Công nghệ số trong sáng tác tranh cổ động ở việt nam


 

Nền công nghiệp kỹ thuật số của thế giới đang chen chân vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Khởi nguồn của sảnh hưởng này bắt đầu từ những ứng dụng khoa học kỹ thuật liên tục được nâng cấp trên máy vi tính, sử dụng trong mọi lĩnh vực cuộc sống, từ kỹ thuật, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng đến văn hóa nghệ thuật, nhanh chóng tạo nên ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia. Nghệ thuật thị giác, trong đó có sáng tác đồ họa mà hình thức tranh cđộng là một ví dđiển hình, cho thấy lĩnh vực này cũng không nằm ngoài sự phát triển tích cực đó của xã hội.

Nhắc đến tranh cổ động thời hiện đại, chúng ta đều thoáng nghĩ tới những bức tranh khổ lớn được treo ở những nơi có đông người qua lại, trên các đường phố. Trước kia, người ta thường nhìn thấy những hình ảnh ấn tượng của anh bộ đội Cụ Hồ, người nông dân phấn khởi vai mang bó lúa chín vàng óng ả, cô công nhân nhà máy dệt tay thoăn thoắt đưa thoi nhưng không quên nhoẻn miệng cười, anh trí thức đeo kính với những dụng cụ khoa học cầm trên tay giơ cao ngắm nghía… tất cả cùng xuất hiện trong một tác phẩm tranh cổ động nhằm hưởng ứng cho một phong trào nào đó của Đảng và Nhà nước đưa ra. Hầu hết những tác phẩm đó thường được người nghệ sĩ phóng lên từ phác thảo theo tỷ lệ đã được trình duyệt. Màu sắc được vẽ bằng sơn khá bền bỉ, chủ yếu được thể hiện trên những mảng tường xi măng vuông vức để có thể giữ được lâu dài trong khí hậu nóng ẩm nhiệt đới gió mùa… Người dân hàng ngày đi qua những chiếc bảng tin của khu phố, hay những bức tường ở cổng cơ quan đều nhìn thấy. Lâu dần, dấu ấn hình ảnh và thông tin truyền đạt của những khẩu hiệu ghi trên những bức tranh cổ động ấy được lưu lại trong trí nhớ. Những hình ảnh và lời văn của tranh cổ động như ngấm dần vào tiềm thức của mỗi người dân sống và làm việc quanh khu vực có bức tranh cổ động mà họ thường nhìn thấy. Biện pháp này đã thể hiện được hiệu quả thật rõ ràng trong thời kỳ miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Những năm của giai đoạn khó khăn 1975 – 1995, tranh cổ động chính trị tiếp tục phát huy giá trị tinh thần và sức mạnh cổ vũ. Chân giá trị của tranh cổ động chính trị, thời kỳ đất nước khôi phục những tổn thất sau chiến tranh và hàn gắn những vết thương từng bị rạn nứt, đã góp sức động viên tinh thần cho nhân dân cả nước, trở thành một phương tiện hữu hiệu đốc thúc toàn dân hăng say lao động, cải tiến kỹ thuật, tăng trưởng kinh tế (1).

Những bước phát triển thần kỳ về nhiều mặt của một quốc gia suy kiệt về kinh tế do chiến tranh, phải dựa vào những khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đã nhanh chóng khẳng định vị thế xã hội của mình trên chính trường quốc tế. Sự xuất hiện thay thế cho những tác phẩm tranh cổ động được vẽ và phóng lên từ đôi tay của họa sĩ đến nay không còn nhiều nữa. Thay vào đó là những tấm panô lớn được in để thể hiện nội dung này. Dấu mốc của sự mở cửa tự do từ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội mà đặc biệt là kinh tế thị trường đã khiến đất nước như trở mình đứng dậy. Đảng và Nhà nước với nhiều quyết sách đúng đắn đã đưa đất nước trở thành một quốc gia có vị thế vững chắc tại khu vực Đông Nam Á và châu Á. Những bức tranh cổ động cũng vì đó mà có góc nhìn mới, tầm vóc nhìn ra thế giới của kinh tế và xã hội thời hội nhập. Tranh cổ động thời kỳ đất nước đổi mới và phát triển đã bắt kịp những bước tiến về chính trị, kinh tế, xã hội và khoa học kỹ thuật.

Nhiều cuộc thi sáng tác tranh cđộng cho những chủ đề mang ý nghĩa chính trị tầm cỡ quốc gia, quốc tế đã thay cho cách gọi quen trước đây là vẽ tranh cđộng. Lý do cho điều này là từ sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật công nghệ, nhiều họa sĩ đã có khả năng áp dụng công nghệ thông tin vào những tác phẩm nghệ thuật của mình, hàm nghĩa và tính chất của cuộc thi đã được mở rộng hơn.

Với việc vẽ bằng tay, từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng, tới khi kết thúc bức tranh, họa sĩ sử dụng bút và màu trực tiếp vẽ lên tranh. Cách này khiến cho việc đưa một sáng tác cổ động tiếp cận với đại chúng còn gặp nhiều trở ngại ở hình thức và hạn chế về kỹ thuật thể hiện hình ảnh cũng như số lượng và tần suất xuất hiện. Nay, với công nghệ số, quy trình và cách thức sáng tác đã hoàn toàn thay đổi. Thay vì phải trăn trở, loay hoay với kỹ thuật và chất liệu, họa sĩ được công nghệ hiện đại giúp khắc phục được nhược điểm lớn này, những kỹ xảo hình ảnh được thao tác bằng bàn phím và con chuột máy tính, thậm chí bằng chiếc bút và bảng điện tử. Những điểm ảnh nhỏ li ti được khoa học tính toán bằng các con số tự nhiên sắp xếp cạnh nhau, trở nên biến ảo khôn lường. Thông qua tư duy và sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ sử dụng chúng thành phương tiện sáng tác, và ngay sau khi hoàn thành, tác phẩm có thể được nhân bản với số lượng lớn rất nhanh, cũng như xuất hiện trên nhiều phương tiện đại chúng khác nhau trong chớp mắt.

Thấy được lợi thế như vậy, nhiều họa sĩ đã nhanh nhạy sử dụng phần mềm đồ họa vi tính để làm phác thảo tranh khi họ vừa biết đến nó, không ít người sử dụng luôn phác thảo công nghệ số hóa kiểu này để in rồi vẽ trực tiếp màu lên bề mặt vải toan, một cách làm hoàn toàn mới. Nhiều bức tranh cổ động nhanh chóng ra đời đã sử dụng công nghệ mới làm phương thức xuất hiện trước nhân dân, đưa thông tin và hình ảnh mang tính truyền bá, khuyến khích và tuyên truyền đến người dân trong cả nước. Thế mạnh của việc sử dụng kỹ xảo đồ họa vi tính để sáng tạo những hình ảnh, hình tượng trong tranh cổ động là phương thức sử dụng ngôn ngữ tạo hình rất đa dạng. Người sáng tạo có thể sử dụng các phầm mềm tạo hình để hoàn thiện hình tượng nhân vật hay biểu tượng phù hợp với chủ đề cổ động… ngay trên máy tính. Họ cũng có thể sử dụng máy ảnh để đi tìm nguồn cảm hứng hoặc hình tượng có thực trong cuộc sống lao động và học tập, sau đó lưu trữ ảnh trong máy tính rồi bắt đầu các bước xử lý đồ họa tiếp theo để thể hiện một cách nhìn mới. Cũng nhờ tốc độ và sự tiện dụng của công nghê số, những thể nghiệm mới hay ý tưởng xuất thần có thể nhanh chóng được hiện lên rất hiệu quả. Sự tiện lợi trong sáng tạo tranh cổ động bằng phương tiện đồ họa vi tính là ở chỗ người sáng tạo không sợ mình không có kỹ năng cao khi thể hiện các chất liệu, không sợ vấn đề về thời gian, họ chỉ cần nắm được các vấn đề xử lý kỹ thuật trong phần mềm và có cảm nhận thẩm mỹ theo chiều sâu. Nhờ vậy, những tác phẩm tranh cổ động sẽ thêm nhiều chất sáng tạo mang tinh thần đương đại.

Ngôn ngữ thể hiện trong tranh cổ động sáng tạo bằng kỹ xảo đồ họa vi tính còn có lợi thế xuất hiện ở nhiều phương tiện và hình thức khác nhau. Ngoài việc xuất hiện ở các bản in offset, nó còn có thể lưu dấu thể hiện ở những kênh truyền hình, trang báo điện tử, pano trong nhà và ngoài trời, thậm chí có thể xuất hiện ở ngay trong những chiếc thang máy của các tòa nhà hiện đại.

Đứng trước nhu cầu sử dụng rất cao trong cách hỗ trợ công việc bằng công nghệ kỹ thuật số, nhiều nhà sản xuất phần mềm đồ họa ứng dụng liên tục đưa ra các phiên bản nâng cấp, cải tiến hàng năm như những tên tuổi hàng đầu thế giới là Adobe Photoshop, Corel Draw, Illustrator, 3D Maya, 3DsMax… Nhờ vậy, nghệ sĩ tạo hình có điều kiện đưa vào tác phẩm của mình ý tưởng thể hiện mới lạ. Họ có thể kết hợp nhiều phong cách, thao tác kỹ thuật vi tính để xử lý hình ảnh theo nhiều kiểu khác nhau rồi đưa vào trong cùng một bức hình. Họ cũng có thể sử dụng những kỹ xảo từ kỹ thuật nhiếp ảnh, hay lồng ghép các yếu tố tạo hình vào làm một để thể hiện ý tưởng theo những trào lưu nghệ thuật mới của thế giới. Rất nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động của nước ta ở những năm gần đây đã chứng minh cho trải nghiệm mới này của họa sĩ, khi bắt đầu sử dụng công nghệ số để phục vụ cho mục đích văn hóa chính trị, cổ vũ cho các kỳ vận hội thể thao như Sea Games – 2003 (2), các chương trình nghị sự lớn như APEC – 2006, sự kiện văn hóa mang tầm cỡ quốc gia như hưởng ứng đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến – 2010, nhiều chương trình quảng bá văn hóa du lịch khác… đã thể hiện được sự hòa nhập của công nghệ và nghệ thuật theo chiều hướng tích cực này. Theo mỗi chủ đề của cuộc thi hay cuộc vận động phong trào, họa sĩ sẽ lựa chọn nhiều phương pháp thể hiện khác nhau để đưa vào những thể nghiệm mới đối với mình và coi đó như một sự tìm kiếm giá trị hiện đại trong nghệ thuật. Ví dụ: với chủ đề sáng tác tranh cổ động kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội 1000 năm, nhiều họa sĩ lựa chọn cách kết hợp hình ảnh bức tượng vua Lý Thái Tổ được chụp và lồng ghép với hình ảnh họa tiết, ảnh chụp được từ cổ vật, sau khi khai quật ở Hoàng Thành Thăng Long; hay sự kết hợp giữa nét vẽ đồ họa vi tính theo hình ảnh rồng thời Lý với ảnh chụp bức tượng vị vua đầu tiên khai sáng của triều đại nhà Lý, trong tay đang cầm bản Chiếu dời đô

          Những kỹ năng, kỹ xảo được các họa sĩ đưa vào tác phẩm tranh cổ động của mình rất phong phú và đa dạng như hoa xuân đua nhau khoe sắc, làm phong phú hơn nội dung tranh, đa dạng thêm hình thức sáng tác, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Khoa học công nghệ mới đã chính thức được áp dụng trong nghệ thuật. Như vậy, thực tế cho thấy những bức tranh cổ động là một trong những hình thức thể hiện nghệ thuật sử dụng công nghệ cao, phần nào góp công trong tiến trình thúc đẩy kinh tế đi lên, hỗ trợ phát triển thể chế chính trị, giúp xã hội ổn định và tình hình đất nước trở nên vững chắc. Kết quả của sự tán dương và cổ vũ này đối với nghệ thuật thể hiện tranh cổ động như những cú hích, tạo đà cho sự thăng hoa, nhằm làm đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật phục vụ quần chúng nhân dân. Đồng thời công nghệ mới đã làm cho tranh cổ động như được tăng thêm tính tích cực, hô hào, khơi dậy ở nhân dân những phẩm chất tốt đẹp vốn có. Cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số kiểu này được thấy rất nhiều ở những bức tranh cổ động treo trên các phố phường, mỗi khi có những đợt vận động chính trị hay các phong trào văn hóa, xã hội khác. Những bức tranh được in với số lượng tùy thích và phóng to thu nhỏ ở nhiều kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào không gian, địa điểm hay mục đích sử dụng.

Lợi thế về thời gian và kinh phí… đã làm tăng tính phổ quát của những bức tranh cổ động ở thời đại số hóa, khiến nó nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận đến với công chúng hơn. Mục đích của tranh cổ động là nhanh chóng đưa đến đối tượng những thông điệp mang tính tức thời. Thời điểm và thời gian của sự kiện cần nhanh chóng mang được thông tin với tính chất khích lệ, động viên hoặc cảnh báo người dân, nên kỹ thuật số và công nghệ in số hóa ra đời và ứng dụng vào công việc này quả thật thích hợp. Ngoài việc sử dụng công nghệ in offset với số lượng lớn hàng ngàn hàng vạn bản, thì sử dụng công nghệ số trong in ấn những tác phẩm tranh cổ động có lợi thế hơn về tính chủ động, người ta có thể in từ số lượng ít nhất là một bản và có thể treo ở trong nhà hay ngoài trời, tùy vào tính chất và không gian sử dụng. Mục đích là hướng tới số đông người dân nắm bắt thông tin và làm theo những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nên những tác phẩm tranh cổ động bằng công nghệ số dễ dàng thay đổi kích thước và được in ấn tức thời đã tỏ ra có thế mạnh vượt trội cho cả người sáng tạo và người thưởng lãm sáng tạo nghệ thuật.

Như cụm từ mà các biên tập viên truyền hình đang gọi là cuộc sống s, xã hội có thêm một khái niệm cho đời sống hiện đại ngày nay. Nhiều thứ tiện ích liên quan tới chất lượng và điều kiện sinh hoạt của con người như điện thoại, máy ảnh, ti vi… đã được số hóa. Chúng ta đều hiểu rằng, cái gì thực sự có lợi, thực sự có giá trị với lợi ích sống của con người thì nó sẽ được xã hội tự thu nhận, gìn giữ và phát triển. Như một lẽ dĩ nhiên, công nghệ số đã trở thành một hệ thống các phương tiện, công cụ đắc lực phục vụ nhu cầu cuộc sống, trong đó có sáng tạo. Nhiều họa sĩ, nhà thiết kế đã coi công nghệ thông tin trở thành thứ kiến thức cần học, cần sử dụng không thể thiếu được đối với sự nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật của mình.

_______________

1. Dương Ánh, Suy nghĩ v tranh c động, Tạp chí Văn hóa Ngh thut, số 10, 1976.

2. Bộ Văn hóa Thông tin, 60 năm tranh c động Vit Nam 1945 2005, Hà Nội, 2005.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Phạm Phương Linh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *