Triết lý nhân sinh của cư dân nam bộ qua khảo cứu của sơn nam


 

Quá trình mở mang bờ cõi, khai phá vùng đất mới với biết bao huyền thoại mở đất đã tạo nên một diện mạo đặc trưng cho từng vùng trên đất nước ta. Trong đó, Nam Bộ, nơi từng nổi danh ma thiêng nước độc nhưng chỉ không đầy ba thế kỷ sau đã trở thành một vùng đất phì nhiêu, trù phú gắn liền với nền văn minh sông nước. Công cuộc khai phá vùng đất mới ấy được nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam tái hiện cụ thể qua các tác phẩm của ông.

1. Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam

Sơn Nam sinh năm 1926, tên thật là Phạm Văn Tài, quê ở vùng U Minh Hạ, bút danh Sơn Nam do ông tự đặt. Là một người con của vùng đất Nam Bộ, tuổi thơ của ông gắn liền với hình ảnh những cánh rừng tràm bạt ngàn, thiên nhiên hoang dã. Điều đó hình thành và nuôi dưỡng trong tâm hồn ông tình yêu quê hương đất nước, góp phần tạo nên cảm hứng sáng tác trên những trang viết sau này.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, lúc nhỏ ông học tiểu học ở quê, sau đó theo học trường Collège tại Cần Thơ. Khi ông tốt nghiệp thành chung cũng là lúc Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông gia nhập thanh niên Tiền phong rồi tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Từ đó đến khi về hưu ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong công tác văn hóa – văn nghệ của vùng Nam Bộ. Trong suốt những năm giữa TK XIX, ông đi hầu khắp các tỉnh của đồng bằng Sông Cửu Long để sống và tìm hiểu lịch sử từng địa phương. Trong hơn nửa thế kỷ gắn bó cùng sự nghiệp sáng tác, hơn 40 đầu sách của ông góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ. Ông được nhiều bạn đọc yêu mến gọi là ông già Nam Bộ, hơi thở của miền Nam nước Việt, pho từ điển sống về miền Nam, hay nhà Nam Bộ học. Bên cạnh những sáng tác văn chương ông còn để lại dấu ấn sâu đậm qua nhiều lĩnh vực như: lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, tôn giáo, lễ hội, phương ngữ… Một số công trình khảo cứu có giá trị lớn của ông về lịch sử vùng đất Nam Bộ như: Đất Gia Định xưa, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Cá tính miền Nam, Văn minh miệt vườn, Đồng bằng sông cửu long – nét sinh hoạt xưa… như làm sống lại quá khứ Nam Bộ với những câu chuyện từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chuyện dân Nam Bộ chống Tây, chuyện khai hoang, lập ấp, lịch sử từng địa danh cho đến cả những chuyện về sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lập vườn, lập chợ, giải trí, ẩm thực,… góp phần tạo nên một cách nhìn mới về những đặc trưng của đất và người Nam Bộ, khẳng định bản sắc văn hóa riêng của Nam Bộ trong nền văn hóa truyền thống dân tộc.

2. Phác thảo tính cách cư dân Nam Bộ

Trong những ngày đầu đặt chân đến vùng đất cuối cùng của phía nam tổ quốc này, những cư dân người Việt đầu tiên đã phải đối mặt với không ít khó khăn, nguy hiểm từ thiên nhiên khắc nghiệt nhưng với bản lĩnh và sự bền bỉ, họ đã thích nghi được với cuộc sống nơi vùng đất mới để tồn tại và phát triển. Văn hóa và tính cách con người là sản phẩm của quá trình con người thích nghi một cách linh hoạt trước những biến đổi của tự nhiên. Do đó, văn hóa Nam Bộ cũng chịu ảnh hưởng nhất định của nhiều yếu tố như tự nhiên, truyền thống văn hóa dân tộc và hoàn cảnh lịch sử xã hội.

Theo dẫn liệu của Sơn Nam thì những lưu dân đầu tiên đi khai phá vùng đất mới bao gồm: những người có vật lực ở xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi bỏ tiền ra mộ dân nghèo đi khẩn đất; những người trốn tránh binh dịch hoặc những tù nhân bị lưu đày; những người nông dân nghèo khổ do không chịu nổi sưu cao thuế nặng và sự áp bức của giới địa chủ hay sự nguy hiểm chết chóc của chiến tranh Trịnh – Nguyễn; những người dân hưởng ứng phong trào khẩn hoang của chúa Nguyễn…(1). Có thể thấy sự đa dạng về xuất xứ của những cư dân đầu tiên trên mảnh đất Nam Bộ. Bên cạnh đó, Nam Bộ trước kia từng là nơi tồn tại của nền văn hóa Óc Eo cực kỳ hưng thịnh, là nơi có vị trí thuận lợi trên con đường giao thông quốc tế, nơi tiếp xúc và giao lưu với nhiều nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra, với đặc trưng về địa hình, vùng đất này được mệnh danh là xứ sở của văn minh kênh rạch với hệ thống sông ngòi chằng chịt, ảnh hưởng đến việc hình thành nếp sống của cư dân nơi đây. Cuối cùng, yếu tố nổi bật nhất chính là một thiên nhiên hoang dã đe dọa cuộc sống và tính mạng con người. Đó là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành cá tính riêng của đất và người Nam Bộ với một số nét tiêu biểu như: thẳng thắn, bộc trực, trọng tình nghĩa, thực tế, năng động.

Từ lâu, dân Nam Bộ nổi tiếng ăn nói thẳng thắn, bộc trực, dám nghĩ dám làm. Trong cách ứng xử, họ không văn hoa dài dòng mà gặp chuyện bất bình hoặc không vừa ý là nói ngay, không sợ người đối diện trách giận. Trong ăn mặc, suy nghĩ, giao tiếp, sinh hoạt tinh thần, dân Nam Bộ có xu hướng đơn giản, ít cầu kỳ, phức tạp. Đặc biệt phương ngữ Nam Bộ là một trong những đặc trưng tiêu biểu cho tính cách này. Người Nam Bộ với tác phong dứt khoát làm ra làm, chơi ra chơi chứ không “rề rề như lục bình trôi”(2). Tính cách này tạo nên nét đẹp mộc mạc, trong sáng của văn hóa Nam Bộ.

Tính cách trọng tình nghĩa có nguồn gốc từ truyền thống nhân ái của văn hóa dân tộc. Là những “con người tứ chiếng”(3), không bà con thân thuộc, đến mảnh đất mới với biết bao khó khăn, khắc nghiệt, do đó con người trong hoàn cảnh này chọn cách sống nhân ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Là những con người trọng nghĩa khinh tài, họ xem tiền tài là vật ngoài thân, có khí thế ngang tàng “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”(4), luôn hào hiệp, hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ người khác không ngại khó khăn, hy sinh.

Bên cạnh đó, trong nếp sống và sinh hoạt, người Nam Bộ rất thực tế. Họ thiên về trọng làm ăn, trọng võ hơn văn chương, kinh sách. Dân trong vùng nhiều người là nhà sư giỏi võ (5), sĩ phu đất Nam Bộ đọc văn chương chủ yếu để hiểu đạo lý thánh hiền, để “ăn ở cho đúng điệu nghệ”(6) chứ vụng về văn từ, câu chữ. Trong sáng tác từ ca dao, dân ca đến điệu lý, thơ văn đều cụ thể, gắn liền với cuộc sống con người. Trong nếp nghĩ, họ có tâm lý ít lo xa, tới đâu hay tới đó. Do đó mới có hiện tượng ba ngày tết thì ăn xài phung phí, sau đó suốt năm làm việc cực nhọc để bù lại. Tuy nhiên, tính thực tế cũng giúp họ dễ tiếp nhận cái mới tích cực, phù hợp với cuộc sống.

Ngoài ra, một nét tính cách không thể thiếu làm nên đặc trưng của văn hóa Nam Bộ chính là tính năng động. Vùng đất mới với diện mạo phức tạp, khôn lường đã rèn cho con người Nam Bộ sự linh hoạt, sáng tạo trong cách sống và nếp nghĩ. Do đó họ dễ thay đổi chỗ ở, cách sống, nghề nghiệp… chỉ cần là yếu tố có lợi cho cuộc sống sẽ được người dân Nam Bộ biến đổi cho phù hợp. Yếu tố này lý giải tại sao Nam Bộ là nơi tiếp nhận kinh tế thị trường đầu tiên của đất nước ta. Tính năng động còn giúp cư dân Nam Bộ sống hòa hợp với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau và sự dung hòa trong tín ngưỡng giữa các tôn giáo nội sinh.

Bên cạnh những nét tính cách đó, cư dân Nam Bộ còn là những con người có tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Nam Bộ là vùng đất có đặc trưng riêng với văn hóa mới, con người mới, không thể lẫn với bất cứ vùng đất nào khác của đất nước.

3. Quan điểm về đời sống và tập quán dân cư

Môi trường sống tạo nên hoàn cảnh, từ đó cũng làm thay đổi trong nhận thức của con người Nam Bộ những quan điểm về tổ chức đời sống và tập quán dân cư cho phù hợp với vùng đất mới. Trong sinh hoạt và sản xuất dần hình thành những thói quen nhất định và theo thời gian trở thành tập quán, chịu sự chi phối bởi điều kiện tự nhiên với đặc trưng môi trường sông nước.

Nam Bộ có phần lớn diện tích là đồng bằng châu thổ với đất đai trù phú, màu mỡ và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Tận dụng những lợi thế đó, ngay từ buổi đầu cư dân Nam Bộ đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp mà đặc trưng nổi bật là tập quán trồng lúa nước. Nếu người Hoa thiên về buôn bán, người Khơme định cư trước đó chọn những giồng đất cao ráo để sinh sống và trồng lúa thì những cư dân người Việt đầu tiên chọn cách sản xuất trên diện rộng với hình thức quảng canh (7). Hình thức này khắc phục được những hạn chế của tự nhiên do diện tích đất hoang còn nhiều, mặt đất lại bằng phẳng không đồng đều, khí hậu nhiệt đới với chim chóc sâu bọ và cỏ dại ảnh hưởng nhiều đến việc thu hoạch. Do đó, mỗi gia đình lúc bấy giờ cố gắng canh tác khoảng 5-7 ha để rồi thu hoạch kiểu cầu may 3-4 ha, cách làm này gọi là làm móc lõm, làm một vụ sống cả năm. Ngoài ra, người dân Nam Bộ còn thu được nguồn lợi từ việc đào mương, lên liếp làm vườn, trồng cây ăn trái và đánh bắt thủy hải sản. Đến nay với những tiến bộ của khoa học ứng dụng trong sản xuất, tập quán trồng lúa nước phát triển với nhiều bước cách tân góp phần biến Nam Bộ thành vựa lúa lớn nhất nước.

Bên cạnh đó, yếu tố sông nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày của cư dân Nam Bộ như trong ăn, ở, mặc. Trước hết, đó là tập quán ăn uống. Do sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải có sức khỏe cùng với nguồn thức ăn dồi dào nên người dân Nam Bộ có thói quen “ăn lớn miếng”(8) với món ăn chính được chế biến từ cá. Từ xưa, thực đơn của người dân Nam Bộ đã rất đa dạng, họ không cầu kỳ trong chế biến và ăn uống mà thiên về sự hài hòa các yếu tố làm nên bữa ăn. Nhiều món ăn với giá trị dinh dưỡng và tính dược học cao đã tạo nên những phương thuốc trị bệnh rất hiệu quả. Trong ăn uống thì theo tâm lý chung của người dân Nam Bộ: “sang trọng nhất không phải là ra tỉnh lỵ ăn”(9) mà chính là sau quá trình lao động mệt nhọc, trong giờ phút nghỉ ngơi, tùy từng mùa mà chế biến món ăn cho phù hợp với không khí miền quê, tạo nên nét riêng trong nền ẩm thực Nam Bộ với nhiều món ăn bình dị, dân dã nhưng tinh tế.

Ngoài ra, trong cách xây dựng nơi cư trú của cư dân Nam Bộ có nhiều thay đổi so với làng xã Bắc Bộ, từ đó hình thành nên tập quán xây dựng nhà ở mang đặc trưng riêng của vùng sông nước. Dù ở đây họ cũng sống thành làng, xã nhưng thường là cất dọc theo hai bờ kênh để thuận lợi cho sinh hoạt, đi lại và sản xuất. Trong đó cất theo kiểu “tiền viên hậu điền” (trước có vườn, sau có ruộng)(10) là mô hình ưa thích của nhiều người dân Nam Bộ. Đến với vùng đất mới với nhiều khó khăn, nguy hiểm nên trong quan hệ cộng đồng, con người luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Tuy nhiên, cơ cấu xã hội ở làng xóm nơi đây không mấy chặt chẽ do tính chất vùng đất mới, nếu thích hợp để làm ăn sinh sống họ sẽ ở lại, nếu không sẽ ra đi tìm vùng đất thích hợp hơn. Với yếu tố mở trong tính cách, người Nam Bộ thích đi nhiều nơi, dễ thay đổi chỗ ở và không có tâm lý coi thường dân ngụ cư như ở miền Bắc. Điều này tạo nên sự năng động trong cách sống và lao động của con người Nam Bộ.

 Bên cạnh đó, nét đặc trưng trong tập quán trang phục của người Nam Bộ được biểu hiện qua bộ bà ba đen và tấm khăn rằn, hình ảnh tiêu biểu cho con người Nam Bộ không chỉ trong lịch sử mà cả hiện nay. Bộ bà ba đen kết hợp với chiếc khăn rằn đem lại thuận lợi cho cả nam lẫn nữ trong lao động sản xuất và sinh hoạt thường ngày. Theo dẫn liệu của Sơn Nam, trang phục này tuy có nguồn gốc từ Mã Lai nhưng được ta cải biến nên không chỉ đặc trưng về kiểu dáng, cách cắt may mà còn ở màu đen độc đáo và từ hàng thế kỷ nay đã góp phần làm nên nét đẹp cho người phụ nữ Nam Bộ (11). Ngoài ra, người Nam Bộ không chỉ đơn giản trong ăn mặc mà trong ứng xử, giao tiếp họ cũng là những người thẳng thắn, bộc trực, dễ nóng tính nhưng cũng rất tình cảm. Khi giao tiếp, họ không thích dài dòng, quanh co mà thích dứt khoát, đi thẳng vào vấn đề, dùng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu.

Cuối cùng, điểm nổi bật trong đời sống tinh thần chính là sự tác động của tôn giáo đến tư duy của con người Nam Bộ. Theo dẫn liệu của Sơn Nam, Nam Bộ là nơi xuất phát của nhiều tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài và hàng loạt các đạo giáo dân gian khác như đạo Dừa, đạo Nằm… Hoàn cảnh thiên nhiên mới với nhiều yếu tố đe dọa dẫn đến nảy sinh nhiều tín ngưỡng, tôn giáo làm chỗ dựa về tinh thần và giúp con người có thêm niềm tin chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt. Bên cạnh tôn giáo thì sinh hoạt tinh thần thông qua các hình thức lễ hội, cúng đình cũng rất phổ biến ở Nam Bộ, tạo nên một sự đa dạng và chiều sâu trong đời sống tinh thần của con người Nam Bộ.

4. Gía trị nhân sinh theo dòng thời gian

Môi trường tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử xã hội là yếu tố cơ bản góp phần tạo nên dấu ấn riêng trong nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần của con người ở một vùng địa lý nhất định. Cá tính con người Nam Bộ được hình thành trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng “không đồng nghĩa với bảo thủ mà là triển khai, sáng tạo đa dạng”(12). Văn hóa Nam Bộ đã biết bảo tồn, kế thừa và phát triển những giá trị nhân sinh tốt đẹp, trong đó, lối sống trọng tình nghĩa, thẳng thắn, bộc trực trong quan hệ với cộng đồng; tư duy phóng khoáng, năng động trong nếp nghĩ, nếp sống; khí phách ngang tàng, dũng cảm với tinh thần đoàn kết trong đấu tranh là những yếu tố làm nên nét đặc trưng riêng trong tính cách con người Nam Bộ. Ngày nay, dù đã ít nhiều biến đổi nhưng nhìn chung những nét cơ bản trong đời sống văn hóa Nam Bộ vẫn được gìn giữ và phát huy.

Trước hết, nét cơ bản đặc trưng trong cá tính Nam Bộ là tính trọng tình nghĩa. Vì trọng tình nghĩa mà con người Nam Bộ rất hào hiệp, hiếu khách, sống hết mình và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Yếu tố này góp phần tạo nên tinh thần nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và được thể hiện qua bản lĩnh, khí phách hiên ngang của con người Nam Bộ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, trước những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường, lối sống trọng tình nghĩa và tinh thần yêu nước là yếu tố góp phần giúp đất và người Nam Bộ vững bước phát triển.

Bên cạnh đó, sự năng động, sáng tạo trong cách sống và lao động đã tạo nên những con người Nam Bộ dám nghĩ dám làm. Họ thẳng thắn, bộc trực trong giao tiếp, dứt khoát rõ ràng trong hành động, dám mạo hiểm, thích tự do và có óc thực tế. Trong lề lối suy nghĩ và làm việc, họ biết đoàn kết và có tinh thần dân chủ cao. Trong nhận thức, người Nam Bộ chuộng tính thiết thực, họ không quá câu nệ nguyên tắc do đó sẵn sàng rũ bỏ cái lạc hậu để tiếp nhận cái mới tốt đẹp hơn. Điều này thể hiện sự biện chứng trong suy nghĩ và làm việc của con người Nam Bộ, góp phần giúp họ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống năng động, trở thành những con người tiên phong trong lao động, có khả năng hợp tác cao, biết tự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh qua đó góp phần hình thành nên cá tính Nam Bộ rất đặc trưng.

Ngoài ra, trong quan điểm sống của người Nam Bộ còn hàm chứa tính bao dung, hài hòa. Vùng đất này từng là nơi có sự chung sống hòa bình, giao lưu tiếp biến văn hóa giữa nhiều tộc người như Việt, Hoa, Khơme, Chăm. Đồng thời dù có sự xuất hiện và phát triển của nhiều tôn giáo nội sinh nhưng các tôn giáo này không quá bảo thủ, tìm cách triệt tiêu lẫn nhau mà cởi mở phóng khoáng và gần với cuộc sống thực tế. Yếu tố mở là một trong những nét làm nên bản sắc văn hóa Nam Bộ. Hệ quả là văn hóa Nam Bộ vừa có những nét chung của văn hóa dân tộc vừa có sự khác biệt do quy định của điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội. Tuy nhiên, không thể xem văn hóa và con người nơi đây tự đánh mất giá trị nội tại, đơn giản đó chỉ là sự linh động tái tạo các giá trị văn hóa theo hướng tích cực, phù hợp với xu thế thời đại. Trong giai đoạn hiện nay, tính bao dung, hài hòa giúp những thế hệ tiếp theo của vùng đất mới sớm thích nghi và tiếp thu được những giá trị tốt đẹp từ nhiều phương diện của văn minh nhân loại, tạo nên sự hài hòa với truyền thống dân tộc nhưng vẫn góp phần làm nên diện mạo riêng cho văn hóa Nam Bộ.

Ngoài ra, trong phương diện sinh hoạt tinh thần, người dân Nam Bộ luôn giữ gìn, kế thừa truyền thống dân tộc từ việc lập đình, tín ngưỡng thờ cúng cho đến tổ chức nghi thức, lễ hội. Tuy nhiên, do sự quy định của yếu tố sông nước, dân Nam Bộ không cầu kỳ phức tạp trong hình thức mà tổ chức đơn giản nhưng vẫn trang trọng, mang đầy đủ ý nghĩa. Thời đại ngày nay, hình thức đó vẫn được giữ gìn và phát triển, là nền tảng trong đời sống tinh thần của con người Nam Bộ. Vùng đất mới với những đặc trưng riêng về tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử xã hội đã ảnh hưởng đến tính cách, lối sống con người do đó cũng quy định cả phương diện sinh hoạt và sáng tạo. Những giá trị nhân sinh tốt đẹp của con người và vùng đất Nam Bộ, do đó, sẽ tồn tại vững chắc qua những bước đi của thời gian, tạo nên dấu ấn riêng cho vùng đất này.

_______________

1, 2, 7, 8, 9, 12. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa, Nxb TP.HCM, 1985, tr.11, 19, 23, 174, 172, 197.

3, 6. Sơn Nam, Nói về miền Nam – Cá tính miền Nam – Thuần phong mỹ tục Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2005, tr.70, 55.

4, 10, 11. Sơn Nam, Đất Gia Định xưa, Nxb TP.HCM, 1984, tr.36, 59, 94.

5. Sơn Nam, Tiếp cận với đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2000, tr.70.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 353, tháng 11-2013

Tác giả : Lê Văn Tùng – Nguyễn Thị Kim Ngân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *