Hãy chấm dứt việc mua vui thiếu lành mạnh


Gần đây, một nhóm bạn gồm sinh viên và học sinh hỏi chúng tôi qua điện thoại về thực hư số phận nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire (1880-1918) được phản ánh trong một bài báo trên tờ Văn nghệ công an số 108 ra ngày 3-8-2009. Chúng tôi đáp rằng chúng tôi quả thật rất ít để ý đến các mục về văn nghệ nước ngoài của VNCA, tuy đọc thường xuyên ấn phẩm báo chí này. Nhóm bạn trẻ không chấp nhận lời từ chối. Biết chúng tôi có mặt tại một cuộc gặp gỡ có tính hội thảo, họ đã đến cùng số báo nói trên và tha thiết đề nghị chúng tôi “gỡ rối” giúp họ.

Trước hết, chúng tôi khẳng định rằng sinh thời, Apollinaire có gặp rủi ro bất hạnh, nhưng ông không hề lận đận như tên bài báo đã đưa: Thi sĩ Guillaume Apollinaire – lận đận cả sau khi chết. Chúng tôi giật mình khi một bạn trẻ chỉ vào một câu trong phần mở đầu bài báo: “Mặc dù Apollinaire đã khuất bóng từ 91 năm trước, song số phận một số tác phẩm của ông xem ra vẫn lận đận, như chính cuộc đời ba chìm bảy nổi của ông vậy. Trong đó có những vấn đề thường xuyên dính líu tới pháp luật”. Bình tĩnh đọc lại toàn bài, chúng tôi nhận thấy cơ sở để nhà báo chuyên nghiệp hay nghiệp dư TDM viết như đinh đóng cột như vừa nêu là hai vụ việc. Vụ thứ nhất, do một cuốn sách của Apollinaire vừa được công bố ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhà xuất bản và dịch giả cuốn sách đó bị pháp luật Thổ truy tố. Vụ thứ hai, bức tranh La Joconde (1503-1507) của danh họa Italia Léonard de Vinci (1452-1519) vốn trưng bày tại Bảo tàng Le Louvre đột nhiên bị mất và Apollinaire cùng bạn ông là Picasso bị nghi là tòng phạm.

Xin nói ngay, cuốn Những chiến công của một chàng Don Juan trẻ (nguyên văn tiếng Pháp: Les exploits d’un jeune Do Juan, tác giả bài báo đang bàn hẳn dẫn theo một bản tin tiếng Anh, nên tên sách là The Adventures of Young Don Juan) ra mắt năm 1911, là tiểu thuyết chứ không phải thơ như in trên VNCA. Chuyện xoay quanh chú bé vị thành niên Roger sớm đi vào đời sống nhục dục. Chú chỉ mơ toàn thiếu nữ và đàn bà, quyến rũ và chinh phục, ôm hôn, ve vuốt và quật ngã bất cứ cái gì mặc váy ngắn. Chú không lùi bước trước bất kỳ ảo ảnh và sự phóng đãng nào, nhằm thỏa mãn ham muốn và hoàn chỉnh “kỹ năng yêu đương” của mình. Đây là một cuốn sách nhập môn tình yêu và tình dục. Đã rõ, Apollinaire quan tâm tới nhiều lĩnh vực, trong đó có ái tình học, vốn được văn chương minh họa tích cực. Ông từng được trả tiền để phụ trách việc biên soạn và ấn hành một tủ sách lớn gọi là Những bậc thầy tình ái. Bộ đầu tiên của Tủ sách là tác phẩm chọn lọc của hầu tước Pháp Sade (1740-1814), một hiện tượng văn chương kỳ lạ bậc nhất cổ kim đông tây. Có lẽ, việc thẩm định những sáng tác được hiểu là gợi dục hay phóng đãng đã gợi ý cho Apollinaire viết những cuốn sách kiểu này. Thực tế, ông không coi đây là những tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Nhưng chúng có người đọc và giúp ông thu bộn tiền. Cuốn thứ nhất, ông ký hợp đồng đường hoàng với một chủ phát hành “văn học vỉa hè”. Ông thay tên Apollinaire bằng một bút danh. Cuốn thứ hai và Những chiến công của một chàng Don Juan trẻ không ghi tên tác giả. Những chiến công của một chàng Don Juan trẻ vừa ngộ nghĩnh vừa khiêu khích. Nó không bị chỉ trích nhưng cũng không được bàn luận. Sau đó, và cho tới giờ, nó không được nhắc đến nữa. Nó không nằm trong “một số tác phẩm của ông xem ra vẫn …lận đận”, như bài báo trên VNCA số 108 hồn nhiên nhấn mạnh. Như sẽ nói tới ở phần sau, Apollinaire không có tác phẩm nào chìm nổi cả. Và ông là một nhà sáng tác toàn tài, thành công ở hầu hết các loại hình và thể loại văn học.

Thời ấy và bây giờ, Những chiến công của một chàng Don Juan trẻ không những không bị cấm, mà vẫn được phát hành, tại Pháp cũng như tại một vài quốc gia. Nó miêu tả khá hấp dẫn và chính xác sự thức tỉnh đời sống tình dục ở trẻ vị thành niên, cho nên có thể được xem như một tài liệu tham khảo tốt cho các nhà sư phạm và khoa học. Với bạn đọc trẻ, nó không khiêu dâm, mà như một sự đồng cảm. Từ đó, bạn đọc trẻ dễ nhận chân rằng, bước đường có vẻ “gian nan” đó là tất yếu đối với tất cả mọi người. Vấn đề đặt ra là mỗi cá nhân phải có kiến thức và bản lĩnh để không bị nó làm bối rối, để kiểm soát và điều khiển sự tăng trưởng của nó, phù hợp với đạo lý xã hội và không làm hại cuộc sống và sự nghiệp của mình. Có lẽ đây là lý do khiến một dịch giả Thổ Nhĩ Kỳ và nhà xuất bản Sel của nước này chuyển ngữ và công bố cuốn sách của Apollinaire, mà không nghĩ sẽ bị pháp luật sờ gáy. Sách vào thị trường, từ một luồng dư luận chê trách, kiểm sát viên trưởng mới nhờ một nhóm chuyên gia xác định xem cuốn sách có phải tác phẩm văn học không. Các chuyên gia đã phán quyết rằng cùng hai cuốn sách khác (Chiếc đồng hồ quả lắc thần kỳSự tương hợp của một tầng lớp trưởng giả từng trải) của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Ben Mila cũng bị đưa vào tầm ngắm, cuốn Don Juan của Apollinaire không phải là tác phẩm văn học. Thế là, kiểm sát viên trưởng Thổ Nhĩ Kỳ quyết định khởi tố bị can đối với dịch giả và nhà xuất bản Sel về tội “truyền bá những ấn phẩm tục tĩu và vi phạm thuần phong mỹ tục”. Nếu bị kết án, bên bị có thể phải lãnh hình phạt tù từ 6 tháng tới 10 năm. Xin lưu ý, cuốn sách không bị thu hồi. Hiện phiên tòa vẫn chưa mở, tức câu chuyện có thể thay đổi. Đơn giản vậy thôi, làm gì có việc “những lời kết tội nói trên (cuốn sách của nhà thơ Pháp có nội dung tục tĩu khiêu dâm – người viết bài này ghi chú) đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhiều bạn yêu văn học cũng như của chính đơn vị xuất bản” như VNCA hùng hồn lớn tiếng. Tiện thể, xin phép có đôi lời về ứng xử với văn chương của pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ luật hình sự nước này có một điều quy định rằng tác phẩm văn học đích thực luôn luôn được trân trọng và không bị săm soi như đối với những sản phẩm mạo danh, mà ví dụ là ba cuốn sách vừa được đề cập. Hiện nay, cây bút Thổ mang thêm quốc tịch Pháp Nadim Gursel đang bị xét xử về tội “xúc phạm các lực lượng an ninh quốc gia và đạo đức dân tộc”, vì trong tiểu thuyết mới của mình, Các con gái của Đức Allah, ông đã dám biến nhà tiên tri Mohamed thành một nhân vật hư cấu.

Sẵn ý đồ “giật gân câu khách”, tác giả TDM trên VNCA số 108 đã “táo tợn viết lại lịch sử” (lời một sinh viên hỏi chuyện chúng tôi), bất chấp những sơ hở hài hước như trò con trẻ. Ý đồ đó khiến TDM gán ghép hai chuyện thực ra chẳng liên quan gì với nhau. Chuyện Apollinaire bị bắt oan từ việc bức tranh La Joconde mất trộm đã được nói nhiều trong các bộ sách tiểu sử của thi hào. Nhưng diễn tiến của vụ việc và ứng xử của người trong cuộc không phải như TDM viết. Apollinaire thích tài bịa chuyện và tính khí thất thường của Géry Piéret, một đồng nghiệp cũ tại một tòa báo, nên mời y về làm quản lý cho mình. Một lần, y đánh xoáy được ở Bảo tàng Le Louvre hai tượng nhỏ, sản phẩm của bán đảo Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha (không phải “nguồn gốc từ Iberia” như trên VNCA, sự thực không có đất nước hay vùng miền nào trên trái đất mang tên như vậy). Y đem bán cho Picasso. Apollinaire biết đã thuyết phục bạn trả lại cho Bảo tàng. Chính Apollinaire trực tiếp mang hai bức tượng đến Le Louvre trả. Nhân tiện, xin thưa rằng Picasso vẽ bức Những thiếu nữ Avignon năm 1907, sau khi vẽ nhiều phác thảo nghiên cứu, gợi hứng từ các mặt nạ châu Phi mà danh họa vô cùng say mê. Chưa ở đâu nói rằng “bức tượng (ăn cắp vừa nêu) là nguồn cảm hứng khiến ông (Picasso) cầm bút vẽ nên bức tranh nổi tiếng (…) có tên gọi Những cô nàng ở Avignon. TDM có lẽ chưa xem bức tranh này và do đó, không nắm được thực chất và giá trị của nó. Trở lại chuyện kiệt tác La Joconde bị mất tháng 8-1911. Khi chắc chắn bức tranh không còn treo ở chỗ nó vẫn ngự suốt từ năm 1804 nữa, Bảo tàng Le Louvre đóng cửa một tuần. Giám đốc bảo tàng xin từ chức. Hôm Bảo tàng mở cửa lại, dân chúng đổ xô vào nơi vẫn treo bức tranh, đặt ở đây rất nhiều hoa tươi như đễ vĩnh biệt một người thân. Thời ấy, nhiều phiên bản nàng Mona Lisa của Leonard de Vinci xuất hiện ở châu Mỹ la tinh và Hoa Kỳ. Cảnh sát điều tra tập trung mũi nhọn vào tay anh chị làm tranh giả nổi tiếng người Achentina. Song không sao có bằng chứng ông này hay đồng phạm đã “chôm” được tác phẩm hội họa bí ẩn nhất của mọi thời đại. Một nhà sao chép tranh nức tiếng người Pháp cũng được xem xét, bởi lẽ ông có thể “cuỗm” tranh thật, để nâng giá tranh sao chép của mình. Cơ quan an ninh Pháp cũng không thể quy tội cho nhà văn Arsel Lupin, vì trong cuốn sách mới nhất của ông, nhân vật chàng trai hào hoa phong nhã Aiguille Creuse đã “sở hữu nàng Mona Lisa”. Sự nghi ngờ chỉ khiến tiếng tăm Arsel Lupin nổi như cồn. Một người viết đồng hương của nàng Mona, Gabriela d’Annunzio, tự tố cáo là thủ phạm, nhưng chẳng ai tin, vì ông muốn nhờ đấy mà lừng lẫy.

Đội đặc nhiệm của Cảnh sát Pháp vào cuộc. Một đôi thành viên của đội mặc thường phục len lỏi khắp nơi và từ vô vàn câu chuyện vỉa hè đã báo cáo lên trên một tình tiết bất ngờ được chú ý: trước khi La Joconde không cánh mà bay khỏi Le Louvre, danh họa Picasso có tỏ ra bức xúc về việc bảo vệ các cổ vật quý trong các bảo tàng. Một giả thiết được đưa ra, theo đó, có thể Picasso lấy cắp bức tranh để cảnh cáo các quan chức trông nom các bảo tàng về việc canh phòng chểnh mảng của họ. Tới đây, người ta chợt nhớ tới chuyện Apollinaire từng hoàn lại cho Le Louvre hai bức tượng nhỏ. Giả thiết trên được củng cố, rằng Picasso và Apollinaire, vì đều hết lòng vì nghệ thuật, lại là bạn thân của nhau, đã thông đồng ăn cắp cổ vật quý nhất của nhân loại. Hai người bị tạm giữ để thẩm vấn. Dĩ nhiên, cả hai đều khẳng định mình vô tội. Dư luận phản đối việc bắt người chưa có bằng chứng phạm pháp. Picasso được tha ngay. Apollinaire một mặt bị công kích là tên nhập cư vô đạo, mặt khác được đông đảo bạn bè, những nhân vật có uy tín bênh vực. Ông được trả lại tự do sau một tuần bị giữ, từ 7 đến 11-9-1911. Chuyện bắt hai nghệ sĩ hàng đầu lúc bấy giờ được ghi vào lịch sử an ninh Pháp như một trò hề. Những chi tiết trong bài trên VNCA, như “những thông tin liên quan đến quá trình điều tra xoay quanh bức họa bị đánh cắp khiến cả Apollinaire và Picasso đứng ngồi không yên…”, hay “tại cơ quan điều tra, bởi “yếu bóng vía”, Apollinaire đã khai cả Picasso can dự vào vụ việc (trong khi Picasso nhất quyết khai mình không dính líu tới vụ việc và không biết… Apollinaire là ai)”, nếu không phải do TDM thêu dệt, thì cũng vì TDM nô lệ vào sự bịa đặt của một nhà báo nước ngoài nào đó. Chúng “đá nhau” và cùng hạ thấp nhân phẩm và bản lĩnh của hai tài năng đáng nể. Nhân phẩm và bản lĩnh bao giờ cũng là hai điều kiện tiên quyết của mọi thành tựu nghệ thuật. Xin nói tiếp vụ mất bức tranh La Joconde. Khi rộ lên tin kiệt tác hội họa bị mất, ông bạn Géry Piéret của Apollinaire đã khoe khoang thành tích “đạo chích” ở các bảo tàng Pháp của y trên tờ báo Paris Journal. Tờ báo đã phải trả tiền cho y và cam đoan giữ kín kẻ tiết lộ. Apollinaire biết tỏng kẻ dám “vuốt râu hùm” này. Và dù gặp rắc rối từ “vụ trộm thế kỷ”, trước sau ông vẫn không tố cáo bạn.

Từ ngày Apollinaire được minh oan, cuộc điều tra vụ La Joconde dẫm chân tại chỗ, bất chấp những món tiền thưởng khổng lồ được hứa dành cho ai tìm thấy bức tranh hay lần ra dấu vết tội phạm. Ví dụ, Hội những người bạn của Le Louvre, 25.000 francs; một người dấu tên 50.000; tạp chí ảnh Minh họa, cũng 50.000. Vụ án bỗng chốc bùng nổ như một quả bom nổ chậm. Số là ngày 10-11-1913, nhà buôn bán đồ cổ Alfredo Geri ở Florence, Italia, cấp báo nhà chức trách địa phương về việc bức tranh La Joconde đang có mặt tại quê nhà. Trước đó một lát, một người đã đến gặp ông, ngỏ ý muốn bán bức tranh với giá 500.000 lia, và với điều kiện là trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không được trả nó về Pháp. Dĩ nhiên, người đó bị bắt và cuộc trở về Italia của nàng Mona Lisa lập tức sôi lên như một chuyện lạ. Người mang nàng về là Vincenjo Perugia, một thợ mộc giỏi việc lắp khung kính. Ông được tuyển cùng một số người Italia sang Pháp, giúp việc dóng khung kính cho các hiện vật quý hiếm tại các bảo tàng, trong đó có Le Louvre. Được tiếp xúc với La Joconde, ông nảy ý định thu hồi về cho đất nước tác phẩm hội họa đẹp nhất mà ông vẫn tưởng là hoàng đế Pháp Napoléon đã cướp đoạt. Sau một thời gian làm việc ở Le Louvre, ông được tự do đi lại bên trong và dĩ nhiên được tuyệt đối tin tưởng. Đêm 20-8-1911, ông lấy cớ chưa xong việc, ngủ lại trong bảo tàng. Trưa hôm sau, ông giấu bức tranh La Joconde (77×53 cm) dưới chiếc áo khoác rộng thùng thình của ông và điềm nhiên ra ngoài ăn trưa cùng các nhân viên. Từ đó, nàng Mona Lisa nằm im dưới đáy chiếc hòm, để dưới gậm giường ông trong hai năm, cách Le Louvre chỉ hai cây số. Cuối năm 1913, ông về nhà ở Italia và chuyện xảy ra như nói bên trên. Ông không biết rằng chính Leonard de Vinci đã nhượng lại La Joconde cho vua Pháp Francois đệ nhất (1494-1547) với giá 4.000 écu vàng. Có điều, tại phiên tòa xử Vincenjo Perugia về tội ăn cắp, dân chúng đến rất đông và nhiều lần thét vang, ca ngợi lòng yêu nước của ông. Ông được tha bổng. Tiếp theo, kiệt tác La Joconde được chu du qua những địa điểm chính của Italia để vĩnh biệt tổ quốc quê hương, trước khi về Pháp ngày 4-2-1914. Nhà cầm quyền Itali tiễn nó tới tận biên giới, đông đảo người Italia chờ sẵn ở đây để hô lớn lời chào.

         Rắc rối của Apollinaire tới vụ việc chỉ là một khía cạnh nhỏ của lịch sử La Joconde bất tử. Xin nói thêm, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Apollinaire (vẫn là người Italia và đã sống ở Pháp lâu rồi) hai lần xin nhập ngũ mới được chấp nhận. Nhiệt tình “chiến đấu cho nước Pháp” của ông đã quyết định việc ông được nhận quốc tịch Pháp. Ông là người đường hoàng. Quyết chí sống bằng ngòi bút, ông đã toại nguyện. Từ 1909 tới khi qua đời, ông xuất bản 11 tập thơ, 12 tập truyện và tiểu thuyết, 12 tập chính luận và bình luận thời cuộc, 3 vở kịch và 1 kịch bản điện ảnh. Ông sáng tác văn chương cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời. Vợ ông cho công bố sau khi ông mất 4 tập thư từ của ông, cộng với một bộ nhật ký (1898-1918). Tác phẩm của ông không bị bài bác mà thường được hoan nghênh. Nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ cùng thời phổ nhạc. Ông được suy tôn là nhà cách tân thi ca hàng đầu của thế kỷ. Ông sáng tạo ra thuật ngữ “siêu thực”, khởi xướng quyết liệt trào lưu nghệ thuật hiện đại, kết thân với nhiều nghệ sĩ tên tuổi đương thời, được họ quý trọng. Hiện nay, ông vẫn là một trong những thi sĩ Pháp vĩ đại nhất. Nếu cần dùng từ “lận đận” cho ông, thì ấy là trong tình duyên, dù ông không bừa bãi. Làm lính chỉ vài tháng, ông đã được đề bạt sĩ quan. Do vậy, ông không xao lãng nhiệm vụ nơi tiền tuyến, nhưng vẫn có thời cơ về hậu phương hoạt động văn chương nghệ thuật, thăm thú người yêu và sống những tình cảm thông thường. Tóm lại, ông hoàn toàn làm chủ cuộc đời và sự nghiệp của bản thân, chứ chẳng hề kém cỏi như bài trên VNCA nhận định: “Như vậy, cuộc đời của Apollinaire không phải không có những điều rủi ro tai ách. Bây giờ lại đế lượt sách của ông bị nhìn nhận chưa thỏa đáng”. Quả là cười ra nước mắt câu kết của bài báo: “Âu cũng là số trời. Người lân đận thì dẫu chết cũng chưa hẳn đã… thoát”. Những chi tiết và nhận định vu vơ như thế thỉnh thoảng lại bắt gặp trên các chuyên đề văn nghệ của Báo Công an. Những bài viết như bài của TDM thật không xứng đáng với VNCA, một tờ báo nghiêm túc và giàu tính xây dựng. Chúng ở nấc thấp nhất của báo lá cải, loại báo vốn không được phép khai thác thỏa thích chuyện giật gân câu khách ở mảng đề tài nội địa. Việc chúng được trương trên những ấn phẩm đáng trọng phỏng có lợi gì cho thu nhập và uy tín của bản báo, nhất là cho giới chuyên môn, và ngay cả cho giới ưa hóng hớt, bởi chúng chưa đủ độ “quái quỷ” mà giới này chờ đợi. Suy cho cùng, việc cần lưu ý là quan điểm của người biên tập. Công cuộc lành mạnh hóa truyền thông và văn hóa xin hãy bắt đầu từ những chuyện tưởng chừng vặt vãnh vốn được biện hộ là “tiểu tiết”. Đối với những nhân vật tầm cỡ còn tìm cách mua vui thiếu lành mạnh như vậy, thì với vô số chuyện quốc tế bình thường khác, sự đùa bỡn vụ lợi thử hỏi nguy hiểm tới mức nào?


Nguồn : Tạp chí VHNT số 304, tháng 10-2009

Tác giả : Đồng Thiện Tâm

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *