Tết tsagaan sar của người mông cổ


Phần lớn các nước trên thế giới đón chào năm mới theo dương lịch nhưng một số nước phương Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn Quốc… lại đón năm mới theo lịch mặt trăng, nhân dân vẫn gọi là tết âm lịch với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc điển hình.

Năm mới, theo quan niệm của các nước này, là sự chấm dứt của mùa đông và bắt đầu mùa xuân. Bên cạnh đó, ngày Tết còn là dịp để gặp gỡ các thành viên trong gia đình, thờ cúng tổ tiên và đi chơi, thăm thú bạn bè. Vì vậy, cũng giống như tết của nhiều nước khác, tết tsagaan sar là một trong những lễ hội truyền thống rất quan trọng của người dân Mông Cổ.

Người dân Mông Cổ luôn phủ định ngày tết của họ được truyền bá từ Trung Quốc, bởi vì họ cho rằng, lịch Mông Cổ hiện nay là một phiên bản cải cách của lịch Tây Tạng, nó khác với lịch của Trung Quốc trong việc tính toán. Theo vũ trụ học Mông Cổ – Tây Tạng, thế giới được xây dựng trên sự tương tác của 5 yếu tố – sắt, đất, lửa, nước và gỗ – có màu sắc trắng, vàng, đỏ, đen và xanh tương ứng. Dựa trên thuyết đó, năm 1747, một người Mông Cổ tên là Ishbaljir phát minh ra một loại lịch gọi là lịch Tugsbuyant. Ông đã kết hợp giữa lý thuyết âm dương và thuật toán âm lịch Hồi giáo. Kể từ đó, nó trở thành lịch chính thức của đất nước này cho đến hiện nay. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng chúng ta cũng phải chứng thực rằng, nếu người Mông Cổ có tiếp thu một số yếu tố văn hóa từ đất nước Trung Hoa thì họ cũng đã tạo ra được những nét văn hóa rất riêng và đặc trưng của dân tộc, điều này thể hiện rất rõ trong những ngày tết tsagaan sar.

Tsagaan sar được dịch sang tiếng Việt là tháng trắng. Nguồn gốc của tên gọi này có thể bắt nguồn từ màu trắng của mùa đông hoặc là từ màu trắng của thực phẩm, đặc biệt là từ sữa (Mông Cổ từ xưa đến nay rất nổi tiếng bởi các sản phẩm làm từ sữa, mùa xuân đến thảo nguyên sẽ nhiều cỏ, giúp họ chăn nuôi được tốt hơn, thu hoạch được nhiều sữa hơn). Nhưng màu trắng còn có ý nghĩa lớn hơn, người dân nơi đây luôn nghĩ rằng màu trắng mang lại cho họ hạnh phúc và sức khỏe. Vì vậy, theo lịch Mông Cổ, tháng đầu tiên của năm được gọi là tháng trắng – một sự khởi đầu tinh khiết và sạch sẽ.

Các gia đình bắt đầu chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền này ít nhất từ một tháng trước, vì họ phải chuẩn bị rất nhiều thực phẩm, quà tặng, quần áo mới, dọn dẹp nhà cửa…, bên cạnh đó, tsagaan sar còn tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng trong gia đình.

Theo tập quán của Mông Cổ, vào những ngày trọng đại này, mọi người cùng rửa sạch cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Ngày cuối cùng của năm cũ, họ phải tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, nhà cửa khang trang, đồng thời họ cũng phải bỏ qua mọi khó khăn, bực bội hay hòa giải những quan hệ chưa tốt của năm cũ để cùng hướng tới tất cả những điều tốt đẹp trong năm mới, không lo lắng, không ưu sầu.

Tết tsagaan sar thực sự bắt đầu từ đêm giao thừa, người Mông Cổ gọi là bituun – bữa ăn tối cuối cùng của năm cũ. Đêm giao thừa thường được tổ chức tại mỗi gia đình, các thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để cùng tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Đặc biệt, mọi người sẽ ăn thật nhiều vì họ tin rằng nếu bắt đầu năm mới với một cái bụng no đủ, thì năm mới sẽ luôn giàu sang và tốt đẹp. Sau khi ăn uống đầy đủ xong, họ làm lễ từ biệt năm cũ, sau đó mới đi ngủ. Do vậy, các gia đình sẽ đón giao thừa rất muộn. Bên cạnh đó, từ thời khắc giao thừa cho đến hết những ngày tết, người dân Mông Cổ sẽ thắp đèn nến và hương nhang lên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ các tộc trưởng bộ tộc và bàn thờ Phật trong các chùa, đền, miếu cả ngày lẫn đêm.

Món ăn truyền thống trong tết tsagaan sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (một loại bánh như bánh bao), thịt cừu, thịt bò… và uống airq (sữa ngựa lên men), rượu và các sản phẩm từ sữa.

Cũng giống như các dân tộc khác ở châu Á, ngày mồng 1 tết rất quan trọng đối với người dân Mông Cổ. Họ quan niệm ngày đó diễn ra thế nào thì cả năm cũng sẽ như vậy.

Vào ngày đầu năm mới, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc trang phục dân tộc mới đầy màu sắc (tượng trưng cho sự hòa hợp trong năm mới) và nhóm lửa. Đầu tiên họ muốn chào đón mặt trời, nam giới trèo lên núi hướng về phía mặt trời mọc và cầu nguyện. Thứ hai, họ muốn có sức khỏe và hạnh phúc trong năm mới, mỗi cá nhân đều xem tử vi để tìm hướng thích hợp cho bước đi đầu tiên trong năm mới, còn gọi là muruu gargakh (lễ xuất hành). Người ta tin rằng nếu xuất hành đúng hướng sẽ gặp may mắn quanh năm.

Mặt trời vừa ló rạng là những người trong gia đình gặp gỡ và chào hỏi nhau. Sự kính trọng người cao tuổi được in sâu trong nền văn hóa Mông Cổ. Khi chào hỏi, người nhỏ tuổi hơn khoanh tay trước bậc trưởng thượng để tỏ lòng kính trọng. Đồng thời, trong tất cả các mối quan hệ, người Mông Cổ luôn đến chào hỏi người lớn tuổi trước rồi mới đến các gia đình khác. Vì vậy, vào ngày mồng 1, người Mông Cổ thường tụ tập ở nhà của người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc tết. Trong khi chúc tết, các thành viên trong gia đình cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương, điềm lành. Họ cùng quây quần, chúc nhau năm mới vui vẻ, hạnh phúc và an lành. Sau đó họ cùng ăn uống và trao cho nhau những món quà, cầu chúc một năm mới thịnh vượng, ấm no.

Đặc biệt, người Mông Cổ rất yêu âm nhạc, vì vậy âm nhạc là thứ không thể thiếu trong những cuộc sum vầy đầu năm. Họ hát vang bài ca truyền thống hay hoan hô theo bài hát của mọi người và họ không bao giờ từ chối hát trước những lời mời, bởi vì người dân nơi đây cho rằng nếu từ chối hát là hành động bất lịch sự.

Trong ngày thứ hai của tết tsagaan sar, người Mông Cổ sẽ đến thăm nhà bạn bè và tiếp tục quá trình chào hỏi, ăn uống. Vào ngày thứ ba, họ tới nơi làm việc, gặp gỡ, chúc tết các đồng nghiệp. Thông thường, ngày tết chỉ kéo dài từ ngày mồng 1 đến hết ngày mồng 3 âm lịch, song ở vùng nông thôn tết có thể kéo dài nửa tháng hoặc đến hết tháng 1.

Tết là thời điểm tiễn một năm cũ đã qua và đón chào một năm mới đến. Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có phong tục tập quán riêng được gìn giữ qua bao thế hệ. Dù có không ít nét khác biệt do đặc thù văn hóa, song tựu chung lại, đây vẫn là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, đón chào một khởi đầu mới bình an và hạnh phúc.

_______________

 

Tài liệu tham khảo:

Henry H. Howorth, History of the Mongols, from the 9th to the 19th century, Longmans, Green, and Co, London, 1880.

Hữu Ngọc, Hữu Đông, Nước cộng hòa nhân dân Mông Cổ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1955.

Lê Chung Vũ (chủ biên), Tết cổ truyền người Việt, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1998.

            Ngô Xuân Bình (chủ biên), Mông Cổ ngày nay, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 320, tháng 2-2011

Tác giả : Bùi Thị Bích Thuận

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *