Hợp tác sản xuất, phát hành phim các nước asean

Sau nhiều năm, ngành điện ảnh Việt Nam mới tổ chức một cuộc tọa đàm mang tính chuyên đề với nội dung điện ảnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế Hợp tác sản xuất, phát hành phim các nước ASEAN. Nằm trong khuôn khổ liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Hà Nội lần thứ IV, cuộc tọa đàm đề cập tới những vấn đề thiết cốt của đời sống, đã quy tụ được nhiều người làm nghề từ nhà quản lý, diễn viên, các nhà sản xuất và phát hành phim trong nước, quốc tế. Có thể nói, đây chính là cơ hội tốt để những người làm phim Việt có những bài học thiết thực, đồng thời mở ra cơ hội liên kết, hợp tác về sản xuất, phát hành phim ảnh với các nước bạn trong khối ASEAN, giống như một sự khẳng định: Đã đến thời của chúng ta – điện ảnh ASEAN.

Những năm vừa qua, chỉ riêng lĩnh vực phim truyện điện ảnh trong các quốc gia Đông Nam Á, có thể thấy một số thành quả ngoạn mục, với những giải thưởng cao tại các LHPQT lớn như Cannes, Venice… Những tác phẩm, cá nhân xuất sắc đó là niềm tự hào góp phần đưa hình ảnh nền điện ảnh ASEAN tới thế giới và quan trọng hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển điện ảnh từng quốc gia cũng như nền điện ảnh chung trong khu vực. Dù mỗi quốc gia đều tồn tại những hạn chế riêng, nhưng điểm chung ở các nền điện ảnh ASEAN chính là sự đa dạng và sức hấp dẫn về văn hóa được thể hiện trong phim ảnh của từng quốc gia thành viên. Cùng với sự thay đổi trong chính sách, ngành công nghiệp điện ảnh các nước ASEAN đang từng bước phát triển, dù có những nước đi nhanh hơn như Singapore hay Malaysia…, nhưng nhìn chung, điện ảnh ASEAN đang trong quá trình hội nhập. Và đây chính là thời điểm các nước ASEAN nắm tay nhau để đưa ngành công nghiệp điện ảnh đi lên, được thế giới công nhận. Đây có lẽ cũng là lý do mà bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng, sự chia sẻ, học tập kinh nghiệm phát triển điện ảnh chính trong nội khối sẽ có những tác động tích cực tới điện ảnh Việt Nam cũng như các nước trong khu vực. Đồng thời, thông qua điện ảnh, người dân ở các quốc gia có thể hiểu được nền văn hóa của nhau, góp phần vào sứ mệnh thúc đẩy quảng bá ý tưởng về tinh thần công dân ASEAN.

Với trọng tâm là nêu bật những ưu điểm cũng như nhược điểm cần khắc phục trong công tác sản xuất, phát hành, sự định hướng từ phía chính phủ các nước trong cộng đồng ASEAN nhằm thu hút nhiều nhà sản xuất nước ngoài, các đại biểu tham dự tọa đàm đã trình bày những kinh nghiệm thực sự quý giá áp dụng từ thực tế tình hình điện ảnh của mỗi nước, trong đó nhấn mạnh một số vấn đề nổi bật.

 Hoạt động sản xuất và phát hành phim: từ hoạt động sản xuất và phát hành phim của một số quốc gia trong khu vực cho thấy những bước tiến trên con đường hội nhập quốc tế.

Riêng về điện ảnh Việt Nam, trong năm 2015 có 450 cơ sở điện ảnh được cấp phép sản xuất phim, đã có 41 phim chiếu rạp, 6 phim video, 40 phim hoạt hình, 53 phim tài liệu được sản xuất. Trong công tác phát hành, có 138 rạp, cụm rạp, trong đó doanh nghiệp trong nước là 92, cụm liên doanh nước ngoài là 46; số lượng màn ảnh là 510, trong đó nội là 241, liên doanh là 269. Trong năm có hơn 200 phim nước ngoài được chiếu tại các rạp và cụm rạp trong nước, chiếm tới hơn 2/3 thị phần phim chiếu rạp của Việt Nam. Đây không chỉ là thực trạng của riêng hoạt động phát hành phim ở Việt Nam, mà đó là vấn đề chung của các nước ASEAN. Đơn cử Campuchia, riêng phim chiếu trên 20 kênh truyền hình với khoảng 10.000 phim một năm, trong đó 40% Hàn Quốc, 20% Trung Quốc, 20% Thái Lan, 10% Ấn Độ, 10% Campuchia… Như vậy, ngay trên sân nhà, nền điện ảnh trong nước đã bị đánh bật bởi nền điện ảnh của các quốc gia từ châu Á, châu Âu… Trong khi đó phim của các nước ASEAN hay phim hợp tác sản xuất giữa các nước trong khu vực hầu như vắng bóng tại các rạp chiếu của nhau. Từ đây có thể thấy số lượng phim hợp tác giữa các nước trong cùng khối còn ít, hầu như chỉ cung cấp dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài thực hiện quay tại các quốc gia. Đây được coi là những hạn chế đối với việc hợp tác sản xuất và phát hành phim của các nước ASEAN trong thời gian tới. Để cải thiện điều này, các nước cần đề xuất hỗ trợ, có chính sách khuyến khích, ưu đãi, xây dựng đề án trong công tác sản xuất và phát hành phim nhằm thu hút các nhà làm phim trong và ngoài khu vực.

Nguồn đầu tư cho công tác sản xuất, phát hành phim: điện ảnh Việt Nam có thuận lợi là bởi hành lang pháp lý tạo cơ sở để phát triển điện ảnh, nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước tham gia vào phát triển điện ảnh, xây dựng các rạp chiếu thông qua hàng loạt chính sách cởi mở cùng với việc duy trì nguồn kinh phí đặt hàng làm phim phục vụ chính trị, phim cho đồng bào dân tộc vùng miền núi, hay chính sách hỗ trợ chiếu phim lưu động hàng năm… thì chính phủ các nước như Singapore, Campuchia, Malaysia lại tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tài năng điện ảnh của nước họ tích cực sản xuất phim bằng nguồn kinh phí tự tìm kiếm.

Từ những chia sẻ của các đại biểu đến từ một số quốc gia ASEAN, có thể thấy nguồn kinh phí làm phim chủ yếu là tự tìm kiếm ở các nguồn lực khác nhau trong xã hội. Chính phủ Singapore có hình thức hỗ trợ vốn không hoàn lại cho các nhà làm phim, nhưng số tiền này không đáng kể, chủ yếu vẫn là tìm đầu tư bên ngoài. Ngoài ra, những người làm phim ở đất nước Sư tử còn sử dụng phương pháp góp vốn đầu tư chung bằng hình thức lên mạng xã hội giới thiệu về dự án phim để kêu gọi góp vốn sản xuất phim.

Đối với điện ảnh Campuchia, ngoài việc hợp tác kêu gọi vốn đầu tư từ đối tác tư nhân, các nhà làm phim cũng được chính phủ hỗ trợ vốn thông qua quỹ Khơme. Tuy chỉ được hỗ trợ một phần, nhưng đây cũng được coi là động thái quan trọng giúp cho các nhà làm phim có cơ hội phát triển nhiều dự án phim.

Cũng giống như các nước khác, những nhà làm phim Malaysia phải tự thân vận động để thu hút vốn sản xuất phim bằng nhiều hình thức khác nhau. Có thể kêu gọi, hợp tác với các nhà đầu tư tư nhân hoặc mang các dự án phim đến chính phủ để có thể được hỗ trợ…

Môi trường thu hút hợp tác sản xuất phim: trong vài năm trở lại đây, điện ảnh các nước ASEAN đã chứng kiến sắc thái mới, không chỉ phát triển điện ảnh trong nước, mà còn thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến hợp tác sản xuất phim. Các nước ASEAN có lợi thế về môi trường thuận lợi thông thoáng về cảnh quan và cơ chế chính sách để thu hút nhiều nhà làm phim trong và ngoài khu vực.

Trong một vài năm gần đây, Việt Nam thu hút nhiều nhà làm phim nước ngoài đến tìm hiểu làm phim trường. Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng những phim nước ngoài được làm ở các nước khác thì Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam chưa nhiều và chúng ta cũng chưa khai thác được hết những tiềm năng của cảnh quan đất nước hay nguồn lực về trang thiết bị, nguồn lao động… trong khi các nước láng giềng đã hết sức thành công. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam, làm sao hợp tác với họ thành công và đôi bên cùng có lợi?… Những chia sẻ kinh nghiệm từ phía các nước như Singapore, Campuchia, hay Malaysia trong hội thảo chính là câu trả lời, bài học quý đối với Việt Nam trong việc khai thác tiềm năng và cơ chế chính sách thuận lợi thu hút các nhà làm phim nước ngoài.

Đối với Campuchia: theo ông Pok Borak, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và Phổ biến văn hóa Campuchia, chính sách phát triển văn hóa quốc gia của họ rất chú trọng sử dụng hình ảnh đất nước như một nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư điện ảnh nước ngoài. Năm 2009, Cục Điện ảnh đã có những nỗ lực để thu hút các nhà đầu tư như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư những gì họ thiếu với những năng lực mà chủ nhà có sẵn hoặc có thế mạnh.

Trước năm 2009, các nhà làm phim nước ngoài vào Campuchia thường phải đem theo nhiều loại máy móc thiết bị hoặc thuê từ Thái Lan, rất tốn kém và mất nhiều công sức. Thấy được những hạn chế này, chính phủ Campuchia đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết định mua một số thiết bị hiện đại phục vụ cho việc làm phim, vừa hỗ trợ các nhà làm phim nước ngoài, vừa làm dịch vụ để mở rộng cơ hội hợp tác, thu hút các nhà làm phim từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, chính phủ cũng xây dựng chiến lược quản lý điện ảnh, khuyến khích hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, đặc biệt là các nhà làm phim đến từ khu vực ASEAN.

Về hợp tác sản xuất điện ảnh, theo ông Pok Borak, có hai kiểu chính thức và không chính thức. Chẳng hạn, năm 2013, Campuchia đã ký Hợp tác thỏa thuận điện ảnh với Pháp và các nhà làm phim hai nước sau đó đã cho ra đời những tác phẩm hay. Đối với những dự án này, chính phủ sẽ hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính và giảm thuế. Hợp tác không chính thức là các đơn vị trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài, cùng góp tiền sản xuất phim và phim được quay ở cả hai nơi.

Ngoài những yếu tố trên, lịch sử cũng là một yếu tố thuận lợi giúp Campuchia thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Có nhiều đạo diễn quốc tế đã tìm đến Campuchia quay phim tài liệu, ngoài nhiều bộ phim truyện nổi tiếng sử dụng bối cảnh đền đài cổ kính của Angko Vat, Angkor Thom… Trong năm 2015 có 67 phim nước ngoài quay tại đất nước này, còn trong năm 2016 tính đến hết tháng 9, đã có 53 phim bấm máy.

Đối với Singapore, thường xuyên có nhiều hoạt động hỗ trợ sản xuất, phát hành phim, nhất là trong những LHPQT được tổ chức tại đây. Cụ thể, năm 2015 có 148 ý tưởng, dự án tham gia liên hoan, trong số đó có 15 ý tưởng, dự án của các nhà làm phim Singapore và một số nước tham dự được chọn hỗ trợ. Năm 2016, Singapore cũng tổ chức hội thảo kết nối sản xuất phim giữa châu Âu và châu Á để thúc đẩy sự hỗ trợ từ bên ngoài. Ngoài ra, ở Singapore, văn phòng hỗ trợ sản xuất phim của một quỹ truyền thông toàn cầu đã thành lập với các hoạt động hỗ trợ kết nối, đánh giá dự án, tài chính và tìm kiếm nguồn trợ giúp từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, việc tổ chức LHPQT Singapore cũng là một trong những cánh cửa để điện ảnh đảo quốc này tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà làm phim nước ngoài, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là cơ hội để tăng số lượng sản xuất phim trong nước và thúc đẩy phát hành phim ra nước ngoài.

Đối với Malaysia, theo bà Norakhikin Ahmad Nor, Trưởng phòng thương mại quốc tế FINAS, quốc gia này nêu mục tiêu điện ảnh là một trong những nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế trong nước thông qua việc phối hợp sản xuất hậu kỳ và phát hành. Bộ Truyền thông đa phương tiện có nhiệm vụ phát triển những sáng kiến về nội dung phim, hỗ trợ các nhà sản xuất phim để đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, việc tổ chức liên hoan phim thu hút nhà đầu tư, làm chất xúc tác đầu tư điện ảnh cũng là cách thức mà ngành điện ảnh Malaysia lựa chọn. Bà cho biết việc hỗ trợ hợp tác phát triển cũng là một trong những ưu tiên của ngành điện ảnh nước này.

Dù có những hình thức hay phương pháp hợp tác sản xuất, phát hành phim nào đi nữa, thiết nghĩ mỗi quốc gia khi hội nhập cần giữ được bản sắc dân tộc. Có như vậy, mới tạo nên nét riêng  độc đáo của mình. Điều này càng được chú trọng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi mà nền điện ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc không thể nào khép kín, mà phải rộng mở trong các mối quan hệ, với các nền điện ảnh, trung tâm điện ảnh quốc tế để không ngừng phát triển. Vì vậy, hơn lúc nào hết nền điện ảnh các quốc gia ASEAN phải nỗ lực vượt qua thách thức để hợp tác sản xuất và phát hành phim, nhưng cũng không quên việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Điện ảnh mỗi nước phải tìm ra bản sắc riêng, chỉ có thể tồn tại và phát triển bằng bản sắc riêng ấy.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : TUỆ SAM

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *