Chùa láng


Sài Sơn Thánh hóa, đế trụ tiền thân,

Lạc Việt thiên thu tồn hiển tích

Thiên tự linh quang, Thiền môn thắng cảnh

Long thành vạn cổ thử danh lam (1)

 

(Thánh hóa chốn Sài Sơn là kiếp trước của vua

Đất Việt nghìn thu còn lưu dấu

Chùa trời linh ứng vào thắng cảnh chốn Thiền môn

Nơi Long thành muôn thủa là đất danh lam)

 

Vốn là một thắng tích nổi tiếng ở kinh kỳ, nằm sâu trong phố mang tên chính ngôi chùa, phố Chùa Láng, chùa còn có có tên chữ là Chiêu Thiền tự. Nguyên nơi đây đã hiển nhiều điềm lành nên gọi là Chiêu, đồng thời cũng là đất sinh ra bậc thiền sư danh tiếng Từ Đạo Hạnh nên gọi là Thiền (2). Chùa Chiêu Thiền có ý nghĩa là vậy. Chùa Láng ngày nay thuộc địa phận của đất Láng thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa là làng Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận. Chùa còn có tên khác là chùa Cả, bởi hàng năm, vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch (3) chùa là nơi đón nhận các kiệu rước từ các làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch xưa về chầu thánh. Theo lệ, cứ 15 năm người ta mới tổ chức hội lớn một lần, kéo dài hàng tháng.

Theo truyền thuyết (4), Từ Đạo Hạnh vốn là một nhà sư tu ở chùa Thầy. Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đã nhiều tuổi mà chưa có con trai, xuống chiếu chọn con nhà tôn thất để lập làm thái tử. Em trai vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con trai, vừa gặp lúc sư Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, Sùng Hiền Hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng: “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải cho tôi biết trước”. Đạo Hạnh cầu hộ với sơn thần. Ba năm sau, phu nhân có thai, lúc sắp sinh báo cho nhà sư Đạo Hạnh biết, ông lập tức thay áo tắm rửa, vào trong hang núi trút xác mà đi (5). Phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Thái tử Dương Hoán sau này là vua Lý Thần Tông (1127-1138). Cuối đời, vua Lý Thần Tông mắc bệnh mọc lông, ra vuốt sắc gầm hét như hổ dữ, nhờ có vị cao tăng là Nguyễn Chí Thành (Nguyễn Minh Không) vốn là bạn cũ của Từ Đạo Hạnh chữa cho khỏi bệnh. Ông được vua phong là Lý Triều Quốc Sư và được thờ ở nơi tịnh xá nền chùa Lý Quốc Sư hiện nay. Khi cha mất, vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) đã cho xây chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha Lý Thần Tông và kiếp trước của người là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của cha mẹ Từ Đạo Hạnh ở làng Yên Lãng. Từ Đạo Hạnh là thiền sư được liệt vào hàng thánh Tứ bất tử của Việt Nam (6). Như vậy, chùa Láng có từ TK XII, và là một trong số những ngôi chùa dạng tiền phật hậu thánh ở Hà Nội cùng với chùa Lý Quốc Sư, chùa Thầy thờ đức thánh Từ Đạo Hạnh. Mặc dầu cùng thờ Từ Đạo Hạnh nhưng ở mỗi nơi, việc thờ tự đều khác nhau liên quan đến cuộc đời của thánh: Ở chùa Thầy là nơi thánh hóa, chùa Lý Quốc Sư là nơi ông được chữa bệnh và nay phối thờ với Nguyễn Minh Không, còn chùa Láng là nơi thánh sinh.

Kiến trúc

Vốn thuộc về đất ngoại thành phía nam Hà Nội xưa, chùa Láng tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn, đi qua hai lớp tam quan là một con đường thần đạo dài, ngôi chùa ngày nay được xây dựng theo lối nội công ngoại quốc, hướng mặt ra sông Tô. Bên tả bên hữu lại có ao và giếng lớn, tạo cho khung cảnh chùa Láng một địa thế phong thủy đắc địa.

Đến nay, những dấu tích của kiến trúc thời Lý hầu như không còn gì, kể cả dấu ấn của đợt trùng tu lớn vào thời Lê Trung hưng, như tấm bia niên đại 1656 do Diên thọ bá Nguyễn Văn Trạc soạn và Tham tụng bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch hiệu duyệt. Diện mạo ngôi chùa hiện nay phần lớn mang phong cách thời Nguyễn, nhờ vào các lần trung tu năm 1869, 1909, 1928, 1934, hiện còn được lưu ở các văn bia tại chùa. Tuy nhiên, kiến trúc của chùa thể hiện tính hoàn chỉnh của dạng kiến trúc tiền phật hậu thánh rất đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo đồng bằng Bắc Bộ. Tiêu biểu cho hình thức này là dạng kết cấu chùa vừa có nghi môn thờ thánh vừa có tam quan thờ phật.

Với kiểu thức khá đặc biệt, bộ mái không phủ trùm trên các cột mà được thiết kế ở lưng chừng cột, nghi môn ngoài cùng của chùa Láng đã tạo ra một nét duyên dáng riêng biệt. Nó đồng thời cho thấy ý nghĩa kép lối cấu trúc tam quan nhưng cũng là dạng thức của những trụ biểu, mà trên đó có hình tượng nghê đắp ngõa với ý nghĩa kiểm soát linh hồn của những kẻ hành hương. Phía dưới những bộ mái cong là tấm biển đề chữ Hán. Chính giữa là: Thiền thiên khải thánh, hai bên là Tuệ nhậtTừ vân, với ý nghĩa báo cho người đời biết rằng, đây là chốn linh thiêng, nơi hội tụ của ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi, là chốn thiền thờ phật nhưng cũng lại là nơi bái thánh. Những dòng chữ Hán được viết trên mặt trước của những trụ cổng cũng nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa này. Tam quan nội của chùa được xây dựng khá giản dị theo lối chồng diêm hai tầng bốn mái, hai đầu hồi bít đốc tay ngai với sự kết hợp của lối vì kèo gỗ và các cột trụ xây, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Cho dù không có bất cứ dòng chữ Hán nào, nhưng những bức vẽ, ghép gốm và đắp ngõa ở phần cổ diêm của tam quan với hoạt cảnh đi Tây Trúc lấy kinh và các biểu tượng tứ linh trên các rìa mái cũng góp phần nhấn mạnh đến ý nghĩa của nơi cảnh phật đất thánh như nghi môn đã chỉ ra. Điều này cho thấy tính chất thống nhất trong việc tạo dựng một không gian kiến trúc.

Có lẽ điểm độc đáo của kiến trúc chùa Láng không chỉ dừng lại ở việc thiết kế mặt bằng, tạo dựng không gian mà còn được thể hiện ra trên những tầng ý nghĩa khác nhau của các đơn nguyên kiến trúc. Dọc theo con đường thần đạo xây tường hoa thấp hai bên, trước khi vào kiến trúc chính của chùa, kẻ hành hương còn phải qua một lớp cổng tam triều với hai trụ chính ở giữa và hai cổng phụ ở hai bên. Lớp cổng thứ ba này là một nét riêng dường như chưa có tiền lệ. Việc xây ba lối đi riêng biệt, mà hai tam quan chỉ dẫn vào trục đường thần đạo chính đã cho thấy vị thế khác của chùa. Vị thánh được thờ ở chùa này không đơn thuần là thánh mà còn là vua Lý Thần Tông, do đó, toàn bộ không gian kiến trúc được dựng lên như dạng thức một kiến trúc cung đình mà cổng chính là dành cho vua, cổng hai bên dành cho hàng quan, lính. Cổng chính này lại được tuân thủ theo kiểu thức kiến trúc chung cho lối tiền phật hậu thánh với hai lớp tam quan, nghi môn như ở các ngôi chùa thờ thánh mà ta vẫn thường gặp.

Bước qua lớp cổng tam triều, chính giữa sân, trước tòa bái đường, tả vu, hữu vu là lầu bát giác, được dựng theo lối chồng diêm hai tầng 16 mái mềm mại, thanh nhã. Đây không chỉ là một công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật nổi bật với hàng cột hiên bao quanh và tường bên trong đều bằng gạch nung già để trần. Đứng về mặt ý nghĩa thì đây còn là biểu tượng của hình bát quái và chồng quái hóa hóa, sinh sinh tạo ra vạn vạt của vũ trụ, nói lên sự màu nhiệm của đạo pháp. Đây cũng là nơi dùng để đặt kiệu thánh vào đêm trước ngày hội và làm lễ mộc dục.

Tiếp đến là đôi rồng đá dẫn lên bậc thềm của bái đường. Khác với đa phần các đôi rồng chầu tạo bậc thềm của các ngôi chùa thờ vua, đôi rồng này không hướng mặt ra phía ngoài một cách thông thường, mà quay hướng mặt vào phía trong, có lẽ cùng chung ý nghĩa với các thành phần kiến trúc kể trên và để nhấn mạnh cho vai trò đặc biệt của vị thánh được thờ nơi đây. Bái đường và tiền đường là hai nếp nhà song song mỗi tòa 9 gian, cách nhau chỉ hơn 1m, để tạo nên ánh sáng mờ ảo. Hai tòa đều được dựng theo lối chồng diêm và được nối với nhau bằng một nhà cầu ở giữa. Theo dòng chữ được ghi trên thượng lương thì bái đường được dựng năm Bảo Đại thứ 9 (1934) (7). Tiền đường thờ phật nối với hậu cung 7 gian thờ thánh tạo thành hình chữ công. Sau hậu cung có hai lầu vuông cao hai bên, một bên treo quả chuông đúc năm 1740, một bên treo khánh bằng đồng đúc năm 1738. Hai dãy hành lang hai bên, mỗi bên 18 gian, nhà tổ 5 gian, hậu điện 9 gian, nhà hậu 10 gian, nhà khách 7 gian. Tính ra vừa đúng 100 gian. Tất cả tạo nên một kiến trúc bề thế và khép kín của hình thức nội công ngoại quốc.

Khuôn viên chùa rộng rãi, cõi tục và cõi thiền được phân chia bởi lớp tường gạch bao quanh cao vừa quá tầm mắt. Bố cục mặt bằng kiến trúc đối xứng theo một đường trục dọc từ cửa tam quan đến nhà tổ phía sau, tầng tầng lớp lớp với chức năng khác nhau, hòa hợp với sân vườn và cây xanh tạo nên một không gian hài hòa, sâu thẳm, tĩnh mịch, cổ kính và nghiêm trang.

Điêu khắc

So với phần đa các chùa ở Thăng Long xưa, thì chùa Láng là nơi có một hệ thống tượng thờ khá đồ sộ, lên tới 198 pho tượng lớn nhỏ. Mặc dầu các tác phẩm này không mang tính chất đặc sắc như hệ thống tượng chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây) nhưng cách thức bài trí tượng phật ở chùa Láng lại mang những dáng vẻ riêng khác với một ngôi chùa thông thường, thậm chí cũng khác xa với các ngôi chùa tiền phật hậu thánh.

Ban Tam bảo gồm tượng Tam thế, Adiđà tam tôn và Thích Ca sơ sinh đồng thời cũng là điện thờ thánh, đặt trong hậu cung và chỉ được mở vào những dịp lễ hội đặc biệt. Hệ thống các tượng thờ khác như Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Tọa Sơn, tượng Di lặc, Tuyết Sơn, Văn Thù, Phổ Hiền đều được đặt sang hai bên chính điện, thành những ban riêng và tiếp nối với đó là hệ thống tượng La Hán với 21 vị. Cũng khác với đa phần các ngôi chùa thông thường, Thập điện Diêm Vương ở đây không đơn thuần là hệ thống tượng 10 vị quan, mà đã được đắp thành hai động lớn tọa lạc ở hai đầu của tòa tiền đường với tầng tầng lớp lớp tượng mô tả cảnh trí hình trạng con người gặp phải nếu làm điều ác, nhằm khuyên con người ta trở về với đạo chính, hướng thiện. Đa phần những pho tượng trong động Thập điện này là tượng đất phủ sơn có niên đại TK XIX.

Bên cạnh các điêu khắc Phật giáo, chùa còn lưu giữ một pho tượng công chúa Lê Thị Ngọc còn gọi là tượng Bà hậu, vợ của Thái úy Tây Quốc công Trịnh Tạc, người đã cúng hậu vào chùa một mẫu ruộng (8). Đây cũng là một trong những pho tượng cổ và đẹp mà nhà chùa còn lưu giữ đến ngày nay. Tượng thể hiện đức chúa ngồi tọa thiền và mang đậm giá trị của nghệ thuật điêu khắc chân dung TK XVII.

Đặc sắc nhất trong hệ thống tượng chùa Láng có lẽ phải kể đến hai pho tượng được gọi chung Đức thánh Láng, có niên đại TK XVII; đó là tượng Từ Đạo Hạnh và tượng vua Lý Thần Tông. Tượng Từ Đạo Hạnh mặc áo cà sa ngồi tọa thiền, còn tượng Lý Thần Tông ngồi trên ngai vàng. Chân dung hai bức tượng hao hao giống nhau. Thậm chí, pho tượng Lý Thần Tông, tuy mô tả một vị vua nhưng lại để trọc đầu như thể nhà sư. Tượng vua trông khá phương phi và có nét mặt trẻ trung, bởi Thần Tông mất khi mới 23 tuổi. Điểm độc đáo của pho tượng này không chỉ đơn thuần là tượng một vị vua mà chất liệu làm tượng cũng rất đặc sắc. Trước đây, các vùng thuộc hệ thống thờ Đức thánh Láng hiện vẫn lưu truyền một truyền thuyết dân gian về việc người xưa dùng mây tre đan, rút thành cốt tượng sau đó đem xá lị trộn với sơn ta bồi đắp nên thành tượng. Bức tượng Lý Thần Tông trải thời gian hàng thế kỷ, bị bong tróc nhiều vết trên đầu, trán, và cổ, do mối mọt xông ruỗng ở bên trong thân. Năm 2005, Ban quản lý di tích đã cho tu bổ và phần nào làm sáng tỏ lời truyền trên. Lớp cốt tượng trong cùng được đan bằng một loại đồng sớm, đã rút thành sợi, sau đó dùng sợi mây đã chẻ, phết sơn ta, quấn kín lên sợi đồng mà thành cốt tượng. Lớp thứ hai là một lớp vải. Tiếp theo là lớp cốt bồi, các lớp sơn. Lại thêm một lớp vải nữa. Rồi đến các lớp hom và ngoài cùng là lớp sơn quang. Theo kết quả giám định của Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, hai lớp vải này có niên đại cách nhau khoảng vài trăm năm do kết quả của lần tu sửa thứ nhất vào đời Lê, năm 1657, trùng hợp với tấm bia có cùng niên đại hiện đang lưu tại chùa (9). Bên cạnh đó, khi thăm dò tâm tượng, các chuyên gia còn phát hiện được 7 đồng tiền cổ, trên mặt dương có 4 chữ Đại Thuận thông bảo, mặt âm có chữ Công và một tấm gương đồng cổ. Ông Đỗ Văn Ninh, một chuyên gia tiền cổ, đã xem xét và khẳng định, đây là loại tiền được đúc vào khoảng năm 1646-1664. Điều này cùng với phong cách điêu khắc tượng, càng là căn cứ để xác định lớp niên đại TK XVII cho hai pho tượng, và cốt phía trong tượng có thể có niên đại sớm hơn (10). Ngoài hai pho tượng kể trên thì chùa Láng còn một số di vật liên quan đến Đức thánh Từ Đạo Hạnh.

Di vật và văn bia

Ngoài hệ thống tượng phật đồ sộ thì chùa hiện còn lưu giữ 15 tấm bia đá. Trong đó, tấm bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi dựng năm Thịnh Đức 4 (1656) do chúa Trịnh Tráng, sau khi đến thăm chùa, đã sai Binh bộ tả thị lang Diên thọ bá Nguyễn Văn Trạc viết. Bia cao 1,4m rộng 0,8m là một trong những tấm bia đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Đây cũng là một trong hai tấm bia có biểu tượng tiên nữ cưỡi rồng chầu mặt trời trên trán bia (11) được tìm thấy trong hệ thống văn bia Việt Nam. Mặt sau của bia còn có hình tượng một người bụng phệ thổi kèn, đây là một trong những hình ảnh đặc sắc hy hữu chỉ riêng có trên bia chùa Láng. Nét khắc xảo hoạt, sinh động.

 

Không chỉ vậy, chùa Láng còn lưu giữa 30 bức hoành phi và 31 câu đối, 12 đạo sắc phong của các vua Lê, Tây Sơn và triều Nguyễn, sớm nhất là sắc phong của vua Lê Cảnh Hưng (1790) và của Quang Trung, sắc cuối là của Khải Định. Trong hộp đựng sắc còn có cuốn sách Luận tích của tri phủ Quốc Oai viết năm Vĩnh Hựu 3 (1737), hai cuốn sách bằng chữ Nôm diễn ca Sự tích thánh đế họ TừPhụ lục sự tích, dài 464 câu.

Chùa Láng nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, “thật là danh lam bậc nhất thế gian chùa nào sánh kịp, khí tốt Phượng Thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng. Nhị hà nghìn dặm lượn quanh kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về. Tản Viên dãy núi đầy thế đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp” (12). Chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962.

_______________

1. Câu đối ở chùa Láng.

2. Bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi, (“Cái nguyên hữu chiêu hiển gia tướng, cố dĩ chiêu danh. Đĩnh sinh thiền sư đại Thánh, cố dĩ thiền danh”) bản lược dịch sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.307.

3. Ngày 7-3 âm lịch là ngày thánh hóa, cả chùa Láng và chùa Thầy đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của Đức thánh Từ Đạo Hạnh.

4. Chép trong sách Việt điện u linh.

5. Sau khi sư tịch, dân gian cho là việc lạ nên đặt xác của Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Tương truyền, khi giặc Minh sang xâm lược đầu TK XV, chúng đã đốt cháy xác. Về sau, dân gian đắp lại để thờ như cũ, hiện nay vẫn còn lưu tại chùa Thầy.

6. Thánh Tứ bất tử ở Việt Nam bao gồm: Khổng Minh Không (có lúc là Nguyễn Minh Không, có khi lại là Dương Không Lộ), Từ Đạo Hạnh, Thánh Gióng, Tản Viên Sơn Thánh. Bộ tứ bất tử này không phải lúc nào cũng cố định, mà nó chỉ là con số phiếm chỉ. Do đó, ngoài các vị thánh kể trên còn có thêm Công chúa Liễu Hạnh, và Chử Đồng Tử.

7. “Đại Nam Bảo Đại cửu niên, tuế thứ giáp tuất, thập nhất nguyệt, sơ cửu nhật lương thời thụ trụ thượng lương trùng tu đại các. Tây lịch 1934 tháng chạp ngày 15 hoàn hảo”, dịch: năm Bảo đại thứ 9, tháng 11 năm Giáp Tuất, trùng tu tiền đường, ngày 15 tháng chạp Tây lịch là năm 1934 thì hoàn thành.

8. Điều này được ghi lại trên tấm bia Phúc Điện, niên đại TK XVII dựng bên trái tiền đường.

9. Bia về việc trông coi chùa Chiêu Thiền: Đại thánh Từ Đạo Hạnh thác sinh đầu thời Lý, khi ngài hóa, dựng bức tượng, di tích vẫn còn. Đến nay tượng bị mục, ngày 20-5 năm Mậu Thân kính cẩn tâu xin được làm lại như cũ. Từ ngày 27-7 khởi công, đến ngày 12-12, công trình hoàn thành tốt đẹp. Bèn ghi lại lưu truyền để đời sau được biết.

10. Theo các chuyên gia tu bổ tượng, lớp sơn tại các điểm vỡ trên thân tượng có niên đại thời Lê. Còn trong thân tượng có một số miếng bồi cũ, niên đại cách lớp bồi của lần tu sửa vào năm 1657 khá lâu.

11. Bia khác là bia chùa Keo Hành Thiện, Nam Định.

            12. Bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 316, tháng 10-2010

Tác giả : Trang Thanh Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *