Tình huống gây cười trong tiểu thuyết việt nam đương đại

Đóng vai trò quyết định hiệu quả thẩm mỹ của một tác phẩm hài không thể không kể đến những tình huống gây cười. Hạt nhân của tình huống gây cười là các mâu thuẫn mang tính chất nghịch dị, phi lý, phản quy luật thông thường, phản lôgic, tạo nên yếu tố bất ngờ. Đó là cơ sở để tiếng cười bật ra một cách sảng khoái, mạnh mẽ. Việc tạo dựng những tình huống gây cười trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại rất phong phú. Bài viết tập trung vào một số tình huống cơ bản: lật tẩy, bóc mẽ, ăn may, nghịch dị, phi lý trớ trêu.

Từ sau 1975, văn xuôi Việt Nam đã chuyển dần từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết. Không khí chiến tranh, chất sử thi cũng nhạt dần. Sau mấy chục năm miêu tả cái anh hùng, cao cả, nay văn học có điều kiện khám phá, khai thác cái đương đại đang diễn ra, với không ít những mảng màu đen tối, nhức nhối của cuộc sống thời kinh tế thị trường… Không khí dân chủ, tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật đã khuyến khích các nghệ sĩ khám phá mặt trái, mặt tiêu cực của đời sống. Cái hài trong đời được chuyển hóa thành cái hài trong văn học. Đặc biệt bừng nở trong tiểu thuyết đương đại bắt đầu từ cảm hứng phê phán, tố cáo, nhu cầu giải trí, cân bằng tinh thần… Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định về sự xuất hiện phong phú các sắc thái tiếng cười như: hài hước, phê phán, suy ngẫm, âu lo… trong nhiều tiểu thuyết từ sau 1986. Chính sự tái xuất hiện phổ biến, sự phong phú của tiếng cười đã góp phần thể hiện bước phát triển có tính đột biến của văn học giai đoạn này.

Tình huống lật tẩy, bóc mẽ

Bản chất của cái hài vốn là cái xấu khoác trên mình vỏ bọc của cái đẹp. Đúng vào lúc nó ngỡ mình đã đánh lừa được dư luận thì bị lật tẩy, tiêu ma. Trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, tình huống ông Phán mọc sừng đang khóc lóc thảm thiết giữa đám ma cụ cố tổ, bỗng giúi vào tay Xuân Tóc Đỏ một mảnh giấy năm đồng gấp tư là một tình huống như thế. Tiểu thuyết đương đại sử dụng tình huống này khá phổ biến. Để châm biếm, đả kích cái xấu đội lốt cái đẹp, không gì sâu sắc hơn là để nhân vật tự lật tẩy, bóc mẽ. Tiếng cười lúc này có sức mạnh hủy diệt bất ngờ, vì nó mà các thần tượng sụp đổ.

Trong Ba người khác của Tô Hoài, một trong những nhân vật được xây dựng khá ấn tượng là anh đội trưởng Cự. Tính quyết đoán, nóng như lửa, gắt gao kỷ luật với mọi người. Anh còn tỏ ra là người nhiều kinh nghiệm, làm việc nhiệt tình, luôn đi đầu trong công việc được cấp trên giao phó. Tác phong quyết liệt, uy danh đội trưởng của Cự khiến ai cũng phải răm rắp nghe theo. Anh ra lệnh cho các thành viên trong đội phải nâng cao tinh thần cảnh giác: “Kể từ bây giờ, các đồng chí về vị trí chiến đấu dưới thôn cẩn thận cảnh giác không được liên lạc với tổ chức cũ, cứ chọn nhà thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ xâu chuỗi” (1). Trong lúc đội trưởng Cự “đương nói đến đoạn hăng” thì một người trong đoàn vô tình đá chân vào cái ba lô của đội trưởng Cự. Điều làm anh ta bất ngờ là nhìn thấy một gói bánh đúc ngô, chắc hẳn Cự đã mua lén ở chợ khi trước. Kỷ luật mà Cự hăm hở đưa ra cho đội là ba cùng dưới xóm để bắt rễ xâu chuỗi: cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm nhưng hóa ra Cự lại là kẻ đạo đức giả. Chính hắn là người vi phạm trước tiên quy tắc công tác của đội, của chính mình. Tình huống vô tình đã lật mặt nạ đội trưởng Cự, phác họa những nét vẽ đầu tiên cho chân dung của một kẻ phản động sau này.

Ông Thìn là một trong những người dạy cậu bé Thượng trong Giã biệt bóng tối, bài học đau xót về lòng tin người. Cậu bé mồ côi bị bóc lột, hành hạ phải phiêu dạt đến dừng chân tại ngôi miếu hoang ở làng Thổ Ô. Sau những chuỗi ngày bị truy đuổi, lừa gạt, thằng bé kiếm được việc làm. Nó hoàn toàn chỉ mong muốn được yên thân tá túc ở đó. Người làng đầu tiên nói những lời tử tế với nó là ông Thìn, người phụ trách an ninh. “Ông xoa đầu nó một cách thân ái như người cha xoa đầu con trai. Tội nghiệp cháu – giọng ông đúng là giọng của người nhân đức – bao nhiêu người ước có cậu con trai như cháu mà không được. Bao nhiêu đứa ăn sung mặc sướng nhưng lại thành của nợ, chôn xuống còn làm thối đất (2). Đã lâu lắm kể từ ngày bà ngoại mất, thằng Thượng mới cảm nhận được chút tình người ấm áp như vậy. “Nó muốn nép sát vào người đàn ông cỡ tuổi bố nó, thèm khát được thương yêu. Nó muốn kéo dài mãi giây phút khiến trái tim nó được đập những nhịp vô cùng bình an” (3). Nhưng ngay sau đó, người phụ trách an ninh xóm yêu cầu nó phải tạm rời ngôi miếu một thời gian để ông ta mật phục những kẻ hút chích ma túy, phải đi càng xa càng tốt “bởi giả dụ xảy ra chuyện phải đánh đấm hoặc sử dụng súng đạn thì sẽ rất nguy hiểm”. Trong đêm tối, thằng bé không còn cách nào khác là phải rời miếu đi lang thang, chờ trời sáng. Bước chân vô định lại dẫn nó trở về chỗ cũ. Đúng lúc định quay gót, Thượng nghe thấy câu chuyện của một đôi tình nhân nào đó ở nơi quen thuộc mà nó vừa bị đuổi. Hóa ra là lão Thìn, lão bịa ra chuyện mật phục ma túy để bắt thằng Thượng. Thượng vừa là nạn nhân, vừa là chứng nhân, bất ngờ phát hiện ra chuyện ngoại tình của lão Thìn đã lật tẩy bộ mặt nhân nghĩa giả tạo của lão. Kẻ ngoại tình đê tiện đến mức đi lừa cả trẻ con để thỏa mãn dục vọng. Đúng như lời lão thú nhận với riêng người tình: “Anh dã man đấy. Loại người như anh không dã man mới là chuyện lạ” (4).

2. Tình huống ăn may

Tình huống ăn may là tình huống bộc lộ bản chất của nhân vật nhờ may rủi ngẫu nhiên như chó ngáp phải ruồi, chuột sa chĩnh gạo mà từ thân phận hèn kém, bất tài trở thành những người danh giá, có vị trí trong xã hội. Xuân Tóc Đỏ chính là một điển hình cho kiểu nhân vật đổi đời nhờ vận may, vào thời buổi mưa Âu, gió Á ối a ba phèng đầu TK XX. Còn bây giờ, các nhân vật gặp tình huống ăn may trong tiểu thuyết đương đại thường xuất hiện trong hoàn cảnh cải cách ruộng đất và thời quá độ, khi đất nước chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Cẩm trong Đám cưới không có giấy giá thú là hiệu trưởng của một trường cấp ba, đồng thời là giáo viên dạy văn. Thoạt tiên, Cẩm vào nghề giáo không phải là một hành vi tự nguyện. Có sức khỏe, lại đoạt giải trong cuộc chạy thi 1000m ở huyện, anh bí thư chi đoàn xã, tên Nguyễn Văn Cẩm được mời vào dạy thể dục ở trường cấp hai, dạy nghiệp dư một thời gian rồi chuyển sang dạy chính thức. Ít lâu sau, thày giáo Cẩm chuyên dạy chạy tiếp sức, nhảy cao, nhảy xa được đề bạt làm hiệu trưởng vì là đảng viên duy nhất ở trường. Cũng bởi nhu cầu đào tạo, sau một vài năm thâm niên trong nghề, Cẩm được cử đi học Đại học Sư phạm. Vì là đảng viên, Cẩm trở thành sinh viên khoa Văn. Có thành tích trong phong trào sinh viên, mặc dù Cẩm học yếu nhưng vẫn được tốt nghiệp. Cuộc đời của Cẩm không cần cố gắng, thậm chí không muốn, nhưng vẫn tuần tự, suôn sẻ trên con đường sự nghiệp.

Lê Đức Huy trong Những mảnh đời đen trắng nhờ gặp may mà được đổi đời. Xưa, tên thật của ông ta là Cu Lùn. Ông nội của Cu Lùn, quanh năm ăn xin ở đình chợ, rồi chết đói bên đống rác lớn của thị trấn, để lại đứa con trai mười bốn tuổi cũng tên là Cu Lùn. Cu Lùn tiếp tục ăn xin ở đình chợ, tán luôn một mụ đàn bà 29 tuổi cùng hành nghề ăn xin ở đình chợ và đẻ ra Cu Lùn ngày nay. Hai vợ chồng chết đói năm 1941, không kịp để cho Cu Lùn một hào sinh sống. Một nhà giàu thương hại cảnh côi cút của Cu Lùn đã mang về nuôi làm người ở, chăn lợn, giữ chó. Vì bị ông chủ bắt quả tang Cu Lùn ngủ với bà chủ nên phải làm việc gấp bốn lần trước kia, phải ăn cơm cùng đàn chó 36 con, nằm ngủ trên gác chuồng lợn 17 con của ông chủ. Quá khứ ba đời nhục nhã, khốn khổ của Cu Lùn chấm dứt khi tiểu đoàn quân chủ lực của Việt Minh trở về giải phóng thị trấn. Từ đó, cuộc đời của Cu Lùn toàn có quý nhân phù trợ. Anh đổi tên thành Lê Đức Huy, nhiệt thành tham gia tất cả các hoạt động nhằm xây dựng, bảo vệ thị trấn. Quá khứ nhục nhã trở nên sáng ngời khi anh tham gia ôn nghèo kể khổ đấu tố bọn áp bức, bóc lột. Lý lịch trong sạch, ba đời cùng khổ của anh trở thành lá phiếu tín nhiệm để được bầu làm xã đội trưởng, cuối cùng là chủ tịch thị trấn. Anh lại tiếp tục gặp may vì được Ủy ban hành chính thị trấn chọn vợ khi đã chớm già. Hậu quả là dưới quyền của Cu Lùn, bao cảnh bi hài đã diễn ra suốt mười mấy năm ở thị trấn bên bờ sông Linh. Những tình huống ăn may như thế đều rơi vào những kẻ bản chất bất tài, hèn kém nhưng lại gặp thời, cơ hội dựa vào hoàn cảnh thuận lợi để tiến thân, gây ra những chuyện động trời.

3. Tình huống nghịch dị

Tình huống nghịch dị là tình huống được tạo ra bởi những các nhân vật lập dị, quái đản về hành vi, suy nghĩ, tính cách, qua đó, phản ánh những cái nhố nhăng, lố bịch của con người và cuộc sống.

Tình huống nghịch dị xuất hiện liên tiếp trong Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái. Câu chuyện mở đầu bằng một tình huống trớ trêu: người đàn ông và người đàn bà bí mật gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, tại một căn hộ chung cư ở cách xa trung tâm thành phố, rồi bị nhốt cho tới tận tám ngày sau. Trong tám ngày bị lưu tại căn hộ trống trải, “hai người dần dần chấp nhận tình trạng bị nhốt. Không thể liên lạc bằng điện thoại. Không thể phá khóa. Không thể đánh động cho hàng xóm biết để bảo bà già sang mở cửa cho ra. Không thể đốt lửa, cởi áo vẫy qua cửa sổ…” (5). Họ phải chấp nhận trả nhiều tiền, thương lượng với thằng bé ở căn hộ bên cạnh. Nhờ nó mua thức ăn và đánh một chiếc chìa khóa thoát thân. Tình cảnh oái oăm hiện tại buộc họ phải chấp nhận làm theo mọi yêu cầu của thằng bé.

Từ tình huống oái oăm này mở ra một chuỗi các tình huống nghịch dị khác. Đầu tiên, họa sĩ Chuối Hột, người đã cho đôi tình nhân mượn nhà làm nơi tình tự, có một sở thích quái đản là được khỏa thân ở mọi lúc, mọi nơi: “Bốn mươi tám cái xuân xanh là bốn mươi tám mùa cởi mở. Thời trang yêu thích nhất là bộ cánh lúc lọt lòng mẹ” (6). Còn quái gở hơn trong chính căn nhà của gã, bên này Chuối Hột đang tập yoga lõa thể, mải miết dốc ngược đầu trần trụi “thân người bóng nhẫy trắng lôm lốp như thân chuối”, bên kia bà mẹ gã lại đắm chìm trong tiếng mõ cốc cốc cùng đám con nhang đệ tử lung lay trong tiếng nhạc giá đồng. Khỏa thân tại nhà, trong tình cảnh trồng cây chuối, họa sĩ đã gây hiểu lầm về một giáo phái bí ẩn. Thế là tổ dân phố phải vào cuộc nhắc nhở, lập biên bản. Khỏa thân ở trường, họa sĩ bị thày giáo ném dép vào đúng chỗ hiểm. Khỏa thân ở bãi tắm, họa sĩ làm mọi người tưởng đó là bãi tắm nuy. Vì vậy, một cuộc truy quét kinh hồn những kẻ trần truồng đã diễn ra.

Những tình huống nghịch dị xoay quanh giáo sư Một cũng khá nhiều. Khi bất ngờ được mời lên phát biểu tại một hội thảo quốc tế long trọng, giáo sư Một xuất hiện với dáng vẻ luộm thuộm: “Ông già gần tám mươi đi dép lê, thói quen đi bộ dưỡng sinh. Sơ mi xuềnh xoàng xắn tay tới khuỷu” (7). Lên tới diễn đàn rồi, cái băng ghi âm có sẵn trong đầu cứ thế mở ra. “Một đời viết báo ngoại ngữ Văn hóa Việt Nam đã bao lần tái bản xào xáo nội dung này” nên ông cứ kéo lê việc trình bày làm cả hội thảo tê tái sượng sùng. Tiếp đến, khi chủ tọa đang phát biểu khai mạc bữa tiệc, giáo sư Một đã “vục đầu vào ăn”, “nhai chòm chọp chèm chẹp. Những cái đĩa to đựng thức ăn chung cho bao nhiêu người, giờ chỉ có một mình ông vung vẩy công phá” (8).

4. Tình huống phi lý, trớ trêu

Phi lý, trớ trêu là những cái không có thật trong cuộc sống, ngược đời. Nó vi phạm nguyên tắc, quy luật và lôgic của cuộc sống, khiến người đọc không thể tin là có thực. Nhưng trong chính sự phi lý lại tồn tại cái có lý của cuộc đời.

Với SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái xây dựng một tình huống đối đầu đáng sợ giữa một bên là con Chuột Trùm với ánh mắt ma quái và bên kia là Đại Gia, kẻ Chuột Trùm căm ghét vì đã giết hại vợ con, thần dân, phá phách hang ổ. Ánh mắt tóe lửa của Chuột Trùm đã giết chết ông ta, kéo theo tình trạng mất trọng lượng của bảy người khác, những người tụ tập ở bên giường bệnh, nhìn mặt Đại Gia vào những phút cuối cùng. Rút cuộc, các nhân vật phải liên kết lại với nhau cùng nhìn vào mắt Chuột Trùm, nhìn vào thi thể Đại Gia, của thiên trả thiên, của thử trả thử để hóa giải tình trạng mất trọng lượng của mình. Quá trình đi tìm sợi dây liên hệ giữa người bị chết và mất trọng lượng cũng là quá trình các nhân vật lần lượt xuất hiện với một bản lý lịch đầy đủ, từ quá khứ đến hiện tại, từ hành vi đến tính cách, từ diện mạo đến bản chất… Với tình huống con người phải tìm đến liên kết với nhau để đối phó với con vật (Chuột Trùm), bắt nó phải hóa giải tình trạng mất trọng lượng là mấu chốt để tác giả triển khai các diễn biến khác trong cốt truyện cũng như trình bày một cách mạch lạc ý đồ tư tưởng của mình.

Utopi một miếng để đời đã tạo ra một tình huống không tưởng. Thái tử của vương quốc Baolodixtan nhân một lần sang du lịch nước Nam đã mê mẩn với ẩm thực “cầy tơ 15 món” tại một nhà hàng ở thôn Chè. Thái tử bèn mời anh thợ nấu thịt chó Phạm Thế Hệ sang xứ mình để trổ tài chế biến, chiêu đãi triều đình món ăn độc nhất vô nhị, mang quốc hồn quốc túy Việt Nam. Từ một anh nông dân chân đất mắt toét, xin mãi không có việc làm bỗng dưng được đích thân một quan chức cao cấp của vương quốc nọ mời sang bản quán, tiếp đãi trọng thị, với một mục tiêu cao nhất là làm thế nào mang đến những món ăn làm từ thịt chó hài lòng mọi quan khách ở vương quốc Baolodixtan. Bằng tình huống này, ngòi bút Vũ Bão đã thỏa sức vẫy vùng trong việc thể hiện cảm hứng yêu mến dành cho một món ăn dân tộc, một khát vọng đổi đời của thanh niên nông thôn, cơ hội để nhà văn trình bày về một thế giới như ông hằng mong muốn. Giống như ở Baolodixtan, thế giới đó tất cả đều hướng về lợi ích của người dân, tôn trọng quyền tự do dân chủ, bảo vệ và giải phóng phụ nữ, xử phạt công minh, tổ chức lễ hội tiết kiệm, biểu tình trong khuôn khổ luật pháp cho phép và được tôn trọng… Người đọc nhận ra đằng sau tiếng cười vang rền, xả láng là một tấm lòng chân thành tha thiết dựng xây một cuộc sống tốt đẹp hơn trên quê hương mình.

Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn cũng tạo dựng những tình huống phi lý đến khó tin, nhưng lại không hiếm gặp trong xã hội. Lòng cả tin mù quáng, sự ngây thơ đến mức ngớ ngẩn, khát vọng hão huyền, sĩ diện phù phiếm… là những nguyên cớ sâu xa đẩy những con người nhỏ bé vào vòng xoáy của cuộc sống mưu sinh. Cả làng đổ xô đi bắt bướm với tin đồn mỗi con bướm có thể bán với giá năm ngàn đô la Mỹ. Tất cả tin rằng ông đầu tư người Đài Loan có khả năng dẫn khách Nhật đến mua bướm của họ. Dự án xây dựng sân golf của ông ta sẽ giúp họ hái ra tiền từ kinh doanh các loại hình dịch vụ… Tình huống Chấn tự nhiên sau cơn ốm trở thành thánh với cách chữa bệnh lạ kỳ nhuốm màu đồi trụy. Những cặp vợ chồng rủ nhau ngủ dưới gốc cây bưởi ra hoa bốn mùa với hy vọng sinh được những đứa con quý tử đã kéo theo các loại hình dịch vụ cho khách thập phương cũng mọc lên nhộn nhịp. Các tình huống phi lý góp phần khẳng định mạnh mẽ một sự thật về cội nguồn văn hóa, sức sinh thành, phát triển của mỗi dân tộc. Chừng nào những gì tồn tại trong văn hóa dân tộc chưa bị mai một, lụi tàn, xâm lấn, mất đi, thì chừng đó con người còn có điểm tựa, niềm tin, động lực để sống.

Có thể nhận thấy sự kế thừa, phát triển trong nghệ thuật khắc họa tình huống gây cười thông qua một số tình huống hài tiêu biểu của tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Nhìn chung, ở văn học trào phúng giai đoạn 1930 – 1945, các tác giả thường khai thác tình huống lật tẩy, bóc mẽ, ăn may, còn nghịch dị và phi lý trớ trêu phổ biến hơn trong những tiểu thuyết có yếu tố trào lộng từ sau 1986. Việc khai thác các tình huống gây cười độc đáo trên đã góp phần tạo dựng tiếng cười nhiều cung bậc trong tiểu thuyết đương đại Việt Nam.

_____________

1. Tô Hoài, Ba người khác, Nxb Đà Nẵng, 2007, tr.21.

2, 3, 4. Tạ Duy Anh, Giã biệt bóng tối, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008, tr.101, 102, 105.

5, 6, 7, 8. Hồ Anh Thái, Mười lẻ một đêm, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2013, tr.48, 20, 213, 216.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : VŨ THỊ THANH HOÀI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *