VÀI GHI NHẬN TRONG BÁO CHÍ VIỆT NAM

 Nhà báo Việt Nam đầu tiên Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên tự Sỹ Tải, thường gọi Pétrus Ký, quê ở Vĩnh Thành, Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Chợ Lách, Bến Tre). Ông là một học giả lớn, thạo 26 ngoại ngữ, tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến xuất sắc cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, nhân chủng học… và được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới. Ông thành lập, làm tổng biên tập những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
Nhà báo cách mạng Việt Nam đầu tiên là Hồ Chí Minh (1890-1969), quê ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Không những là một lãnh tụ chính trị xuất chúng, anh hùng tác phẩm dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Hồ Chí Minh còn là một nhà thơ, nhà tư tưởng lớn và nhà báo cách mạng Việt Nam đầu tiên. Từ tháng 3-1922 lúc còn ở Pháp đến khi về nước tháng 1-1941, Hồ Chí Minh đã sáng lập, viết bài, trực tiếp tổ chức, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo cách mạng tiên phong: Le Paria, Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Thân ái, Đỏ, Việt Nam độc lập Cứu quốc. Sau năm 1941, Hồ Chí Minh còn thành lập, chỉ đạo và viết bài cho nhiều tờ báo khác, đồng thời đưa ra các quan điểm, phương pháp báo chí mới mẻ, tiến bộ mà phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại quốc tế. Hồ Chí Minh thực sự là người khai sinh, thực hiện, định hướng, bảo trợ và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng là người có nhiều bút danh nhất với gần 100 bút danh thường dùng.
Nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ báo chí Liên hợp quốc là Khuông Việt (1912-1978), tên thật Lý Vĩnh Khuông, các bút hiệu Phong Vũ, Việt Hà, Trần Văn Hai, quê Sóc Trăng. Ông xuất thân từ nghề thư viện, hăng hái tham gia làm báo, viết sách và sớm trở thành cộng tác viên mật thiết của những tờ báo lớn, đồng thời có chân trong nhiều tổ chức chính trị, xã hội. Năm 1948, được Liên đoàn SFIO cử sang Pháp với tư cách nhà báo của Công chúng và đại biểu dự Đại hội lần thứ XL Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, ngày 18-9-1948, ông trở thành nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ báo chí Liên hợp quốc.
        Người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam Hoàng Tích Chu (1897-1933), quê Bắc Ninh. Năm 1921, ông bước vào nghề báo, giúp việc cho Nam phong tạp chí. Năm 1923, sang Pháp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và năm 1927 về nước, dốc sức cải cách báo chí Việt Nam. Thực hiện lối viết mới, gọn gàng, sáng sủa, giàu lượng thông tin, đề cập đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của số đông dân chúng. Các bài xã luận viết rút ngắn, sắc bén, hàm súc như khẩu hiệu. Những tin, bài quan trọng và sốt dẻo được đưa lên trang đầu. Hình ảnh minh họa chú trọng tính hấp dẫn và ngộ nghĩnh… Ông là chủ bút 4 tờ báo lớn (Khai hóa, Hà thành ngọ báo, Đông Tây, Thời báo), làm đảo lộn quan niệm và phương thức làm báo đương thời, gây tranh luận sôi nổi và cũng hứng chịu nhiều đả kích, song vẫn được đa số bạn đọc hoan nghênh và nhiều nhà báo học theo.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Anh Hùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *