Những góc nhìn về hiện thực chiến tranh trong dấu chân người lính, đất trắng và nỗi buồn chiến tranh

Góc tiếp cận hiện thực chiến tranh ngắn nhất là nhằm đến khung cảnh chiến trường, nơi diễn ra những cuộc giao tranh. Đó chính là hiện thực chiến trận. Khắc họa hiện thực cuộc sống diễn ra nơi chiến trường đồng nghĩa với việc các tác giả mô tả bộ mặt, tính chất của cuộc chiến một cách chân thực, sống động và trực tiếp nhất. Với ưu thế của một cấu trúc tự sự lớn, tiểu thuyết có khả năng chiếm lĩnh và tái tạo hiện thực trong tính toàn vẹn, tổng thể, gần gũi và sinh động. Chính nhờ đặc trưng đó, hiện thực chiến trận trong ba tiểu thuyết Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) đã được mô tả theo đúng tinh thần thể loại: đa dạng, đa chiều, có tầm vóc, quy mô, có sức chứa về dung lượng và khả năng bao quát hiện thực.

Dưới tầm ảnh hưởng của khuynh hướng sử thi kết hợp nhuần nhuyễn với cảm hứng lãng mạn, chịu sự chi phối của nguyên tắc và đặc trưng thẩm mỹ của văn học chiến tranh cách mạng 1945-1975, Dấu chân người lính đã phản ánh sinh động và hào hùng khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của tuổi trẻ Việt Nam nói riêng và cả dân tộc nói chung thời chống Mỹ. Trong hùng khí ấy, Nguyễn Minh Châu đã đưa người đọc tham dự vào một chiến dịch lớn của quân giải phóng miền Nam trên chiến trường Trị – Thiên với những cánh rừng Trường Sơn ngút ngàn, những địa danh đã trở thành điểm nóng của một vùng khốc liệt như Đường 9, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn. Trải suốt hai chương đầu của Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu đã miêu tả, “xây đắp” con đường hành quân ra chiến trường khá ấn tượng với khí thế mạnh mẽ, phấn chấn, vui tươi. Nó gần như là một cuộc biểu dương lực lượng, thể hiện sức mạnh của dân tộc trong cuộc chiến thần thánh dù phải đương đầu với một “siêu cường quốc”. Ở thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh, niềm vui được cầm súng ra mặt trận lan tỏa khắp nơi nơi, tham dự vào đời sống văn chương, tạo ra một kiểu “diễn xướng” riêng của thời đại chống Mỹ. Không chỉ trong văn xuôi, “âm vực cao” ấy chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy qua những trang thơ của Chính Hữu, Gia Dũng, Phạm Tiến Duật…

Đi vào từng tình huống, từng trận đánh cụ thể, Nguyễn Minh Châu đã có những miêu tả chi tiết hơn. Đó là cuộc tiến công chớp nhoáng của tiểu đội trinh sát dưới sự chỉ huy của Khuê đánh thẳng vào căn cứ địch khiến chúng không kịp trở tay, bị tiêu hao một lực lượng lớn, là cuộc đụng độ với một tiểu đội địch của Lữ và Đàm. Và không thể không nhắc đến chiến công thần kỳ bắn rơi máy bay Mỹ của Lượng, Hoan… Hình ảnh đồi 475 – cao điểm giành giật giữa hai bên mà cuối cùng quân giải phóng đã cố thủ bị sạt đi hai thước chiều cao vì bom cày đạn xới đã khắc họa mức độ ác liệt dữ dội có một không hai của mặt trận Trị – Thiên. “Đồi không tên”, nơi những người lính trẻ “đem ngực mình dựng thành chiến lũycản mười đợt tiến công điên cuồng của địch”, làm nên kỳ tích và đã hằn sâu trong ký ức người đọc nhiều thế hệ cũng được tạc dựng bằng những nét chạm khắc sử thi. Nhưng ở thời điểm đó, nó vẫn đủ sức khơi gợi tình cảm yêu nước thiêng liêng. Dấu chân người lính khép lại ở chương “Đất giải phóng”, khi chiến thắng đã hoàn toàn thuộc về ta như một thành quả tất yếu, một món nợ mà kẻ thù phải trả sau những tội ác chúng đã gây nên. Phần thưởng cao quý nhất mà những người lính có được sau bao ngày tháng gian khổ, chiến đấu hy sinh quên mình, vật lộn với từng thước đất là một vùng quê hương thân yêu đã được giải phóng…

Kế thừa lối viết của những người đi trước, Nguyễn Minh Châu đã nhìn nhận cuộc chiến theo quy luật và diễn biến riêng của đời sống chiến tranh. Từ một hiện tượng bất thường của lịch sử, chiến tranh lại được hiện diện trở lại trong những tất yếu và đôi khi trở thành cái bình thường, cái không thể khác của hoàn cảnh chiến tranh: đó là sự chiến – bại, thắng – thua, thiếu thốn – gian khổ về vật chất, những mất mát – hy sinh về thể xác lẫn tinh thần… Nguyễn Minh Châu đã không né tránh hoàn toàn những gian lao, ác liệt kể cả mất mát, hy sinh nơi chiến trường. Người đọc không thể quên những con đường Trường Sơn đầy hiểm nguy với pháo sáng, bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù bao phủ bầu trời, cày xới mặt đất: “ban đêm từng chùm pháo sáng liên tiếp treo lơ lửng trong bầu sương thăm thẳm trắng rừng, trắng núi”, và “chúng rải chất độc hóa học và dùng máy bay B52 rải bom theo lối rải thảm”… Trong những tình thế bất khả kháng đó, thương vong, chết chóc là điều không thể tránh. Người đọc thực sự xúc động khi chứng kiến Chính ủy Kinh bị lựu đạn hỏng một bên mắt, Lượng bị thương dẫn đến hôn mê, bất tỉnh phải điều trị dài ngày… Và vô cùng thương tiếc trước sự hy sinh anh dũng của những người lính trẻ yêu đời, tràn đầy sức sống và phơi phới tuổi thanh xuân như Lữ, Đàm, An… Tư thế ngã xuống của Lữ mặc dầu đã được Nguyễn Minh Châu khắc họa theo bút pháp lý tưởng hóa nhưng sự hy sinh vĩnh viễn nằm xuống của một chàng trai ưu tú là có thực. Rõ ràng, dưới sự dẫn dắt của “cơ chế cảm hứng sử thi” việc đề cập đến những khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh… chính là cách để Nguyễn Minh Châu đề cao, ngợi ca tinh thần chiến đấu quả cảm, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh của quân giải phóng. Những tổn thất dù nặng nề cũng không thể làm suy giảm ý chí quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ. Sức mạnh của tình yêu tổ quốc, tình đồng đội đã làm nên tất cả: Nó có thể xua tan cái giá rét, lạnh lẽo của rừng núi Trường Sơn những đêm đông, làm dịu nỗi đau sau những tổn thất, hy sinh, mang lại niềm vui, tiếng cười… Đó là sự lựa chọn tư thế sống và hành động không thể khác của những người lính trong những năm tháng ấy…

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã từng nói: “Phải lấy con mắt nhìn hôm nay để soi sự kiện hôm qua, con mắt nhà văn hôm nay nhìn lại sự việc thường tỉnh táo hơn, khách quan hơn. Điều đó có thật. Nhưng ngày hôm nay bao giờ cũng là ngày kế tiếp hôm qua. Hiện thực luôn phát triển và bổ sung cho nhau. Cái hôm nay bao giờ cũng do cái hôm qua mà có… Muốn có cái nhìn khái quát, cần có cái nhìn cụ thể. Phải nhìn từ cái cụ thể hôm qua thì mới có độ lùi khái quát hôm nay”. Và “nói về quá khứ một cách nghiêm túc và trung thực thì không sợ không có điều gì để nói với hôm nay”. Đất trắng (tập 1, 1979; tập 2, 1984) được ra đời xuất phát từ cách nhìn và cách viết về chiến tranh hết sức đặc biệt như thế. Và có thể khẳng định rằng, với tác phẩm này, Nguyễn Trọng Oánh đã khơi nguồn cho một lối viết mới, một suy nghĩ mới cho tiểu thuyết viết về chiến tranh thời kỳ hậu chiến. Đó là sự khai thác, phản ánh chiến tranh ở góc độ quyết liệt nhất, để rồi trong sự quyết liệt ấy sự thật và sự giả dối được bộc lộ, phân định rách ròi.

Đất trắng viết về những hoạt động của Trung đoàn 16 sau đợt một của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Trung đoàn 16 là một đơn vị có truyền thống chiến đấu oanh liệt đã ghi được nhiều chiến công hiển hách từ thời kháng chiến chống Pháp chín năm. Trong kháng chiến chống Mỹ, trung đoàn từng tham gia những trận đánh lớn và vô cùng ác liệt như: Đắc Tơ, Đồng Rùm, Chà Tơ. Sau đợt một của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, chưa kịp củng cố lực lượng, trung đoàn đã nhận được lệnh trở lại chiến trường tham gia đợt hai tổng công kích và được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là duy trì thế đứng chân ở ven cửa ngõ sông Sài Gòn, một địa bàn bé “bằng lòng bàn tay” và nằm lọt thỏm giữa vòng vây của địch. Với lực lượng mỏng, lại bị xé lẻ nhưng trung đoàn Mười Sáu phải đảm trách một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bằng mọi giá giữ vững địa bàn vùng ven đô, chống trả các cuộc hành quân bình định của địch, giữ đất giữ dân, hỗ trợ cho du kích, lực lượng vũ trang địa phương và phong trào đấu tranh nhân dân, ngoài ra còn phối hợp với các lực lượng đơn vị khác hoạt động ở vòng ngoài. Trong khi đó, lực lượng địch được trang bị vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh cùng sự yểm trợ của các phương tiện tối tân đã tạo ra một cuộc chiến không cân sức, đặt các chiến sĩ của ta vào tình thế hết sức cam go và khốc liệt… Có thể nói, Đất trng đã tái hiện một hiên thực chiến tranh chân thực, sinh động với tất cả các hoạt động diễn biến cụ thể của đời sống chiến trường.

Không còn khí thế hào hùng, tinh thần lạc quan Đường ra trận mùa này đẹp lắm (Phạm Tiến Duật) hay Những buổi vui sao, cả nước lên đường (Chính Hữu) như đa số các tác phẩm viết về chiến tranh trước 1975, Đất trắng ngay ở những trang mở đầu đã tái hiện bộ mặt chiến tranh với những gian nan, khó khăn, nguy hiểm. Gây ấn tượng mạnh với người đọc ngay ở đầu tác phẩm là một cuộc cáng thương của trung đoàn 16. Tiếp đó là muôn vàn gian lao mà các chiến sĩ phải đối mặt. Hàng ngày phải ngâm mình dưới rạch, mỗi người một ngày khẩu phần ăn chỉ duy nhất một nắm cơm. Có những lúc trong suốt một thời gian dài, các chiến sĩ chỉ ăn gạo rang và uống nước múc từ mương lên, mặt mũi ai ai cũng hốc hác, tiều tụy.

Chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ như vậy, việc tổn thương, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Chưa bao giờ, trong văn học chiến tranh, người ta phải chứng kiến nhiều thất bại, hy sinh của quân ta như trong Đất trắng. Đây là một điểm khác biệt rất lớn trong việc mô tả hiện thực chiến tranh mà Nguyễn Trọng Oánh đã ghi dấu so với các tác phẩm trước 1975. Dường như bao nhiêu sự gian khổ, ác liệt nhất của chiến tranh đã dồn tụ hết về nơi này. Lực lượng đã mỏng mà ngày nào cũng xảy ra thương vong. Có nhiều khi đơn vị chưa xuống được đến mục tiêu thì quân số đã tổn thất hơn một nửa. Lần lượt Tư lệnh phân khu Năm Truyện, tiểu đoàn trưởng Thực, chủ nhiệm trinh sát Thân, chính trị viên phó Thận hy sinh. Có những chiến sĩ buổi chiều đi còn cười nói vui vẻ, đêm đến đã không còn quay về. Có những hôm má Hai nấu cơm vắt hàng trăm nắm mà vẫn không đủ cho anh em, vậy mà sau một thời gian ngắn má chỉ vắt có ba mươi nắm mà thừa quá nửa… Sau Tết Mậu Thân, toàn bộ thế bố trí chiến lược trên chiến trường bỗng đổi khác, nhưng cũng chính sau cái Tết Mậu Thân đó, trung đoàn 16 được giao đứng chân trên một địa bàn khó khăn hơn xưa gấp bội.

Trong hoàn cảnh khốc liệt đó, Tám Hàn, phó chính ủy phân khu sắp được nhận hàm thượng tá, bấy giờ là cán bộ cao cấp nhất ở khu vực này đã hoang mang dao động và chiêu hồi, rũ bỏ một qua khứ vàng son với hai mươi lăm năm đi theo cách mạng. Sự đầu hàng, phản bội của Tám Hàn đã gây những hoài nghi, xáo trộn rất lớn trong tâm trí các chiến sĩ. Họ không thể tưởng tượng nổi một con người với cương vị quan trọng như vậy lại có thể chiêu hồi. Nhưng rồi họ cũng tự trấn an mình rằng Tám Hàn là một tên gián điệp được cài vào hàng ngũ ta, chứ không hề có chuyện một phó chính ủy phân khu lại đi đầu hàng địch. Chi tiết này cũng đã khiến bộ tiểu thuyết Đất trắng gặp nhiều sóng gió khi có nhiều ý kiến cho rằng việc để một cán bộ cao cấp trong quân đội đầu hàng là “bêu xấu” quân đội cách mạng, là không thể chấp nhận được. Mô tả việc đầu hàng của Tám Hàn, có thể nói Nguyễn Trọng Oánh đã mạnh dạn nhìn thẳng vào mặt trái – một phía hậu quả của hoàn cảnh chiến đấu ác liệt. Và điều quan trọng nhất, Nguyễn Trọng Oánh đã lựa chọn một bối cảnh ở thời điểm khốc liệt nhất để phân biệt vàng thau: “Cái cốt lõi của vấn đề là: Tám Hàn đã không có một lập trường cách mạng triệt để, sẵn sàng hy sinh cao nhất cho quyền lợi của nhân dân. Hán đã đi theo Đảng như một phần tử cơ hội, mang theo những động cơ cá nhân. Những con người như thế không chóng thì chầy, sẽ bị sa thải. Ở cuộc thử thách chưa đủ độ, thì vàng thau vẫn còn lẫn lộn. Vấn đề quan trọng là cuộc thử thách này đây. Ai là người thật sự cách mạng? Ai là kẻ cơ hội? Ngọn lửa của cuộc chiến đấu đang sàng lọc”. Về phương diện này, Nguyễn Trọng Oánh đã là một cây bút tiên phong với thể tài chiến tranh và đã thành công.

Song điều quan trọng hơn cả là với vô vàn những khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, các chiến sĩ của trung đoàn Mười Sáu vẫn kiên cường bám đất, bám dân, dũng cảm chiến đấu, không để cho địch thực hiện âm mưu biến vùng đất ven đô thành vùng đất trắng. Có thể nói, đây chính là bước đệm cho sự thắng lợi của chiến dịch tổng tiến công mùa xuân 1975. Đề cập đến những đau thương, mất mát, hy sinh, Nguyễn Trọng Oánh muốn đề cao phẩm chất anh hùng của dân tộc ta, đặc biệt là muốn vinh danh những hy sinh lớn lao mà anh dũng của quân dân Việt Nam trước cuộc chiến đấu với kẻ thù hung bạo. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, đau thương nhất, dân tộc Việt Nam vẫn lạc quan, tin tưởng vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Với những quan niệm hết sức mới mẻ và táo bạo về hiện thực chiến tranh, Nguyễn Trọng Oánh đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc với người đọc. Đất trắng cho thấy chiến tranh là một vấn đề vô cùng phức tạp, đặc biệt là những biến thái của nó trong thẳm sâu tâm hồn mỗi con người. Có thể nói, Nguyễn Trọng Oánh đã mở đầu cho một kiểu tư duy mới, lối viết mới cho tiểu thuyết viết về chiến tranh sau ngày toàn thắng.

Nói về sức thu hút đặc biệt đối với dư luận trong và ngoài nước của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh đã cho rằng: “Thật ra, đấy là sự ghi dấu của nền văn học Việt Nam thời đổi mới, thời kỳ văn học có những thay đổi sâu sắc nên một tác giả như tôi mới được chú ý ”. Quả thực, đây là một ý kiến hết sức khiêm tốn của Bảo Ninh bởi lẽ tiểu thuyết này thực sự là một dấu mốc quan trọng của văn học đương đại Việt Nam. Một dòng “văn học vết thương” đã được khơi nguồn với Nỗi buồn chiến tranh đã hòa vào nguồn chung của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới và đương đại. Nếu coi Đất trắng là sự mở đầu của cái nhìn nghệ thuật và những quan niệm mới trong việc phản ánh, khắc họa hiện thực chiến tranh thì Nỗi buồn chiến tranh là sự hoàn thiện một cách xuất sắc những quan niệm đó. Xuất hiện sau Đất trắng mười năm, Nỗi buồn chiến tranh chính là sự tiếp nối, kế thừa liên tục và phát triển lên tới đỉnh cao của dòng văn học viết về chiến tranh sau 1975.

Phải thừa nhận rằng, mặc dù đã có những cách khai thác, thể hiện mới mẻ và táo bạo nhưng Đất trắng vẫn là một tiểu thuyết mang dáng dấp hiện thực truyền thống khi so sánh với Nỗi buồn chiến tranh. Hiện thực chiến tranh trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh dẫu đã có tính chất bi hùng nhưng vẫn còn phảng phất âm hưởng hào hùng, ngợi ca. Với tác phẩm của Bảo Ninh, tính chất bi hùng của hiện thực cuộc chiến được thể hiện một cách “thẳng thắn” hơn rất nhiều. Nỗi buồn chiến tranh là sự khước từ lối viết truyền thống vốn mang đậm cảm hứng sử thi. Tác phẩm là sự lắp ghép những mảnh vụn vỡ hồi ức của Kiên, một người lính của tiểu đoàn 27 độc lập hoạt động trên địa bàn mặt trận B3 sống sót trở về sau cuộc chiến. Hiện thực chiến tranh trong Nỗi buồn chiến tranh là sự hủy diệt tàn khốc, là sự chết chóc, là những hình ảnh buồn bã về ngày chiến thắng trĩu nặng những dự cảm kinh hoàng về sự tổn hại nhân tính… Không sử dụng phương thức miêu tả, tiếp cận thông thường, hiện thực trong Nỗi buồn chiến tranh được soi rọi bởi tâm lý nhân vật, bởi những dòng ký ức triền miên. Đó là một hiện thực đã được khúc xạ qua tâm thức của những nhân chứng chiến tranh. Mất mát, đau thương đã trở thành một nền tảng hiện thực đa chiều, phức tạp ken dày, bao phủ lên Nỗi buồn chiến tranh. Những dòng “hồi tưởng đen” đã trở thành một hội chứng chiến tranh khủng khiếp đeo bám dai dẳng, không buông tha nhân vật Kiên trong suốt quãng đời thời hậu chiến. Đó chính là cái giá phải trả của con người cho những tội lỗi chiến tranh. Có thể nói, Bảo Ninh đã xây dựng một không gian đa chiều về hiện thực với cái nhìn lạnh lùng và trần trụi. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất của Nỗi buồn chiến tranh so với những tiểu thuyết trước đó…

Trong Nỗi buồn chiến tranh, bên cạnh sự xuất hiện với tần suất dày đặc của cái chết là những hình ảnh buồn thảm, thê lương, thậm chí có phần quái dị, huyễn hoặc khiến cho hiện thực chiến tranh thêm phần u ám. Đó là hình ảnh truông Gọi Hồn, đồi Xáo Thịt ngập ngụa trong máu và xác chết, một loài chim khóc than như người, các loại măng nhuốm một màu đỏ “như những tảng thịt ròng ròng máu”, “những quầng sáng đom đóm lớn tày cái mũ cối, có khi hơn”, hay hình ảnh hoa hồng ma, một loại tiền ma túy, nhờ khói nó người ta chế ra các loại ảo giác tùy sở thích “có thể nhờ khói hồng ma mà quên đi mọi nông nỗi đời lính, quên đói khổ, chết chóc, quên béng ngày mai”. Rồi đến những tiếng hú ghê rợn, điên loạn của rừng núi, của những hồn ma và muông thú. Có lẽ, hình ảnh ám ảnh và khủng khiếp nhất là hình ảnh người vượn mà Thịnh con đã bắn nhầm, “khi ngả ra, cạo sạch bộ lông thì hóa ra con vật hiện nguyên hình một mụ đàn bà béo xệ, da sần lở, nửa xám, nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược…”. Có thể nói, Nỗi buồn chiến tranh là một bức tranh kỳ ảo, rùng rợn, ma quái, nhiều tầng bậc với những “truông gọi hồn”, “đồi xáo thịt”… – một kiểu khắc họa hiện thực chiến địa khác biệt của Bảo Ninh. Qua đó, bộ mặt chiến tranh hiện lên với đầy đủ mọi góc cạnh khủng khiếp nhất của nó, là: “một cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bật vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Chiến tranh sẽ còn ám ảnh dai dẳng trong ký ức của những người lính, và rất có thể nó sẽ khiến tâm hồn họ chết dần chết mòn trong quãng đời còn lại.

Với Bảo Ninh, chiến tranh là một nỗi buồn bất tận, nỗi buồn “mênh mang”, nhưng đồng thời lại là “nỗi buồn cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi bị chôn vùi trong cảnh chém giết triền miên, trong cảnh khốn khổ của những tay súng, những đầu lê, những ám ảnh bạo lực và bạo hành, để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời có lẽ chẳng sung sướng gì và cũng đầy tội lỗi, nhưng vẫn là cuộc đời đẹp nhất mà chúng tôi có thể hy vọng, bởi vì đấy là đời sống hòa bình”. Chiến tranh “là những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chứa chan tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao mà chúng ta cân phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng và hy sinh tất cả”. Có thể nói, đây là quan niệm mới mẻ về hiện thực chiến tranh của Bảo Ninh thể hiện qua hình ảnh người lính thời hậu chiến. Người lính bước ra từ khói lửa đạn bom với sự cay đắng và cô đơn, với sự sám hối trước những món nợ của chiến tranh, với sự dằn vặt, suy tư về phẩm tính và nhân tính. Để rồi “một thứ chân lý cao cả, được giác ngộ từ những trải nghiệm đau đớn”, đó là sự “vĩnh cửu những tình người”. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của cuộc chiến tranh không gì vùi lấp nổi. Soi chiếu hiện thực chiến tranh từ điểm nhìn hậu chiến, có thể nói Nỗi buồn chiến tranh đã phơi bày bộ mặt thật, đã nhận thức lại các giá trị đạo đức của đời sống xã hội và con người bằng tâm thức hậu chiến. Điều đó lý giải vì sao Nỗi buồn chiến tranh được đánh giá là tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến tranh với nguồn cảm hứng chất chứa giá trị phản tỉnh và một kỹ thuật tự sự mới lạ (1).

Hà Nội, 25 – 7 – 2015

______________

1. Các minh chứng trong bài đều dẫn từ Nguyễn Minh Châu, Toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 200; Nguyễn Trọng Oánh, Đất trắng, (tập 1), Nxb Văn học, Hà Nội, 2007; Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015

Tác giả : NGUYỄN ANH VŨ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *