Muôn mặt cõi người qua mùa nobel văn chương 2013


 

Như thường lệ, giải Nobel văn học vẫn thu hút chú ý sâu nặng nhất của cả hành tinh mỗi mùa Nobel thường niên trở lại, vào đầu tháng mười. Về đại thể, điều này là dễ hiểu, bởi lẽ sự phát triển và chất lượng của xã hội phụ thuộc vào tính đích thực và hiệu quả hoạt động của văn hóa, mà văn học là trọng điểm. Chừng một thập kỷ trở lại đây, cuộc đua Nobel văn học được xã hội hóa và toàn cầu hóa không ngừng theo những hình thức đặc biệt. Khởi đầu là cá cược, hoạt động hiện đã vượt khỏi trò ăn thua tiền bạc và phát triển mau lẹ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cuộc đại chúng hóa Nobel đáng ghi nhận ấy làm nảy nở vô số viện hàn lâm bình dân, có viện chỉ một hai viện sĩ, ở hầu mọi chân trời góc bể, âm thầm trao đổi, bàn luận, bỏ phiếu, rồi sơ kết, tổng kết không những cuộc bình chọn Nobel, mà cả nền văn chương nhân loại hiện tại. Qua các mùa Nobel gần đây, văn học đã nghiễm nhiên là công việc chung của văn giới và bạn đọc, của Viện hàn lâm Thụy Điển và công chúng toàn cầu. Nobel văn chương năm nay là một minh chứng sinh động đầy khích lệ cho sự thật đáng phấn khởi sẽ được đề cập.

1. Năm gợi mở từ Nobel văn học 2013

Xét riêng về nội tình giải, tiêu chí và quy trình xem xét tặng giải của Nobel văn học hẳn là khoa học hơn cả. Do vậy, nó vẫn là giải thưởng văn học uy tín nhất trong hàng ngàn giải cùng loại trên khắp thế giới. Thứ nhất, nó chỉ tôn vinh những giá trị đã được khẳng định, ít nhất là trong một phạm vi không gian và thời gian đáng kể. Những giá trị này, như một tín hiệu đáng mừng cho văn chương và văn hóa, cho đời sống xã hội của hầu hết các quốc gia, lại tăng lên không ngừng. Việc chọn mặt gửi vàng của Viện hàn lâm Thụy Điển, cơ quan trao giải, vì vậy không dễ dàng và đơn giản. Phán quyết của Viện vì vậy thường gây sốc, mặc dù trước sau nó cũng là một gợi ý thường khá thuyết phục, về cảm nhận văn học, tức nhìn nhận đời sống nhân loại theo biên niên sử thời đại. Thứ hai, nó hầu không có kẽ hở nào cho sự móc ngoặc giữa các thành viên ban giám khảo và các cây bút hoặc nhà xuất bản sẽ được hưởng vinh quang. Nếu chuyện này đã làm hại nhiều cho không ít giải văn chương hành tinh. ví như giải Goncourt của Pháp, thực chất là sự dàn xếp giữa các nhà xuất bản lớn vì lợi nhuận của họ, sự dàn xếp mà Viện hàn lâm Goncourrt, cơ quan trao giải, buộc phải lặng lẽ chấp nhận, thì trong lịch sử 112 năm của mình, Nobel văn học chưa hề bị vướng vào nỗi hổ thẹn không xứng với sứ mệnh thánh thiện của văn chương, vốn là minh triết và tiếng lòng sâu thẳm nhất của toàn nhân loại. Thứ ba, nó thường không phụ sự mong chờ của công chúng văn học. Hiển nhiên, như trong tất cả các giải thưởng không chỉ trong chữ nghĩa, chủ quan của người bình xét dù muốn dù không vẫn không thể không can thiệp vào việc cân đo đong đếm. Từ đó, sự chuẩn xác của giải đã bị lệch lạc. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là trường hợp Sully Prudhomme (1839-1907), thi sĩ Pháp, Nobel văn chương đầu tiên, năm 1901. Bấy giờ, Lev Tolstoi (1828-1910), đã được ngưỡng vọng như cây đại thụ số một toàn cầu. Song ông không được vinh danh như ông đáng được vậy. Lý do thật tế nhị. Đó hẳn là sự cừu thù giữa Nga và Thụy Điển, vốn đôi lần khiến Thụy Điển bẽ mặt và uất nghẹn. Hôm nay, ngay người Pháp cũng quên thơ ca của Nobel đầu tiên ấy. Còn các Nobel khác vẫn chấn động một bộ phận công chúng, trong một thời khắc nhất định, tựa những lá thư ố vàng hay những bức ảnh chỉ có ở một thời. Thứ tư, nó làm được chuyện cực hiếm mà giải văn chương nào cũng mơ ước nhưng đành bất lực. Ấy là giá trị tài chính. Không giống nghệ sĩ các loại hình nghệ thuất khác, đặc biệt là ca nhạc và điện ảnh, nhà văn thường thu nhập rất khiêm nhường. Tác phẩm càng lý tưởng, tức chất nhân văn, tính hiện thực và độ hiền minh càng sâu đậm, như ý nguyện của Alfred Nobel (1833-1896), cha đẻ của giải thưởng, nó càng kén độc giả và thù lao mà người sáng tác nhận được càng giảm. Trong khi nghệ sĩ ngôn từ đoạt giải Goncourt nhận một ngân phiếu tượng trưng 10 euros, khoảng 250 nghìn tiền Việt, đồng nghiệp của y được đội vương miện Nobel sẽ đem về cho gia đình chừng 1,5 triệu USD, tức khoảng 25 tỷ tiền Việt, một gia tài khổng lồ đối với không ít người hiến mình cho nghệ thuật khó khăn đến tức thở và cao quý đến chết lịm. Thứ năm, từ mấy thập kỷ, công chúng văn học đã thực sự tham gia vào việc nhìn nhận thành tựu văn học toàn thế giới để như cùng bàn bạc thành tâm và dân chủ với Viện hàn lâm Thụy Điển. Bên cạnh trò đỏ đen trên nhiều trang mạng xuất hiện hầu ở mọi hang cùng ngõ hẻm, báo chí ảo toàn cầu rầm rộ nhận xét hay bình phẩm về tác phẩm nọ, cây bút kia mà họ xem là nên được ủy ban Nobel ít ra là để mắt tới. Có thể nói không ngoa rằng hiện nay, đang tồn tại song song hai giải Nobel văn học, một của Viện hàn lâm Thụy Điển, một của độc giả hành tinh, đa số là dân thường. Những Nobel văn học do dân bầu chắc chắn cũng đi vào lịch sử văn hóa như các Nobel hàn lâm. Sự bình chọn Nobel của công chúng, ngày một đông đảo, là một bước phát triển mới, hay dân chủ hóa mỗi ngày thêm sâu rộng, của đời sống văn chương, là những vỉa quặng mới phát lộ, mà không chỉ giới cầm bút, sáng tác và lý luận phê bình, không thể vô cảm…

         2. Chưa bao giờ, văn chương được nhận diện và phán xét trang trọng như hiện thời

Theo quy định của Viện hàn lâm Thụy Điển, quá trình xét tặng giải Nobel được giữ tuyệt mật trong nửa thế kỷ. Cho tới nay, các thành viên của Viện vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy định này. Đã nhiều năm nay, các viện sĩ, sau khi được giới thiệu các ứng viên, đã tổ chức đọc sách trước độc giả đông đảo, để công chúng đánh giá và góp ý. Tên tác giả không được công khai, mà được thay bằng mật mã. Bìa sách cũng là bìa giả. Thế để không thông tin nào của quá trình xem xét giải bị rò rỉ. Bản lĩnh không suy suyển của các vị cầm cân nảy mực thật đáng khâm phục. Cái tâm trong sáng của họ, tất cả vì văn học và công chúng văn học, vì trung thành tuyệt đối với Alfred Nobel, chỉ công kênh những tác phẩm thực sự có lý tưởng, tức những tác phẩm đấu tranh cho lợi ích nhân bản của loài người, cái tâm ấy bền bỉ giữ gìn được sự cao sang tất yếu của giải nói riêng và của văn học nói chung. Xin lưu ý, mỗi mùa Nobel, các nhà xuất bản và truyền thông Thụy Điển dành không ít thời gian và công sức để hỗ trợ việc bình xét giải. Hỗ trợ, chứ không móc nối để kiếm lời! Cộng đồng văn chương Thụy Điển được báo chí ưu ái đặc biệt. Từ đó, các chuyên gia sành sỏi, do theo rõi chặt chẽ hoạt động của văn học thế giới, có thể đưa ra những đoán định nghiêm chỉnh. Năm nay, họ đã đúng khi rút được kết luận rằng, không thể khác, Nobel văn học từ đây sẽ ưu ái các cây bút già, bởi lẽ ở tuổi đó, nghệ sĩ ngôn từ mới đủ độ chín toàn diện để phát ngôn cho toàn nhân loại, đang bị nhấn chìm trong đủ kiểu đểu cáng và bánh vẽ. Độ tuổi trung bình của các nhà văn đoạt Nobel là 64. Họ cũng nhạy bén khi ngay từ đầu mùa giải phát hiện rằng năm nay, Nobel sẽ về tay một cây bút phái đẹp. Nhưng họ không đúng khi tưởng rằng cây bút đó bộc lộ trực tiếp và thẳng thừng khuynh hướng chính trị của mình, như Mạc Ngôn năm ngoái. Thực ra, văn sĩ được vinh danh, Alice Munro, không những biết làm chính trị, mà còn làm rất điêu luyện nữa. Chính trị ấy khẳng định, ngợi ca, bảo vệ nhân phẩm và khát vọng chính đáng của nhân dân lao động, hai tử huyệt mà nếu thiếu đi, thế giới sẽ ô uế, rệu rã và suy tàn.

Các trang mạng cá cược mỗi lúc một nóng và kết quả dự đoán biến đổi từng ngày. Ngày 4-10, trên trang cá cược số một thế giới Ladbrokes, ở Xứ sở sương mù, Haruki Murakami, Nhật Bản, đứng đầu, với tỷ lệ 3/1 (ba người tham gia, thì một bầu cây bút này); thứ 2 là nữ văn hào Mỹ Joyce Carol Oates, 6/1; thứ 3, ngòi bút vàng Hunggari Peter Nadas, 7/1; thứ 4, cùng tỷ lệ 10/1 là nhà thơ Hàn Quốc Ko Un và nữ văn sĩ Algerie Assia Djebar. Hôm trước ngày công bố giải, tức 9-10, trên Ladbrokes, Asia Djebar, 12/1, tụt xuống thứ 10. Ko Un, 10/1, thứ 7. Peter Nadas, 8/1, thứ 5. Joyce Carol Oates, 8/1, thứ 4. Người đứng đầu vẫn là Haruki Murakami, 4/1; thứ 2, cây bút truyện ngắn nữ Canada Alice Munro, 6/1; thứ 3, nữ nhà báo Belarus được coi như nhà văn Svetlana Alexievitch, 6/1. Sang 10-10, trước khi Viện hàn lâm Thụy Điển công bố người trúng giải khoảng một tiếng, Haruki Murakami đã bị Svetlana Alexievitch soán ngôi. Bà này đứng thứ nhất cùng lúc trên hai trang cá cược: 10/6, Ladbrokes, và 3/2, Ubinet. Song cuối cùng, như đã biết, cả Haruki Murakami lẫn Svetlana Alexievtch đều thua cuộc. Trước khi mổ xẻ sự thắng thua ấn tượng này, xin lưu ý một hiện tượng của mùa Nobel 2013 trong mắt giới vốn bị định kiến tiền là tất cả: nhà văn Na Uy Jon Fosse, sinh năm 1959, ứng viên trẻ nhất mùa Nobel năm nay, nhảy vọt từ 100/1, lên 14/1, sau chót là 9/1. Ông đa tài, nhưng thành công hơn cả trong kịch, được hâm mộ đặc biệt ở nước ngoài. Một sự thật phổ biến được ông khám phá. Đó là sự cô đơn của mọi người, sự cô đơn luôn phải đối mặt, khiến họ luôn tìm kiếm, chờ đợi, căng thẳng.

15 nhà văn hiện diện tại nhiều trang mạng cá cược vào phút cuối. Mỗi người mỗi vẻ, họ chỉ kẻ tám lạng người nửa cân và ai cũng xứng đáng được Nobel ghi nhận. Đó là chẳng hạn Milan Kundéra, Umberto Eco, Amos Oz,… những cái tên từng được đề cử nhiều lần. Hoa Kỳ, quốc gia vẫn kêu ca Nobel quên mình từ lâu, có tới ba trưởng lão. Ấy là Philip Roth, sinh năm 1933, một tự vấn về bản tính Mỹ, bản tính chưa thể định hình vì sự xuống cấp của cơ thể và tâm hồn, vì sự hỗn độn vô phương cứu chữa của đời sống nội tâm và ham muốn tình dục, vì nền văn hóa hổ lốn mất phương hướng, vì tham vọng ảo tưởng xóa mù thẩm mỹ… Bên cạnh đó là Thomas Pynchon, sinh năm 1937, một tự vấn đắng cay về ý nghĩa cõi người, cõi không thể sống nổi, nếu còn những cách biệt, khởi từ cách biệt giữa văn hóa thượng lưu và văn hóa lao động. Cũng lừng lẫy toàn cầu như hai vị trên, nữ văn sĩ kiêm giáo sư Joyce Carol Oates, sinh 1938, phơi bày thân phận phụ nữ trong xã hội Hoa Kỳ hiện đại, căn cứ vào sự thật, chứ không theo lối luận đề. Bà tố cáo và lên án sự nô dịch phái yếu vào những giá trị của phái mạnh, qua hình tượng những nhân vật phái đẹp chân thực và không hề bị lý tưởng hóa. Cường quốc như Mỹ được thế đã đành. Song nước nhỏ như Hunggari, hơn mười triệu dân chút đỉnh, mà cống hiến cho nhân loại Peter Nadas, sinh năm 1942, mới đáng vui thỏa. Thành danh rồi, ông lui về sống ở một làng nhỏ và tiếp tục cho ra đời những tiểu thuyết chấn động lương tri cả thế giới. Bằng lối viết hiện thực nghiêm ngặt, ông rung động độc giả ở sự thật rằng cuộc đời chúng ta thật mỏng manh và dễ bị tổn thương vô cùng. Đáng kinh ngạc hơn nữa, nước Albanie với chưa tới 3, 5 triệu dân, nhiều thập kỷ rồi, cất lên một tiếng nói nhân văn khổng lồ: Ismail Kadare, sinh năm 1936. Ông phát lộ một sự thật thường bị lãng quên cố ý hay vô tình: cuộc sống và văn chương luôn tranh đấu với nhau. Thơ ca năm nay vẫn được Nobel trọng thị. Danh sách ứng viên có Adonis, thi hào Syria, sinh năm 1930, không ủng hộ Mùa xuân Ai Cập vì tin nó chưa thật sự vì bình yên và hạnh phúc của quảng đại dân thường; rồi Ko Un, sinh năm 1933, một tiếng lòng Hàn Quốc chan chứa yêu thương, đau đớn, nhưng lạc quan về tương lai an vui, đầm ấm không sao khác được, của bán đảo Triều Tiên, một điểm nóng của hiện tình nhân loại…

3. Những giọt nước mắt mà đời trông thấy, nhưng chưa lau khô được…

Nghe ngóng lẫn nhau, tương tác hay hợp đồng tác chiến giữa các viện sĩ hàn lâm Thụy Điển cùng giới chuyên môn các vùng miền và độc giả đông đúc trên khắp hành tinh, đó là chuyện đã xảy ra trong quá trình bình chọn Nobel văn học? Đích chung cuối cùng phải chăng là sự thật cốt lõi được bóc ra rõ ràng nhất và được thừa nhận tâm phục khẩu phục nhất? Lời đáp cho hai câu hỏi này là khẳng định. Chuyện thật như đùa, từ đầu tháng chín, bỗng trồi lên cái tên Ngugi wa Thiong’o, nhà văn kiêm nhà giáo Kenya, sinh năm 1938, với số phiếu tín nhiệm tăng lên chóng mặt. Trang Ladbrokes liền tạm đóng cửa, vì tưởng thông tin của Viện hàn lâm Thụy Điển đã lọt ra ngoài. Kiểm tra lại thấy không phải vậy, trang này cứ thế để công chúng tung hô ngòi bút thép của Lục địa đen, từng vào tù vì chống lạm quyền, từng viết văn trong tù trên giấy vệ sinh và lề Kinh thánh, từng bỏ viết tiếng Anh mà chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ, từng phải chạy trốn bạo quyền, nhưng nhất thiết từ bỏ vinh hoa phú quý, quay về tổ quốc với đồng bào khốn khổ… Trong những giờ chót, ông vẫn nằm trong tốp mười ứng viên Nobel do độc giả bình chọn. Khuynh hướng cho rằng Viện hàn lâm Thụy Điển thiên về những cây bút đề cập trực diện những vấn đề xã hội chính trị nóng bỏng vậy là dần dần thắng thế. Cho nên, Haruki Murakami, sinh năm 1949, đã bị Svetlana Alexievitch, sinh năm 1948, qua mặt. Ba chục năm nay, Haruki Murakami là nhà văn đúng nghĩa hàng đầu, hòa hợp tốt đẹp những tiêu chí cơ bản của một ngòi bút vì nhân dân, sống hết mình, lao động hết mình, do đó được ngưỡng mộ có lẽ không thể hơn. Văn ông là văn nghiêm chỉnh, nhưng hấp dẫn không kém những cuốn giật gân câu khách. Những phi lý của ám ảnh cô đơn, bất an nô dịch, chấn thương tập thể, tổn thương mất mát định mệnh, được ông gióng lên xiết bao da diết và khắc khoải buồn lòng. Đằng sau những phi lý ấy là những chất vấn về xã hội không thể làm ngơ. May là ông không quan tam mấy tới các giải thưởng!

Ngay đầu mùa Nobel 2013, một số nhà báo và nhà xuất bản đã tỏ ý tiếc cho bậc thày báo chí văn chương người Ba Lan Ryszard Kapuscinski (1932-2007). Ông đáng lẽ phải được Nobel rồi. Nỗi tiếc thương gợi tới một nhà báo gạo cội còn sống mang tên Svetlana Alexievtch. Từ 1985, bà hiện ra như một cơn địa chấn lan tỏa bất tận. Những sự thật chua xót lạ lùng không bảo tàng nào lưu giữ nổi lần lượt được khai quật: phụ nữ Liên Xô ở chiến trường trong Đại chiến hai, quân đội Liên Xô tràn vào Afghanistan, Liên Xô sụp đổ, thảm họa hạt nhân Tchernobyl…, mỗi cuốn sách dưới hình thức phóng sự của bà là một sự kiện. Những đồng lương tư bản đầu tiên được trả bằng lốp xe đạp hay xà phòng; mới thức xếp hàng suốt đêm để mua một tập thơ Akhmatova, nhà bác học sướng đến phát điên vì được tặng một chiếc máy xay cà phê hạt; dự khai trương nhà hàng McDonald’s đầu tiên, nhà bác học ấy đem về cất giữ như báu vật chiếc hòm các tông đựng bánh và những tờ giấy làm khăn ăn… Khi Liên Xô tan rã, nhiều người cộng sản đã tự sát tại nơi làm việc, do trung thành với đảng và sợ bị trả thù… Cha Svetlana thà lui về quê cơ cực, suốt đời quyết không thay lòng đổi dạ với đảng. Công chúng muôn phương cần những sự thật trần trụi như vậy. Và chờ Nobel khuyến khích các nhà văn đi tới tận cùng!

Năm 2010, tổng thống Mỹ Barac Obama tặng thưởng trang trọng nữ văn hào Joyce Carol Oates, vì những đóng góp lớn lao của bà cho văn học. Đây có lẽ là khởi nguồn cho việc Nobel năm nay tìm tới một gương mặt nữ. Báo chí Thụy Điển và nhiều nơi xưng tụng Assia Djebar, cây bút Algerie, sinh năm 1936, tiếng nói đấu tranh cho nữ quyền mạnh mẽ và cuốn hút nhất thế giới, người phụ nữ thứ năm được bầu vào Viện hàn lâm Pháp kể từ 1635, năm Viện ra đời, và mong vương miện sẽ đến với bà. Trong lúc ấy, không ít trang blog cá nhân bàn nhiều về truyện ngắn, và Alice Munro tự nhiên nổi bật. Với trang Voxpublica ở Bucarest, Viện hàn lâm Thụy Điển đã sai lầm khi không trao Nobel cho văn hào Achentina Jorge Luis Borges (1899-1986) và văn hào Mỹ J.D.Salinger (1919-2010), “hai thiên tài truyện ngắn, những truyện ngắn đã thay đổi căn bản nền văn học hành tinh”. Đành rằng, đây là lần đầu tiên, một cây bút truyện ngắn đoạt Nobel văn học, song thể loại chưa bao giờ là điều được cân nhắc trong tuyển chọn. Không bỗng dưng, Alice Munro, 82 tuổi, được coi là Tchekhov (1860-1904) của Canada, thậm chí Tchekhov hiện đại của toàn cầu. Sống cùng gia đình ở ngoại vi một thành phố nhỏ, bà từng vất vả thời thơ nhỏ. Cha chuyên nghề chăn nuôi vịt. Mẹ dạy học. Đã có thời, cha mẹ phải làm thêm cực nhọc xiết kể. Ban đêm, cha bốc vác ở ga xe lửa. Mẹ bán hàng rong từ ga này đến bến xe kia. Cha mẹ cần cù và lương thiện, sao cứ khổ mãi thế? Câu hỏi ấy theo đuổi bà suốt thời thơ dại. Năm mười một tuổi, bà quyết định phải trả lời bằng được câu hỏi đó, và nghề văn đáp ứng được nhu cầu này. Bà đã thử sức với tiểu thuyết, nhưng thấy nó không phải sở trường của mình, nên chỉ chuyên tâm vào truyện ngắn. 14 tập xoay quanh số phận những con người bé nhỏ mà bà thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương tận đáy lòng. Nhân vật của bà thường là phụ nữ, sống ở nông thôn hay các đô thị nhỏ. Cuộc vật lộn của họ cho một cuộc đời tùng tiệm hay dẫn tới những rắc rồi về quan hệ và những xung đột đạo lý. Đặc sắc nổi trội nhất của bà là việc phát hiện những người thừa hiện đại. Họ là những người lao động bình thường, chứ không phải quý tộc và trí thức như ở Nga xưa, không hiểu vì sao mất chỗ đứng dù khiêm tốn nhất dướ ánh mặt trời! Vũ trụ của Tchekhov đã thấm thía với những giọt nước mắt mà đời không trông thấy. Vũ trụ của bà còn thấm thía hơn, với những giọt nước mắt mà đời trông thấy nhưng đành bất lực…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014

Tác giả : Lại Quỳnh Quyên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *