NGHỆ THUẬT TẠO DÁNG TRÊN GỐM PHÙNG NGUYÊN

Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa gốm đặc sắc, xuất hiện ở khu vực miền Bắc Việt Nam cách đây 10.000 năm, liên tục biến đổi và phát triển cho tới ngày nay. Đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong hầu hết lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần của người Việt, với nhiều nền văn hóa gốm tiền và sơ sử như Hoa Lộc, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Bàu Tró… Trong đó, văn hóa Phùng Nguyên được coi là nổi bật bởi khả năng chế tác đồ gốm đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật, được phân bố ở các địa điểm mà hiện nay thuộc Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh, tập trung nhiều nhất ở lưu vực sông Đà, sông Hồng, sông Lô, sông Thao. Trong những năm gần đây, chưa có đồ gốm thời tiền và sơ sử nào ở Việt Nam được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều như đồ gốm giai đoạn Phùng Nguyên. Điều này chứng tỏ đồ gốm Phùng Nguyên có những giá trị độc đáo, đặc sắc, trong đó nghệ thuật tạo dáng đóng vai trò then chốt.

Khu di chỉ Phùng Nguyên nằm trên hai gò đất là gò Ếch và gò Nhà Gia, trong cánh đồng Giộc Chầu, thuộc làng Phùng Nguyên (tên cũ là Cổ Nhuế, tên Việt cổ là Kẻ Noi). Hiện tại, đã xác định được 26 địa điểm ở tỉnh Phú Thọ có dấu tích thuộc văn hóa Phùng Nguyên, điển hình như Phùng Nguyên, Gò Ghẹ, Gò Dạ, Đồi Giàm, Gò Thành Dền, Chùa Rần, Gò Bông, Gò Mồng…

Người Phùng Nguyên chủ yếu làm nghề nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải, đánh cá, săn bắt… với các công cụ bằng đá, đồ trang sức bằng đá, ngoài ra cư dân Phùng Nguyên đã biết chế tạo đồ gốm. Đồ gốm thời kỳ này độc đáo từ khâu làm đất, tạo dáng đến trang trí hoa văn. Do sinh sống ở ven sông, nơi có nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào nên nghề làm gốm của người Phùng Nguyên phát triển khá mạnh, đạt trình độ kỹ thuật cao. Người thợ gốm Phùng Nguyên đã biết dùng bàn xoay để tạo dáng gốm, đây là kỹ thuật mới mà trước nó hầu như chưa xuất hiện. Sự thống nhất về mặt kỹ thuật và phong cách chứng tỏ đồ gốm được sản xuất bởi những người thợ lành nghề. Xương gốm được lọc rất kỹ, ngoài những gốm rất mịn ra còn có loại gốm mịn và gốm thô pha cát. Một số đồ gốm được thực hiện trên bàn xoay, một số khác lại được nặn bằng tay. Nhiều đồ gốm thời kỳ này thực sự là những tác phẩm có kiểu dáng độc đáo, giàu tính thẩm mỹ mà hiện tại, chúng ta chưa định danh chúng một cách chính xác do chưa chắc chắn được về công năng sử dụng tương ứng với hoàn cảnh xã hội đương thời.

1. Nghệ thuật tạo dáng trên gốm Phùng Nguyên

Kỹ thuật tạo dáng là một trong những kỹ thuật cơ bản nhất của một sản phẩm gốm. Các phường thợ gốm xưa đều thấm nhuần câu: nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí, để đánh giá chất lượng của một đồ gốm. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, nghệ thuật tạo dáng đứng vị trí hàng đầu, là cái cốt lõi của sản phẩm. Nghệ thuật tạo dáng của gốm là sự kết hợp của đường nét và mảng khối trong nghệ thuật tạo hình, dựa trên không gian ba chiều, thông qua chất liệu đã được nhào nặn kỹ lưỡng, đó là sự kết hợp của khối và nét trong điêu khắc nhằm khơi gợi đường nét, khi chúng kết hợp với nhau sẽ tạo ra hình dáng.

Đồ gốm Phùng Nguyên được chia làm ba loại chính: đồ đựng, đun nấu như nồi, vò, hũ, bình…; đồ phục vụ sinh hoạt gồm âu, đĩa, bát, mâm bồng…; đồ dùng sản xuất như dọi xe chỉ, chì lưới đánh cá, chạc gốm… Đặc điểm chung là gốm thô và gốm nung, xương gốm mỏng, đều đặn, bên ngoài bề mặt của gốm được tạo một lớp áo mịn đen gần như miết bóng; kỹ thuật tạo chất liệu này hầu như chưa xuất hiện trước và sau Phùng Nguyên, tạo ra sự khác biệt với các loại gốm khác… Người thợ gốm Phùng Nguyên đã tạo dáng những đồ có kích thước lớn, phức tạp. Các bộ phận như miệng, cổ, thân, đáy, đế… được thể hiện trên bàn xoay, chờ khô cho đủ độ cứng, sau đó được ghép các bộ phận lại với nhau để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh. Kỹ thuật tạo hình theo bốn khâu cơ bản: tạo dáng miệng, cổ, thân thành một khối, thực hiện một lần; tạo chân đế riêng rẽ; chắp gắn phần miệng, cổ, thân với phần chân đế thành một khối; đắp gắn thêm phần miệng cho đủ độ loe và dày. Người Phùng Nguyên rất thích tạo dáng các loại miệng loe, miệng đứng. Nhà nghiên cứu Lê Tượng nhận định về nghệ thuật tạo dáng gốm Phùng Nguyên: “…Đặc trưng nhất của các đồ gốm thường là: loại dùng để đựng chia làm 3 phần: miệng rộng, thân thẳng hơi phình, phần đáy thường có hình nón cụt để làm đế cho chắc, loại để nấu miệng thu lại, thân phình ra, đế tròn lại, loại là bát, cốc được làm mỏng hơn, miệng loe rộng, thân thót lại để cầm nắm cho dễ, đế rộng để đặt cho vững. Các hiện vật đồ gốm Phùng Nguyên có tỉ lệ hợp lý giảm độ cao của 3 phần ở đồ đựng, độ phình phù hợp ở phần thân và thu nhỏ ở phần miệng, kết hợp tỉ lệ độ cao và độ cong ở đáy của đồ gốm để nấu. Vẻ dáng xinh xắn của các đồ gốm cũng là đặc điểm nổi bật của nghệ thuật tạo dáng đồ gốm Phùng Nguyên” (1). Hầu hết các sản phẩm từ to đến nhỏ như bình, thạp, chum, vại, bát, đĩa, cốc… đều được người thợ thực hiện trên bàn xoay.

Gốm Phùng Nguyên được chia làm ba giai đoạn. Ở giai đoạn sớm, thuộc các di chỉ gò Bông, gò Hện, gò Đồng Chỗ…, gốm được tạo dáng với kích thước nhỏ, thành mỏng, mịn. Sang đến giai đoạn điển hình, thuộc các di chỉ Phùng Nguyên, xóm Dền, An Đạo, gốm được tạo dáng đặc trưng với đất sét tương đối mịn, miệng gốm được đắp dày hơn giai đoạn sớm, thành miệng phẳng, dáng miệng loe, đứng hoặc khum, kích thước đồ gốm bắt đầu có những thay đổi lớn hơn giai đoạn trước. Trong giai đoạn muộn, thuộc di chỉ Lũng Hòa, tỉnh Vĩnh Phúc, gốm có thành mỏng, mịn, độ kỹ lưỡng và chau chuốt của các thời kỳ trước hầu như bị quên lãng mà thay vào đó là các chất liệu thô, xù xì hơn, màu sắc xám mốc là chủ đạo, với các loại miệng loe và cong đơn giản chiếm ưu thế chủ đạo. Chính gốm Đồng Đậu đã tiếp thu những nền tảng của gốm Phùng Nguyên về kỹ thuật làm gốm, tuy nhiên có cải biến trong cách tạo hình, như giảm chiều cao, miệng loe, cổ ngắn, bụng nở rộng, bẻ xiên, vát mỏng. Với kinh nghiệm phong phú và đôi bàn tay khéo léo kết hợp bàn xoay, người Phùng Nguyên tạo ra nhiều hình dạng gốm điển hình.

Nghệ thuật tạo dáng nồi gốm

Hình dáng nồi được thể hiện với nhiều kiểu dáng khác nhau rất phong phú và đa dạng. Có loại to, loại nhỏ, có loại nông, sâu, loại miệng loe, miệng khum, miệng thành dày, thành mỏng, loại bụng dẹt, bụng tròn. Dáng nồi được vuốt tạo hình với phần thân phình căng tròn, có đáy lồi hoặc hơi phẳng, hơi thắt phần cổ, miệng vuốt loe thẳng với thân. Cách này khá đơn giản bởi nó luôn tạo nên sự cân đối, hình dáng nồi chắc, khỏe, vững. Ngoài ra còn một số loại nồi có chân đế cao hoặc thấp.

Người Phùng Nguyên có cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, mọi sinh hoạt đều hòa quyện với thiên nhiên. Do vậy, ta thấy các nghệ nhân nguyên thủy, khi tạo dáng, thường chú ý đến hình hài kết cấu bên ngoài, nó phù hợp với đời sống sinh hoạt như đựng chứa được nhiều, miệng rộng dễ cho đồ vào cũng như dễ lấy ra, phần miệng hơi cao nhằm tránh cho việc tràn đồ ăn ra ngoài khi đun nấu, tạo ra nét đặc trưng vùng miền rất riêng biệt. Giữa cách tạo dáng của nồi gốm Đồng Đậu và Phùng Nguyên có những khác biệt, chẳng hạn như một số dạng cổ nồi Đồng Đậu cong vòng chữ U lên thành miệng, nó thắt mạnh phần cổ mà không thuôn cong vuốt hình chữ V mềm mại như nồi Phùng Nguyên; dáng nồi Đồng Đậu trông cục mịch, thiên về công năng chứa đựng nhiều hơn, dáng thân và bụng không thanh thoát như nồi Phùng Nguyên. Bên cạnh đó, có thể thấy thêm là nồi gốm Hoa Lộc thì miệng cong lõm hình lòng máng ở phía trong, miệng mép hơi cụp vào phía trong, phần dưới cong nhỏ dần vế phía đế. Nồi Sa Huỳnh có miệng đã được khép nhỏ hơn rất nhiều, mép viền hơi cụp vào phía trong, phần dưới cong bẹp to dần về phía đế.

Nghệ thuật tạo dáng thố gốm

Khi chiêm ngưỡng thố gốm Phùng Nguyên, không ít người phải thán phục trước tài nghệ tạo dáng của người thợ gốm. Dáng một chiếc thố đựng thông thường có hình trụ, loe phần miệng nhưng người thợ gốm Phùng Nguyên đã tạo cho chúng sự cân bằng thanh thoát hiếm có, thực sự vượt ra khỏi những đồ gia dụng hàng ngày bởi chính kiểu dáng tạo hình với đáy nhỏ, miệng loe lớn nhằm tạo ra sự thay đổi về cấu trúc. Dáng hình của khối trụ thu nhỏ về đáy, cả khối thố được tạo dáng tỉ mỉ từng phần một cách rõ nét, bắt đầu từ phần miệng, thân đáy rồi đến từng chi tiết như vành miệng, vành đáy, tất cả đều được thể hiện khéo léo, nuột nà, sắc sảo, thuần thục. Nhà nghiên cứu Hán Văn Khẩn đã nhận định: “Thố là dạng đồ gốm đẹp nhất, tiêu biểu nhất và độc đáo nhất của văn hóa Phùng Nguyên”.

Nghệ thuật tạo dáng bình gốm

Đây là một trong những loại đồ gốm có nhiều kiểu dáng khác nhau, được chế tác tỉ mỉ và cẩn thận nhất, một loại đồ đựng có hình dáng đặc biệt kỳ lạ nhưng rất phổ biến như bình miệng loe, có cổ, đáy tròn, bình dạng lẵng hoa, với tỉ lệ cân bằng hợp lý giữa phần chiều cao và phần chiều ngang lớn nhất. Thông thường, bình gốm Phùng Nguyên có ba phần chính là miệng, thân và đế, được tạo dáng cầu kỳ, cẩn thận với đặc điểm cơ bản là vành miệng có hình tròn, mép miệng bình thường có độ dày đều đặn, miệng và cổ thường không có sự phân biệt rõ ràng, từ mép miệng được chuốt cho cong vòng xuống và choãi rộng phình ra phía thân và thu hẹp dần xuống phía đáy.

Thố gốm Phùng Nguyên. Ảnh tư liệu

Các loại bình gốm Phùng Nguyên đều có dáng vẻ xinh xắn, thanh thoát, đây chính là đặc điểm nổi bật, tạo ra sự riêng biệt cho thể loại này. Tùy vào bàn tay người thợ và đặc điểm công năng của bình gốm mà nó được tạo hình với dáng vẻ mảnh mai, thanh thoát hay to, thô, chắc khỏe, vững chãi. Một số mẫu bình gợi liên tưởng đến các loại hoa quả, củ, trái cây trong thiên nhiên. Đây là thủ pháp tạo hình được người thợ gốm Phùng Nguyên thích thú thể hiện bởi cùng một lúc có thể tái hiện được nhiều dáng hình trên khuôn mẫu bình.

Nghệ thuật tạo dáng bát gốm

Bát bồng Phùng Nguyên làm từ đất sét mịn, là dạng đồ gốm quý thường được người dân sử dụng trong những ngày lễ trọng đại như cúng lễ và làm đồ tùy táng, được tạo dáng rất thanh thoát, tỉ lệ từng phần rõ ràng, cấu trúc cụ thể với hình dáng đặc biệt, rất đa dạng, được chuốt cầu kỳ, cẩn thận. Dáng bát phần lớn có miệng loe rộng, thân phình căng tròn, khum cong phía đế nối xuống có chân, chân đế cao hoặc thấp, có những chiếc khá đặc biệt với chân cao kiểu mâm bồng…

Có người nhận xét bát bồng gốm Angkor Borei (Campuchia) trông giống dáng hình của bát bồng Phùng Nguyên với bụng tròn, chân đế to, miệng loe có vành. Tuy nhiên, nếu so sánh, ta thấy bát Phùng Nguyên dáng thanh thoát, miệng rộng, không có vành, chân đế dài hơn, mềm mại hơn nhiều. Tất cả đều được chuốt khá tỉ mỉ, mịn mượt, không sần sùi thô nhám. Chính sự thay đổi và biến điệu trong kỹ thuật tạo dáng bát gốm đã góp phần làm cho gốm Phùng Nguyên có một diện mạo mới. Nhà nghiên cứu Hán Văn Khẩn coi bát bồng là một trong những sản phẩm được tạo dáng độc đáo nhất, đặc trưng và tiêu biểu nhất của đồ gốm Phùng Nguyên.

Chạc gốm

Chạc gốm là một đồ vật bằng gốm, theo phỏng đoán thì chạc gốm là đồ dùng có liên quan đến tín ngưỡng nguyên thủy. Theo nhà nghiên cứu Hán Văn Khẩn, đa số chạc gốm Phùng Nguyên có văn thừng, ít văn khắc vạch. Chạc gốm gồm có phần trên hình phễu nối với phần thân phình to dần xuống dưới đáy, có chân đặt đứng được và có nhánh phụ chìa ra, trông như nhánh cây. Tuy nhiên, cũng có chạc gốm nhánh phụ được uốn cong tròn lại như cái quai, trông rất độc đáo. Tuy có đặc điểm như vậy nhưng kiểu dáng của chúng lại khá đa dạng.

2. Sự cân đối và hài hòa trong nghệ thuật tạo dáng trên gốm Phùng Nguyên

Trong thiết kế tạo dáng gốm, có thể nói những dáng gốm Phùng Nguyên cho thấy sự cân đối làm nên vẻ đẹp chỉn chu, tỉ mỉ. Tất cả đều được tạo dáng trên bàn xoay nên có được sự tròn trịa của khối hình.

Sự cân đối của nghệ thuật tạo dáng trên gốm Phùng Nguyên thể hiện qua tính thống nhất trong chỉnh thể. Sự hài hòa luôn là cái đích để người Phùng Nguyên hướng tới, có nhiều yếu tố tạo ra sự hài hòa của một sản phẩm, như tỉ lệ kích thước giữa chiều cao và chiều rộng, độ lớn của thân gốm so với các bộ phận khác, tỉ lệ giữa đường kính của miệng và của đáy… Tính đa dạng trong tạo dáng được thể hiện rõ nét ở cách tạo hình trên miệng gốm với ba dạng cơ bản là loe, đứng và khum. Các loại miệng trên đều có cấu tạo mép viền miệng với độ dày mỏng khác nhau. Một số đồ vật được tạo dáng chủ yếu với thân cong dạng cầu và đáy tròn, mô phỏng hình dáng quả bưởi, quả bí, quả cam… Có dạng nồi cấu trúc tròn như quả bưởi hoặc mô phỏng đường cong của tang trống, có dạng bình chân đế cao và choãi ra phía ngoài.

Để đạt đến độ hài hòa trong tạo dáng gốm, người thợ Phùng Nguyên đã biết cách tìm tòi chắt lọc nhiều kiểu dáng khác nhau để cho ra đời những sản phẩm gốm hoàn thiện, cân xứng. Ở đây ta thấy một số đồ gốm, điển hình là bát bồng, có sự hài hòa được thể hiện thông qua sự cân bằng của khối hình, với bố cục khá gọn ghẽ, phần trên là một nửa khối cầu cong được đứng vững bởi khối trụ thẳng trên, phần chân đế loe ra làm trụ vững, khiến cho các mảng khối cùng tạo nên sự uyển chuyển sống động khi kết hợp lại.

Như vậy có thể thấy, nghệ thuật tạo dáng trên gốm Phùng Nguyên có đặc điểm chính là dáng thanh, thành mỏng, thường phát triển theo chiều cao, các loại đồ đựng thường có dáng tròn đều, cân đối, gọn gàng, hài hòa về tỉ lệ giữa các bộ phận miệng, cổ, thân, đế. Chúng thuộc loại dáng hình đẹp thanh thoát nổi bật đáng chú ý.

3. Giá trị của nghệ thuật tạo dáng trên đồ gốm Phùng Nguyên

Việc nghiên cứu và tìm ra bí quyết, kỹ thuật làm gốm nhằm phục vụ cho đời sống sinh hoạt là một thành tựu đột phá của người Việt cổ trong giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Cho tới ngày nay, nghề làm gốm vẫn kế thừa những kỹ thuật cổ truyền ấy. Sự thay đổi mạnh mẽ về kỹ thuật tạo dáng trên gốm Phùng Nguyên đã mở đường cho gốm Đồng Đậu, Gò Mun học hỏi, tiếp thu và là nền móng cho sự xuất hiện của đồ gốm Đông Sơn sau này…

Có thể nói, gốm Phùng Nguyên chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của lịch sử gốm Việt. Nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu cho thấy, văn hóa gốm thời kỳ này đã phát triển trong những điều kiện độc lập và ổn định, nó được biểu hiện ở nhiều nhóm di tích khác nhau nhưng chung một nền tảng, một nguồn gốc. Tác giả Hoàng Xuân Chinh đánh giá: “Khi khai quật các di chỉ Phùng Nguyên, hiện vật gốm được phát hiện nhiều nhất, sau đó là đá công cụ và đá trang sức. Tôi cho rằng gốm và đá trang sức Phùng Nguyên đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật ở mọi thời đại”.

______________

1. Viện khảo cổ học, Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Phú Thọ, Tìm hiểu văn hóa Phùng Nguyên, Sở VHTT-TT Phú Thọ, 2001, tr.99.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018

Tác giả : NGUYỄN QUANG HƯNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *