảo vệ đất nước. Mỗi kỳ lễ hội về, thu hút nhân dân trong, ngoài tỉnh tập trung về đây tham dự lễ hội, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa; bản thân, gia đình, xã hội có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

_______________

1, 6. Tạp chí NCKH, Hội KHLS tỉnh Đồng Tháp, Xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Đồng Tháp xưa và nay, số 32, tháng 4 – 2001, tr.11; số 22, tháng 1 – 2008, tr.27.

2. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.33.

3. Ban Tuyên giáo TƯ Đồng Tháp, Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2013, tr.938.

4. Ban quản lý di tích đền thờ Trần Văn Năng, Đền thờ thượng tướng quận công Trần Văn Năng, 2008, tr.2 – 5.

5. Sơn Nam, Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2004, tr.27.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : TRẦN VĂN THÀNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *