Trang trí đồ mã trong nghi lễ thờ tứ phủ ở hà nội


 

Trong các nghi l ca tín ngưỡng th T ph, đồ mã là mt l vt quan trng không th thiếu. Chúng không đơn thuần là những thđồ bằng giấy để hóa sau mỗi đàn lễ, mà nó còn chứa đựng thế giới quan tâm linh của người Việt. Hơn nữa, đồ mã còn mang các yếu tố của nghệ thuật tạo hình, sự sáng tạo của người làm mã. Có thể nói, đó còn là những sản phẩm nghệ thuật phục vụ tâm linh.

Cách thức tạo hình cho đồ mã Tứ phủ chịu ảnh hưởng nhiều của nghệ thuật dân gian. Đặc trưng của lối tạo hình này là sự chú trọng đến yếu tố thuận mắt, thuận tay nhưng mang tính khái quát cao, không thừa, không thiếu. Đây là lối tạo hình đơn giản nhưng lại chứa đựng nhiều chi tiết quy định về đường nét, khối tích rõ ràng, khỏe khoắn mà mềm mại, uyển chuyển. Đôi khi chúng ta cảm thấy đồ mã hơi ngô nghê nhưng vẫn thuận mắt nhìn. Chúng thể hiện cái siêu thực nhưng gần gũi, đem đến cho chúng ta cái đẹp về thẩm mỹ và tinh thần.

Nói về nghệ thuật tạo hình nghĩa là phải nói đến các yếu tố như hình khối, màu sắc, bố cục,… Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến yếu tố trang trí trên một số đồ mã có mặt trong hầu hết các đàn lễ của Tứ phủ như tòa sơn trang, lốt tam đầu, voi, ngựa, thuyền rồng.

Các yếu tố trang trí trên các đồ mã Tứ phủ được sử dụng tài tình với nhiều loại hình họa tiết khác nhau và được bố trí đa chiều hướng. Do đó, các hình trang trí cũng như màu sắc mang tính nhịp điệu và uyển chuyển. Khi trang trí cho đồ mã, người làm chú trọng nhiều đến yếu tố chính – phụ của các mảng họa tiết. Có lẽ, nhờ thế mà ta không cảm thấy các họa tiết, hoa văn bị dàn trải trên toàn bộ một mặt phẳng. Tất nhiên, sự bài trí này hoàn toàn có chủ định. Mỗi mảng hình trang trí là một điểm nhấn trong toàn bộ tổng thể của đồ mã, đôi khi ngoài tính trang trí nó còn khắc phục những điểm yếu của phần cốt bên trong. Các yếu tố trang trí này được sử dụng triệt để trong việc bố trí các mảng chạm khắc ở đình làng Bắc Bộ. Các mảng chạm trang trí trên cốn, vì kèo, xà, cột vừa làm đẹp cho ngôi đình, đồng thời giảm bớt sự đơn điệu nặng nề trong cấu trúc. Phải chăng đây là sự tương đồng trong nghệ thuật?

Ở các hình Chúa Sơn Trang và những người hầu cận, hoa văn họa tiết trang trí được làm bằng loại giấy trang kim màu sáng trắng, tượng trưng cho đồ trang sức bạc mà người dân tộc hay đeo, đôi chỗ lại được điểm xuyết những đường họa tiết màu vàng.

Một loại đồ mã tương đối đặc biệt chỉ có ở đồ lễ dâng Mẫu thoải và các vị thần sông nước đó là lốt “tam đầu cửu vĩ” tức là một ông rắn có ba đầu và chín đuôi, nhưng ba đầu lại là hình ba mặt người. Theo giải thích của các ông đồng thì “tam đầu cửu vĩ” là “thông tri tam giới”, đuôi lông vũ biểu hiện cho không tính – Thiên phủ, khuôn mặt biểu hiện cho nhân gian tính – Địa phủ, còn vây, vẩy biểu hiện thủy tính – Thoải phủ. Nó tượng trưng cho các vị thần tiêu biểu thuộc hệ thống điện thờ Đạo Mẫu nói chung và một đền thờ Mẫu cụ thể nói riêng gồm có Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh, thần linh, thần hoàng… (1).

Ông lốt tam đầu được dán bằng giấy trắng. Người làm mã cắt tỉa hình vẩy rắn, hoặc vẩy cá thành nhiều lớp rồi dán chồng lên nhau. Phần ngực của ông lốt được trang trí khác đi, có gia đình trang trí bằng nhiều hình cắt giấy như hình lông vũ, lại có nơi cắt như hình tua rua, nên rất khó xác định đó là hình gì. Phía trước ngực ông lốt tam đầu có ba cái yếm che đi phần cổ, phần yếm này có lẽ được trang trí công phu nhất với các hình họa tiết và nhiều màu sắc khác nhau. Phần đầu là ba hình mặt người được tô vẽ và điểm nhãn, đầu đội mũ cầu hoặc khăn xếp có chạm trổ hoa văn cắt bằng giấy bạc thiếc. Ở đây có một chi tiết tương đối thú vị, nếu người trình đồng là nam thì mặt người phải đội khăn xếp, còn nếu là nữ thì mặt người lại đội mũ cầu và có đeo hoa tai. Trong đạo Mẫu có câu “cải nam vi nữ, cải nữ vi nam” (lúc biến thành nữ, lúc lại hiện hình nam); đấy là cái “hình tướng” của Mẫu, sự “thể hiện” của Mẫu. Vì thế, lốt tam đầu cửu vĩ có thể là nam, cũng có thể là nữ. Xét ở khía cạnh này, vấn đề giới tính không còn quan trọng trong hình tượng về Thoải phủ là lốt tam đầu nữa mà chỉ biểu hiện cái thần thánh, biến hóa quyền năng của thần chủ mà thôi.

Mã thuyền rồng được làm khá đặc sắc. Hình đầu rồng ở phần đầu thuyền với vẻ mặt dữ tợn, miệng mở rộng, râu dài, mắt to được trang trí nhiều màu sắc bằng các loại giấy trang kim. Từ phần đầu rồng trở xuống (phần thân rồng) được trang trí theo nhiều cách khác nhau cả về hình thức lẫn màu sắc, tùy theo ý thích và cảm nhận cũng như thói quen của người làm mã. Có nơi, người ta trang trí như vẩy cá hoặc vẩy rắn, kéo dài tới tận phần đuôi, bằng giấy trang kim màu bạc, chỗ khác, người thợ lại cắt dán những dây hoa nhiều màu, tập trung trang trí tại hai bên mạn thuyền và từ phần cổ rồng tới phần đuôi rồng.

Phần giữa thuyền là tòa long lâu, trên mái tòa này có hai loại cờ thần và cờ lệnh. Màu sắc chính là màu trắng, nhưng trong đó các hình trang trí lại có màu tượng trưng cho ngũ sắc. Cờ thần hình mây hoặc hình thoi, còn cờ lệnh là cờ chéo, hình tam giác. Theo lối cổ, bốn cờ lệnh quay về bốn hướng, với bốn màu khác nhau biểu hiện các hành: mộc – xanh, thủy – trắng, hỏa – đỏ, thổ – vàng, còn bây giờ bốn cờ lệnh đều màu trắng. Phía trước và sau tòa long lâu có hai lọng vàng để che cho Mẫu khi đi du ngoạn. Chi tiết này không nhất thiết có trên thuyền rồng, đây là phần trang trí thêm của từng gia đình khi làm đồ mã. Nhưng theo chúng tôi, khi thêm hai chiếc lọng vàng, thuyền rồng trông sang trọng hơn và nó mang thêm biểu trưng cho quyền lực (màu vàng chỉ dùng cho các bậc vua chúa).

Phần đáy thuyền được trang trí bằng những tua dài cắt từ giấy trắng để che phần đế (phần giá chống xuống đất để đỡ thuyền). Các tua giấy được dùng nhiều trong phần trang trí của thuyền rồng, mành che tòa long lâu, các tua lọng trên thuyền. Thông thường, ta sẽ không thấy được sự đặc sắc của nó, nhưng khi có gió, các tua này đung đưa, đem lại cảm giác về sự chuyển động của thuyền trên mặt nước. Những yếu tố trang trí có vẻ đơn giản, song đem lại hiệu quả không ngờ về tạo hình cũng như cảm giác thật về sự vật đã chứng tỏ tài năng trong việc kết hợp cũng như xử lý các yếu tố tạo hình của ông cha ta.

Ở mã voi, phần trang trí chủ yếu được tập trung vào đầu voi, phần yếm trước ngực và phần yếm xung quanh. Đầu voi cũng như ngựa có hình trang trí bông hoa phù dung, biểu hiện đây là loại voi quý để dâng lên Tứ phủ. Từ phía trước vòi đến phần ngà voi là một mảng trang trí lớn, chủ yếu là các hình hoa văn nhiều màu sắc, được cắt trổ tinh xảo. Nếu nhìn phía chính diện thì những hình trang trí này ảnh hưởng từ cách trang trí cho voi của tôn giáo Ân Độ. Phần vòi voi có sử dụng giấy trang kim và vò nhăn giấy để diễn tả da của voi như thật, hoặc người thợ dùng giấy vàng và cắt thêm hình trang trí biểu hiện cho các ngấn ở vòi voi. Hai chiếc ngà được dán giấy trắng hoặc màu bạc hướng về phía trước, có nơi lại làm hai ngà chéo vào nhau như biểu hiện đây là loại voi dữ, mỗi bên chân ngà của voi được đính thêm một bông hoa trang trí nhằm tôn thêm vẻ đẹp, đồng thời tô đậm thêm tính chất linh thiêng của ông voi dâng về Tứ phủ.

Cổ voi được trang trí thêm một hình dây hoa đeo quả chuông với ngụ ý khi các thần linh dẫn voi đi đến đâu, mọi người đều biết và chuẩn bị đón tiếp. Phần yếm phía trước hơi cong, được viền một đường trang trí xung quanh, ở giữa yếm là một mảng trang trí chiếm phần lớn diện tích. Mảng hình này chủ yếu là các họa tiết hoa, lá hoặc các hình kỷ hà, phần dưới yếm là các tua dài, nhỏ được gắn thêm vào. Không giống như ở mã ngựa, các hình họa tiết ở yếm trước thường là hình hổ phù, hình rồng chầu hoặc hình phượng, ở mã voi, chúng tôi chỉ thấy các họa tiết hoa văn, lá cách điệu. Phần yếm ở hai bên cũng được trang trí cầu kỳ nhưng cùng với tinh thần là các họa tiết hoa lá. Các hình trang trí này được bố trí theo hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình vòng tròn. Phần yếm chiếm phần lớn trong tổng thể mã voi, vì vậy cách sắp xếp họa tiết hoa văn có nhiều cách hơn ở phần trước. Khác với mã ngựa, trên lưng voi có thêm người quản tượng, lọng vàng và có bốn cờ lệnh.

Cũng giống như mã voi, việc trang trí chủ yếu của mã ngựa là ở phần yếm và phần yên. Hoa văn trang trí ở phần yếm ngựa có một số môtíp chính như hình rồng chầu mặt nguyệt, hổ phù, hình phượng, hình hoa và dải hoa văn được cắt trổ công phu, chạy suốt phần yếm. Màu sắc và cách trang trí của các hoa văn trên toàn bộ phần yếm ngựa tùy thuộc vào ý thức từng người làm mã chứ không có bất kỳ quy định nào. Mục đích của các hình trang trí kết hợp với màu sắc, nhằm làm đẹp hơn cũng như sang trọng hơn cho ông ngựa.

Yên ngựa được trang trí cách điệu hình chim phượng, với mục đích nhấn mạnh đây là ngựa dâng các vị thần nên phải khác với ngựa bình thường hoặc ngựa đi đánh trận. Đầu ngựa cũng được tạo hình và trang trí khá công phu. Mắt ngựa mở to, lỗ mũi to, hàm răng nhe ra gây cảm giác mạnh mẽ. Từ phần đầu ngựa xuống cổ thon dài. Mặc dù nghệ thuật tạo hình dân gian chỉ chú trọng yếu tố thuận mắt chứ không cần thật giống, nhưng nhìn về thần thái, đôi khi ngựa đồ mã còn “thật” hơn cả ngựa thật, dưới bàn tay tài tình của người làm mã.

Có thể nói, bằng việc sử dụng nhuần nhuyễn các yếu tố tạo hình, cách phân bố các họa tiết khéo léo, những người làm mã đã tạo nên các sản phẩm đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, như một cách bày tỏ sự tôn kính với các đấng thần linh. Bên cạnh đó, màu sắc của các mảng hình trang trí được sử dụng một cách sáng tạo, góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp của các loại đồ mã dâng Tứ phủ trên cơ sở các màu gốc của các phủ tương ứng. Người làm mã đã có ý thức kết hợp và sử dụng các cặp màu bổ túc tím, vàng, xanh, đỏ để phối màu cho các phần nền họa tiết,… Các loại màu này tùy theo điều kiện ánh sáng khác nhau mà có những vẻ đẹp riêng. Khi bày dàn lễ trong các điện thờ, hay nơi có không gian nhỏ, hẹp, thiếu ánh sáng, màu trang kim “hút” tất cả các ánh sáng xung quanh như đèn điện, nến hay ánh sáng tự nhiên, tạo ra sự thay đổi các sắc màu của chúng. Còn khi bày ngoài trời, đồ mã Tứ phủ giống như một bức tranh rực rỡ sắc màu, lung linh huyền ảo.

Đồ mã không chỉ đơn thuần là vật dâng cúng mà có thể được coi là tác phẩm của nghệ thuật dân gian. Nhưng làm thế nào để đồ mã luôn giữ được giá trị nghệ thuật trong bối cảnh người ta lạm dụng chúng một cách quá mức như hiện nay?

Không phải bây giờ đồ mã mới trở thành tâm điểm của các vấn đề được xã hội quan tâm. Từ các thập niên 20, 30 của thế kỷ trước, ở Bắc bộ đã rộ nên phong trào bài trừ, tẩy chay đồ mã, bởi tác động của nó với nền kinh tế đất nước đã quá rõ. Có những diễn ngôn khá ngay ngắt về vấn đề này (2). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đồ mã không dễ bị xóa bỏ và quan niệm của chúng tôi là cũng không nên loại bỏ đồ mã trong cuộc sống thường nhật.

Để đồ mã trở thành một sản phẩm nghệ thuật, một đồ lễ có ý nghĩa và giá trị về phương diện tinh thần, trước tiên, chúng ta cần phải tuyên truyền để mọi người dân nhận thức sâu sắc về nguồn gốc và ý nghĩa của vàng mã, tự nguyện điều chỉnh việc sử dụng đồ mã như thế nào cho hợp lý, hợp thuần phong mỹ tục, với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và đồng thời hiểu được giá trị nghệ thuật của chúng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác một cách hiệu quả và trách nhiệm từ phía các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến loại hình nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng này. Một thực tế ai cũng nhận thấy là cách làm đồ mã theo phương pháp truyền thống mới tạo cho đồ mã giá trị nghệ thuật cao, những đồ mã được sản xuất theo lối công nghiệp hiện nay chỉ là sự mô phỏng vật dụng thường ngày. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể trong việc sản xuất đồ mã, tạo điều kiện cho những gia đình, làng nghề làm đồ mã giữ được cách làm truyền thống mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa để xử lý kịp thời những vi phạm xảy ra.

_______________

1. Thực ra, lời giải thích này chưa thật thỏa đáng. Vì vậy, PGS, TS Trần Lâm Biền đã bước đầu đặt ra một giả thiết, hình ảnh của lốt tam đầu cửu vĩ thể hiện một sự pha trộn văn hóa giữa tín ngưỡng bản địa (thờ thủy thần, thờ rắn) với các dòng tín ngưỡng ngoại nhập. Rắn ba đầu có lẽ phần nào ảnh hưởng từ hình tượng rắn thần Naga của tín ngưỡng Ấn Độ, mặt người có thể là hình tượng được nhân cách hóa của người Việt. Còn “cửu vĩ” (chín đuôi), ở đây, không nên hiểu là số đếm, trong trường hợp này biểu hiện cho số nhiều (con số phiếm chỉ). Theo Dịch học, số 3 là số động, động thì chuyển, chuyển thì biến đổi, biến đổi thì phát triển và số 9 là tất cả. Theo ông, “có thể ngờ rằng, khi dâng lốt tam đầu cửu vĩ lên Thánh Mẫu, người dân đã chuyển tới Ngài một lời cầu mong sao cho của cải và hạnh phúc ngày càng được sinh sôi, nảy nở, một ước vọng có tính chất nguyên sơ, mang tính nhân loại” (Trần Lâm Biền, Mt con đường tiếp cn lch s, Nxb Văn hóa Dân tc, Hà Nội, 2000, tr.173).

2. Khi bàn về thái độ với vàng mã, trong bài Vàng mã nên bỏ hay nên để? (Đuốc Tuệ, số 188-189, năm 1942, tr.30), Phạm Văn Phụng đã khẳng định: “Cái mục đích của Hội ta (Hội Phật giáo Bắc kỳ) là “Chấn hưng Phật giáo”, mà việc chấn hưng thì không gì bằng bài trừ những tập tục mê tín dị đoan đã làm đổ nát nền Phật giáo xứ ta. Ví bằng ta không tìm cách cấm giới những tục dị đoan ấy (vàng mã) đi thì ta không thể thực hành được công việc chấn hưng”. Còn Nguyễn Công Tiễu cho rằng: “Nghề đồ mã càng phát đạt bao nhiêu, đồ mã làm càng tinh xảo bao nhiêu, ta càng buồn bấy nhiêu, vì có hại cho ta về nhiều phương diện” (Dẫn theo: Lê Thị Hồng Phúc, Cần có giải pháp đối với vấn đề vàng mã – đồ mã, trong Tín ngưỡng – Mê tín, Nxb Thanh niên, tr.179, 1998).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 354, tháng 12-2013

Tác giả : Giang Nguyệt Ánh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *