SUỐI CÁ THẦN CẨM LƯƠNG

        Từ thuở khai thiên lập địa, tự nhiên đã ban cho vùng đất Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) những cảnh quan hiếm có ở nơi khác. Núi Bồ Um với địa thế tuyệt đep, mang trong lòng nó một loạt các hang lớn nhỏ tạo thành hệ thống hang động kỳ ảo đẹp như tranh vẽ. Nhiều khách du lịch khi tham quan động Cây Đăng trong lòng núi Bồ Um đã so sánh động đẹp không kém động Phong Nha, Quảng Bình hay hang Sửng Sốt ở vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở đây mà không nơi nào có được là từ trong động chảy ra một khe nước qua một cửa rất nhỏ tạo thành một dòng suối với làn nước trong xanh, mát lạnh nhìn thấy tận đáy. Và cùng với nước suối là hàng trăm nghìn con cá bơi ra từ trong lòng núi với vẻ đẹp huyền thoại từ màu sắc đến đặc tính sinh sống. Điều đặc biệt là dân bản Mường ở đây không bao giờ bắt cá ăn thịt vì truyền thuyết kể lại rằng đây là đàn cá thần canh giữ động trong lòng núi của tứ phủ Long Vương. Đàn cá cứ thế tự nhiên sinh sôi nảy nở ra hàng nghìn con, có con to đến hàng chục cân nhưng không hề bị ai bắt. Đã có người không tin chuyện này, bắt trộm cá về ăn thịt đã bị bệnh cứng họng, không mở miệng ra được rồi chết. Từ đó dân làng bảo nhau không ai dám bắt cá nữa.
Chuyện suối cá thần tưởng như chỉ có trong truyền thuyết thì nay hiển hiện như cảnh tiên nơi hạ giới. Cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng về sự tồn tại của đàn cá ở Cẩm Lương. Không một ai có thể vào được nơi đàn cá trú ngụ bởi vì động cá nằm sâu trong lòng núi và chỉ thông với con suối bên ngoài qua một khe đá nhỏ. Từ khe đá này, hàng nghìn con cá lớn nhỏ ngày ngày bơi ra dạo cảnh bên ngoài rồi đến tối lại trở vào hang.
Cứ mỗi sáng mai, cá từ trong hang bơi ra kín đặc cả dòng suối. Những hôm mưa to, nước lũ lớn, cá theo dòng suối tràn cả ra các ruộng lúa dưới chân núi nhưng bà con đi làm đồng đều bắt đem thả lại dòng suối Cẩm Lương để chúng trở về hang. Điều lý thú là hiện nay khách du lịch về đây tham quan ngày càng nhiều nên cá được du khách ném cho ăn những thức ăn như vụn bánh mỳ, bỏng ngô, mì tôm khô, khiến cho đàn cá kéo ra ăn mồi ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi đã no nê, chúng lại kéo vào hang nên những khi ít khách du lịch thì cá lại kéo ra càng nhiều để đợi mồi ăn.
Cách đây vài năm, các nhà khoa học đã đem một giống cá khác có hình dáng tương tự về thả ở dòng suối này và đánh dấu chúng để theo dõi, nhưng một thời gian sau đều không thấy cá thả xuất hiện nữa. Đồng thời họ cũng mang 6 con cá ở đây về Hà Nội nuôi thực nghiệm, nhưng sau đó 2 ngày cả 6 con cá này đều bị chết. Điều đó chứng tỏ cá Cẩm Lương chỉ sống được trong môi trường nước hang động và loài cá khác đến đây cũng không thích hợp với môi trường tự nhiên nên không tồn tại được. Còn chuyện không bắt cá ăn thịt có thể giải thích là do cá sống trong hang ngầm dưới chân núi nên thường xuyên ăn một loại rêu có tố chất độc khiến thịt cá không thể dùng làm thực phẩm cho con người được. Chính vì vậy mà đàn cá thần còn tồn tại đến ngày nay tạo thành suối cá có một không hai ở Việt Nam.
Như vậy, cá thần Cẩm Lương chỉ tồn tại được trong môi trường đặc biệt của động và nước suối chảy từ trong động ra. Điều đó đồng nghĩa với việc rất cần bảo vệ rừng phòng hộ tự nhiên phủ khắp dãy núi Bồ Um. Khi tham quan động Cây Đăng nằm ngay phía trên suối Cá, du khách sẽ được thấy một hang sâu nối từ lòng động xuống hang ngầm dưới chân núi, nơi đàn cá sinh sống. Các hướng dẫn viên thiếu nhi ở đây đã gọi đó là lối xuống âm phủ nhưng thực ra đây là một ngách hang rất hẹp, con người không chui xuống được nên đến nay bí mật trong động ngầm, nơi trú ngụ của đàn cá vẫn chưa được khám phá. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường sống tự nhiên của bầy cá Cẩm Lương, cần phải để nguyên trạng cảnh quan hiện nay, tránh những tác động xấu phá vỡ hang động, thay đổi nguồn nước trong lòng động sẽ làm cho đàn cá bị tiêu diệt. Điều này không những có ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên hoang dã mà còn là cơ sở phát triển kinh tế cho địa phương vì nguồn thu từ du lịch đang là cứu cánh cho cuộc sống còn rất đơn sơ của đồng bào dân tộc Mường ở Cẩm Lương.
Cần phải lưu ý điều này vì hiện nay đang có xu hướng thương mại hóa khai thác du lịch suối cá thần Cẩm Lương. Hãy để suối cá đẹp như vẻ đẹp hoang sơ ban đầu của nó. Mọi kế hoạch kinh doanh suối cá cần phải đưa ra bên ngoài khu vực bờ suối để tránh ô nhiễm môi trương và làm xấu cảnh quan thiên nhiên của suối cá Cẩm Lương.
        Sông Mã chảy qua địa phận Cẩm Thủy chia huyên này thành 2 nửa. Cẩm Lương thuộc phía tây bắc nên trước đây muốn vào Cẩm Lương chỉ có phương tiện là đi đò. Hiện nay địa phương đã bắc cầu treo, ô tô con vào được tận nơi. Các dịp nghỉ lễ, tết, khách du lịch về đây xem suối cá rất đông, có ngày lên đến gần 8.000 người, gấp 3 lần số dân trong xã. Cảnh quan xung quanh và đặc điểm riêng của suối cá Cẩm Lương đã giúp nơi đây thu hút ngày càng đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Khách du lịch có thể thăm suối cá kết hợp đến các di tích lịch sử nổi tiếng như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ dọc theo đường Hồ Chí Minh và phong cảnh hùng vĩ của miền tây xứ Thanh.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012

Tác giả : Lê Quốc Thịnh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *