Kỹ thuật in khắc gỗ ở đông á

Kỹ thuật in khắc gỗ ở các nước châu Á có lịch sử phát triển từ nhiều thế kỷ trước châu Âu, sớm nhất là Trung Hoa, rồi tới Triều Tiên, Nhật Bản, thuộc khu vực Đông Bắc Á và Việt Nam (1). In khắc gỗ còn được gọi là in mộc bản, thuộc kỹ thuật in nổi và là phương pháp in ấn lâu đời nhất. Trước khi có kỹ thuật này, sách cũng như các văn bản khác thường được lưu hành bằng cách chép tay. Việc khắc nội dung văn bản lên ván gỗ rồi in trên giấy (hoặc lụa) giúp việc nhân bản một cuốn sách trở nên dễ dàng, chính xác.

Kỹ thuật in khắc gỗ Trung Hoa

Kỹ thuật khắc bản in ra đời ở Trung Hoa trong thời kỳ nhà Đường (618 – 907). Những bản in trên gỗ sớm nhất được tìm thấy đều có niên đại vào thời Đường, như Kinh Kim Cương (2), in năm 868, tìm thấy ở Đôn Hoàng: “Đây là tác phẩm in ván khắc có thể biết được chính xác niên đại khắc in sớm nhất trong lịch sử thế giới cho đến thời điểm hiện tại (3). Do vậy, nghệ thuật khắc in bằng ván gỗ ở Trung Hoa có thể thời gian ra đời còn sớm hơn nữa, nhưng chúng ta không tìm thấy văn bản nào để minh chứng.

Vào những năm 690 – 705 và 710 – 756, người ta tìm thấy nhiều văn tự được in khắc khác (4), chứng tỏ kỹ thuật khắc ván in của Trung Hoa đã phát triển cả về kỹ thuật, quy mô và số lượng bản in. Những bản in này phần lớn là các ấn phẩm Phật giáo, Đạo giáo, văn bản của nhà nước, truyện, thơ… Trong đó, các hình vẽ thường in kèm với phần chữ minh họa cho rõ nghĩa chứ chưa có những tác phẩm in khắc gỗ độc lập mang tính thưởng ngoạn. Nghề in ấn đặc biệt phát triển vào thời nhà Tống (960 – 1279), nhiều nhà in tư nhân được thành lập bên cạnh những nhà in của nhà nước, dần hình thành một ngành kinh doanh mới là xuất bản sách. Nhờ đó, các kỹ thuật in khắc khác được cải thiện về tốc độ và giảm thiểu chi phí.

Để xuất bản một cuốn sách phải mất công sức nhiều năm và đòi hỏi sự tham gia của nhiều người: viết chữ, vẽ khắc, in, đóng sách, giám sát nội dung văn bản, giám sát kỹ thuật in… rồi nguyên vật liệu như gỗ, giấy, mực, dao khắc, kho chứa ván in và sự trợ lực tài chính về phía nhà nước hoặc sự đầu tư của các cơ sở in nhỏ lẻ… Thông thường, một ván gỗ được khắc từ một đến hai trang trên mỗi mặt. Như vậy, nếu cuốn sách có 400 trang thì người ta phải dùng tới 200 – 400 tấm gỗ (tùy theo loại 2 hay 4 trang một tấm). Trong khi đó, nếu cuốn sách bị hạn chế số lượng thì sau khi in, ván gỗ coi như không sử dụng nữa…

Từ những hạn chế đó, phương pháp in ấn khắc gỗ được thay thế bằng các phương pháp khác trên cơ sở in khắc gỗ như in hoạt tự, in sáo bản… In hoạt tự là phương pháp dùng hệ thống chữ rời, căn cứ vào bản thảo người in sẽ lựa chọn những chữ cần thiết, gắn thành hàng rồi in. Sau khi in xong, bản khắc lại được tháo tung, những chữ đơn tiếp tục được sử dụng để sắp xếp bản in khác. Những bộ chữ rời ban đầu chỉ được làm bằng đất sét trên bản gỗ, sau thay dần bằng gỗ, đồng, thiếc và chì… In sáo bản là kỹ thuật được phát triển dựa trên nền tảng của kỹ thuật in ván khắc, cho phép in nhiều màu khác nhau trên cùng một trang giấy. So với kỹ thuật in ván khắc, cách này làm tăng hiệu suất và khắc phục tình trạng lỗi bản in khi sử dụng ván gỗ (5). Thời kỳ đầu khi phát minh ra phương pháp in sáo bản, người ta thường sử dụng hai màu là đỏ và đen nên còn được gọi là bản chu hắc hay song ấn. Sau này, khi kỹ thuật phát triển, cách in sáo bản có thể tăng số màu tùy ý.

Trong lịch sử, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều chịu những ảnh hưởng nhất định từ Trung Hoa và mỗi quốc gia có cách tiếp nhận riêng. Cả bốn nước đều lưu hành Hán văn đề cao đạo Phật. Vì thế, kỹ thuật in khắc gỗ, một trong những phát minh lớn nhất của Trung Hoa nhanh chóng được truyền bá ra các nước láng giềng Đại tạng kinh là một bộ kinh thu thập tất cả điển tích Phật giáo một cách có hệ thống theo giáo pháp của Phật, đồng thời là lễ phẩm quý báu nhất để tặng cho các quốc gia. Từ đời Tống đến đời Thanh, Đại tạng kinh có tất cả 17 bộ. Ấn phẩm đầu tiên ở Trung Hoa do vua Tống Thái Tổ ban chiếu khắc, năm 972, gồm 13.000 bản gỗ, 1.076 kinh, 480 tập và 5.048 quyển. Tuy nhiên, phiên bản Đại tạng kinh cổ nhất, đẹp nhất của Trung Hoa còn lại đến ngày nay là bản khắc vào TK XIII. Với số lượng quyển như vậy, việc mỗi quốc gia sở hữu một bộ Đại tạng kinh là vô cùng lớn, do vậy, để dễ dàng truyền bá trong nhân dân, họ phải tiến hành khắc ván và in lại theo quyển mẫu, từ đó kỹ thuật in ấn được truyền bá.

Kỹ thuật in khắc gỗ Triều Tiên

Triều Tiên là một trong những quốc gia tiếp nhận kỹ thuật in ấn và chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa sớm nhất. Trong nhiều thế kỷ, Triều Tiên gửi người sang Trung Hoa học kỹ thuật in ấn và phát triển kỹ thuật mộc bản bắt đầu từ những ván in kinh như Vô Cấu Tịnh Quang Đại Đà La Ni kinh (chùa Phật Quốc, Khánh Châu), Cao Ly đại tạng kinh (chùa Hải Ấn)… Năm 993, vương triều nhà Tống tặng Đại tạng kinh cho Triều Tiên. Từ năm 1011 đến năm1087, Triều Tiên khắc lại bộ Đại tạng kinh này với gần 6.000 bản gỗ để lưu hành trong nước. Bộ kinh được lưu giữ tại đền Buisa nhưng năm 1332, bị quân Mông Cổ phá hủy.

Triều Tiên xây dựng Hải Ấn tự (Haeinsa) (6) năm 802, năm 1488 xây dựng thêm Tàng Kinh Các (7) để lưu giữ Cao Ly đại tạng kinh. Bộ kinh được khắc trong 15 năm (1236 – 1251) do Yi Gyu-bo soạn, gồm 81.258 bản, 1.496 đề mục, 6.568 tập… Mỗi tấm gỗ có kích thước 70x24cm, dày 4cm, do 30 thợ khắc. Bề mặt mỗi tấm gỗ có 23 dòng, mỗi dòng có 14 ký tự, số lượng ký tự trên mỗi phiến gỗ là 644 và tổng số có 52.382.960 ký tự chữ Hán, 4 góc ván được bọc đồng để tránh cho bản gỗ không bị cong vênh. Bản khắc không có bất cứ một lỗi nhỏ nào, chứng tỏ độ chính xác, tâm huyết của người thực hiện bản khắc, bản in và lưu giữ ván khắc. Bộ kinh ban đầu được thực hiện, lưu giữ tại chùa Sonwonsa (Ganghwado) nhưng do nạn cướp bóc, năm 1398, triều đình cho chuyển về chùa Hải Ấn. Cuối TK XIV, ở Triều Tiên, mặc dù đã có sự thay thế mang tính chính trị từ Phật giáo sang đạo Khổng nhưng bộ Cao Ly đại tạng kinh vẫn là một tài sản giá trị cho những phật tử và không ít gia đình hoàng tộc đặt niềm tin vào Phật giáo. Năm 1458, vua Danjong đã cho in 50 bản bộ kinh để phân phát cho các ngôi chùa lớn trong cả nước. Đây là lần in ấn với số lượng lớn nhất của bộ kinh này.

Kỹ thuật in khắc gỗ Nhật Bản

Trên phương diện văn hóa, Nhật Bản và Trung Hoa có sự giao lưu từ rất sớm. Năm 645, Nhật Bản thực hiện phong trào đại hóa cách tân, phái các sứ giả, tăng nhân học văn hóa Nho gia và kỹ thuật tiên tiến của Trung Hoa. Khi trở về, họ mang rất nhiều sách in và kỹ thuật in ấn theo đó du nhập vào Nhật Bản. Việc in ấn ban đầu cũng xuất phát từ niềm tin tôn giáo mang nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa. Nhiều xưởng in trong chùa được hình thành để in ấn, lưu truyền văn bản.

Nhật Bản đã từng in 100 quyển Đà La Ni kinh chú vào TK VIII nhưng những bản in hiện còn lưu giữ này không ghi chép niên đại. Cuốn Thành duy thức luận được khắc in vào năm 1088… Người Nhật đã tìm được bản in khắc gỗ về hình ảnh Phật Adiđà ngồi trên tòa sen, trong tư thế kiết già, in trên giấy dâu, ở bên trong một bức tượng thuộc đền Joruri-ji, niên đại năm 1047. Bản in khắc này cũng minh chứng cho việc sử dụng ván gỗ để in trong lịch sử Nhật Bản. Năm 1880, Nhật Bản cũng tìm thấy một bản in kinh Phật khác trên ván gỗ, được gọi là darani (8), kích thước 6x45cm, gồm 21 cột, mỗi cột 5 ký tự. Đây là bản in sớm nhất hiện còn ở Nhật Bản, có niên đại được xác định thuộc TK VIII, từ 764 – 770.

Từ cuối TK XII đến TK XVI, Nhật Bản sử dụng lối in hoạt tự ảnh hưởng từ Trung Hoa để in sách. Nghệ thuật khắc gỗ chỉ phát triển trở lại vào thời kỳ Edo (1603 – 1868), giai đoạn mở đầu cho thời kỳ cận đại của Nhật Bản. Tranh in ukiyo-e ra đời gắn với các chủ đề về phong cảnh, lịch sử, cuộc sống nơi đô thị và những hoạt động giải trí như hình ảnh của các geisha, võ sĩ sumo, diễn viên kịch kabuki,… Nghệ thuật in khắc gỗ lúc này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, từ bản đen trắng đến các bản in màu (nhiều nhất là 34 bản khắc), gắn liền với tên tuổi các họa sĩ: Hishikawa Moronobu, Katsushika Hokusai, Suzuki Harunobu, Ishikawa Toyonobu, Torii Kiyonobu, Kitagawa Utamaro… Từ kỹ thuật đến tư tưởng, các họa sĩ ukiyo-e đã tạo cho mình một phong cách nghệ thuật riêng thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Hoa và Triều Tiên.

Kỹ thuật in khắc gỗ Việt Nam

Đối với nghệ thuật in khắc gỗ, Việt Nam tiếp thu qua con đường truyền bá tôn giáo và học nghề in khắc gỗ từ Trung Hoa (trường hợp tiến sĩ Lương Nhữ Hộc, thời Lê).

Theo sử sách ghi lại, năm 1018, vua Lý Thái Tổ đã cho Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang nhà Tống để thỉnh Đại tạng kinh (9) và năm 1020 kinh mới được chở về. Trong các năm 1034, 1081, 1098, vua Tống còn tặng thêm cho vua Lý ba cuốn Đại tạng kinh nữa. Đó là chưa kể những bản Đại tạng kinh được nhà vua cho san khắc ngay trong nước vào những năm 1023, 1027, 1036.

Năm 1396, Hồ Quý Ly cho phát hành tiền giấy gọi là Thông bảo hội sao, mỗi loại đồng là một hình hoa văn khác nhau, rau rong, sóng nước, mây, rùa, lân, phượng, rồng, đòi hỏi một kỹ thuật khắc ván tranh rất tinh tế để có thể in ra một số lượng tiền lớn và chính xác. Tiền càng to hình vẽ càng quan trọng, điều này chứng tỏ nghề in khắc gỗ giai đoạn này đã đóng một vai trò rất lớn trong đời sống xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Hồ Quý Ly đưa ra những luật định để trị tội kẻ làm tiền giả cũng minh chứng, trong nhân gian, việc khắc ván in bằng bản gỗ đã phổ biến và có những người tài khéo trong việc khắc những hoa văn chi tiết, tinh xảo.

 Đến thời Lê, do nhu cầu về sách cho sự nghiệp giáo dục và văn hóa ngày càng lớn, đã hình thành một trung tâm in sách cho cả nước thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 1443, Lương Nhữ Hộc (1420 – 1501) người làng Hồng Liễu, tỉnh Hải Dương, hai lần được cử đi sứ nhà Minh vào năm 1443, 1459, học được nghề in khắc gỗ và truyền dạy cho dân hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng, huyện Gia Lộc. Nhưng phải đến năm 1470, nghề này mới thực sự phát triển và giúp thực hiện nhiều bộ sách quan trọng trong đó có bộ Đại Việt sử ký toàn thư, khắc năm 1697. Là một người học vấn uyên bác, quan tâm đến giáo dục và việc nâng cao trình độ văn hóa cho dân tộc, Lương Nhữ Hộc đã thừa kế, phát huy nghề in của đất nước, học hỏi thêm kỹ thuật của nước ngoài, xây dựng thành công nghề in khắc gỗ (10). Dân hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng nổi tiếng khắp cả nước và lập nhiều cơ sở in ở Thăng Long. Theo cuốn Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm của Mai Hồng và Nguyễn Hữu Mùi, “tuổi nghề của Hồng Liễu là 211 năm (1683 – 1904), gần như dài nhất trong các làng nghề đồ họa ở Việt Nam. Thực ra, đây là con số xác định từ niên đại trên sách còn lại. Nếu tính từ 1470 đến 1904 thì nghề in khắc gỗ Liễu Tràng đã có trên 500 năm tồn tại”. Thợ Hồng Lục, Liễu Tràng, ngoài việc khắc in sách theo lệnh của Nhà nước, còn nhận khắc in cho nhà chùa, nhà xuất bản hay sách dạy học. Đến cuối TK XIX đầu TK XX, khi chữ quốc ngữ ra đời và máy in offset được Pháp mang đến Việt Nam, những người thợ ở đây lại chuyển sang khắc ván in sách bằng chữ quốc ngữ, hoặc những sách nửa chữ quốc ngữ nửa chữ Hán. Sau năm 1954, khi kỹ thuật in ấn phát triển, các nhà in không sử dụng ván gỗ để chế bản nữa, những người thợ khắc bản in chuyển sang chuyên khắc dấu cho nhà nước và làm việc ở các hợp tác xã thủ công.

Bên cạnh tranh in khắc bản kinh và sách báo (đen trắng) phát triển từ TK XI đến TK XIX, từ TKXVI, tranh in khắc gỗ Việt Nam sử dụng thêm những ván in màu (hoặc tô màu, in nét đen) và mở rộng thêm nội dung sáng tác. Tiêu biểu như tranh dân gian Đông Hồ ở Bắc Ninh (TK XVI), tranh dân gian Hàng Trống ở Hà Nội (TK XVII), tranh dân gian Kim Hoàng ở Hà Tây, tranh dân gian làng Sình ở Huế (TK XVIII). Trong quá trình phát triển, hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống vẫn có những ảnh hưởng từ tranh dân gian Trung Hoa nhưng khi thể hiện nội dung trong từng tác phẩm, nghệ nhân dân gian Việt Nam vẫn có cách nghĩ và diễn tả riêng, “thuận tay hay mắt, lấy con mắt là một đồng cân, thuận mắt ta ra tay người”. Ngày nay, ván gỗ hiện vẫn giữ vai trò quan trọng như một chất liệu độc lập để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mang tính thưởng ngoạn. Các họa sĩ sáng tác trên chất liệu này vẫn không ngừng mở rộng kỹ thuật, phát triển và hoàn thiện kỹ thuật ngày một phong phú hơn để nâng cao hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm. Trải qua những biến cố của thời gian, tranh in khắc gỗ truyền thống Việt Nam không phát triển và thịnh hành như những thế kỷ trước nhưng dấu ấn của nó trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với các nước trong khu vực Đông Á là một thực tế không thể phủ nhận.

_______________

1. Ở đây, tác giả chỉ đề cập 4 quốc gia ở Đông Á là Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.

2. Sách, viết bằng tiếng Phạn, được nhà khảo cổ học người Hungary Sir Marc Aurel Stein (1862 – 1943) tìm thấy năm 1907 tại Đôn Hoàng. Sách hiện đang được Bảo tàng Anh lưu giữ trong bộ sưu tập của Sir Marc Aurel Stein.

3. Dương Hổ, Tiêu Dương, Nghề sách Trung Quốc, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2013, tr. 49.

4. Những tác phẩm này hiện được lưu giữ tại Triều Tiên, Nhật Bản và Bảo tàng Luân Đôn.

5. Nếu trên ván in gỗ, người ta phát hiện một vài lỗi sai ký tự hoặc nhầm chữ thì những chữ đó sẽ được người thợ khắc riêng rồi gắn vào. Trường hợp sai nhiều sẽ được khắc ván in mới, vừa tốn nguyên vật liệu vừa tốn công sức so với kỹ thuật in hoạt tự.

6. Chùa Hải Ấn trên núi Gaya, thuộc tỉnh Nam Gyeongsang. Đây là một trong những chùa Phật giáo hàng đầu ở Triều Tiên, trở nên nổi tiếng khi lưu giữ Bát vạn đại tạng kinh từ năm 1398, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1995.

7. Tàng Kinh Các được xây dựng năm 1488 trong chùa Hải Ấn để lưu giữ bộ kinh, có diện tích 1.204m2. Đây là công trình kiến trúc hy hữu có khả năng duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp.

8. Tiếng Phạn: Dharani. Hiện vật này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Kyoto, Nhật Bản.

9. Đây là bộ Đại tạng kinh mà nhà Tống cho in khắc năm 972 – 983.

10. Người dân hai làng Hồng Lục, Liễu Tràng đã tôn ông làm thành hoàng làng, vị tổ sư nghề ván và in sách. Bài vị đặt tại đình Liễu Tràng (thuộc làng Liễu Tràng, Tân Hưng, Gia Lộc, Hải Dương ngày nay), khởi dựng từ thời Lê và trùng tu vào thời Nguyễn. Đình còn lưu giữ 14 đạo sắc phong, 2 quạt ngà thờ và câu đối ca ngợi Lương Nhữ Hộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : HOÀNG MINH PHÚC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *