Đôi nét về phim việt kiều


 

Trong một vài năm gần đây khán giả yêu điện ảnh trong nước được thưởng thức một loạt tác phẩm điện ảnh của các đạo diễn Việt kiều. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức, những bộ phim này còn mang lại doanh thu lớn cho các hãng sản xuất và phát hành phim. Càng ngày dòng phim do những Việt kiều làm đạo diễn càng chiếm tỉ trọng và vị trí cao trong thị trường điện ảnh nước nhà và tạo được sự quan tâm của công chúng cũng như người làm nghề. Chưa có một định nghĩa hay tên gọi chính xác nào cho hiện tượng này, nên ở đây, chúng tôi tạm gọi là dòng phim Việt kiều (phim của những đạo diễn Việt kiều).

Khoảng 10 năm trở về trước, hiện tượng những đạo diễn Việt kiều trở về nước để làm phim còn rất ít ỏi và đơn lẻ, đồng thời khán giả trong nước đón nhận những tác phẩm của đạo diễn Việt kiều còn lạnh nhạt, bởi với họ, phim của những đạo diễn này còn rất xa lạ cả về nội dung lẫn cách kể chuyện. Người xem chỉ nhớ đến những phim: Mùi đủ đủ xanh (1993), Xích lô (1995), Mùa hè chiều thẳng đứng (1998) của Trần Anh Hùng, Ba mùa (1999) của Tony Bùi, Mùa len trâu (2004) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh như một món ăn tinh thần mới nhưng xa lạ và có phần cao cấp trong thị trường phim Việt lúc bấy giờ. Những bộ phim trên tuy đã đoạt được một số giải thưởng trong các LHP quốc tế nhưng đều ít có vị trí trong lòng người hâm mộ điện ảnh tại Việt Nam và các đạo diễn đó cũng coi việc về quê hương làm phim như một cuộc chơi để thỏa sức sáng tạo chứ chưa nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Vì thế phim của họ không được người xem đón nhận cũng là điều dễ hiểu.

Phải đến năm 2007, khi bộ phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh giành được giải thưởng do khán giả bình chọn tại LHP Busan (Hàn Quốc) và được phát hành rộng rãi tại Việt Nam thì khán giả mới bắt đầu tò mò và đến phòng vé lựa chọn phim này để xem. Áo lụa Hà Đông là câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, vợ chồng, về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Bộ phim đã lấy được không ít nước mắt của khán giả bởi câu chuyện dung dị, hình ảnh quay đẹp, cầu kỳ và chau chuốt. Và cũng từ đó hiệu ứng của dòng phim được sản xuất tại Việt Nam và do Việt kiều làm đạo diễn bắt đầu có chỗ đứng tại các rạp chiếu. Cho đến bây giờ khán giả đã quá quen thuộc với những cái tên như: Victor Vũ với Chuyện tình xa xứ, Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Giao lộ định mệnh, Scandal – bí mật thảm đỏ; Charlie Nguyễn với Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ; Nguyễn Văn Kiệt với Ngôi nhà trong hẻm, Lưu Huỳnh với Lấy chồng người ta, Huyền thoại bất tử… Việc nhìn nhận và đánh giá những tác phẩm điện ảnh này là điều cần thiết trong bối cảnh nền điện ảnh đang có xu hướng xã hội hóa như hiện nay

1. Dòng phim mang tính giải trí

Sau những tháng năm tìm kiếm thành công trên con đường lập nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, số người có được một chỗ đứng trong thị trường phim nước ngoài không nhiều, vì vậy họ trở về quê hương bắt tay với các hãng phim tư nhân để tung ra thị trường hàng loạt tác phẩm điện ảnh mang tính giải trí cao. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì khi các hãng phim tư nhân quyết định đầu tư sản xuất phim thì lợi nhuận là mục đích số một của họ. Để đạt được mục đích này, họ phải làm mọi cách thỏa mãn nhu cầu của người xem một cách tối đa. Chính vì thế, thay vào việc làm phim về những đề tài chính luận hay mang tính thời sự nóng bỏng, phim Việt kiều chủ yếu đi vào những lát cắt nhỏ trong cuộc sống để từ đó phát triển thành những tình huống, yếu tố làm hấp dẫn người xem. Đó chỉ là những câu chuyện hết sức bình dị được miêu tả bằng những góc nhìn khá mới mẻ khiến cho chuyện phim không khiên cưỡng mà luôn nhẹ nhàng, dí dỏm nên dễ được người xem chấp nhận. Xin đơn cử: Chuyện tình xa xứ kể về cuộc sống của hai du học sinh Việt Nam tại Mỹ, xuất thân khác nhau, mục đích đi du học khác nhau và tại Mỹ họ gặp những cô gái khác nhau và dẫn đến những tình yêu cũng khác nhau. Hay như phim Để mai tính chỉ đơn giản kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa một cô ca sĩ đang thất bại trong việc thực hiện ước mơ ca hát và một anh chàng phục vụ trong khách sạn. Nhờ tình yêu mãnh liệt và dại khờ của anh mà cô đã có đủ dũng cảm và quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình… Những câu chuyện phim đơn giản ấy không mang quá nhiều ý nghĩa về mặt chủ đề tư tưởng nên dễ đến được với người xem.

2. Phong cách làm phim chuyên nghiệp

Phim của đạo diễn Việt kiều có thể không hay, nhưng tuyệt đối không ẩu. Tất cả các tác phẩm của họ đều được đầu tư rất lớn về mặt kinh phí, công phu về kỹ thuật, hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, khán giả khó bắt lỗi trong từng khuôn hình. Đặc biệt là các đạo diễn Việt kiều luôn đi sâu khai thác những tình tiết làm tăng sức hấp dẫn của phim, bên cạnh đó, ngôn ngữ hình ảnh vốn là thế mạnh của điện ảnh cũng được các đạo diễn sử dụng triệt để, người xem phải ngỡ ngàng thán phục với một khu sinh thái Tràng An được sử dụng làm bối cảnh chính trong phim Thiên mệnh anh hùng, cảnh vật rất thân thương và gần gũi với khá nhiều người, nhưng qua những cú máy lia, những toàn cảnh, người xem như lạc vào một không gian hoàn toàn mới mẻ, thậm chí trên nhiều diễn đàn có rất nhiều người muốn biết phim đã được quay ở đâu để đến đó tham quan hay với Cô dâu đại chiến, nhà quay phim K’Linh đã giành giải quay phim xuất sắc nhất trong LHP Việt Nam lần thứ 17 (2011).

Không chỉ chuyên nghiệp về mặt hình ảnh mà phim của các đạo diễn Việt kiều đòi hỏi diễn viên phải có một trình độ diễn xuất rất chuyên nghiệp. Khó có thể chê diễn xuất của Dustin Nguyễn trong Dòng màu anh hùng, Để mai tính, Huyền thoại bất tử (giải nam diễn viên xuất sắc nhât LHP Việt Nam 16); Jonhny Trí Nguyễn trong Dòng máu anh hùng, Cưới ngay kẻo lỡ; Kathy Uyên trong Để mai tính, Chuyện tình xa xứ… Là những diễn viên được đào tạo bài bản tại nước ngoài nên chuyện họ có trình độ diễn xuất chuyên nghiệp cũng là điều dễ hiểu, nhưng ngay cả những diễn viên đã khá quen thuộc với khán giả trong nước như: Ngô Thanh Vân (Dòng máu anh hùnggiải nữ diễn viến xuất sắc nhất LHP Việt Nam 15), Huy Khánh (Cô dâu đại chiến, Chuyện tình xa xứ), Bình Minh (Giao lộ định mệnh, Chuyện tình xa xứ); Vân Trang, MiDu, Minh Thuận (Thiên mệnh anh hùng)… đã gần như lột xác hoàn toàn với những vai diễn mới. Ngô Thanh Vân đã có lần tâm sự là để thực hiện những màn võ thuật trong phim Dòng máu anh hùng, cô đã phải bỏ ra 4 tháng để học võ, mất 1 tháng chỉ để tập 1 thế võ dùng chân kẹp cổ đối phương… Như vậy có thể thấy họ đã đầu tư thời gian và công sức một cách rất nghiêm túc cho vai diễn để đáp ứng của những đạo diễn Việt kiều kỹ tính.

3. Một lối tư duy hoàn toàn mới

Khán giả Việt Nam thường phàn nàn rằng xem phim Việt Nam thường nặng về chủ đề tư tưởng, bài học cần rút ra qua mỗi tác phẩm điện ảnh khiến câu chuyện phim trở nên khiên cưỡng, xa lạ với đời sống thường nhật của công chúng. Còn các nhà phê bình thì cho rằng ở nước ngoài người ta kể về cái đinh bằng câu chuyện của hạt thóc thì ở Việt Nam chúng ta làm ngược lại. Một bộ phim với thời lượng trung bình là 90 phút, chuyện phim thường xảy ra trong một bối cảnh hẹp như một gia đình, dòng họ, nhà máy hay một địa phương nào đó nhưng bao giờ nó cũng phải mang một ý nghĩa giáo dục và đôi khi còn mang cả tầm vóc của thời đại. Không thể phủ nhận rằng điện ảnh nước ta đã có rất nhiều những tác phẩm như thế, nhưng ngày nay xã hội đã thay đổi, phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Tư duy của con người cũng thế, có những vấn đề của xã hội mà một bộ phim dài 90 phút không thể truyền tải hết được. Nào là cách đặt vấn đề, cách phát triển mâu thuẫn, giải quyết xung đột và cuối cùng là đưa ra những bài học, những điều cần nhắn nhủ cho người xem. Có quá nhiều thứ phải nói trong một bộ phim mang nội dung của một không gian hẹp. Ba bộ phim của các hãng phim nhà nước tham dự giải Cánh diều vàng năm 2012 là một ví dụ: Câu chuyện tàn phá môi trường được kể thông qua bi kịch của một gia đình nuôi dông (Cát nóng – đạo diễn Lê Hoàng) hay sự thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã khiến cuộc sống yên bình của những người nông dân trở nên khắc nghiệt hơn (Lạc lối – đạo diễn Pham Nhuệ Giang)…

Quay trở lại với dòng phim Việt kiều, vì được đào tạo trong một môi trường khác với những tư tưởng làm nghề rất tự do, thoải mái và không áp đặt nên những đạo diễn tạo được sự mới lạ về mặt tư duy làm nghề. Khoan hãy nói đến chuyện tốt, xấu, đúng sai nhưng rõ ràng sự phóng khoáng trong tư duy sẽ dẫn đến những ý tưởng mới mẻ và rõ ràng những điều mới mẻ ấy ít nhiều đang làm người xem thích thú. Xin đơn cử một ví dụ như phim Chuyện tình xa xứ.

Bộ phim kể về chuyện tình của hai anh chàng tên Hiếu và Khang, hai anh chàng này là bạn thân của nhau ngay từ nhỏ y như là Lưu Bình – Dương Lễ, có xuất thân hoàn toàn trái ngược nhau. Hiếu là một sinh viên nhà nghèo, luôn cố gắng học với ước mơ trở thành Bill Gates Việt Nam để không phụ lòng mẹ, còn Khang là công tử bảnh trai giàu có, chỉ biết ăn chơi trác táng, mỗi đêm anh còn ngủ với một cô gái khiến bố mình vô cùng tức giận. Ngày nọ, Hiếu và Khang đều nhận được học bổng đi du học ở Mỹ, và khi qua đến Mỹ, cả hai rơi vào tình yêu của hai cô nàng Việt kiều xinh đẹp. Nội dung phim không mới và với môtip thông thường thì tại nơi đất khách quê người, anh chàng Hiếu sẽ gặp được một cô gái dịu dàng, hiền thục và có một mối tình đẹp đẽ, còn anh chàng công tử Khang vốn lười lao động chỉ quen ăn chơi lêu lổng thì sau vài hôm sẽ gặp một cô gái ham vui, thích tụ tập đàn đúm và khi anh ta nhẵn túi thì cô cũng rời bỏ chàng. Đó là những kết cục thường thấy trong những phim của ta để người xem rút ra bài học rằng nếu nghèo mà chịu khó học hành ắt sẽ có ngày gặt hái hạnh phúc. Nhưng kết cục của phim lại không theo cái đó Hiếu được nhận làm gia sư dạy tiếng Việt cho nàng á hậu Jennifer rồi dần dần có cảm tình với cô ta mà không còn nhớ đến vợ sắp cưới tên Thảo vẫn đang trông chờ mình ở quê nhà, còn Khang thì làm quen với nữ cảnh sát Tiffany xinh xắn trong một vụ bắt cướp, từ khi cặp kè với cô thì Khang đã bỏ hẳn lối sống cũ mà trở thành con người biết lao động cực khổ kiếm tiền như bao người khác. Rõ ràng đã có một sự thay đổi về tư duy kể chuyện hoàn toàn không giống như kiểu ở hiền – gặp lành, tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi kể cả con người, và chính những tư duy mới này ít nhiều cũng làm khán giả thích thú.

Hay trong phim Thiên mệnh anh hùng, chuyện phim kể rằng sau vụ thảm án Lệ Chi viên, gia tộc Nguyễn Trãi chỉ có một người may mắn sống sót. Đó là một đứa bé 8 tuổi, cháu nội Nguyễn Trãi, được một gia nhân đem đi trốn thật xa để tránh sự truy sát của phe đảng Tuyên Từ Hoàng thái hậu. 12 năm sau, đứa bé năm xưa may mắn thoát chết, nay đã là một thanh niên 20 tuổi khôi ngô, cường tráng và tinh thông võ nghệ mang tên Trần Nguyên Vũ. Sau khi được ân sư cho biết thân thế thật sự, Nguyên Vũ đã xuống núi và bắt đầu cuộc phiêu lưu hấp dẫn và nguy hiểm vào sâu trong triều đình với quyết tâm trả thù kẻ đã hại gia đình và minh oan cho dòng tộc. Dấn sâu vào chốn quan trường, với bao chuyện cơ mật, những mưu toan tranh giành quyền lực giữa các thế lực, phe phái trong triều đình, đến lúc Nguyên Vũ mặt đối mặt Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Khán giả hồi hộp xem Nguyên Vũ sẽ nói với Tuyên Từ Hoàng thái hậu như thế nào, và người đàn bà ấy sẽ nhận tội, sẽ cầu xin ra sao… Nhưng cuối cùng Nguyên Vũ chỉ nói đại ý rằng chàng có thể vì thù riêng mà giết bà ta nhưng nếu giết bà ta rồi thiên hạ sẽ lại một lần nữa xảy ra đại loạn để tranh giành ngôi vị, muôn dân đã lầm than rồi càng lầm than hơn. Chính vì thế chàng vì nghĩa lớn mà không trả thù nhà. Chính sự thay đổi về nhận thức của nhân vật Nguyên Vũ đã dẫn đến hành động không giống như những nhân vật trong phim dã sử hay kiếm hiệp khác và cũng chính sự thay đổi này đã làm nên ý nghĩa nhân văn cao cả cho bộ phim.

4. Một số hạn chế

Nhu cầu xã hội hóa điện ảnh đã tạo nên một thị thường điện ảnh phong phú và sôi động. Lẽ đương nhiên các hãng phim tư nhân khi tham gia thị trường này cũng chỉ muốn đạt được mục đích là doanh thu. Chính vì thế họ cần về số lượng khán giả hơn là chất lượng, do đó phim của những đạo diễn Việt kiều thường sử dụng những chiêu trò nhằm thu hút tối đa sự quan tâm của công chúng và một trong những chiêu trò hiệu quả nhất là sử dụng cảnh nóng trong phim. Nhìn vào số lượng phim tham gia dự giải Cánh diều vàng 2012 của Hội Điện ảnh thì có đến 10/11 phim có sử dụng cảnh nóng, mặc dù không phải cảnh nóng nào cũng phục vụ cho nội dung phim nếu như không muốn nói là có nhiều cảnh nóng được sử dụng một cách gượng ép.

Thêm vào đó là các yếu tố khác như hài, hành động, bạo lực được khai thác một cách tối đa nên không thể tránh khỏi sự sa đà, thiếu tiết chế để có được sự hài hòa cần thiết cho phim.

Do áp dụng công nghệ làm phim giống như nước ngoài nên phần lớn phim của các đạo diễn Việt kiều đều thu tiếng trực tiếp với quan niệm là thu tiếng trực tiếp sẽ khiến cảm xúc thật của diễn viên được truyền thẳng đến khán giả mà không qua khâu lồng tiếng. Hạn chế của cách làm này là ở nước ta hiện nay hầu hết các cảnh quay đều thực hiện tại bối cảnh thật chứ không phải trong studio nên vẫn còn nhiều tạp âm, tiếng của diễn viên chưa tốt. Đó là chưa kể đến việc một số diễn viên vốn sinh sống tại nước ngoài lâu năm nên việc phát âm tiếng việt cho tròn vành rõ chữ còn khó chứ đừng nói đến chuyện đảm bảo âm, sắc trong những câu thoại. Điều đó đôi khi gây phản cảm cho người nghe.

Năn 2012, tổng số phim Việt Nam phát hành là 12 phim trong đó có 2 phim của các hãng phim nhà nước, 10 phim của các hãng phim tư nhân và một nửa trong số 10 phim đó là do những Việt kiều làm đạo diễn. Còn quá sớm để đánh giá nó như một xu hướng sáng tác nhưng rõ ràng không thể phủ nhận rằng đây đang là một hiện tượng. Và dù là hiện tượng thế nào thì cũng đều có nguyên nhân của nó.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Bùi Thị Hồng Gấm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *