TRANH DÂN GIAN LÀNG SÌNH

Làng Sình, tên chữ là Lại Ân, nằm ven sông Hương, được lập vào khoảng TK XV, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Đàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh, một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề TP Huế. Đây còn là một trung tâm văn hóa của vùng cố đô, có chùa Sùng Hóa, từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa.
Tranh làng Sình là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế có chức năng duy nhất là phục vụ thờ cúng, cúng xong là đốt để cầu may mắn. Bản khắc của tranh làm từ gỗ mít, dẻo, bền, dễ khắc, không bị mọt, có thể tàng trữ lâu năm. Tranh làng Sình có nhiều loại, kích thước tùy thuộc vào khổ giấy dó. Giấy dó cổ truyền có khổ 25x70cm, được xén thành cỡ pha đôi (25×35), pha ba (25×23) hay pha tư (25×17). Tranh khổ lớn khi in thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng chiếc phết là mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in, sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Tranh khổ nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Bản in đen phải chờ cho khô rồi mới đem tô màu.
Giấy in tranh là giấy mộc quét điệp, màu sắc trước đây được tạo từ các sản phẩm tự nhiên như thực vật, kim loại, sò điệp… Một số loại màu pha chế tự nhiên: màu vàng nhẹ (lá đung giã với búp hòe non), màu xanh dương (hạt mồng tơi), màu vàng đỏ (hạt hòe), màu đỏ (nước lá bàng, đá son), màu đen (tro rơm nếp hòa tan trong nước, lọc sạch, cô lại thành một thứ mực đen bóng). Tranh thường làm theo 5 màu chủ đạo: xanh, đỏ, vàng, cam, tím tượng trưng cho ngũ hành theo tín ngưỡng phương Đông. Mỗi màu này có thể trộn với hồ điệp hoặc tô riêng (trộn thêm keo nấu bằng da trâu tươi).
Nhìn chung, tranh làng Sình đơn giản, nét khắc mộc mạc, màu sắc mang vẻ thô ráp. Có khoảng 50 đề tài tranh, chủ yếu phản ánh tín ngưỡng cổ xưa, được chia thành ba loại chính:
Tranh nhân vật, chủ yếu là tranh tượng bà, thường vẽ một người phụ nữ xiêm y rực rỡ với hai nữ tì nhỏ hơn đứng hầu hai bên, chia thành ba loại: tượng đế, tượng chùa, và tượng ngang, dán trên bàn thờ riêng để thờ quanh năm. Tranh con ảnh, gồm hai loại: ảnh xiêm vẽ hình đàn ông, đàn bà; ảnh phền vẽ bé trai, bé gái. Các loại nhân vật còn lại là tranh ông điệu, ông đốc và tờ bếp (có lẽ là tranh vẽ táo quân).
Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm: áo ông, áo bà, áo binh, tiền, cung tên, dụng cụ gia đình,… Bên cạnh đó còn có tranh con ảnh vẽ hình đàn ông, đàn bà, bé trai, bé gái, dùng vào dịp cúng dâng sao, giải hạn đầu năm, mỗi con ảnh thay thế cho một người trong gia đình.
Tranh súc vật (gia súc, voi, cọp và tranh 12 con giáp) để đốt cho người chết nhằm tống tiễn những điều xấu xa, đón nhận những điều tốt lành, may mắn.
Ngày nay, tranh làng Sình đang mất dần yếu tố truyền thống xưa. Các bản khắc cũ còn lại rất ít, các bản khắc mới đã xa rời yếu tố gốc và người làm nghề cũng đã dùng chất liệu sơn công nghiệp thay cho các chất liệu màu truyền thống. Về nội dung cũng có thay đổi như đề tài được bổ sung với các mảng về thiên nhiên, nhà cửa, phố phường và sinh hoạt đời thường…
Hiện tại ở làng Sình chỉ còn duy nhất nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người lưu giữ được 42 bản khắc cổ (thuộc 6 bộ) của dòng tranh này. Ông bảo quản chúng bằng cách chôn dưới hầm sâu. Đầu năm 2009, Trung tâm Khuyến công tỉnh Thừa Thiên – Huế đồng ý với Đề án thiết kế bản mẫu mới sản xuất các sản phẩm tranh làng Sình phục vụ du lịch do cơ sở làm tranh của ông đề xuất. Theo đó, có 9 bản khắc thuộc 4 mẫu mới mô phỏng các hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu của Huế bao gồm: 4 bản về vật làng Sình, 2 bản về trò chơi kéo co, 2 bản về trò chơi bị mắt bắt dê, 1 bản về chơi bài chòi.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011

Tác giả : Nhị An

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *