Hát bội trong lễ hội nam bộ xưa và nay

Trong tất cả các lễ hội dân gian xưa, thậm chí trong phong tục tang ma, hay sinh hoạt tôn giáo cửa phật đều xuất hiện loại hình diễn xướng hát bội. Cho đến nay, hình thức diễn xướng này có khá nhiều biến đổi, điều đó phần nào phản ánh xu thế thay đổi của lễ hội dân gian trong cả cấu trúc và chức năng. Bài viết xem xét sự biến đổi của diễn xướng hát bội ở cả hai chức năng nghi lễ và giải trí, từ đó nhận định về việc bảo tồn những giá trị truyền thống trong lễ hội cộng đồng Nam bộ hiện nay.

1. Hát bội trong lễ hội cộng đồng xưa ở Nam Bộ

Không chỉ xuất hiện trong các lễ hội cộng đồng ở Nam Bộ, mà ở Huế, Quảng Nam, Bình Định, sân khấu hát bội đã có những dấu ấn riêng biệt, tạo nên sự đa dạng trong phát triển loại hình diễn xướng độc đáo này. Ở Huế, vấn đề tuồng tích và biểu diễn chuyên nghiệp được nâng cao, có các sân khấu cung đình và đời sống kịch bản được chú trọng, ít dị bản. Hát bội Quảng thì đi về phương thức dân gian phối hợp các trò giễu nhại trong biểu diễn, âm nhạc ít biến đổi. Ở Bình Định, hát bội lại là đỉnh cao của nghệ thuật tuồng TK XVIII với đời sống truyền nghề, dạy nghề, đặc biệt phối hợp võ Bình Định và nhạc Chăm phần nào làm nên đặc sản riêng của hát bội vùng đất này. Còn ở Nam Bộ, hát bội phát triển trong dân gian, kết tinh nhiều nghệ nhân chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, xuất hiện trên cả sân khấu giải trí, lễ hội dân gian và các phong tục, tập quán đời thường.

Sự phát triển của hát bội phương Nam cuối TK XVIII được ghi chép lại trong nhiều sách cổ. Đại Nam thực lục tiền biên chép rằng: “Năm 1769, chúa Nguyễn sai các châu huyện, lập phường Chơi Xuân, mỗi phường 15 người, nộp thuế một quan tiền và năm 1790, đặt 10 bạn du xuân (bạn hát đi các làng hát thuê) lấy hai cơ Ngô Công Quý làm cai quản. Mỗi bạn 5 người, mỗi năm nộp sưu 600 quan, thuế thân cũng coi như quân hạng” (1). Thời Nguyễn đặc biệt coi trọng các chính sách phát triển nhạc lễ, tập hợp các tuồng tích dân gian, và quản lý sân khấu dân gian. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết tình hình ở Nam bộ hồi đầu TK XIX: “Tục cầu đảo được việc vui mừng đều mở cuộc hát xướng, ắt trước hết giết heo phân tốp cho những người quen biết, cho biết ngày hẹn mời đến xem hát chơi – gọi là phiêu lễ (2).

Các tranh ảnh nằm trong sách Hát bội xưa và nay qua sách báo của tác giả Bùi Văn Quế phần nào cho thấy sự hưng thịnh của đời sống hát bội Nam bộ. Công trình gần đây nhất Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối TK XIX đầu TK XX của Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp cũng đã cho thấy một thời hoàng kim của sân khấu hát bội Nam Bộ với nhiều sự kiện trình diễn ở các hội chợ Paris, Massei…

Ở đô thị lớn như Sài Gòn còn thành lập cả Ban Nghệ thuật hát bội Sài Gòn của đài phát thanh Sài Gòn (chương trình Tiếng Việt), thời Pháp thuộc trước 1940 phục vụ nhu cầu của đông đảo khán thính giả. Các khảo cứu về Nam bộ đều cho thấy hát bội từ TK XVIII – XIX có một dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây, xuất hiện trong các loại hình lễ hội sau: Một là cúng thần, chương trình hát bội ca ngợi công đức của nhân vật được thờ, ca ngợi trung thần tiết nghĩa, tiêu biểu như Tuồng San hậu, Mộc Quế Anh dâng cây, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ…; Hai là cúng đình, hát bội được thực hiện trong lễ Kỳ Yên, tổ chức 3 năm 1 lần, với nội dung đề cập đến các đạo lý trung hiếu, tiết nghĩa, giáo dục đời sống dân chúng. Sau nghi lễ, gánh hát bội có thể biểu diễn thêm vài ngày cho bà con xem, lúc này hát bội thuần giải trí; Ba là trong lễ hội nghinh ông ở một số địa phương Nam Bộ, hát bội ở đây như một hình thức biểu diễn nghệ thuật xen giữa lễ tế cổ truyền và dâng hương, một số nơi vẫn có hai phần đại bội và biểu diễn nghệ thuật qua một số tuồng tích; Bốn là cúng miễu, chủ yếu là hát chặp Địa Nàng, một loại hình đặc biệt của hát bội, có chặp bóng; Năm là lễ hội Vía Bà, chương trình đại bội và biểu diễn nghệ thuật hát bội.

Hát bội trong các lễ cúng này gồm 2 phần:

Phần xây chầu đại bội nằm trong nghi lễ, gần như giống nhau ở tất cả các lễ hội. Chương trình đại bội gồm những tích thể hiện lại quá trình hình thành vũ trụ như khai thiên tịch địa, xang nhật nguyệt, tam hiền, tứ thiên vương, ngũ hành và gia quan tấn tước… hoặc vạn bửu trình tường, quần tiên hiến thọ. Đây là tích hơn là tuồng, ít tính biến động, chủ yếu là nghệ thuật trình diễn về sự hình thành vũ trụ theo quan điểm phương Đông và chúc tụng những lời hay ý đẹp. Riêng ở Lăng Ông có thêm phần hát bội về công đức của Lê Văn Duyệt, sinh thời ông là người mê hát bội và cũng là một trong những người đầu tiên mang hát bội đến Nam bộ.


 Gánh hát bội Đồng Thinh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh Bùi Quốc Dũng 

Phần hát biểu diễn, diễn ra sau lễ cúng, thường được tổ chức ngoài trời, đây thực sự là một môi trường diễn xướng cộng đồng. Mỗi buổi diễn thường hát những lớp tuồng dài hơi, kéo dài 3 đến 6 đêm. Tuồng tích là những tuồng kinh điển như San hậu, Phàn Lê Huê, Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo…, cốt truyện hấp dẫn gây cấn, võ thuật đẹp mắt. Nội dung của những vở này cũng phù hợp với gu thẫm mỹ của khán giả đương thời về đề cao trung hiếu, tiết nghĩa, ca ngợi vẻ đẹp lương thiện của con người, phần nào góp phần giáo dục các giá trị nhân văn.

Riêng với chặp địa nàng, có thể xem như đây là một loại tuồng hài, có nhiều tính biến động. Trong buổi diễn, nhân vật là ông địa và nàng tiên cùng giễu nhại nhau, tùy vào đoàn hát mà có thể chen thêm các lớp khác nhau, nhằm mang lại tiếng cười sảng khoái cho người xem. Loại hình diễn xướng này có tính giải trí rất cao.

Ngoài ra, hát bội còn nằm trong hình thức hát phật và hát đưa linh trong tang lễ, tuy nhiên đây không phải là lễ hội cộng đồng.

2. Hát bội trong lễ hội cộng đồng hiện nay ở Nam Bộ

Hiện nay, hát bội không còn địa vị độc tôn, do những thay đổi về thẩm mỹ và tính gắn kết cộng đồng, tuy nhiên do tính chất nghi lễ nên vẫn tồn tại ít nhiều trong đời sống lễ hội.

Phần đại bội trong các hình thức hát bội của lễ cúng đình, cúng thần, cúng miễu, vía bà, nghinh ông gần như không thay đổi. Tuy nhiên, phần lớn hình thức này chỉ còn tồn tại ở các đình, miễu, hội lớn, còn ở vùng quê nhỏ lẻ gần như không có điều kiện tổ chức.

Theo Báo cáo tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể TP.HCM năm 2007, lễ kỳ yên ở các đình chỉ còn 1/3 nơi có xây chầu đại bội, nhiều nhất ở quận 12 (37.9%) và huyện Cần Giờ (34.3%), thường là những nơi có đình lớn, lịch sử lâu đời, điều kiện kinh tế tốt (3). Hát bội tuy không còn phổ biến như xưa, nhưng vẫn chiếm ưu thế trong các lễ hội ở TP.HCM. Trong quá trình điền dã, chúng tôi nhận thấy, hầu như các lễ hội đình làng ở các vùng quê không còn hình thức hát bội, nhưng Địa Nàng và hát bóng lại rất thịnh. Riêng lễ xây chầu đại bội thì chỉ xuất hiện ở những lễ hội lớn như lễ Nghinh Ông ở Vũng Tàu, lễ Bà Chúa Xứ ở An Giang…, thực hiện rất bài bản. Trong thực tế, do điều kiện kinh tế mà các ngôi đình làng trước đây hiếm khi tổ chức một lễ Kỳ Yên lớn, nên bây giờ mai một là tất yếu. Còn đối với những địa phương có tiếng thì hình thức này khá phát triển, nhằm phục vụ nhu cầu của lễ hội hiện đại, đón tiếp khách thập phương.

3. Nhận định xu thế đổi thay và những giá trị mới của lễ hội cộng đồng hiện nay qua hiện tượng diễn xướng hát bội

Do cả những yếu tố chủ quan và khách quan mà hát bội có những xu hướng thay đổi tương đối rõ rệt. Ở các vùng quê, kinh tế kém phát triển, các đình làng không có bề dày lịch sử, diễn xướng hát bội gần như bị quên lãng, chỉ còn lại những hình thức cơ bản như thắp nhang và dâng đồ thờ cúng. Ở các lễ hội lớn, thu hút khách thập phương, lễ xây chầu đại bội được đầu tư rất lớn, diễn xướng chuyên nghiệp, vừa là nghi lễ, vừa là một cách thức quảng bá đầy tự hào của con người về danh tiếng của địa phương. Chặp Địa Nàng vốn có đời sống gần dân gian nhất nên vẫn được lưu giữ khá tốt, bởi vẫn còn đối tượng khán giả đông đúc. Tuy nhiên, hình thức, nội dung đã có nhiều thay đổi, ít nhiều mất tính tuồng còn lại hài, bóng.

Tổ chức biểu diễn hát bội hiện nay chuyên nghiệp hơn, hầu hết đều do các đoàn có tiếng ở các tỉnh thành biểu diễn và lưu diễn ở các vùng miền. Tuy vậy, để phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ hiện tại, hát bội ít nhiều pha tạp cải lương. Ngay ở cả những sân đình lớn hay lễ hội lớn thì thời gian biểu diễn cũng được rút ngắn dần, diễn lớp là chính, khó diễn tuồng dài hơi kéo dài 5 – 6 đêm như trước.

Những thay đổi trên là điều tất yếu, bởi ngoài việc giữ gìn giá trị truyền thống, lễ hội chủ yếu phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Trong những lễ hội lớn hiện nay cộng đồng không chỉ có dân làng mà gồm cả khách thập phương, nên tính biểu diễn của diễn xướng phải được nâng cao, chuyên nghiệp và có chất lượng. Nó không chỉ là tín ngưỡng mà còn là phương thức quảng bá văn hóa, thể hiện niềm tự hào về di sản mà người dân địa phương là chủ nhân trực tiếp. Ngược lại, ở những lễ hội nhỏ lẻ, cộng đồng dân cư phải cố kết chặt chẽ thì mới có thể hoạt động tốt. Tuy nhiên, cộng đồng hiện đại phần lớn đã bị phá vỡ tính cố kết bởi cách sống mới và sự phát triển của tư duy cá nhân. Bên cạnh đó, diễn xướng phải phù hợp với nhu cầu của người xem, gu thẫm mỹ con người luôn thay đổi, nên nhu cầu nghe nhìn cũng khác hơn. Vì thế, hát bội nhường đất dần cho đờn ca tài tử, cải lương, múa lân sư rồng. Đất sống của nó không còn là sân khấu giải trí nữa mà chủ yếu thuộc môi trường nghi lễ.

Qua sự biến đổi của hình thức diễn xướng hát bội, chúng ta nhận thấy, giá trị của lễ hội cộng đồng Nam bộ hiện nay đã có những thay đổi đáng kể, phần nhiều phụ thuộc vào xu hướng biến đổi của cộng đồng chủ thể. Có lẽ, sẽ khó có cơ hội chứng kiến những diễn xuất dài hơi như trước kia, tuy nhiên đó không phải là sự ngậm ngùi hay tiếc nuối thời hoàng kim của hát bội. Sự thay đổi đó như một lẽ tất nhiên, đòi hỏi những người làm quản lý phải hiểu rõ sự biến đổi thẩm mỹ, từ đó mới có phương thức bảo tồn các giá trị truyền thống một cách phù hợp.

_______________

1. Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1962, tr.236.

2. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, quyển hạ, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch và xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.12.

3. TS, Trần Văn Ánh, Báo cáo tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể TP.HCM, TP.HCM, 2007.

 

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : ĐOÀN THỊ CẢNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *