Ảnh hưởng của kịch hát truyền thống đến kịch nói qua vở vũ như tô


1. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ kịch nói và ngôn ngữ kịch hát

Ngôn ngữ ở đây được hiểu là hình thức biểu đạt của loại hình, ví dụ: màu sắc, đường nét là ngôn ngữ của hội họa; cường độ thanh âm, tiết tấu là ngôn ngữ của âm nhạc… Nghệ thuật sân khấu có chung ngôn ngữ, đó là hành động, mâu thuẫn, kịch tính…

Mỗi vở diễn sân khấu đều cần đến sự ước lệ ở mức độ khác nhau như trong mỹ thuật, xử lý không gian, thời gian sân khấu… Do bản chất của sân khấu dùng một không gian, thời gian hữu hạn để phản ánh, tái tạo hiện thực rộng lớn của cuộc sống. Nhưng độ đậm nhạt của sự ước lệ, thậm chí biến thành thủ pháp nghệ thuật ước lệ như sân khấu kịch hát lại hoàn toàn khác. Nó thể hiện một hình thức sân khấu lấy hát – múa – diễn ước lệ để diễn tả nội dung. Như vậy, chắc chắn cần sự phân biệt về đặc trưng riêng của kịch nói khác biệt với kịch hát truyền thống.

Kịch nói phương Tây, với bao bước thăng trầm hơn hai ngàn năm, từng trải qua nhiều trường phái, xu hướng, được cách tân phù hợp với thời đại nhưng đặc trưng ngôn ngữ đối thoại, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên vẫn là đặc trưng bền vững, không bị tha hóa.

Cả kịch nói và kịch hát truyền thống đều có chung những đặc trưng của sân khấu, hình thức nghệ thuật có lúc lấy hành động làm trung tâm, có lúc hành động là nội dung. Theo Aristotle, hành động kịch là một hệ thống hoạt động của con người nhằm thay đổi tình huống ban đầu sang một tình huống khác, còn hành động sân khấu là phương thức bắt chước để thể hiện nội dung của hành động. Ngay từ khi được hình thành, kịch nói Việt Nam đã cố gắng diễn tả hành động của nhân vật càng giống thật càng tốt, cuộc sống thật như đang diễn ra trước mắt người xem. Nội dung kịch bản chủ yếu là xây dựng những nhân vật, những câu chuyện có thể tin được, được chắt lọc từ hiện thực cuộc sống. Còn với nghệ thuật diễn xuất cũng như hình thức thể hiện trên sân khấu, theo hồi ký của các nghệ sĩ thế hệ đầu tiên như: Thế Lữ, Song Kim, Trúc Quỳnh… đều kể về quá trình thâm nhập vai diễn theo đúng quy trình: đọc hiểu kịch bản, tìm hiểu kỹ nhân vật sau đó, tìm hình mẫu trong cuộc sống thường ngày, gạn lọc để đưa lên sân khấu sao cho chỉ xuất hiện thôi, người xem đã nhận ra nhân vật thuộc giai tầng nào, phẩm chất, cá tính ra sao. Vì vậy, tiêu chuẩn chính của kịch nói vẫn là hành động sân khấu phải giống thật, nói, hành động và diễn xuất như ngoài đời… Sau này, được tiếp xúc nhiều hơn với các xu hướng, trào lưu kịch thế giới, nhận định, đánh giá về sự chân thực, giá trị cao thấp của một vở diễn, chủ yếu là sự phản ánh hợp lý, đúng với logic cuộc đời…

Trong khi đó, tuồng và chèo là hai thể loại sân khấu truyền thống Việt Nam, chịu sự chi phối của đặc trưng lịch sử, xã hội, văn hóa dân tộc, nên giá trị nghệ thuật tuồng, chèo là sự biểu hiện đầy đủ, sống động của một nền văn hóa không gian, khác với nền văn hóa thiên về văn bản như phương Tây. Vì thế, người diễn viên của sân khấu kịch hát truyền thống dùng hình thức khác với diễn viên kịch nói để diễn xuất trên sàn diễn. Đặc biệt, kịch bản của sân khấu truyền thống trước kia chủ yếu là sườn cốt truyện, cấu trúc mảnh trò, bám theo những sự kiện xảy ra trong cuộc đời nhân vật chính. Trên nền tảng kịch bản đó, người diễn viên khá thoải mái để tung tẩy, khác hoàn toàn với kịch nói, từng câu, từng chữ đã được viết và yêu cầu diễn thoại chính xác. Vẫn là tiêu chí hành động sân khấu, hành động là ngôn ngữ loại hình của nghệ thuật sân khấu, nhưng trên sân khấu tuồng, chèo hành động không diễn ra dưới dạng hoạt động như đời thường mà được thể hiện dưới dạng thức khác lạ: nói thường tiến tới nói lối và ở mức độ ước lệ cao của thoại là hát; động tác thường tiến tới múa và vũ đạo hóa, tiết tấu hóa.

Cũng vì hình thức biểu đạt khác lạ như vậy, cách xử lý không gian, thời gian sân khấu của kịch hát cũng khác với sự bài trí, ứng xử với những trang trí trên sàn diễn của sân khấu kịch nói. Chính sự ước lệ, cách điệu của việc biểu đạt không phải là ngôn ngữ thoại thông thường, mà là nói lối, hát, động tác chuyển động của cơ thể tiến tới múa, vũ đạo nên đòi hỏi cách xử lý không gian, thời gian sân khấu của kịch hát cũng tuân theo quy tắc ước lệ, cách điệu, biểu trưng…

2. Sơ lược quá trình kịch nói chịu ảnh hưởng của kịch hát truyền thống

Kịch nói hình thành ở Việt Nam mới được chừng non một thế kỷ, trong khi tuồng, chèo đã định hình hàng trăm năm nay, việc phải làm sao để có thể thâm nhập vào sinh hoạt văn hóa bản địa đòi hỏi một quá trình. Ngay từ giai đoạn đầu, do tâm lý của đông đảo công chúng vẫn còn khó chấp nhận lối diễn chỉ có đối thoại, không có hát múa nên người tổ chức, người biểu diễn cũng có những đoạn, những màn dựa vào đặc điểm thường thấy của kịch hát. Trong một số cuốn sơ thảo lịch sử sân khấu kịch nói đã ghi lại những hiện tượng như: bài ca xen kẽ với lời thoại, dấu vết của các nhân vật hề chèo trong những vai quần chúng tầng lớp lao động như vai: cả Nhắng, cậu Ấm ở kịch bản của tác giả Vũ Đình Long… Sau này, trong những biến động của sinh hoạt kịch thời kỳ chiến tranh cách mạng, sự thiếu thốn trang thiết bị… cùng tư tưởng tự giác để làm kịch cho người Việt Nam nên đội ngũ nghệ sĩ đã chủ động tìm tới những tinh hoa của kịch hát, làm giàu thêm cho kịch nói bằng những thủ pháp, nguyên tắc sáng tạo của kịch hát. Điều này thể hiện khá rõ qua loạt bài viết của tác giả Nguyễn Đình Nghi (Sân khấu kịch Việt Nam trên đường tìm về truyền thống, Kịch nói Việt Nam đến hiện đại từ truyền thống). Người sáng tạo từ tác giả, đạo diễn đến đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn đều từ văn hóa, sự thưởng thức chịu ảnh hưởng không nhỏ của thẩm mỹ kịch hát truyền thống để áp dụng vào kịch nói, đặc biệt trong xử lý không gian, thời gian sân khấu, điểm cốt tử của sân khấu khi sàn diễn rất nhỏ bé so với hiện thực mong muốn phản ánh.

3. Ảnh hưởng của kịch hát truyền thống trong vở diễn Vũ Như Tô

Cảm hứng từ những sự kiện lịch sử được ghi lại trong những tài liệu như: Việt sử thông giám cương mục, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã triển khai thành một kịch bản bi kịch đúng nghĩa, đúng với khái niệm bi kịch phương Tây vốn khá hiếm hoi của sân khấu Việt Nam, nhằm gửi gắm những băn khoăn về số phận con người, vận mệnh đất nước. Kể về cuộc đời một người thợ có tài thời vua Lê Tương Dực, nhưng tác giả đã hư cấu để nói lên tấn bi kịch của những người tài mà sinh bất phùng thời. Không cam tâm xây đài điện nguy nga cho bạo chúa, song Vũ Như Tô bị thuyết phục bởi cung nữ Đan Thiềm khi bà khuyên ông mượn quyền lực của nhà vua để xây dựng công trình tráng lệ cho “dân ta được nghìn thu hãnh diện”. Để có kinh phí xây được đài cao kỳ vĩ, người dân bị bóc lột tột cùng, lâm vào cảnh lầm than khiến người kiến trúc sư tài ba trong mắt người dân bỗng trở thành kẻ ác mà cao trào là ông đã tận mắt thấy Cửu Trùng Đài bốc cháy rồi bị giết một cách thê thảm.

Trong kịch bản Vũ Như Tô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khi đó mới gần 30 tuổi đã thể hiện được tài năng vượt bậc. Những lời thoại đầy chất văn chương, chất thơ sâu sắc, lãng mạn như cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn nghệ sĩ của Đan Thiềm với Vũ Như Tô rất gần với lời nói mang tính biền ngẫu thường thấy trong kịch hát. Tuân thủ nguyên tắc màn lớp của kịch phương Tây, nhưng mỗi màn kịch bản Vũ Như Tô lại hoàn toàn có thể đặt tên, lại có thể đứng tương đối độc lập trong từng màn. Những câu thoại rất đời, thấm đẫm tính tự sự, nhưng ý tứ nội tâm sâu sa, tưởng như không thể từ một người mà phải từ sự chắt lọc qua nhiều thế hệ nghệ sĩ mới cấu tứ nên được, rất gần với những tác phẩm kinh điển của sân khấu kịch hát Việt Nam.

Ở kịch bản Vũ Như Tô, bên cạnh chất văn học của ngôn ngữ kịch bản, còn là cái nhìn đầy lưỡng lự, đa chiều, về ý tưởng của kịch bản thông qua hình tượng trung tâm là nhân vật Vũ Như Tô, như lời tựa của kịch bản, câu hỏi vẫn như tồn tại mãi: nhân vật này là nạn nhân hay thủ phạm, thái độ với chàng, ta nên giận hay thương? Tài năng của nhà viết kịch chính từ cốt truyện về nhân vật kỳ tài, ông đã dùng ngòi bút để hư cấu một cách hợp lý, làm biến chuyển hình tượng nhân vật trong sử sách thành nhân vật đầy đa nghĩa, giàu tính nhân văn và làm nên tính vĩnh cửu cho tác phẩm. Đó là sự mâu thuẫn, xung đột giữa tài năng và thực tiễn, giữa lý tưởng xây một công trình xứng tầm với thực tế người dân đang đói khổ… ngay trong bản thân nhân vật chính; hay tính biểu tượng nằm trong bản thân hai người phụ nữ quan trọng với Vũ Như Tô là: Đan Thiềm và Thị Nhiên. Một người hướng tới sự lý tưởng, bay bổng, lãng mạn, trong khi người kia đại diện cho tư tưởng cầu bình an, chỉ hướng tới niềm vui đơn giản của đời thường, hạnh phúc bên chồng con… Đôi chỗ, những cảnh gặp giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm được mô tả trữ tình, lãng mạn theo phong cách kể đầy tâm tình đối ngược với không gian ngổn ngang cảnh dựng xây dang dở… Còn rất nhiều những mâu thuẫn như vậy được khai thác trong kịch bản… Chính vì hình tượng đa nghĩa, cần sự lý giải sâu sa mà dù có nhiều đạo diễn mong muốn được đưa lên sàn, đem lại đời sống đích thực cho một kịch bản văn học nhưng bất thành. Phải tới hơn nửa thế kỷ sau, Vũ Như Tô mới được dàn dựng trên sàn diễn của Nhà hát Tuổi trẻ, cùng đạo diễn Phạm Thị Thành.

Khai thác ý tưởng ca ngợi lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ Vũ Như Tô (do nghệ sĩ Anh Tú thể hiện), kịch bản đã lý giải, đề cao ông như người cường quyền không chịu khuất, cũng không chỉ vì mục đích thỏa mãn cái tôi sáng tạo mà vì ý chí cao cả hơn: xây cho nước non một công trình tráng lệ có thể xứng với các nước, trường tồn với thời gian. Cũng vì thế, chạy theo ý tưởng đó mà đôi khi nhân vật này bước sang ngưỡng của phản diện, buộc phải ác với thợ bạn, để rồi cao hơn, trở thành kẻ thù của người dân khi chỉ còn biết tới việc thực hiện cho được mộng tưởng đài cao. Từng bước của quá trình đó, công trình cao dần lên, diễm lệ, phong phú với những bức tượng được bộc lộ trước mắt công chúng khán giả. Kết hợp với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, người xem hình dung khá rõ về tiến trình xây dựng Cửu Trùng Đài, đặc biệt tâm tư của những người thợ trực tiếp tham gia. Màn diễn cuối, cảnh Cửu Trùng Đài bị đốt phá, trong hỗn loạn cảnh người chạy, kẻ bị bắt, bị giết thảm thiết, hoàn toàn nhờ vào những xử lý cách điệu của mỹ thuật sân khấu kết hợp cùng cách diễn ăn nhập với sự ước lệ của diễn viên, đem lại cảm giác thật bi tráng cho người xem.

Khá nhiều không gian được tạo dựng ở đây, nhưng chủ yếu là không gian cung đình nơi vua ngự, sau đó là không gian của nơi xây Cửu Trùng Đài. Hoàn toàn sử dụng cách trang trí cắt cúp vốn đã được xử lý quen thuộc trong kịch nói Việt Nam, đến độ người thưởng thức cũng như người nghề vì thế đôi lúc quên đi những bài học của các chuyên gia nước ngoài đến giảng ở Việt Nam về tính chân thực qua dàn dựng những vở như: Lu Ba, Platon Kreset, Câu chuyện Ieccut… Hãy thử tìm lại những điểm ban đầu ngành kịch nói nhập môn kỹ thuật dàn dựng, biểu diễn kịch một cách chuyên nghiệp. Đó là cách xử lý không gian theo cách tả thực, khiến phông cảnh cồng kềnh, tiêu biểu là vở: Những người ở lại của tác giả Nguyễn Huy Tưởng. Chỉ một cảnh phòng khách nhà bác sĩ Thành, họa sĩ đã cấu tạo một căn phòng với ba mặt tường cao 4m, cột và vòm cửa với đầy đủ ri đô, bàn ghế sa lông, đèn chùm, cảnh trí hiện ra một căn phòng khách sang trọng lịch sự như thật ngoài đời… Đến đợt tập huấn với chuyên gia Nga sang dựng vở Lu Ba cũng tiếp tục cố gắng tái hiện trên sân khấu những cảnh như thật, với nhiều tiểu cảnh, đại cảnh, phông cảnh ngổn ngang đầy sàn diễn… Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh khó khăn, cả đội ngũ nghệ sĩ đã chuyển sang trang trí mỹ thuật bằng lấy bộ phận tả toàn cảnh, lấy chi tiết tiêu biểu để thể hiện vật… theo phương pháp của sân khấu kịch hát truyền thống. Cách làm này khiến các đạo diễn rộng tay hơn trong xử lý cảnh trí, xử lý không gian, thời gian kịch, từ đó, xu hướng tìm về với cách xử lý không gian, thời gian của sân khấu truyền thống tuồng chèo… đã dần được khẳng định trong ý thức của đạo diễn, họa sĩ trang trí… Vì vậy, không có gì lạ khi cảnh hoàng cung chỉ là chiếc phông mềm vẽ cảnh cùng chiếc ngai vàng và hai chiếc cột khảm rồng.

Những xử lý trong diễn xuất, xây dựng nhân vật của đạo diễn cũng là những cách thức hợp lý, hợp tình. Đó là đám đông những người thợ đầy chất chèo dân dã qua việc ngồi bàn bạc, rồi nhân vật sẵn sàng hát chèo, làm những động tác mô tả chèo truyền thống. Đó còn là việc mô tả mang tính hài hước hóa để phê phán khi để Quý phi (Lan Hương đóng) nói giọng Huế thật ngộ. Cảnh vua cùng phi tần ứng xử rất phường chèo, mất hết độ tôn nghiêm cần thiết, đặc biệt trong cảnh thiết triều, quyết định những việc lớn. Cả tập thể diễn viên cũng khá đồng đều trong việc xử lý ước lệ, cách điệu trong động tác để ăn nhập với không gian, thời gian được mô tả theo cung cách tối giản, ước lệ.

Trên đây là một vài suy nghĩ về một xu hướng chủ đạo của kịch nói Việt Nam, xu hướng tiếp thu tự giác tinh hoa của sân khấu kịch hát để làm nên diện mạo một sân khấu kịch nói rất riêng, đậm tính dân tộc, có thể tìm thấy ở bất kỳ vở diễn nào, đặc biệt ở vở Vũ Như Tô, một trong những vở diễn thuộc hàng kinh điển của Nhà hát Tuổi trẻ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : BÙI NHƯ LAI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *