Dàn giao hưởng âm nhạc truyền thống asean – hàn quốc


Dàn giao hưởng âm nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc được xem dàn nhạc độc đáo chưa từng có trên thế giới gồm 79 nhạc công chơi 52 nhạc cụ truyền thống của 11 quốc gia, gồm 10 nước trong khối ASEAN và Hàn Quốc. Dàn nhạc là khởi động đầu tiên cho dự án Cộng đồng nghệ thuật châu Á thuộc chương trình Phức hợp văn hóa châu Á (Asian Culture Complex – ACC), đảm trách sứ mệnh văn hóa góp phần thúc đẩy âm nhạc châu á tới tất cả mọi châu lục trên toàn thế giới và xây dựng một cộng đồng văn hóa châu Á từ nền tảng của âm nhạc truyền thống.

Bộ VHTTDL Hàn Quốc đã khởi xướng ý tưởng này và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của tất cả các đại diện ngoại giao và văn hóa của 10 quốc gia thuộc khối ASEAN. Các cuộc gặp gỡ trong hai năm qua tiếp tục định hình cho mô hình và hướng hoạt động của dàn nhạc.

Tháng 10-2005, chương trình biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng ASEAN nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập các quan hệ đối thoại giữa Hàn Quốc và khối ASEAN được tổ chức tại Nhà hát quốc gia Hàn Quốc. Cũng từ đây, ý tưởng về một dàn giao hưởng âm nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc được thành hình. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên bàn thảo về các dự án liên kết văn hóa ASEAN – Hàn Quốc, cuối tháng 5-2008, đại diện các nước tham dự đã ký một văn bản thỏa thuận tiến trình hướng tới một nền tảng chung cho việc xây dựng một Ủy ban đại diện âm nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc và một dàn giao hưởng âm nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc. Ban thư ký của Ủy ban này được đặt tại Hàn Quốc và thuộc Bộ VHTTDL nước này. Trong hai cuộc họp tiếp theo về các dự án liên kết văn hóa ASEAN – Hàn Quốc, các bên đã đi đến thống nhất về hình thức, quy mô của dàn nhạc cũng như các quy định, cơ chế hoạt động của nó. Theo đó, sân khấu chính của dàn nhạc sẽ là chương trình Phức hợp văn hóa châu Á (The Asian Culture Complex- ACC) chính thức mở cửa vào năm 2012, là sự kết hợp đa dạng văn hóa cho tương lai châu Á, diễn ra tại đảo Gwangju, Hàn Quốc, trên một diện tích mặt bằng lên tới 128.620m2. Dưới sự thiết kế, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ACC sẽ thực hiện các công việc như sưu tập, lưu trữ, sản xuất, phát triển, nghiên cứu, giáo dục, trình diễn, và triển lãm văn hóa châu Á. Nó được xem như một cuộc gặp gỡ vĩ đại của các nền văn hóa vừa giàu bản sắc vừa duy trì được nhiều nét tương đồng của các quốc gia cùng châu lục. ACC hiện đang xây dựng 5 cộng đồng nghệ thuật, gồm âm nhạc truyền thống khu vực ASEAN, truyện thần thoại và cổ tích khu vực Trung Á, điện ảnh cho khu vực Ả Rập, múa dân gian khu vực Nam Á, và sân khấu truyền thống của khu vực Đông Bắc Á. Thông qua các cộng đồng này, ACC sẽ xây dựng các mạng lưới bao trùm toàn bộ châu lục, kết nối sự đa dạng văn hóa của châu lục thành một mối quan hệ hòa hợp, đem lại một cảm nhận chung về văn hóa châu Á với rất nhiều màu sắc, niềm vui và sự hứng khởi mới về điểm đến chung của thế giới trong thiên niên kỷ thứ ba – châu Á.

Với rất nhiều mong ước như vậy, dàn giao hưởng âm nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc có một vị trí hết sức quan trọng bởi nó là khởi động cho ACC, thành công hay thất bại của chương trình văn hóa châu lục này sẽ được hiển hiện rõ ràng qua hình ảnh của dàn nhạc.

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, dàn nhạc đã chính thức khai trương hoạt động của mình bằng một chương trình biểu diễn đặc biệt nhân hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Hàn Quốc, diễn ra tại đảo Jeju, Hàn Quốc, ngày 1 và 2-6. Sau buổi biểu diễn đầu tiên vào tối 31-5 chào đón các nguyên thủ quốc gia của khối ASEAN và Hàn Quốc, dàn nhạc còn thực hiện một buổi biểu diễn tiếp theo tại Nhà hát quốc gia Hàn Quốc với sự tham gia của 119 thành viên.

11 bản nhạc truyền thống thuần túy hoặc mang đậm âm hưởng truyền thống của 11 nền văn hóa đã được lựa chọn trình diễn. Bản nhạc đại diện của Việt Nam mang tên Việt Nam huyền ảo (Fantasy Vietnam) do nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ. Bản nhạc được giới thiệu như sau: Tình yêu của người Việt Nam là ý tưởng chính của sáng tác này. Tình yêu đôi lứa hay tình yêu giữa con người với con người thể hiện rõ nét nhất truyền thống của Việt Nam. Bất kể sự khác nhau về cội gốc, dòng tộc hay nguyên quán, người Việt Nam tin rằng một khi họ yêu nhau, tâm hồn của họ sẽ thuộc về nhau. Người Việt Nam có bản chất hiền hòa, dịu dàng và sâu sắc. Mặt khác, họ cũng rất giàu tình cảm, lãng mạn và đầy khao khát. Tất cả được thể hiện trong Việt Nam huyền ảo với nhiều giai điệu cuốn hút, gợi cảm và ngôn ngữ âm nhạc đặc biệt… Đây là tiết mục thứ tám của chương trình. Trước đó, chương trình được mở màn với bản nhạc Hàn Quốc Kwae Jina Ching Ching, chuyển soạn từ bài hát dân gian cùng tên gợi nhắc về một vị học giả nghiên cứu các tác phẩm kinh điển Trung Quốc dưới triều đại Chosun. Tác phẩm được chuyển soạn dựa những nét cơ bản của các motip âm nhạc cổ đồng thời diễn giải được sự pha trộn hài hòa của thanh âm mới và cũ của âm nhạc Hàn Quốc. Bản nhạc Japin Laila Senbah (Brunei) thì gợi lên một cách sinh động một điệu múa truyền thống mà người dân nước này hay biểu diễn khi đón khách quý đến nhà chơi. Kèm theo đó, giai điệu của bản Joget Baju Putih lại là giai điệu của tình yêu và sự hấp dẫn của phái tính, kể từ khi một người nam và một người nữ gặp nhau lần đầu tiên cho đến đám cưới vui vẻ của họ. Giai điệu truyền thống này vốn được trình diễn để làm tăng thêm phần giải trí vui vẻ trong suốt buổi tối tại nhà chú rể sau lễ cưới, về sau nó còn được dùng trong lễ đón nhà mới hay khi hoàn thành một lời thề nguyền danh dự nào đó. Hai bản nhạc được trình diễn tiếp nối nhau đã dẫn người nghe tới một sự ngạc nhiên thích thú về giá trị của âm nhạc truyền thống trong đời sống hàng ngày của người dân Brunei, gợi lên một sự tưởng tượng về đời sống tinh thần phong phú của con người nơi đó. Bản nhạc Reverie (Campuchia) cũng mang chủ đề tình yêu đôi lứa, một hành trình lãng mạn của tình yêu dựa trên các mẫu hình âm nhạc Khơme. Đại diện đến từ Indonesia là bài hát Bengawan Solo của ca sĩ và người viết ca khúc nổi tiếng của đảo Java, Gesang Martohartono, năm 1940, thể hiện ấn tượng của tác giả về vẻ đẹp tự nhiên và bản chất của con sông Solo, con sông dài nhất trên đảo Java, Indonesia. Bản nhạc Tap Xoua Fa Din (Lào) tiếp nối chủ đề tình yêu đôi lứa với nhiều nghịch cảnh cản trở và niềm hi vọng, ước mong được đoàn tụ với nhau của hai nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích Paka và Sida của người miền Nam Lào. Seloka (Malaysia) là một sáng tác mới lấy cảm hứng từ 5 bài dân ca tiêu biểu của người Malay, diễn tả niềm vui, mối quan hệ hòa hợp, bằng hữu giữa các nước trong khối ASEAN và Hàn Quốc. Đại diện âm nhạc của Myanmar là bài hát Kyaeletpadaytha. Cái tên này được ghép từ hai từ, Kyaelet có nghĩa là ngôi làng hoặc bài hát dân gian, Padaytha mang nghĩa là đa dạng những khúc hát dân gian. Bài hát này viết dựa trên 5 bài hát dân gian khác; nét đặc sắc là cùng một giai điệu song phần lời rất khác nhau, tùy theo nơi chốn và hoàn cảnh. Orde e (Philippines) biểu lộ niềm vui sướng của những người thân và bạn bè lâu ngày mới được gặp lại nhau. Bản nhạc này được viết trên nền bài hát dân gian của người Kalinga, miền Bắc Philippines và Orde e chính là khẩu ngữ của người dân vùng này khi họ gặp lại người thân, bạn bè sau chuyến đi dài. Đại diện của Singapore chính là bản Singapura mà giai điệu của nó đã trở nên nổi tiếng như một bài hát có tính chất quốc gia của đảo quốc này. Bài hát có nhiều phần lời khác nhau và phần lời đặc biệt soạn riêng cho buổi biểu diễn này miêu tả Singapore như một miền đất của cái đẹp, hòa bình, và màu xanh, một đất nước được tôn trọng và luôn được bảo vệ. Người Thái Lan khoe sự trù phú của một đất nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới qua bài hát Cuộc đời của gạo, bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của mẹ đất và cha trời, sinh người con là gạo. Cuộc đời ấy được lớn lên trong miền đất ấm áp, dưới ánh nắng mặt trời dịu dàng và trong sự chăm sóc của cộng đồng con người.

Buổi trình diễn kết thúc bằng một khúc nhạc viết riêng cho sự ra mắt của một dàn nhạc độc đáo bậc nhất thế giới mang tên Tôi yêu ASEAN: Phần lời là ba từ Xin chào, Tôi yêu bạnCảm ơn bạn thể hiện bằng 11 ngôn ngữ chính của 11 nước, phần giai điệu được viết dựa trên nền tảng của điệu nhạc truyền thống Hàn Quốc Hwimori jangdan kết hợp với giai điệu chọn lọc của 11 nền âm nhạc truyền thống. Tác giả, nhạc sĩ Hàn Quốc Park Bum – Hoon, đã cố gắng gắn kết tất cả trong một “phức hợp” âm nhạc nhằm thể hiện tinh thần và thẩm mỹ của dàn giao hưởng – sự hòa hợp trong các nước châu Á.

Giáo sư Sam Ang Sam, một nhạc sĩ của dàn giao hưởng có nhận xét thú vị về dàn nhạc; ông ví dàn nhạc như một món salad, trong đó hòa trộn của rất nhiều thứ rau quả song mỗi thứ đều vẫn giữ được hương vị riêng của mình. Mặt khác, ông cho rằng dàn nhạc sẽ sáng tạo nên một thứ âm nhạc châu Á song khán giả vẫn có thể trải nghiệm những sự truyền cảm độc đáo của từng nền âm nhạc khác nhau trong mái nhà chung châu Á. Vì vậy, các thành viên trong dàn nhạc sẵn sàng chấp nhận những khác biệt và hoàn toàn không định kiến. Có lẽ vì thế chăng mà tình yêu trở thành chủ đề chủ đạo hầu hết các khúc nhạc được lựa chọn trong buổi đại công diễn khai trương dàn nhạc này.

Việc thành lập dàn giao hưởng âm nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc quả là một sáng kiến lớn, và nỗ lực biến ý tưởng này thành hiện thực cũng là rất lớn lao. Bởi âm nhạc – ngôn ngữ của trái tim giúp xóa nhòa khoảng cách của tất cả các ngôn ngữ khác nhau, và trở thành ngôn ngữ chung của mọi dân tộc, màu da. Dàn nhạc sẽ chứa đựng trong đó văn hóa châu Á và ngôn ngữ chung này hẳn sẽ giúp thúc đẩy châu Á khẳng định bản diện của mình khác hẳn với thế giới phương Tây đồng thời hấp dẫn con người đến từ thế giới ấy.


(theo tài liệu của Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội)


Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Đào Mai Trang

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *