Thương nhớ câu ca xưa


Anh thương em,

thương bóng, thương dáng,

thương dạng, thương hình.

(Dân ca Nam Bộ)

Tôi luôn háo hức mỗi khi nhận được bưu phẩm từ cặp tác giả phương Nam mà tôi hằng ngưỡng mộ: chàng nhạc Lư Nhất Vũ và nàng thơ Lê Giang. Lần này cũng thế, vì tôi đoán tập bản thảo mới chẳng thua kém các cuốn sách đàn anh đàn chị của nó, nghĩa là không chỉ nặng tay, mà còn nặng tình nặng nghĩa, ngay ở tên gọi mượn lời ca xa xưa: Thương vì bóng nhớ vì hình (1). 

Một lần nữa tôi lại theo tác giả lội ngược thời gian trở về những năm 80-90 của thế kỷ trước, đến các miền quê mà tôi chẳng có cơ hội đặt chân tới, gặp không ít con người vô danh nắm giữ kho báu vô hình, mường tượng qua con chữ và bản ký âm những câu hát truyền miệng qua bao đời. 

Đây là cơ hội cho người thiếu hụt kiến thức nhạc cổ như tôi có thể tiếp cận tài sản vô giá qua các góc độ khác nhau: đời và đạo. Chất đạo và chuyện đời đan xen, bồi đắp, tôn nhau lên qua ba phần chính của cuốn sách: phần đầu sống động tính thời sự, phần giữa sâu sắc tính lý luận và phần cuối dạt dào cảm xúc văn chương. Nếu hai phần đầu là hành trình từ đời đến với đạo, thì phần cuối giữ vai trò tái hiện bằng sự trở lại với chất đời.

Nhật ký, bút ký điền dã sưu tầm dân ca Nam bộ (phần I) kể cho bạn nghe chuyện tầm sư học đạo của những người “lang thang trong trường đời” (2) một cách âm thầm và bền bỉ. Từ một gia đình nhỏ của cặp vợ chồng thơ – nhạc, đoàn sưu tầm tăng dần nhân khẩu thành một đại gia đình gồm các nhạc sĩ, nhà thơ, ca sĩ thế hệ khác nhau, người lớn nhất và người nhỏ nhất cách nhau chừng ba bốn chục tuổi, nhưng cùng chung một tình yêu với cội nguồn, cùng say như mắc ngải những câu hát mùi bùn nối lòng với lòng, tình với tình, thời gian với thời gian. 

Rất nhiều chuyến lên rừng xuống biển dọc ngang miền Đông miền Tây Nam Bộ. Không ít địa danh trở lại không chỉ một lần: đây cực Tây Nam Kiên Giang với Phú Quốc đầy sóng gió; đây sông nước Hậu Giang với vùng nước ngọt Cái Côn và nước mặn Long Mỹ; còn đây nữa xứ dừa Bến Tre, đất đỏ Sông Bé, rừng tràm Chiến khu Đ…

Xóm ruộng, xóm núi, xóm chợ, xóm chùa, xóm chài… giữa khung cảnh miệt vườn, cánh đồng, thôn làng, phum sóc, nương rẫy, kinh rạch, ven sông, bãi biển là hình ảnh thân thương của những “nghệ sĩ nhân dân” tóc bạc da mồi, mắt mờ răng rụng. Họ đấy, những cái tên khiêm nhường như chính cuộc đời họ, những bà Bèo, bà Cóc, những ba má dì dượng Phèn, Bực, Bặm, Bảnh, Đành, Khởi, Nhiều, Nhành, Sào, Xèng, Ngấn, Ngoạt… 

Có cụ ông diện nhờ quần dài của vợ vì không lẽ cứ đánh chiếc xà lỏn độc nhất ra mắt đoàn sưu tầm. Có cụ bà hỏi ra còn chưa bộn tuổi bằng người sưu tầm, nhưng vẫn xưng má ngon ơ vì cái gánh tuổi tác trên vai người nông dân lam lũ dường như luôn trĩu nặng hơn. Có má nghe giọng mình phát lại trong máy ghi âm khen “đứa nào học lẹ quá, đứa nào hát đó bây?”. Có cậu con trai nghe tiếng hát của má mình mà rớt nước mắt, đâu ngờ bà cụ lẩm cẩm suốt ngày rày la con cháu lại cũng biết hát hò. 

Bạn còn bắt gặp những bóng dáng dễ thương thoắt ẩn thoắt hiện trên các trang nồng ấm kỷ niệm điền dã, đấy là bầy con nít tóc tai khét nắng vàng hoe, mồ hôi nhỏ giọt chua hoắc. Đám trẻ tròn môi, trố mắt trước cái máy kỳ lạ giữ giọng hát ở lại trong nhà khi ông chúng đã bước ra sân. “Bà con cũng hát giống cái máy hát này. Nội con biết lý con cua. Ngoại con biết lý con kiến. Bà Năm biết hò đi cấy. Ông Tư giỏi hò ghẹo, hò o mèo…” Chính là chúng, lũ nhỏ đồng quê lấm lem chân đất luôn nhen lên niềm hy vọng trong những lúc tưởng chừng vô vọng. Chúng chia nhau tất tả loan khắp làng trên xóm dưới như một đội tuyên truyền “nằm vùng” tình nguyện cho những người mò ngọc trai giữa biển nhân gian. 

Tìm hiểu dân ca Nam Bộ (phần II) là phần nặng cân nhất nếu định lượng bằng con mắt học thuật. Được đúc kết từ nhiều năm miệt mài kiếm tìm, thống kê, phân tích, phân loại, tổng hợp…, những trang tư liệu quý báu này cùng với hơn chục cuốn sách đã xuất bản của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là đóng góp đáng kể cho ngành nghiên cứu âm nhạc nước nhà – một lĩnh vực lâu nay vẫn bị liệt vào diện nghèo vì quá thiếu và quá yếu. 

Bạn được dẫn dắt vào không gian của những câu hát ru nâng giấc một đoạn đầu đời, những bài đồng dao nhộn nhạo tuổi thơ ngây, để lớn dần lên theo những điệu lý câu hò thấm đẫm buồn vui phận người. 

Bạn chẳng những có thể nghe thấy tiếng vó khua rền trong cuộc hành trình Bắc – Nam của Lý ngựa ô hay dõi theo đường bay tứ xứ của Lý con sáo, mà còn nhận ra bài học nhân thế ẩn náu trong những khúc nói thơ hoặc thơ rơi, chiêm ngưỡng những màn diễn xướng phong tục lễ nghi đa sắc của đời sống tâm linh như hát sắc bùa, bóng rỗi… 

Bạn có thể học được từ đây những ngón nghề cho cái nghiệp nghiên cứu dân ca (và không chỉ dân ca, mà cả nhạc hát nói chung) qua cách xem xét toàn diện phần nhạc (thang âm, giai điệu và các âm hình đặc trưng), phần lời (tiêu đề, các thể thơ và dị bản), cũng như mối tương quan giữa nhạc với lời (thủ pháp phổ thơ, dấu giọng và hiện tượng cưỡng dấu giọng). 

Bên cạnh đó còn gợi mở không ít vấn đề liên quan tới vị trí dân ca Nam Bộ trong đời sống hiện tại, như tính chất mới trong nhạc cổ thông qua việc đặt lời mới cho dân ca, và ngược lại, vận dụng chất liệu cổ trong sáng tác mới.

Bạn được nhắn nhủ rằng: có nhiều điều để học từ dân ca, nhưng cần học trước hết là cách xử sự sao cho phải với dân ca. Bao nhiêu năm thiếu hiểu biết dẫn đến bất công, tùy tiện lạm dụng vốn cổ như xài lộc của chùa, lẫn lộn bài hát mới sáng tác với dân ca nhạc cổ. Vì thiếu công bằng với dân ca, đương nhiên cũng thiếu luôn sự tôn trọng đối với người sưu tầm dân ca – những người đi tìm kho vàng không nhờ phương tiện máy móc tối tân mà chỉ bằng tấm lòng mình. 

Nhà nghiên cứu lợi thế hơn nhiều nếu bản thân họ cũng là dân sưu tầm. Người sưu tầm lợi thế hơn nhiều khi nắm vững nghệ thuật chinh phục lòng người, bởi cái cốt lõi ở đây không phải kiến thức sách vở cao siêu, mà cần hơn hết vẫn là cái tâm cái tình. Với cái tình ấy, những người sưu tầm vượt bùn lầy nối đuôi nhau bò qua cầu khỉ, vượt lốc xoáy tốc mái lá thi gan với đất trời, nhóc nhách nhai miếng cau khô cùng mấy bà già trầu, ngủ chung trên bộ ván cũ kỹ với các ba các má…, để có một ngày được chọn mặt gửi vàng nghe các ba các má xuất thần rút ruột nhả tơ. 

Với giọng văn tự nhiên có cái duyên hổng giống ai của nhà thơ Lê Giang, Bộ hành với ca dao, dân ca (phần III) là nơi chan chứa hơn cả hai chữ: tình người. 

Khúc dạo đầu của tiếng hát cầu hôn, Có một kiều hôn như thếVài thuật yêu đương của các bậc sư phụThi khóc về tình, Bà ơi tui hổng sợ bà đâu… bạn khó mà làm ngơ trước những tản văn mang tiêu đề câu khách như thế. Mượn ngôn từ thời a còng mà nói thì thế này: cách chào hàng cho dân ca ở đây quả là những chiêu độc khó đỡ! 

Những câu ca được sắp đặt theo kịch bản tưởng tượng sinh động cho các màn kén chồng, kiếm vợ, làm quen, tán tỉnh, thử lòng, trách móc, hiểu lầm, hờn ghen… Vì tình, các chàng các nàng khóc thầm, khóc điếng, khóc ngất, khóc òa, khóc ré, khóc gào…; rồi lại cười gượng, cười trừ, cười lạt, cười cợt, cười hiền, cười giòn…

Tình đời gửi vào câu ca thật muôn màu muôn vẻ. Nội cái vụ ve gái thôi cũng dăm bảy đường ve, bởi “không biết chọc gái còn gì là trai”! Hãy nghe chàng mở lời ướm thử:

Thấy em đẹp dáng tốt hình

Chẳng hay em có chung tình đâu chưa?

Rồi ngỏ ý rủ rê:

Hò chơi đôi câu có chi đâu mà sợ

Chiều hai đứa lên bờ anh trả căn nợ cho em

Được đà rồi thì dấn tới:

Anh thương em anh lấy cẳng anh khèo 

Chừng nào ai có hỏi, anh nói đôi bạn nghèo đo chân

Thả sức lẻo mép đong đưa:

Bớ cô má lúm đồng tiền 

Cho hun một chút đỡ nghiền khi xa

Chẳng may vớ phải một nàng là tay hò chẳng vừa, trò cưa cẩm mùi mẫn có nguy cơ chuyển sang hỗn chiến:

Anh muốn hun vậy mà cũng khó 

Anh trở về nhà… bắt chó anh hun

Cứ thế cất lên giữa đất trời mọi nỗi niềm của chàng với nàng, chồng với vợ, má với con, thày với trò, mẹ chồng với nàng dâu… Chẳng cứ có người với người thì cái miệng mới hát hò không cho lành da non, mà cả lúc chỉ riêng ta với ta thôi lòng cũng cất tiếng ca. Và không chỉ chuyện tình chuyện nghĩa, bởi dân gian làm sao có thể thiếu vắng chất hài và những trò thách đố chơi chữ đòi hỏi lanh trí chứ! 

Bạn nên nhớ đã nói lái thì phải đẳng cấp Nam Bộ nha, nghĩa là hai từ hoán đổi phụ âm cho nhau chứ không đơn thuần chỉ đảo dấu giọng như xứ Bắc:

Con cá đối nằm trên cối đá

Con mèo đuôi cụt nằm mục đuôi kèo.

Bạn còn có thể nghe ông bà ta triết lý sự đời:

Mai mưa trưa nắng chiều nồm 

Trời còn luân chuyển huống mồm thế gian. 

Rồi lại ngoa ngôn:

Xứ tôi là xứ ăn chơi 

Gánh nước bằng rổ không rơi giọt nào. 

Và bỡn cợt giỡn chơi:

Bà già đi lượm mù u

Bỏ quên ống ngoáy chổng khu la làng.

Vậy đấy, một cuốn sách đi từ tâm để đến với tình, từ tình để đến với trí; một cuốn sách gắn liền thực tế dân dã với lý luận âm nhạc, từ đó dẫn đến những bài học kinh nghiệm cho mọi lĩnh vực: sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn. Nếu bạn cũng như tôi đánh giá cao vai trò của việc tự học trong trường đời vào thời buổi bát nháo thật giả bằng cấp, chức danh, học hàm học vị, thì nên học hỏi từ những bảo bối như thế này. 

Gấp tập bản thảo dày cộp, mang nặng tình yêu dành cho câu hát cổ truyền và lòng tôn kính những người lưu giữ chúng, tôi càng thêm kính trọng hơn những người làm nên cuốn sách này. Bỗng như còn nghe văng vẳng đâu đây câu hò giã biệt: 

 Chiều nay thì anh về xứ, còn bỏ em ở lại mà thương vì bóng nhớ vì hình, tội nghiệp thân em

_______________

1. Thương vì bóng, nhớ vì hình là tên của tập bản thảo. Do yêu cầu xuất bản, cuốn sách của nhóm tác giả Lư Nhất Vũ – Lê Giang – Lê Anh Trung đã giảm bớt số trang cùng nhiều thí dụ nốt nhạc và phải đổi tên khác: Nhật ký điền dã. Cuối cùng nhờ nhà thơ Lê Giang “đấu tranh”, cuốn sách ra mắt với tiêu đề lấy từ một ý trong bài giới thiệu trên: Đi tìm kho báu vô hình (Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP.HCM, 2013). 

2. Phan Nhân, Như mây lang thang, ca khúc viết tặng đoàn sưu tầm dân ca Nam Bộ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Minh Châu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *