Giải pháp tổ chức không gian bếp hiện đại


Khi đặt vấn đề thiết kế, yếu tố về màu sắc là một trong những yếu tố thẩm mỹ cực kỳ quan trọng. Để lựa chọn màu sắc cho bếp trong tổ hợp vô vàn màu phong phú có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Có nhiều cách sử dụng màu sắc trong bếp.

Cách kết hợp ấn tượng sẽ tạo cảm giác rất mạnh mẽ nồng nhiệt, sôi nổi, đầy nhiệt huyết và xúc cảm. Các màu thiên về sáng, thường kết hợp các màu sắc trên bánh xe màu, phố hợp với màu chính, màu phụ và màu phụ thứ 3. Với nhiều người, cách phối màu này sẽ thể hiện cảm giác ồn ào, sự chói lọi rực rỡ và sức mạnh. Đó là kiểu kết hợp trẻ trung. Rất nhiều sắc độ gọi là màu natural, màu thuần nhưng nó có nhiều sắc độ hơn với cùng một màu sắc.

Các tông màu nhã có rất nhiều màu trắng trong sắc độ màu. Kết quả của sự kết hợp này tạo nên sự cân bằng và nhã. Tông màu xanh, xanh lá cây và tím nhẹ trên bánh xe màu tạo nên vẻ yên bình. Sự nhấn mạnh luôn sử dụng các màu phối cùng tông và có sắc độ đậm hơn. Các sử dụng màu này thường gặp trong công nghiệp, tạo hiệu quả thị giác nhẹ nhàng sinh động cho phái nữ.

Tuy nhiên những quan niệm về màu sắc khi ứng dụng vào thực tế có thể không đúng vì nó còn liên quan đến thói quen tiêu dùng của khách hàng hoặc ảnh hưởng sản phẩm hoặc dịch vụ đó đối với người sử dụng. Màu sắc giống như hình dạng và chất liệu có một tính chất thị giác bình thường vốn có của một hình thức trong những môi trường được bao bọc bởi màu sắc xung quanh chúng ta. Có thể tìm nguồn gốc màu sắc, độ sáng của chúng được biểu hiện trong ánh sáng và trong không gian. Không có ánh sáng, màu sắc không tồn tại. Cách nhà vật lý học đã chia màu sắc giống như tính chất của ánh sáng. Nằm trong quang phổ có thể trông thấy được hình ảnh của ánh sáng, màu sắc đã được xác định bởi các bước sóng, dài nhất là màu đỏ tiếp theo là quang phổ màu da cam, vàng, lục, xanh và tím đến tại bước sóng ngắn nhất có thể nhận biết được. Khi những ánh sáng màu này được biểu thị trong nguồn gốc ánh sáng với số lượng như nhau tạo nên ánh sáng trắng, là thứ ánh sáng không có màu.

Việc chiếu sáng cho gian bếp cũng đòi hỏi phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Ánh sáng tự nhiên là hình thức tốt nhất của ánh sáng, có rất nhiều lợi ích từ ánh sáng tự nhiên trong nhà bếp và đầu tiên là nó hoàn toàn miễn phí. Nếu không tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên thì nên bố trí đèn hợp lý.

Chiếu sáng nói chung được chia thành ba loại: ánh sáng chung, ánh sáng chức năng và ánh sáng trang trí.

Chiếu sáng chung thường được gắn trên trần nhà để cung cấp ánh sáng thống nhất trong nhà bếp. Để chiếu sáng tổng thể, có thể lắp đặt một chiếc đèn chùm hoặc lắp hệ thống đèn âm trần theo nguyên tắc mỗi mét vuông một bóng. Những người thích gian bếp nổi bật có thể bố trí một vài đèn chiếu chuyên biệt trong từng góc bếp…

Trong nhiều trường hợp chiếu sáng chung có thể không đủ cho các hoạt động như: nấu ăn và rửa, lúc đó chiếu sáng chức năng làm nhiệm vụ cung cấp ánh sáng tập trung, trực tiếp cho các hoạt động này. Ánh sáng dành cho bếp không được quá màu mè cũng như kiểu cách mà phải vừa đủ sáng để chế biến thức ăn đồng thời cũng tạo nên sự ấm áp, gần gũi… Trong bếp phải có nhiều nguồn sáng, nguồn sáng vàng xung quanh để tạo sự ấm áp, nguồn sáng trắng thật tập trung vào chỗ nấu nướng.

Bàn ăn là nơi cần nhiều ánh sáng nhất nhưng khu vực này các loại đèn chiếu, đèn hắt là không phù hợp. Những loại đèn âm trần có ánh sáng vừa phải, màu ánh sáng mát hay những loại đèn chùm là đẹp và hoàn hảo nhất. Có rất nhiều kiểu đèn chùm độc đáo và đẹp dành riêng cho không gian bếp. Tuy nhiên, với những gian bếp có trần thấp thì không nên lắp đặt đèn có chùm đèn rộng mà chỉ nên lắp đèn có các chao đèn so le nhau để tạo sự thông thoáng và không bị che tầm mắt. Nên sử dụng bóng dây tóc cho đèn bàn ăn. Nếu dùng bóng huỳnh quang compact thì sử dụng loại ánh sáng vàng (3.000K) và có độ hoàn màu 80 trở lên. Những chiếc bàn ăn đẹp cùng với khăn trải bàn phù hợp sẽ tạo nên một không gian hoàn hảo hơn nếu có lọ hoa lấp lánh dưới ánh sáng nhẹ nhàng và ấm áp.

Ngoài việc phân bổ ánh sáng bằng cách dùng các loại đèn chiếu sáng không gian tổng thể, chiếu sáng chức năng, chiếu sáng trang trí… cũng cần chọn loại bóng đèn nào phù hợp. Đèn huỳnh quang có ánh sáng trắng ấm và đèn compact có ánh sáng trung thực như ánh sáng tự nhiên là hai loại đèn thông dụng nên sử dụng cho bếp. Ánh sáng của chúng không rực và sự sinh nhiệt cũng ít, rất thích hợp cho những gian bếp đã sẵn tính nóng. Bóng đèn sử dụng trong bếp dù là dây tóc hay huỳnh quang cũng phải có độ hoàn màu cao (trên 80%) để cho ánh sáng trung thực (so với ánh nắng tự nhiên). Đèn LED – ánh sáng tương lai – với ưu điểm là ánh sáng mạnh lại không tỏa nhiệt, sử dụng điện áp thấp và tiêu thụ ít điện năng cũng nên sử dụng trong bếp. Nội thất bếp dù có đẹp, độc đáo đến đâu cũng không thể nổi bật lên được nếu thiếu ánh sáng trang trí. Thường thì người ta sử dụng bóng đèn âm trần để cung cấp ánh sáng. Chỉ cần khoảng 5 bóng âm phía dưới tủ treo của gian bếp, phần không gian nấu nướng trên bếp đã được cung cấp đủ ánh sáng.

Bàn chế biến hay đảo bếp nếu được soi sáng bằng những chiếc đèn hắt sáng sẽ đẹp hơn và nổi bật hơn trong không gian bếp. Không những thế, đèn hắt còn làm sáng hơn bề mặt đá granite hay cẩm thạch của bàn bếp giúp cho thức ăn trông hấp dẫn hơn.

Các điểm chiếu sáng ở các hốc tường được bố trí ở những vị trí đặc trưng thì với nguồn sáng nhiều màu sẽ làm không gian như rộng ra và tầm nhìn không còn bị che khuất. Việc chiếu sáng những khoảng trống phía trên và dưới tủ bếp khá quan trọng và phổ biến. Bố trí ánh sáng sao cho tập trung, nhấn vào những góc đẹp để làm nổi bật nội thất và đồ dùng trong tủ. Ánh sáng trang trí được sử dụng để làm nổi bật một số tính năng của một căn phòng chẳng hạn như tác phẩm điêu khắc, hình ảnh để tạo ra một không khí ấm cúng trong phòng. Loại ánh sáng này thường mềm hơn so với ánh sáng nhiệm vụ và kích thước nhỏ hơn.

Decor cho ánh sáng trong gian bếp cũng không được quá lạm dụng. Phải ước lượng được số lượng đèn cần sử dụng, góc nào cần chiếu sáng và sử dụng loại đèn nào cho phù hợp là yếu tố quyết định đến vẻ đẹp của không gian bếp. Ngoài ra, việc chiếu sáng phải phù hợp với nội thất như bàn bếp, tủ bếp, đảo bếp và bàn ăn. Nếu hệ thống nội thất là màu vàng gụ thì chỉ nên sử dụng ánh sáng của các loại đèn compact tiết kiệm điện, không nên dùng đèn halogen có ánh sáng vàng hoặc có nhiều màu sắc. Đèn màu chỉ thích hợp với nội thất bằng inox và kính sáng bóng vì màu sắc ánh sáng sẽ tôn thêm vẻ đẹp cho những đồ vật này. Thiết kế lắp đặt ánh sáng gian bếp cũng cần chú ý đến không gian hứng sáng tự nhiên để kết hợp hài hòa giữa những nguồn sáng này cho phù hợp.

Hệ thống chiếu sáng cho gian bếp hiện nay khá đa dạng để lựa chọn. Khi thiết lập phương án chiếu sáng, cần dựa vào kích cỡ, sự phức tạp, mục đích sử dụng của không gian bếp và những khu vực cần được chiếu sáng chủ yếu để bố trí lắp đặt. Khu vực đặt bếp nấu và bồn rửa cần được lắp đèn âm trần có cường độ ánh sáng vừa phải để tránh nhầm lẫn màu thức ăn. Hệ thống ánh sáng tốt là điều thiết yếu của một gian bếp hiện đại, đúng tiêu chuẩn. Vì thế sử dụng ánh sáng nhân tạo một cách hợp lý và có tính toán không những mang lại đủ nguồn sáng cho sinh hoạt mà còn đem đến sự dễ chịu, tạo chiều sâu và sự sinh động cho không gian bếp.

Chất liệu sử dụng trong bếp hiện đại cũng đóng vai trò thẩm mỹ rất quan trọng. Những chất liệu truyền thống gỗ tự nhiên, đá, gốm, sứ, tre… đến chất liệu mới hiện đại laminate, kính, inox, gỗ nhân tạo, superglass với bề mặt là sợi thủy tinh, gỗ có tráng bề mặt bằng acrylic surface hay solid suface đều tạo được sự riêng biệt và tinh tế cho căn nhà. Để tạo ra một tính năng tương phản, có thể sử dụng kết hợp mặt bếp với các vật liệu, màu sắc khác nhau trong bếp. Mỗi loại vật liệu có thành phần, cấu tạo và đặc tính riêng biệt. Các bề mặt vật liệu dưới nhiều kỹ thuật hoàn thiện khác nhau làm nên tính chất khác nhau của nội thất. Một không gian sống được biểu hiện trước tiên qua lớp vỏ vật liệu. Cũng vậy, trong không gian bếp, tự thân nó cũng tạo ra sức truyền cảm cao, gây tác động cảm quan cho người sử dụng bằng chính các yếu tố về kiểu dáng, vật liệu, vẻ đẹp của từng chi tiết.

Vật liệu gỗ tự nhiên mang vẻ đẹp tự nhiên, là vật liệu bền và gia tăng giá trị theo thời gian. Gỗ tự nhiên tạo ra một cảm giác vững chắc, sang trọng, ấm cúng và gần với thiên nhiên, không kén màu sắc của không gian và có thể kết hợp với mọi chất liệu từ thô sần, gai góc đến bóng nhẵn, có thể chế tạo thành nhiều chi tiết cầu kỳ phức tạp, kích thước phong phú, tạo ra những kết cấu rất mỹ thuật. Tuy nhiên, nhược điểm là giá thành cao, có hiện tượng cong vênh, nứt nẻ.

Khi nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt, việc sản xuất ván gỗ nhân tạo đang trở nên phổ biến. Cùng với sự phát triển của công nghệ chế biến gỗ bên cạnh gỗ tự nhiên chúng ta có rất nhiều loại gỗ công nghiệp khác nhau xuất hiện. Gỗ nhân tạo có thể tạo vẻ đẹp tương tự như gỗ tự nhiên, hình thức đẹp, cung cấp một bề mặt liền mạch dễ dàng để làm sạch và hợp vệ sinh. Ngoài những tính năng chung, ở một số sản phẩm gỗ công nghiệp chuyên biệt, bề mặt sản phẩm không bị ăn mòn bởi hóa  chất, lau chùi dễ, chống lại sự đeo bám của vi khuẩn. Hiện nay, vật liệu tre cũng đã được đưa vào sử dụng trong bếp mang lại sang trọng, tạo cảm giác yên tĩnh và ấm áp. Màu sắc của tre nhà bếp mộc mạc tự nhiên cũng rất dễ dàng để kết hợp với đồ nội thất khác với nhau.

Đá granite là một chất liệu mang lại thẩm mỹ cao, có thể tạo nên một ngôn ngữ ấn tượng trong thiết kế bởi vẻ đẹp quyến rũ, sang trọng và tính thanh lịch của nó. Granite đã trở thành loại chất liệu khó có thể thay thế để đem tới nét cá tính, độc đáo. Tuy nhiên, cần phải chú ý là vẻ bề ngoài của các mặt đá có thể khác đi trong ngày theo điều kiện chiếu sáng do ánh sáng có thể gây nên sự tán xạ làm một số màu sắc trở nên nổi trội và át đi các màu khác trên cùng một bề mặt. Ngoài đá tự nhiên còn có các loại đá nhân tạo, mặt giả đá làm bằng compositter, acylic…

Xã hội ngày càng phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày một khan hiếm và cạn kiệt do nhu cầu của xã hội và người tiêu dùng. Công nghệ vật liệu mới ra đời là một bước ngoặt lớn, đột phá về giải pháp thay thế và tận dụng các nguyên liệu tự nhiên khan hiếm, cạn kiệt đó như: đá, gỗ, đất, sắt, kim loại quặng… Hiện nay, trên thế giới đã áp dụng công nghệ cao sản xuất nhiều loại vật liệu mới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về công năng và thẩm mỹ. Ở một số nước trên thế giới các nhà thiết kế chú trọng đến sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường sống như gỗ, tre, các vật liệu tái sinh hoặc các vật liệu được sản xuất sạch. Theo nghiên cứu thực tiễn, cứ ước tính 1000m2 gạch dưới hoạt động bức xạ của ánh sáng mặt trời sẽ làm giảm lượng khí oxit nito tương đương với 20 cây xanh trưởng thành. Đồng thời, khi chiếu ánh sáng phù hợp, nó có khả năng loại bỏ hoàn toàn những vi khuẩn gây hại bám trên bề mặt giảm tối đa các tác nhân gây ô nhiễm không khí, gia tăng các giá trị có lợi cho môi trường. Việc lựa chọn và sử dụng vật liệu phù hợp với mục đích cũng như vị trí sẽ giúp tạo nên môi trường sống và không gian sống trở nên hoàn hảo hơn.

Ngày nay, dù nhịp sống đô thị với những trang thiết bị nhà bếp hiện đại đang tấn công mạnh mẽ vào từng ngóc ngách làng xã, bếp vẫn được coi như sự thể hiện đẳng cấp và chất lượng sống của căn nhà, vẫn còn nguyên giá trị của nó trong tâm hồn mỗi con người trong gia đình. Vai trò của gian bếp càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Phòng bếp không chỉ là nơi để chế biến các món ăn cho gia đình mà còn góp phần làm ngôi nhà trở nên đẹp hơn, sang trọng hơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : LÊ MINH CHI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *