Các tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập và lộ trình tự chủ

Tự chủ là một xu hướng tất yếu đối với bất kỳ ngành và lĩnh vực nào, trong đó có các tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Việc tiến hành tự chủ sẽ giúp các tổ chức nghệ thuật chủ động hơn trong việc quản lý tổ chức, quản lý chi tiêu tài chính, bố trí, sắp xếp các nguồn lực hợp lý theo yêu cầu của công việc… Tuy nhiên, lộ trình này đang là một thử thách lớn cho hầu hết các đơn vị biểu diễn nghệ thuật công lập ở Việt Nam, đặc biệt là các nhà hát nghệ thuật truyền thống.

Những khó khăn chung

Nghị quyết số 40, ngày 9 – 8 – 2012, của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp là nội dung cụ thể hóa Thông báo kết luận số 37-TB/TW, ngày 26 – 5 – 2011 của Bộ Chính trị về Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Ngay sau khi Nghị quyết này được ban hành, Bộ VHTTDL đã có Chương trình hành động thực hiện. Từ năm 2016, toàn bộ 12 nhà hát thuộc quản lý của Bộ đã bắt đầu thực hiện việc tự chủ tài chính. Trong số đó, có 2 đơn vị tự chủ 100% là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. 10 đơn vị khác được giao tự chủ từ 30% đến 60% là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Dân gian Việt Bắc, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam. Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2020, 12 tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập trực thuộc Bộ sẽ phải thực hiện việc tự chủ 100% kinh phí hoạt động.

Bên cạnh nhiều ý kiến lạc quan, vẫn còn có ý kiến lo ngại về việc các bộ môn nghệ thuật truyền thống kén khán giả như tuồng, chèo, cải lương vốn gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng, sẽ chết mòn. Thậm chí, một số người bi quan còn cho rằng, cơ chế tự chủ có khả năng biến các nhà hát có thâm niên trên nửa thế kỷ thành một gánh hát khi phải cắt giảm tối đa nhân lực, đồng nghĩa với việc đẩy các nghệ sĩ ra đường.

Sau 30 năm đổi mới, đến thời điểm này, sân khấu nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng, vẫn tồn tại và chỉ có thể sống được bằng cơ chế bao cấp. Thu nhập thấp, sân khấu vắng khán giả đã khiến cho đời sống của nghệ sĩ, diễn viên cũng quạnh quẽ như nhà hát tuồng. Vì vậy, để gượng sống mà thực hiện nhiệm vụ lớn lao là bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ, cán bộ hoạt động ở các nhà hát tuồng chỉ còn biết sống nhờ vào niềm tin. NSƯT Hoàng Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương, băn khoăn: “Năm nay, cùng một số nhà hát ra xã hội hóa, nhưng với Nhà hát Cải lương đang là sự khó khăn rất lớn. Chúng tôi chưa có nhà để hát. Nếu như chúng tôi ra thì phải có cơ sở vật chất cho chúng tôi, tức là chưa cho giải pháp cụ thể để chúng tôi đi trên lộ trình xã hội hóa này”.

Thực tế cho thấy, một nhà hát khó có thể sống khi chỉ trông vào doanh thu biểu diễn. Các nhà hát ở Hà Nội thường chỉ đỏ đèn vào dịp cuối tuần, hội hè, với giá vé trung bình 200.000 đồng. Nếu bán được 2/3 số vé cho một buổi công diễn thì tiền thu về chỉ đủ trả chi phí điện nước, xăng xe, bồi dưỡng diễn viên, công nhân viên mà không thể còn tích lũy để tái đầu tư cho hoạt động nghệ thuật. Những nhà hát mà chưa có rạp riêng, để có tiền thuê rạp, nhiều khi phải bớt xén vào tiền bồi dưỡng của diễn viên. Do đó, một số đơn vị có nhà hát, hay trụ sở đẹp như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, phải cho thuê địa điểm tổ chức sự kiện mỗi khi trống lịch diễn hoặc tập vở mới, góp phần tăng thêm nguồn thu.

Các tổ chức nghệ thuật biểu diễn (NTBD) ở địa phương càng khó khăn hơn khi thực hiện tự chủ tài chính theo lộ trình đặt ra. Đa phần cơ sở vật chất đã xuống cấp, thiếu đồng bộ, giá trị bất động sản thấp, địa điểm của nhiều tổ chức nghệ thuật không đắc địa cho hoạt động kinh doanh, liên kết, thiếu nhân lực và đội ngũ nghệ sĩ tinh hoa. Đặc biệt, họ không còn khán giả. Năm 2013, tổng doanh thu của một số đơn vị như Nhà hát Chèo Bắc Giang, Đoàn Cải lương Hương Tràm Cà Mau, Đoàn Ca múa nhạc Vĩnh Phúc, Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh chỉ đạt lần lượt 279 triệu đồng, 124,8 triệu đồng, 87 triệu đồng và 17,6 triệu đồng. Những con số doanh thu nói trên cho thấy, các tổ chức NTBD công lập ở địa phương sẽ không thể tồn tại nếu không thay đổi mô hình quản lý và hoạt động trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.

Hướng của lộ trình tự chủ

Trong quá trình tự chủ của các tổ chức NTBD công lập, việc song song bảo tồn và phát triển, kiếm tiền để tồn tại và tiếp tục giữ gìn, quảng bá nền nghệ thuật truyền thống của cha anh cho thế hệ trẻ, hiện chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Trước bối cảnh đã có nhiều thay đổi, phải khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bởi không thể và không nên bao cấp văn hóa mãi khi nền kinh tế đã chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường từ lâu. Phải thừa nhận rằng, khi được trao quyền tự chủ, các tổ chức nghệ thuật công lập sẽ chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính, việc phân phối tiền lương sẽ gắn với chất lượng, hiệu quả công việc… Hướng đi này cũng tạo nền tảng để các tổ chức thích nghi với quy luật xã hội, với nền kinh tế thị trường, đặc biệt là xóa bỏ sự trì trệ, lực cản trong tư duy bao cấp, trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã đi đầu trong việc trải qua những khó khăn khi thực hiện lộ trình tự chủ. Song kể từ sau năm 2012, khi được giao tự chủ hoàn toàn về tài chính, theo ý kiến của NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát, thu nhập của nghệ sĩ nhà hát đã tăng lên 3 lần, doanh thu hàng năm đạt trên 35 tỷ đồng. Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã bước vào năm thứ hai với quy định tự chủ 30% nhưng đã ký kết được nhiều hợp đồng biểu diễn mới bằng phương thức xã hội hóa, với nguồn kinh phí vài tỷ đồng mỗi năm. Nhà hát Cải lương Việt Nam bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đã công diễn 2 vở Mai Hắc ĐếChuyện tình Khau Vai với hàng trăm đêm diễn rộng rãi ở nhiều địa phương… Việc áp dụng lộ trình xã hội hóa cũng đã tạo cơ hội cho Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam có những biện pháp chủ động trong việc tiếp thị sản phẩm nghệ thuật đến với khán giả, đồng thời kêu gọi tài trợ, xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật. Một số nhà hát đã có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp ngoài ngành, tổ chức được hàng trăm đêm diễn, tạo được tiếng vang và sự ủng hộ của công chúng yêu sân khấu.

Có thể nói, quá trình tự chủ cần được thực hiện một cách cân nhắc, có lộ trình, thời gian thích hợp với từng loại hình nghệ thuật chứ không nên cào bằng. Nhà nước chỉ nên xếp các tổ chức NTBD công lập vào 2 loại tổ chức với cơ chế tự chủ tài chính tương ứng là tự chủ một phần kinh phí thường xuyên; hoặc được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống, dân tộc, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư kinh phí 100% để giữ gìn và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của đất nước như tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước…


 Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh Quang Hà 

Trên thực tế, công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đã được đề ra và thực hiện. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, các tổ chức NTBD công lập lại càng lúng túng không biết triển khai ra sao. Những tranh luận vẫn chưa có hồi kết về nguyên lý hoạt động như: bảo tồn là giữ nguyên vẹn những gì vốn có của truyền thống những trích đoạn, vở diễn, làn điệu, bài bản cổ truyền hay chỉ bảo tồn những gì đã qua quá trình chọn lọc, thẩm định. Nghĩa là có sự can thiệp cần thiết của chỉnh lý, cải biên những vở diễn truyền thống cho phù hợp với cuộc sống hiện tại như điều trước đây chúng ta vẫn làm. Nhưng từ đây lại nảy sinh giới hạn của việc chỉnh lý như thế nào để không phá vỡ diện mạo nguyên bản… Ngoài ra, bảo tồn nên được coi là một hoạt động độc lập, chuyên chú hay đi song song với phát huy, cùng một lúc hướng tới hai mục đích… Chính vì thế, công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống vẫn chưa được vận hành đúng hướng.

Khi xác định rõ đối tượng bảo tồn thì một phần của vấn đề phát huy giá trị truyền thống xem như đã và đang được giải quyết. Các tổ chức NTBD cần phải khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia dưới mọi hình thức để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, dân tộc và các hình thức phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật. Nhà nước cần lập quỹ hỗ trợ nghệ thuật truyền thống. Qua quỹ này, tổ chức các festival về nghệ thuật truyền thống dành cho nhiều độ tuổi khác nhau, tổ chức các cuộc thi về nghệ thuật truyền thống giữa các trường, trong giới trẻ, khuyến khích giới trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống để từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa tình cảm và sự hiểu biết về nghệ thuật truyền thống trong toàn xã hội và có tính tiếp nối thế hệ lâu dài.

Hiện nay cả nước có 115 tổ chức NTBD công lập, gồm 12 tổ chức trực thuộc Bộ VHTTDL, 103 tổ chức nghệ thuật thuộc các Sở VHTTDL. Số lượng các tổ chức nghệ thuật gồm có: 8 đơn vị kịch nói, 16 đơn vị cải lương, 6 đơn vị tuồng, 14 đơn vị chèo, 5 đơn vị múa rối nước, 32 đơn vị ca múa nhạc, tổng hợp, 27 đơn vị nghệ thuật dân gian, dân tộc, dân ca, 4 đơn vị xiếc, 2 đơn vị nhạc vũ kịch, 1 nhà hát giao hưởng.

Phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 tổ chức NTBD, riêng TP.HCM có 8, Hải Phòng có 5, Thanh Hóa có 4 và Hà Nội có 6 tổ chức NTBD. Số lượng cán bộ, diễn viên ở mỗi tổ chức nghệ thuật bình quân từ 30 đến 40 người. Các đoàn nghệ thuật địa phương có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo mô hình giống như các đoàn ở cấp quốc gia.

Trong quá khứ, do yêu cầu lịch sử nên Nhà nước đã thành lập khá nhiều tổ chức nghệ thuật. Tuy nhiên, ở vào thời điểm hiện nay, với một số lượng lớn tổ chức nghệ thuật cùng hình thức, cùng cạnh tranh nhưng chất lượng nghệ thuật chưa cao thì chính điều này tự làm cho các tổ chức NTBD càng lún sâu vào khó khăn. Cùng với đó, vì phải chạy theo nhu cầu của thị trường, cạnh tranh chạy theo lợi nhuận nên nguy cơ đánh mất bản sắc nghệ thuật là khó tránh khỏi.

Do vậy về chiến lược, Nhà nước cần phải quy hoạch lại các tổ chức NTBD công lập. Đối với một số hình thức nghệ thuật có quá nhiều tổ chức NTBD như ca múa nhạc, kịch nói, tuồng, chèo, cải lương cần có kế hoạch giữ lại để đầu tư, phát triển một số tổ chức nghệ thuật theo vùng miền, còn lại tiến hành chuyển đổi mô hình doanh nghiệp theo hướng thị trường. Thay vì ở mỗi tỉnh có vài tổ chức nghệ thuật thì Nhà nước chỉ nên xây dựng trung tâm bảo tồn nghệ thuật, sân khấu truyền thống ở những vùng miền đó. Cả nước có thể có 6 – 8 trung tâm đại diện cho mỗi vùng miền như: Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Tây Bắc; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Đông Bắc; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật sông Hồng ở châu thổ Bắc Bộ; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật miền Trung; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Nam Bộ. Mỗi trung tâm có từ 1 – 3 tổ chức nghệ thuật có trách nhiệm biểu diễn, bảo tồn, phát huy những giá trị vùng miền tương ứng. Giải pháp này sẽ hướng tới tinh gọn bộ máy, tổ chức và có thể từng bước thực thi cơ chế tự chủ đồng thời đặt nền tảng, cơ sở cho việc đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội để NTBD đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và đa dạng của công chúng…

Tuy nhiên, trước khi thành lập các trung tâm bảo tồn và phát triển này, Nhà nước vẫn phải giữ nguyên các đoàn, các tổ chức NTBD ở địa phương trong 10 – 20 năm nhưng không tăng số lượng biên chế, hay hợp đồng. Quãng thời gian này để giải quyết chính sách toàn bộ số lượng người lao động dôi dư trước khi chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới.

Để các tổ chức NTBD công lập đạt hiệu quả hoạt động cao, Nhà nước cần sớm có phương án chuyển đổi mô hình quản lý thuần túy chuyên môn sang mô hình quản lý đơn vị kinh tế, dịch vụ. Việc chuyển đổi mô hình quản lý để nâng cao tính tự chủ, tính hiệu quả, nâng cao vai trò của công tác kiểm tra, giám sát giúp cho hoạt động quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế nhiều bất cập. Mặt khác, việc chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp sẽ thúc đẩy cạnh tranh nghệ thuật, buộc các tổ chức, cá nhân phải linh hoạt hơn trong mọi hoạt động và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khẳng định thương hiệu để tồn tại. Quá trình đó sẽ tạo sự thanh lọc, mang tới cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật đích thực.

Các tổ chức NTBD cần phải duy trì bộ máy tổ chức một cách gọn nhẹ nhất nhằm giảm mọi chi phí. Cần áp dụng triệt để các hình thức hợp đồng đối với người lao động như hợp đồng mùa vụ, hợp đồng ngắn hạn. Sử dụng lao động trên cơ sở hợp đồng đã phát huy tác dụng trong việc thích ứng linh hoạt với những thay đổi và thách thức của môi trường kinh doanh, tạo ra một đội ngũ lao động trẻ, có năng lực, đảm bảo tính cạnh tranh, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc.

Tuy còn nhiều những thách thức và khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng hầu hết các tổ chức nghệ thuật công lập đã và đang dần thích nghi với sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Những giải pháp mang tính thực tiễn được nêu trên phần nào sẽ tháo gỡ những khó khăn cho các tổ chức nghệ thuật công lập thực hiện lộ trình tự chủ, giúp cho các tổ chức nghệ thuật vừa thực hiện được sứ mệnh cao cả là phục vụ yêu cầu chính trị do Đảng và Nhà nước giao phó, phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần của công chúng, đồng thời tổ chức cũng thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN THANH XUÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *