Chất jazz trong phim vương gia vệ


 

Tôi nhớ những ngày đông sang xuân xưa cũ, bố tôi thường mở những đĩa jazz để đón chào nhánh lộc mới nhất trên mấy cành đào, cây quất mới mua. Hồi đó, những cái tên như Oscar Peterson, Charlie Parker, Miles Davis, Louis Armstrong và đặc biệt là danh ca Nat King Cole đã trở nên quen thuộc trước cả khi tôi biết chơi đá bóng.

Những ngày tháng đó, có lẽ danh ca Nat King Cole là người khiến cho tôi ấn tượng nhất. Giọng ca mượt mà, tài tử và gợi tình của ông với ca khúc Quizas quizas quizas khiến tôi nghe hoài, nghe mãi, và lờ mờ cảm nhận dần về hai chữ ái tình. Nhiều năm sau, khi lần đầu tiên xem bộ phim Tâm trạng khi yêu (In the mood for love) của Vương Gia Vệ, nước mắt tôi đã trào ra khi gặp lại bài hát đó. Mãi về sau này, tôi mới ngộ ra rằng, thời điểm đó, tôi không khóc vì một bộ phim bi hoặc vì một bài hát quá buồn mà tôi khóc vì một bộ phim và một bài hát quá đẹp. Tôi bắt đầu ngẫm nghĩ nhiều hơn về sự liên kết giữa nhạc Jazz và phim của Vương Gia Vệ.

Mỗi khi mở một đĩa nhạc jazz, tôi thường tưởng tượng ra họ đang chơi như thế nào. Đây là một tứ tấu gồm có piano, saxophone, contrabass và dàn trống. Tất cả bọn họ bắt đầu một giai điệu chung, nhẹ nhàng như việc cùng uống với nhau một ly whisky và bàn luận về vấn đề thường nhật nào đó. Người chơi saxophone sẽ lên tiếng đầu tiên trên cái tứ đó. Cả ba tay kia cùng ngồi yên lặng lắng nghe và đệm cho hắn. Giống như việc giãi bày một câu chuyện, kẻ đầu tiên này nói lên điều mình muốn và cả ba người kia cùng gật gù lắng nghe. Sau đó, người chơi piano lên tiếng tiếp theo. Sự ngẫu hứng như một cách hàn huyên, thêm thắt cho câu chuyện thú vị. Cả ba tay say nhạc đang lắng nghe và đệm theo những tiết tấu đó. Tiếp đó là đến gã chơi contrabass, theo nhịp của dàn trống. Và rồi kết thúc là chàng chơi trống một cách ngẫu hứng. Sau đó cả bốn cùng hòa vào nhau, quay trở về những giai điệu ban đầu.

Mỗi câu chuyện trong nhạc jazz thường bắt đầu bởi giai điệu và các hòa thanh xoay vòng. Rồi ngẫu hứng lên dần từ đó. Đa phần những nghệ sĩ nhạc jazz thường từng trải và là người bạn vong niên lâu năm. Jazz đối với họ giống như cách hàn huyên những câu chuyện miên viễn về cuộc sống. Không mãnh liệt, tàn bạo như rock, cũng không dễ xuôi tai như pop hay quá hoành tráng chuẩn mực như cổ điển, jazz luôn có cái gì đó của cuộc sống hàng ngày, không quá vui cũng chẳng quá buồn. Họ cứ ngẫu hứng và lắng nghe nhau. Họ biết tứ của nhau nhưng có thể, người chơi jazz chẳng thể biết nốt nhạc tiếp sau là nốt nào. Cũng như cuộc sống vậy, ai biết được phút sau mình sẽ ra sao. Mọi thứ đến để chiêm nghiệm, không có gì là tốt – xấu, đúng – sai… Cuộc đời của những người từng trải chỉ đơn thuần là những trải nghiệm nhỏ lẻ. Họ vui vẻ đón nhận nó nhiệt thành. Cứ thế, mọi thứ cứ trôi đi nhịp nhàng, rồi họ quay lại quầy bar cười đùa với nhau và gọi thêm vài ly whisky.

Đối với tôi, giữa phim của Vương và nhạc jazz có khá nhiều điểm tương đồng. Chúng thường được bắt đầu vào mùa xuân, với nhịp điệu chậm rãi, từ tốn và đầy màu sắc quyến luyến. Tôi cũng thường hay so sánh màu sắc trong phim của Vương với whisky. Đầu tiên nên kể đến phần hình ảnh. Cũng giống các cặp đôi trứ danh khác như Simon và Garfunkel, John Lennon và Paul McCartney (trong âm nhạc), bên cạnh Vương Gia Vệ là nhà quay phim tài năng người Australia Christopher Doyle, người truyền tải hầu hết những hình ảnh trong ý muốn của Vương lên phim.

C.Doyle sống và làm việc chủ yếu ở Hồng Kông. Có thể nói, nếu không có C.Doyle thì Vương sẽ không bao giờ có những khuôn hình quyến rũ lãng mạn đến ám ảnh như trong Tâm trạng khi yêu hay 2046, hoặc kỳ quái chao đảo như trong Trùng Khánh sâm lâmĐọa lạc thiên s. Ngay một kiểu ái tình võ hiệp như trong Đông tà Tây độc cũng được thể hiện rất đặc biệt. Khác với nhiều nhà quay phim nghệ thuật, họ luôn thích đưa cảm xúc đến cực điểm qua các góc quay cùng những gam màu rõ ràng, hay những khuôn hình mượt mà như tranh vẽ cùng bố cục, màu sắc, ánh sáng cực chuẩn. Riêng trong phim do C.Doyle phụ trách hình ảnh, ngay từ những khuôn hình đầu tiên, tôi đã thấy tính jazz rất rõ. Từ tiết tấu, nhịp điệu, màu sắc cho đến cách ông đưa đẩy các nhân vật trong khuôn hình của mình, tất cả vừa gần gũi vừa xa lạ, nhịp điệu lúc đều đặn, lúc thì gấp gáp như những bản phim quay thô, chậm. Khuôn hình có khi đẹp đến mỹ miều (Đông tà Tây độc hay 2046), lúc thì xiên vẹo, đảo điên (Đọa lạc thiên s). Mọi thứ dường như không có chuẩn mực nào. Chỉ là sự phù hợp ngay tại thời điểm đó. Có lẽ, hiếm một quay phim nào tạo ra một cảm giác (đôi lúc) là khê và ê chề như những khuôn hình của C.Doyle.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại chỉ có phim của Vương Gia Vệ thì C.Doyle mới hoàn toàn thể hiện được những khuôn hình có một không hai như vậy? Và tại sao chỉ có C.Doyle mới có thể diễn tả những tâm trạng tuyệt vời nhất của nhân vật hoặc chính là của tác giả phim Vương Gia Vệ? Mọi cặp bài trùng luôn có sự tương tác và bổ sung cho nhau, kích thích nhau cùng phát triển.

Một điều lập dị của Vương là ông gần như không có kịch bản làm phim. Thông thường, đạo diễn bắt đầu làm việc với kịch bản văn học, tiếp sau là kịch bản phân cảnh, vẽ story board rồi mới bắt đầu quay. Còn Vương Gia Vệ thường đến gặp nhà sản xuất mà trong tay chỉ có những lời thoại vụn vặt… Rồi cứ thế là quay phim. Nếu thành công, ông là một thiên tài. Nếu thất bại, ông trở thành một gã già lập dị lẩm cẩm. Những thước phim được lên men qua bàn tay C.Doyle độc nhất vô nhị (có lẽ, bản thân C.Doyle cũng có một phần nào đó lập dị và lẩm cẩm như Vương chăng…), tạo ra một thương hiệu đầy màu sắc, mùi vị và quyến rũ riêng của điện ảnh.

Trong cả quá trình làm phim, điều duy nhất có lẽ Vương Gia Vệ biết là ông muốn đang đi đâu và làm gì trong từng ngày một. Cũng như những tay chơi nhạc jazz vậy, họ biết họ đang chơi bài gì nhưng thực sự chẳng ai biết được rằng mình sẽ chơi đến khi nào. Đó là lý do mà với jazz, mặc dù cùng một nghệ sĩ biểu diễn, cùng một bản nhạc, nhưng mỗi lần họ chơi, bản nhạc ấy lại khác.

Trong nhạc jazz có hai điều cực kỳ quan trọng, đó là ngẫu hứng và lắng nghe. Có lẽ, chính lý do không có kịch bản cụ thể, nên việc ngẫu hứng trong từng cảnh quay của đoàn phim diễn ra thường xuyên. Và những khuôn hình đó đôi khi là những phút phiêu lãng xuất thần. Phần nhiều, trong điện ảnh, thường không ai dám chơi trò mạo hiểm như vậy. Tôi cũng tưởng tượng được khuôn mặt lo âu của Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ hay của C.Doyle khi hỏi Vương: “Vậy bây giờ, ông muốn cảnh tiếp theo sẽ như thế nào?”. Chắc lúc đó, Vương Gia Vệ sẽ cười và đáp: “Tôi không biết nữa, có lẽ chúng ta cùng đi tìm nó xem sao”. Dĩ nhiên, với cách làm phim kì quái như vậy, mọi thứ sẽ rơi vào sự lo âu. Điều duy nhất là đoàn phim đặt sự tin tưởng vào Vương. Đổi lại, Vương đặt sự tin tưởng vào tất cả bọn họ. Và thế là bọn họ cùng nhau chơi một bản nhạc jazz điện ảnh.

Một số phim, giống như các bản nhạc jazz của Mỹ ở thập niên 60 TK XX, ngọt ngào và quyến rũ. Có đôi chút hoài nghi về thời đại trong đó, nhưng là những năm tháng vàng son và đầy tính ái tình. Vào những năm 50, 60 TK XX, nhạc jazz được chơi bởi hầu hết là người da đen. Cách chơi ở thời điểm này thường đa phần là ngẫu hứng, chủ đề thường hướng tới tình yêu, chủ nghĩa lãng mạn, hoặc đôi khi là tư tưởng giải phóng bản thân. Nhạc jazz đối với người da đen ở Mỹ như một tuyên ngôn về sự tự do và tài năng sáng tạo, giống như giấc mơ của luật sư Martin Luther King vậy… Chất jazz ấy đượm cháy trong những bản phim đầu tiên của Vương nói về những người Thượng Hải ở Hồng Kông những năm 60 TK XX. Đó là A Phi chính truyện, rồi hai phần Tâm trạng khi yêu2046. Đề tài vẫn xoay quanh tình yêu, chậm rãi, đặc mùi khói và màu sắc hoài niệm. Trong phim, con người luôn mong muốn sự tự do trong tình yêu đồng thời giải thoát được chủ nghĩa cá nhân của riêng mình. Vương Gia Vệ đã tạo ra ba bộ phim quá đẹp và duy mỹ (đặc biệt, Tâm trạng khi yêu như là một bức tranh hoàn hảo), ẩn hiện dưới màu sắc đầy trang nhã, đầy tính lãng mạn và có nét gì đó rất tiểu tư sản.

Một số phim khác, lại giống những bản jazz fusion hiện đại, mang hơi thở đường phố nhiều hơn. Những nét ưu tư cũng đa dạng như những bản jazz thập niên 90 TK XX, đầy cô đơn và suy ngẫm. Trong thập kỷ 90 TK XX, sau một giai đoạn hình thành tương đối mạnh mẽ, jazz đã trở thành một thứ âm nhạc được chính thống hóa. Song chính sự ngẫu hứng đặc trưng đã giúp dòng nhạc này cảm nhận rõ nét hơi thở cuộc sống hiện đại đang phát triển rất nhanh, và nó được kết hợp với nhiều phong cách mới đa dạng hơn. Nhạc jazz đã phổ biến ra thế giới, không chỉ là dòng nhạc của riêng người da đen nữa. Năm 1994, Vương Gia Vệ bắt đầu thử nghiệm với phong cách thứ hai, tương ứng với jazz fusion, với Trùng Khánh sâm lâm, Đọa lạc thiên s và đặc biệt là Xuân quang xạ tiết. Hơi thở cuộc sống được đưa lên nhanh hơn, gấp gáp hơn, với nhiều sự sáng tạo mới, cùng nỗi cô đơn, hoài nghi về tình yêu, cuộc sống của con người thời đại. Đặc biệt trong Xuân quang xạ tiết, ông còn sử dụng một màu vàng oi bức của Argentina, hệt như màu của jazz, để miêu tả sự bắt đầu lại, tiếp diễn và kết thúc…

Nhớ lại những ngày tháng xưa cũ ấy, khi về nhà mỗi buổi chiều, bố tôi thường thư thái pha một ly café đậm đặc cùng vài điếu thuốc lá cuốn, thong thả buông mình nghe những bản nhạc jazz cổ của Charlie Parker, Grover Washington Jr, John Coltrane hay những bài hát của Nat King Cole, Louis Armstrong. Lúc đó tôi tự hỏi, tại sao họ có thể chơi được những giai điệu tuyệt vời, đầy tính ái tình như thế? Theo thời gian, bố tôi cũng già đi nhiều nhưng ông vẫn luôn đứng đằng sau dẫn dắt tôi nhìn ngắm jazz. Như một buổi sáng tôi tỉnh dậy, nhìn ngắm cuộc sống đang đâm chồi với hỷ nộ ái ố, sinh lão bệnh tử. Mọi thứ đều là bí mật, và chỉ khi xảy ra, chúng ta mới thực sự biết nó là gì. Lúc đó, ta mới thực sự hiểu những âm thanh của nhạc jazz, nơi mà bản thân người nghệ sĩ thản nhiên vui mừng đón nhận những điều gì sắp tới của giai điệu, của tiết tấu, của ngón đàn và tâm hồn của cả những người đồng nghiệp.

Chính cái âm điệu đầy nghịch ngợm trong jazz đã làm tôi nghiện. Càng sau này, những bản nhạc jazz hiện đại, người chơi càng ít đưa đẩy người nghe đến hai thái cực (cực vui và cực buồn). Bạn cứ thử lắng nghe âm thanh của jazz. Gần như không phân biệt được hợp âm trưởng thứ. Hoặc cả hai luôn luôn hòa lẫn vào nhau. Tiết tấu là một món quà quý của người da màu đem tặng cho jazz, khiến cho mọi thứ rất đời. Và chỉ khi tôi trưởng thành, tôi mới hiểu rằng cuộc sống như vậy đấy.

Lại nhớ hồi đầu mới xem những bộ phim của Vương, lúc đó tôi tầm tuổi thiếu niên. Tôi rất dễ xúc động. Có lẽ, tuổi thiếu niên luôn là tuổi khiến cho chúng ta đa cảm. Nếu ai đó hỏi đây có phải là những bộ phim bi kịch không? Ngày trước có lẽ tôi sẽ gật đầu lia lịa, nhưng bây giờ tôi chỉ trả lời là: không, đó là những bộ phim đẹp, những kết thúc đó là những điều nó phải xảy ra. Các nhân vật trong phim của Vương sống theo cách của họ. Vui, buồn, cô đơn… đều theo cách của họ và rồi họ cũng tương tác với nhau theo cách đặc trưng nhất mà họ muốn. Một cách ngẫu hứng nhất, họ gặp nhau, rồi yêu nhau. Hoặc sau đó là chia tay. Mọi thứ đều tự nhiên, ngẫu hứng và đưa đẩy người xem lúc rất gần, lúc thật xa câu chuyện. Gần như chúng ta đã nắm được nó rồi, nhưng sau đó thực chất lại nó lại đang ở rất xa ta. Giống như một bản nhạc jazz, dần chậm rãi khi kết thúc phần solo của các nhạc công vậy.

Giữa nhạc jazz và phim của Vương có những điểm duyên dáng hết sức đặc biệt. Cả hai đều sâu lắng, chậm rãi, ngẫu hứng và dường như chẳng bao giờ có điểm kết thúc… Hoặc sự kết thúc đôi khi chỉ nằm ở suy tư và trải nghiệm. Vương luôn đặt cho ta một tâm trạng giống như một chuyến tàu khứ hồi đi đi về về, chẳng bao giờ biết điểm dừng chân của nó thực sự là đâu. Cũng như nhạc jazz vậy, một bài hát với giai điệu đơn giản. Nhưng họ say nhạc và có thể chơi đi chơi lại hàng thập kỷ mỗi lần một kiểu khác nhau. Và ai biết được khi nào mới kết thúc…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013

Tác giả : Bùi Hoài Nam Sơn

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *