Nhân sâm, làn sóng văn hóa hàn quốc mới?


Trong 20 đặc trưng văn hóa Hàn Quốc được giới thiệu chính thức trên website của Đại sứ quán Hàn Quốc ở nước ngoài, nhân sâm được đứng vị trí thứ sáu. Nhân sâm không chỉ có ở riêng đất nước này và để phân biệt, người Hàn Quốc gọi sản phẩm của nước mình là Goryeong Ginseng, theo tên của triều đại Goryeo (TK IX-XIV), triều đại đã giúp hình thành tên Hàn Quốc trong tiếng Anh là Korea.

 

Sâm và nhân sâm

 

Sâm là tên gọi khái quát chỉ một số loại cây thân thảo mà củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á, thuộc nhiều chi họ khác nhau nhưng chủ yếu là các loại thuộc chi sâm. Có rất nhiều loại củ sâm có hình dáng hao hao giống hình người, đặc biệt là nhân sâm, do đó một số vị thuốc khác không thuộc chi, họ sâm nhưng có hình dáng củ tương tự cũng thường được gọi là sâm. Thêm vào đó, sâm là một vị thuốc bổ nên nhiều vị thuốc khác có tác dụng bổ cũng được gọi là sâm hoặc gắn với chữ sâm (kể cả một số loại động vật như con hải sâm, sâm đất…).

Thống kê trong y học hiện đại ngày nay cho thấy có 22 loài sâm có nhiều tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đáng chú ý là có tới 7 loài riêng có ở Việt Nam, mà nổi tiếng nhất là loài Bổ chính sâm (Hibiscus sagittifolius var. quinquelobus, họ Malvaceae) thường thấy mọc ở Quảng Bình, Phú Yên, từng được nhắc đến nhiều trong các vị thuốc trị ho, sốt, gầy yếu của Hải Thượng Lãn Ông (1720- 1791). Trong các loại sâm, nhân sâm (Panax ginseng, họ Araliaceae) là loại sâm được mô tả sớm nhất và được ứng dụng phổ biến nhất trong lịch sử y học cổ truyền thế giới. Theo lịch sử y học cổ truyền của Trung Quốc từ 3.000 năm trước CN, nhân sâm đã được nói đến như là một thần dược trong “Thần nông bản thảo” của vua Thần Nông. Panax, tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là tất cả tật bệnh, ginseng (tiếng Anh) phiên âm từ tiếng Trung Quốc. Nếu căn cứ theo các tên khoa học thì chỉ có nhân sâm ở Hàn Quốc là được gọi nguyên nghĩa panax ginseng, còn các loại nhân sâm ở Bắc Mỹ, Siberi đều có những tên khoa học khác. Chính điều này là một căn cứ để người Hàn Quốc ngày nay thêm phần tự hào về sản phẩm thảo dược độc đáo này của đất nước họ (1).

Sự nổi tiếng này có lẽ bắt nguồn từ hai lý do: nhân sâm Hàn Quốc đã được người Trung Hoa, trên hành trình xâm chiếm và chinh phục vùng Đông Bắc Á, biết tới và sử dụng từ lâu đời. Văn minh Trung Hoa với danh tiếng về y học cổ truyền như một bảo chứng uy tín cho nhân sâm Hàn Quốc. Bên cạnh đó, thực tiễn sử dụng nhân sâm Hàn Quốc còn cho thấy loại thảo dược này có rất nhiều tính năng điều hòa, điều dưỡng cho sinh lực và sinh khí con người, thể hiện qua rất nhiều công dụng cho cả hai giới nam và nữ, từ giảm đau, an thần, chống căng thẳng, cho đến đẹp da, chống lão hóa, chống viêm, ngăn ngừa ung thư, tăng khả năng và ham muốn tình dục,… Biên độ rộng mở của bảng công dụng của nhân sâm Hàn Quốc nay còn được nghiên cứu hiện đại chứng minh bằng các công thức hóa học chi tiết (2).

 

Nhân sâm – thảo dược và văn hóa

 

Phàm cái gì có một lịch sử lâu dài, có một sự phổ biến trong đời sống, có khả năng ảnh hưởng, lan truyền ra ngoài biên giới đất nước thì hay được xem là một biểu trưng văn hóa. Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều món ăn đã được nâng cấp thành một biểu trưng văn hóa của dân tộc: bánh chưng bánh dày từ thời vua Hùng, các món ăn Huế, gần đây nhất có lẽ là món phở và bún chả, chả cá, nem (Hà Nội).

Tương tự vậy, củ nhân sâm đã được người Hàn Quốc sử dụng từ lâu đời. Thoạt tiên, nó chỉ được coi là một dược liệu, bồi bổ sức khỏe, đặc biệt cho nam giới. Đông y Trung Quốc, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, đã xếp nhân sâm là một loại dược liệu cao quý, như cách mà người Việt ta nhắc đến trong ngạn ngữ: “sâm nhung quế phụ”. Về sau này, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, đất nước Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước phát triển và theo đó, các thành tựu khoa học công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi trong y học nói riêng, công nghệ chế biến thực phẩm, dược mỹ phẩm nói chung, góp phần biến nhân sâm thành một biểu tượng mới của văn hóa Hàn Quốc ngày nay.

Có 4 dạng chính của nhân sâm nguyên liệu: sâm tươi, sâm khô, hồng sâm (sâm tươi được hấp), sâm lên men (sâm tươi được hấp và sấy). Từ đây, người Hàn Quốc chế biến ra thành các nhánh sản phẩm đa dạng: thực phẩm, đồ uống giải khát bổ dưỡng; dược liệu, dược mỹ phẩm. Nghĩa là, nhân sâm hiện diện gần như trong mọi biểu hiện sinh hoạt hàng ngày của con người. Nhân sâm được kết hợp phổ biến với thịt gà (món gà hầm nhân sâm),thịt bò (bò xào với lát sâm), cơm rang. Nhân sâm được chế biến cùng với trà (trà sâm), riêng trong món trà này cũng có đủ loại, từ trà hồng sâm, đến trà hồng sâm tẩm mật ong, trà sâm đen,… Nhân sâm được ngâm tẩm và chiết xuất thành các loại nước uống dinh dưỡng, giải khát. Nhân sâm được sử dụng trong sản xuất các loại thuốc giúp kháng viêm, chữa tiểu đường, phòng ngừa huyết áp cao, béo phì, nâng cao thể lực và phục hồi sinh khí… Đặc biệt, nhân sâm được sử dụng như một thành phần dược trong các loại mỹ phẩm cao cấp của nhiều hãng mỹ phẩm Hàn Quốc để giúp làm trắng da, mờ vết nám da, tàn nhang,…

Song hành với việc nâng cao chất lượng, mở rộng khả năng ứng dụng của nhân sâm trong các sản phẩm phục vụ đời sống con người, người Hàn Quốc còn tiếp tục nâng cấp thảo dược này thành một biểu trưng văn hóa. Trong một số cuốn sách cổ từ TK VI của người Hàn Quốc còn lưu giữu đến ngày nay (3), nhân sâm của nước Paekche, một trong ba nước (Goguryeo, Paekche, Silla) nằm trong địa phận Hàn Quốc ngày nay là tốt nhất. Địa phận này nay thuộc khu vực quận Geumsan, cung cấp khoảng 70% tổng sản lượng nhân sâm toàn Hàn Quốc. Chính vì thế, nhân sâm Geumsan được coi là nhân sâm tốt nhất Hàn Quốc ngày nay. Đây là một điểm tựa lớn để quận Geumsan nói riêng, đất nước Hàn Quốc nói chung, biến nhân sâm từ một thảo dược thành một biểu trưng văn hóa của mình.

Chính quyền quận này đã thành lập một Viện nghiên cứu nhân sâm và thảo mộc quốc tế. Tất cả các thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến nhất được cung cấp cho nơi này nhằm đảm bảo các yêu cầu nghiên cứu. Viện này đồng thời có nhiệm vụ giám sát các công đoạn của việc trồng trọt (từ chất đất, dinh dưỡng chăm bón, sâu bệnh) đến chất lượng của sản phẩm sau khi thu hoạch. Có đến 72% diện tích đất canh tác của Geumsan được dành cho việc trồng nhân sâm. Những triền đồi núi bạt ngàn nhân sâm, xanh mát lá sâm quanh năm và đến mùa hoa, đỏ rực cả một vùng. Đây cũng chính là một nơi đến tham quan du lịch xanh mà quận này đã nhanh nhạy quảng bá. Quận này cũng đã thành lập một khu vực buôn bán nhân sâm với 6 đơn vị chuyên biệt: trung tâm buôn bán nhân sâm tươi, có giá rẻ hơn bên ngoài; chợ quốc tế nhân sâm Geumsan với khoảng 200 cửa hàng, có giao dịch bằng một số ngôn ngữ khác ngoài tiếng Hàn Quốc, phổ biến là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc phổ thông, tạo thuận tiện cho khách hàng nước ngoài; chợ dược thảo là khu chợ buôn bán các loại thuốc đông y lớn nhất Hàn Quốc với tâm điểm là các loại được chế biến từ nhân sâm; trung tâm mua sắm nhân sâm Geumsan được thiết kế như một siêu thị ở tầng 1 của một khách sạn chuyên về nhân sâm, nơi đây cung cấp đa dạng các loại rượu nhân sâm và rượu thảo dược bồi bổ sức khỏe; chợ nông hiệp nhân sâm là nơi chuyên bán nhân sâm tươi giá rẻ với 100 cửa hàng; trung tâm buôn bán tổng hợp nhân sâm quốc tế Geumsan là trung tâm buôn bán tổng hợp về nhân sâm lớn nhất Hàn Quốc.

Trong một chiến lược phát triển mới của Geumsan, chính quyền nơi này cũng với hậu thuẫn của chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành tổ chức một hội chợ quốc tế về nhân sâm lần đầu tiên trong năm 2006 (Expo nhân sâm thế giới Geumsan). Lễ hội này được tổ chức vào tháng 9 dương lịch, song song với lễ hội nhân sâm Geumsan (trước ngày rằm Trung thu hàng năm) được nhân lên từ lễ hội Sam Chang cầu xin ông trời cho một năm thịnh vượng của nghề trồng nhân sâm. Tháng 9-10 hàng năm là mùa thu hoạch nhân sâm (định kỳ một vụ nhân sâm là 4-6 năm). Với khẩu hiệu nhân sâm – cái rễ của sự sống, trong expo 2006, Geumsan tổ chức một hội thảo quốc tế về những công hiệu đặc biệt của nhân sâm dựa theo các nghiên cứu y học và thành phần hóa học của nhân sâm, với sự tham gia của khoảng 200 bác sĩ. Hơn 100 người trồng nhân sâm lâu năm ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Siberi, Mỹ,… đã được mời đến hội chợ để không chỉ giới thiệu các thành quả lao động của họ mà còn cho thấy sự khác nhau giữa các loại nhân sâm, không ngoài hàm ý cho thấy sự tuyệt đỉnh của nhân sâm Geumsan Hàn Quốc. Được định kỳ 5 năm một lần, tháng 9 tới đây, expo nhân sâm Geumsan lần 2 sẽ được tổ chức. Một chiến dịch quảng bá cho sự kiện này đã được đích thân chủ tịch quận Geumsan làm nhân vật chính. Nhân sâm Geumsan đã được nâng lên thành món quà của thượng đế và việc giới thiệu nhân sâm này đến toàn nhân loại được xem như là một thiên ý. Vị chủ tịch huyện đã dùng uy tín của mình để bảo chứng cho mọi sản phẩm nhân sâm từ Geumsan sẽ là sản phẩm của thế giới. Lý do để ông đảm nhận nhân vật chính quảng bá cho nhân sâm của địa phương mình là vì cuộc sống khỏe mạnh của toàn nhân loại… Clip quảng bá nhân sâm được lồng nội dung giới thiệu bằng tiếng Anh của một giọng đọc bản ngữ, lại có thêm các hình ảnh minh họa đặc sắc như câu nói của cố giáo hoàng Jean Paul II ví người Hàn Quốc mạnh mẽ như hương nhân sâm và có tinh thần dân tộc bền bỉ , hoặc hình ảnh cựu tổng thống Mỹ B.Clinton dùng món ăn có nhân sâm khi đến thăm Hàn Quốc năm 1998,… Chính tư duy tiếp thị hiện đại, mang tinh thần toàn cầu song song với tinh thần trách nhiệm xã hội của chính quyền cùng sự tự tôn dân tộc này đã góp phần đẩy sản phẩm nhân sâm Geumsan nói riêng, nhân sâm Hàn Quốc nói chung đi xa hơn nữa và hẳn sẽ sớm trở thành một sản phẩm toàn cầu như cách mà làn sóng Hàn Quốc với phim truyền hình và sau là ca nhạc giải trí Hàn Quốc đã làm được.

 

Thay lời kết

 

Tuy còn nhiều tranh luận về dược tính cũng như tác dụng bổ dưỡng của nhân sâm trong giới nghiên cứu khoa học và y học phương Tây, nhưng người Hàn Quốc vẫn không từ bỏ ước vọng biến loài thảo mộc lâu đời này thành một sản phẩm toàn cầu đến từ Hàn Quốc. Họ đã và đang sử dụng việc tiếp thị và truyền thông về sản phẩm như một công cụ hữu hiệu để đưa nhân sâm thành như một biểu tương văn hóa- biểu tượng mới của sự sống của nhân loại. Việc trở về với thiên nhiên như một trào lưu sống mới trong thời đại của công nghệ lại càng khiến cho ước vọng kia của người Hàn Quốc có cơ hội sớm trở thành hiện thực… Mục đích thực tiễn của ước vọng nhân sâm của người Hàn Quốc vẫn không nằm ngoài việc lợi nhuận kinh tế từ nhân sâm. Tuy nhiên, cách thức thực hiện mục đích ấy lại đem đến cho họ lợi nhuận kép: kinh tế song hành với ảnh hưởng văn hóa. Đây chính là thành quả từ lòng tự tôn dân tộc và trách nhiệm xã hội của chính quyền cũng như mỗi người dân Hàn Quốc.

_______________

            1, 2, 3. Theo tạp chí Korea now, bản tiếng Anh, số 1 & 3, 2010.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 322, tháng 4-2011

Tác giả : Hoàng An Đông

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *