Một cái nhìn khác về người nguyên thủy


 

LTS: Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập (1973-2008), tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho ra đời tác phẩm Kinh nghiệm thần bí và những biểu tượng ở người nguyên thủy của Lévy Bruhl, nhà nhân học văn hóa Pháp. Đây là tác phẩm có tính chất tổng kết của một đời nghiên cứu phong phú và nhiều thành công. Có thể có nhiều luận điểm khác nhau, nhưng Lévy Bruhl đã đưa ra một cái nhìn khu biệt đầu tiên về “người nguyên thủy”. Đó là xuất phát điểm để chúng ta hiểu mình với tư cách là người hiện đại.

Lucien Lévy Bruhl (1857-1939) nhà triết học, nhà xã hội học Pháp rất nổi tiếng ở Pháp và ngoài biên giới Pháp. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm 1876, năm trước năm sau với những Gustave Lanson, Jean Jaurès và Henri Bergson…, tạo thành một thế hệ trí thức mới của nước Pháp bấy giờ.

Sau những tác phẩm triết học đầu tay khá nổi tiếng, Lévy Bruhl đến với triết học thực chứng của Auguste Comte. Có thể nói, sự gặp gỡ với chủ nghĩa thực chứng đã tạo ra bước ngoặt thứ nhất trong tiến triển tư duy của ông. Theo tinh thần của Comte, ông thấy thích một thứ triết học gắn liền với lịch sử các khoa học. Năm 1902, Lévy Bruhl công bố công trình đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng và, do đó, mang tư tưởng độc đáo của riêng ông: Đạo đức và khoa học về các phong tục.

Ở tác phẩm này, bằng một bút pháp phân tích tuyệt vời, Lévy Bruhl đã phân biệt đạo đức lý thuyết đạo đức thực tiễn đang vận hành trong một xã hội hội nhất định, bằng thuật ngữ cái chuẩn tắc (le normatif) và cái thiết thực (le positif), mà cho đến ông người ta vẫn lẫn lộn, hoặc chỉ chú mục vào cái thứ nhất. Nay ông chuyển sang nghiên cứu cái thứ hai và xây dựng nên một khoa học về các sự kiện xã hội. Ví như, mỗi một kiểu xã hội thì sẽ có một đạo đức tương ứng của nó. Bởi thế, khi các thiết chế xã hội như tín ngưỡng, tư tưởng, phong tục… thay đổi thì đạo đức cũng thay đổi theo. Đạo đức lý thuyết, vì thế, phải nhường chỗ cho khoa học của các sự kiện đạo đức.

Bước ngoặt thứ hai xảy ra khi Lévy Bruhl đọc bản dịch Sử ký Tư Mã Thiên của nhà Trung Quốc học nổi tiếng Edouard Chavannes, mà không hiểu gì cả, mặc dù bản dịch là không chê vào đâu được. Từ đó, ông đặt vấn đề là liệu logic Trung Hoa có khớp đúng với logic Tây phương? Văn hóa các nước Ai Cập, Ấn Độ… cũng gây cho ông những suy nghĩ tương tự. Và, để giải quyết vấn đề này, trong trường hợp của ông, tốt nhất là nghiên cứu các xã hội được gọi là “nguyên thủy”, bởi lẽ tư liệu về các xã hội ấy là vô cùng đa dạng, phong phú và trực tiếp có thể sử dụng được ngay. Thế là một loạt các kiệt tác ra đời: Những chức năng tinh thần trong các xã hội hạ đẳng, Tâm thức nguyên thủy, Tâm hồn nguyên thủy, Cái siêu nhiên và cái tự nhiên trong tâm thức của người nguyên thủy và cuối cùng Kinh nghiệm thần bí và các biểu tượng ở người nguyên thủy. Toàn bộ các tác phẩm này tạo thành một trường phái xã hội học, một mặt khác biệt với trường phái xã hội học Durkheim, mặt khác, khác với các nhà nhân học xã hội và văn hóa Anh theo truyền thống Frazer.

Trước Lévy Bruhl, các nhà triết học đều nhất trí cho rằng tâm thức con người thì đâu đâu cũng giống nhau vì chỉ có một hình thái duy nhất, người hoang dã cũng luận lý giống như người văn minh, duy chỉ có sơ sài hơn mà thôi. Nhờ những thực tiễn nghiên cứu, Lévy Bruhl khẳng định một điều ngược lại là tâm thức của người nguyên thủy không giống như tâm thức của người Tây phương. Bởi lẽ, tư duy và hành động của họ dựa theo những thiết chế xã hội của họ, nên tâm trí họ không bị định hướng theo như tâm trí của người Tây phương vốn có những thiết chế xã hội khác. Nội dung và khuôn khổ kinh nghiệm của họ không hoàn toàn trùng hợp với nội dung và khuôn khổ kinh nghiệm của người văn minh. Vì thế, để hiểu được, hoặc thâm nhập được vào tư duy và cảm xúc của họ là một điều rất khó.

Sau mấy chục năm tìm tòi và sàng lọc tư liệu bằng một phương pháp khoa học, ở tác phẩm có tính chất tổng kết này của mình, Lévy Bruhl đã nêu ra được những đặc điểm của tâm thức nguyên thủy, trong đó có một định luật gây nhiều tranh cãi là định luật về sự tham dự (participation):

Tâm thức nguyên thủy không tách biệt mà hỗn hợp. Người nguyên thủy, vì vậy, không phân biệt cái sống động và cái vô tri, hình và bóng, nguyên mẫu và hình ảnh. Bởi thế, ai nắm được hình ảnh của một người nào đó (ảnh, hình mẫu…) thì cũng nắm được chính bản thân người đó. Các phép “bùa”, “yểm” xuất phát từ nguyên tắc này.

Tâm thức nguyên thủy coi thế giới vô hình, siêu nhiên và thế giới hữu hình, tự nhiên chỉ là một. Và giữa hai nửa của thế giới này luôn có sự giao tiếp qua giấc mơ, điềm báo, bói toán và lời của pháp sư. Người nguyên thủy coi việc diễn ra trong mơ là có thật. Một người trong mơ phạm lỗi với vợ người khác thì cũng có thể bị trừng phạt. Một người khác mơ thấy anh hàng xóm trộm quả ở vườn nhà mình thì nhất định bắt đền anh ta, kể cả khi anh hàng xóm có chứng cứ ngoại phạm thì cũng không thoát tội.

Như vậy, tâm thức nguyên thủy rất khác với tâm thức của người văn minh. Nếu hoạt động tinh thần của người văn minh tuân theo lý tính và cá thể, hợp logic và kinh qua thử nghiệm, thì hoạt động tinh thần của người nguyên thủy là thần bí và tập thể, tiền logic và chiêm nghiệm. Gọi tâm thức nguyên thủy là tiền logic, Lévy Bruhl muốn chỉ ra rằng tư duy của người nguyên thủy không tránh mâu thuẫn như tư duy của người văn minh, trái lại nó tỏ vẻ thích thú với mâu thuẫn. Điều này làm chúng ta thấy hết sức vô lý. Nhưng đó là vì tâm thức nguyên thủy hoạt động theo định luật về sự tham dự.

Quan niệm về tâm thức nguyên thủy của Lévy Bruhl đã phá vỡ quan niệm bất biến của tư duy cổ điển. Đồng thời mở ra khả năng rộng lớn cho sự phát triển của tư tưởng nhân loại. Trí tuệ và tâm thức con người trải qua các giai đoạn lịch sử đã luôn luôn phát triển, tiến bộ. Như vậy, nhờ sự cống hiến của Lévy Bruhl, một mặt, đứng trước các xã hội đi chậm so với nền văn minh Tây phương, người ta thừa nhận ở đó cũng có một nền đạo đức độc lập mà không quy chiếu về nền đạo đức Tây Âu. Mặt khác, thế giới hiện nay vẫn luôn có cuộc đấu tranh giữa tâm thức logic và tâm thức tiền logic và đó là xu thế hiện đại hóa của tư tưởng người.

Tuy nhiên, coi tâm thức nguyên thủy là tiền logic, gạt bỏ thuật ngữ ban đầu là logic khác, Lévy Bruhl, ở một mặt nào đó, vô hình trung quay lại điểm xuất phát là nhân loại chỉ có một hình thái tâm thức duy nhất. Nếu với các nhà triết học trước ông, hình thái đó là bất biến, thì với ông hình thái đó có thay đổi, hay đúng hơn hình thái đó chia thành hai cấp độ tiền logic và logic, tương ứng với hoang dã và văn minh, hạ đẳng và thượng đẳng, lạc hậu và tiến bộ… Đây là điểm tựa cho thực dân đi khai hóa, khai phá văn minh. Và điều này đã được một người Pháp khác, Lévi Strauss, sửa chữa lại khi ông cho rằng tư duy nguyên thủy tuân theo một logic khác.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Đỗ Lai Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *