Một cuốn sách hữu ích cho những người làm nghệ thuật múa


      Dưới góc độ chuyên ngành, chúng tôi cho rằng con người và sự nghiệp của NSND Thái Ly là hiện tượng đặc biệt, cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu sâu về hiện tượng này. Tác giả Bùi Thu Hồng đã rất có lý khi chọn đề tài này cho cuốn sách của mình. Với những phân tích khoa học, cùng nhiều dẫn chứng có tính thực tiễn, kết quả nghiên cứu không chỉ nhằm tôn vinh một biên đạo múa có tài mà còn mang ý nghĩa quan trọng là khẳng định một nhân cách nghệ thuật, người đã tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật cùng những giá trị đích thực, đã xuất hiện và tồn tại rất sớm trong lịch sử nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam.

Bố cục cuốn sách được chia làm ba chương.

Chương I, Tiểu sử và sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của NSND Thái Ly được viết một cách trách nhiệm. Những tư liệu về con người, hoạt động của tác giả Thái Ly được chọn lọc, thể hiện chân thực, xác đáng. Nhiều đoạn làm người đọc xúc động, tuy nhiên không vì thế mà ảnh hưởng đến tính khoa học của nội dung.

Đồng ý với tác giả cuốn sách khi chia sự nghiệp sáng tác của NSND Thái Ly thành 3 giai đoạn để phân tích. Giai đoạn 1 từ năm 1960 đến 1965. Giai đoạn 2 từ năm 1965 đến 1975 và giai đoạn 3 là sau năm 1975 cho đến 1992. Nếu nhìn theo chiều dọc thì sự nghiệp sáng tác của nghệ sĩ luôn gắn liền với lịch sử, gắn liền với hiện thực đời sống. Thông qua các tác phẩm của ông, ta thấy khá rõ những dấu ấn lịch sử của đời sống con người. Trong phần viết của mình, Bùi Thu Hồng đã làm rõ được điều đó bằng cách liệt kê và hệ thống các sự kiện theo niên đại một cách khoa học, công phu, từ đó làm nổi bật nhân cách nghệ thuật của NSND Thái Ly.

Ngoài nhân cách nghệ sĩ, tác giả đã rất khéo khi nói đến cuộc sống đời thường của NSND Thái Ly. Đó là mối quan hệ với con người, với đồng nghiệp. Đặc biệt những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông không vì thế mà ngừng sáng tạo. Phẩm chất đạo đức của nghệ sĩ cần được khẳng định và tôn vinh cho các thế hệ sau học tập. Đây là vấn đề cần thiết, nhìn từ nhiều góc độ, con người và những sáng tạo của ông cần được coi là một đối tượng nghiên cứu vừa mang tính lý luận vừa có tính thực tiễn cao. Ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam qua hơn nửa thế kỷ vừa hình thành vừa liên tục phát triển với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Tôi tin rằng có không ít tác giả, biên đạo nổi tiếng đã chịu nhiều ảnh hưởng của NSND Thái Ly.

Bằng những phân tích và chứng minh, cơ bản căn cứ theo những tài liệu sưu tầm, hệ thống được, người viết đã khẳng định NSND Thái Ly với hai nhân cách lớn, đó là: một biên đạo tài năng và nhà sư phạm xuất sắc. Đồng thời, ông là một tấm gương sáng về lòng yêu nghề và tinh thần lao động nghệ thuật. Những nhận định đó hoàn toàn thỏa đáng.

Chương II, Sự biểu hiện tính dân tộc trong các tác phẩm múa của NSND Thái Ly là chương quan trọng, được tác giả đã dành nhiều công sức. Để làm rõ tính dân tộc trong các tác phẩm múa của NSND Thái Ly, người viết đã đưa ra những khái niệm rất cơ bản về tính dân tộc trong mối quan hệ hữu cơ với bản sắc văn hóa dân tộc, tính dân tộc trong văn học nghệ thuật…, từ đó phân tích tính dân tộc trong nghệ thuật múa. Tôi chia sẻ với tác giả khi viết về quan điểm tính dân tộc của NSND Thái Ly, đó là ông có quan điểm đúng đắn về dân tộc hiện đại. Thông qua các sáng tạo nghệ thuật, ông đã giải quyết linh hoạt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa kế thừa di sản múa dân tộc và tiếp thu tinh hoa của nghệ thuật múa thế giới.

Tác giả đã cụ thể hóa khi phân tích tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm, nghệ thuật cấu trúc, xây dựng hình tượng, ngôn ngữ múa và xử lý âm nhạc, đặc biệt quan điểm của NSND Thái Ly trong sự kế thừa và phát triển múa dân gian dân tộc Việt Nam: “Kế thừa và phát triển múa dân gian dân tộc truyền thống cần bắt đầu từ công tác nghiên cứu cơ bản, nghĩa là phải đi từ gốc, từ công tác nghiên cứu, sưu tầm múa dân gian”. Có nghĩa là muốn phát triển phải nắm được cái gốc, hiểu được cái gốc để từ đó mới làm chủ được sáng tạo của cá nhân. Đây là ý kiến tuy không còn mới, nhưng trong lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp hiện nay không phải bất cứ ai cũng hiểu và thực hiện được. Khá nhiều biên đạo hiểu biết múa dân gian dân tộc rất hời hợt trước khi bước vào xây dựng tác phẩm mới. Vì thế không ít tác phẩm khi ra đời đã không thể hiện được bản sắc dân tộc, thậm chí lai căng giống một dân tộc khác. Kết quả nghiên cứu NSND Thái Ly của Bùi Thu Hồng như một đóng góp về mặt lý luận. Quan điểm này vẫn mang giá trị thực tiễn như một nhắc nhở đối với các biên đạo thuộc thế hệ tiếp theo.

Có thể nói NSND Thái Ly là người đi đầu về việc vận dụng múa cổ điển châu Âu trong quá trình xây dựng ngôn ngữ của kịch múa Việt Nam. Sự vận dụng đó đã tạo ra một khuynh hướng sáng tác vào những năm 60 TK XX. Trải qua nửa thế kỷ, đây vẫn được coi là một khuynh hướng đúng đắn và có khá nhiều biên đạo sau ông kiên trì đi theo con đướng mà ông đã vạch ra. Tác giả đã làm rõ hơn quan điểm sáng tác của NSND Thái Ly cùng những vận dụng, biến đổi, sáng tạo tài tình thông qua nhiều tác phẩm của ông để lại với sức sống lâu bền. Như vậy, tính dân tộc thể hiện trong tác phẩm đã ôm chứa những yếu tố hiện đại. Tuy nhiên quan điểm đã được thể hiện ở một biên đạo tài năng, để từ đó chứng minh sức sống của nó trong lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp.

Trong mục 3 của chương II có khảo sát tính dân tộc trong các tác phẩm múa của NSND Thái Ly thông qua một số tác phẩm tiêu biểu như: Đôi bờ, Phá xiềng, Ka Tu, Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Bả Khó, Bà mẹ miền Nam. Tác giả đã tỏ ra khá chuyên nghiệp trong quá trình phân tích. Bằng những quan điểm cơ bản trong sáng tác của NSND Thái Ly, tác giả đã làm rõ hơn những giá trị nghệ thuật của các tác phẩm. Tỏ ra phân tích khá vững vàng, chuyên nghiệp từ đề tài, nội dung, chủ đề tư tưởng đến hình thức, cấu trúc tác phẩm, nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ múa, thủ pháp dàn dựng, mối quan hệ giữa âm nhạc và múa, quan hệ biên đạo với nhạc sĩ, đặc biệt là thái độ của nghệ sĩ trước hiện thực đời sống, thế giới quan, nhân sinh quan trong tác phẩm…

Chương III, những giá trị nghệ thuật trong các tác phẩm múa của NSND Thái Ly là một nội dung được tác giả phân tích tương đối kỹ, nhiều thông tin có tính chuyên môn cao. Tác giả đã đi sâu vào nội hàm những sáng tạo của nghệ sĩ để tìm ra giá trị nghệ thuật, đồng thời dẫn chứng nhiều ý kiến của các nhà biên đạo, lý luận chuyên ngành để chứng minh cho ý kiến của mình. Điều này chứng tỏ tác giả đã đọc và nghiên cứu nhiều. Vì thế sau mỗi lần dẫn chứng, tác giả đã tiếp tục lập luận khá chặt chẽ để bảo vệ ý kiến riêng của mình. Những trang phân tích về giá trị tư tưởng, đạo đức, giá trị xã hội, giá trị nghệ thuật được tác giả diễn đạt với nhiều cảm xúc, tuy nhiên vẫn không làm giảm đi tính khoa học và định vị được những giá trị nghệ thuật của NSND Thái Ly một cách khách quan.

Trong mục 3 chương III tác giả khẳng định những tác phẩm của NSND Thái Ly mở đầu cho một số khuynh hướng sáng tác tiên tiến của nghệ thuật múa Việt Nam. Chúng tôi đồng ý với quan điểm. Những khuynh hướng đó được tồn tại khá lâu trong lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp Việt Nam. Có thể nói, cho đến nay vẫn còn nhiều biên đạo đi theo khuynh hướng này và vẫn tiếp tục gặt hái được những thành công. Điều đó chứng tỏ công lao của NSND Thái Ly rất lớn.

Tôi cho rằng tác giả cuốn sách đã đánh giá không quá về NSND Thái Ly khi viết: “Tác phẩm múa của ông mang tính dân tộc, hiện đại và tính quốc tế”. Đây là một kết luận công bằng, khách quan sau tất cả những gì mà NSND Thái Ly đã để lại.

Tôi đã đọc những bài viết của tác giả Bùi Thu Hồng trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đó là những bài viết tốt, chứng tỏ người viết nắm vững chuyên ngành của mình, đồng thời là người có trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc nghiên cứu. Phần tài liệu tham khảo, người viết đã sử dụng khá nhiều tài liệu để nghiên cứu, dẫn chứng, đối chiếu, so sánh. Đây là một phương pháp đúng và chấp nhận được, bởi, trên cái nền đó, tác giả vẫn làm rõ được chính kiến riêng của mình.

        Nhìn chung đây là một cuốn sách có chất lượng tốt cùng nhiều tư liệu phong phú, tính chân thực cao. Tác giả đã công phu và có trách nhiệm với cuốn sách này. Cuốn sách có tính lý luận và thực tiễn cao sẽ hữu ích cho những người làm nghệ thuật múa, có thể làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy, trong lĩnh vực sáng tác.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả : Ứng Duy Thịnh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *