Bản sắc văn hóa, tiếp cận từ trưng bày bảo tàng

“Việc đưa khái niệm bản sắc văn hóa vào các chính sách văn hóa toàn cầu đã được đặc biệt nhấn mạnh trong Hội nghị Quốc tế về lĩnh vực Chính sách văn hóa (1982), trong đó nêu rõ sự bình đẳng và chân giá trị của tất cả các nền văn hóa phải được ghi nhận, cũng như quyền lợi của mỗi cá nhân và cộng đồng trong quá trình khẳng định và gìn giữ bản sắc văn hóa phải được tất cả chúng ta cùng tôn trọng”(1). Bảo tàng, với chức năng là một thiết chế văn hóa – đóng vai trò gì đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa cũng như giới thiệu bản sắc văn hóa trong guồng quay toàn cầu hóa?

         Một trong những mục tiêu cơ bản khẳng định chức năng xã hội quan trọng của mình, bảo tàng phải đóng vai trò là nhịp cầu văn hóa gắn bó cộng đồng các dân tộc trong cùng một quốc gia, tạo cơ hội cho sự giao lưu văn hóa trong phạm vi toàn thế giới. Mục đích của bảo tàng là truyền đạt những câu chuyện văn hóa, thu hút khách tham quan hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần trưng bày của thiết chế văn hóa này. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để các trưng bày bảo tàng thể hiện được bản sắc văn hóa trong yêu cầu bảo tồn, giới thiệu văn hóa địa phương và là cầu nối giữa con người với con người?

         Trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi dựa trên quan niệm bảo tàng học mới của các nhà bảo tàng học Tây Âu và Mỹ. Bảo tàng học mới nhấn mạnh đến những khía cạnh xã hội của các bảo tàng và bảo tàng nên phục vụ xã hội và cho chính sự phát triển của họ như thế nào, nhìn nhận các bảo tàng như những đối tượng của sự thay đổi xã hội mang tính tích cực. Thêm vào đó, bảo tàng học mới nhấn mạnh những mối liên hệ giữa các bảo tàng và những cộng đồng của họ; khuyến khích các bảo tàng trở nên dân chủ, dễ tiếp cận, gần gũi hơn với những nhu cầu cũng như những mối quan tâm của một cộng đồng cụ thể. Hơn nữa, bảo tàng học mới nhấn mạnh đến sự tham gia của cộng đồng trong các bảo tàng không chỉ với vai trò là những khách tham quan mà là những người tham gia bình đẳng trong sự phát triển, hoạt động của bảo tàng.

         Peter Vergo – chuyên gia hàng đầu của Vương quốc Anh về nghệ thuật hiện đại Đức và Áo, chủ biên của công trình “New Museology” đã phân tích: trọng tâm của bảo tàng đã chuyển từ tập trung vào các hiện vật, những sưu tập sang những con người đằng sau các hiện vật và những câu chuyện họ kể về lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội cũng như những vấn đề đương đại (2).

         Trong nghiên cứu về sự phát triển bảo tàng ở Philippin, giáo sư ngành nhân học Ana Maria Theresa P.Labrador (Đại học Ateneo Manila) đã đưa ra vai trò của bảo tàng học mới: “Các nhà khảo cổ và sử học tiếp tục tranh cãi về những giả thuyết về nguồn gốc của đất nước và những thực hành văn hóa chung giữa những dân tộc sống trong biên giới đó. Không giả thuyết nào trong số đó đề cập đến việc người dân sống ở những khu vực này đã hình thành nên bản sắc gì. Tuy nhiên, có nhiều minh chứng cho thấy rằng các bảo tàng cộng đồng ở Philippin, sử dụng những kiến thức bảo tàng học mới làm cơ sở, có thể giúp cho các thế hệ hiện tại và mai sau trong quá trình tạo dựng bản sắc linh hoạt của họ”(3).

         Trong cuộc thi chú thích trưng bày của Liên minh Bảo tàng Hoa Kỳ năm 2013, bài chú thích “Thế giới của người Mvskove” cho phần giới thiệu trưng bày Nơi mang tên Poarch (Bảo tàng bộ tộc Anh Điêng Creek vùng Poarch Atmore, bang Alabama) đã đạt giải nhất:

        Tất cả chúng ta đều muốn biết nguồn gốc của mình, muốn thấy nơi tổ tiên mình sống, muốn tìm hiểu về quê hương đã làm nên hình hài và tâm hồn chúng ta ra sao.

         Hãy bước chân vào những vùng đất của người Mvskove, quê cha đất tổ của người Creek vùng Poarch, lắng nghe tiếng róc rách của dòng sông và tiếng mái chèo vỗ nước. Cách vài dặm bạn đã có thể thấy tiếng vọng của nhịp cối chày (keco và kecupe) giã ngô (vce) cho bữa ăn, ngửi thấy mùi khói của bếp lửa (totkv) cháy đỏ dưới mỗi mái nhà (cuko). Nếu bạn hiểu rõ mình đến từ đâu, bạn cũng có thể biết mình sẽ đến đâu.

           Apokuksci! Hoan nghênh!(4)

         Một thành viên trong Hội đồng Giám khảo của cuộc thi đã nhận xét: khi đọc chú thích này, một câu chuyện sẽ được mở ra và chúng ta hiểu vì sao tham gia hành trình này là quan trọng. Rõ ràng bảo tàng cần mở rộng mối liên hệ với các cộng đồng, các chủ thể văn hóa, đưa cộng đồng ngày càng gắn bó hơn với bảo tàng và quan trọng để bảo tàng luôn gắn liền, phản ánh hiện thực cuộc sống. Bảo tàng phải trở thành một phương tiện cho cộng đồng lưu giữ, giới thiệu bản sắc cũng như xu hướng biến đổi trong văn hóa của họ. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa bảo tàng và cộng đồng là mục tiêu đặt ra ngay từ đầu. Hợp tác giữa cán bộ bảo tàng với các nhà nghiên cứu, nghệ nhân văn hóa địa phương trong việc tư liệu hóa, diễn giải các bộ sưu tập, trưng bày cũng như các hoạt động giáo dục của bảo tàng là vô cùng cần thiết.

         Nhìn nhận bản sắc văn hóa địa phương trong xu thế động là một quan niệm mới. Sự ra đời của bản sắc địa phương được gắn với chuỗi các tiến trình văn hóa, kinh tế, chính trị chứ không phải do nó bị tách biệt khỏi những quá trình này. Bản sắc văn hóa được nhìn nhận theo hướng mở: văn hóa có thể được sinh sôi và đổi mới, mang đến những khả năng thay đổi, tiếp nối mà không chỉ đơn thuần là bản sao của những dạng thức văn hóa mới hoặc cũ (5). Vì vậy, cần thể hiện trong trưng bày sự biến đổi của tiến trình văn hóa này, chứ không đơn thuần là những yếu tố . Nói khác đi, trưng bày không chỉ giới thiệu những “truyền thống bị đóng băng theo thời gian”, mà còn giới thiệu những quá trình của sự sáng tạo và tái tạo văn hóa năng động khi những yếu tố văn hóa địa phương kết hợp với dạng thức văn hóa du nhập” (6).

         Nhiều trưng bày đã thể hiện xu thế động trong văn hóa của cộng đồng. Chẳng hạn như phần “Chuyến đi cuối cùng” trong trưng bày Tiếng nói châu Phi (Voice of Africa) của Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi (Washinton DC, Hoa Kỳ). Câu chuyện trưng bày đề cập đến cuộc sống của người Ga sống dọc bờ biển Gana. Có hình ảnh là chiếc quan tài hình máy bay và phía dưới là chú thích “Tại sao người chết được chôn trong chiếc quan tài hình máy bay? Chiếc quan tài hình máy bay này ban cho người chết toàn bộ quyền uy và thuật thần bí của chuyến viễn du. Những chiếc quan tài được chạm trổ ca tụng tài năng và công việc của người chết. Chúng nối chuyến viễn du thần linh của người chết với niềm vui của một đời đã sống. Mặc dù theo chuẩn mực thì những chiếc quan tài hình chữ nhật là tiêu chuẩn, những chiếc quan tài theo mốt hình xe cộ, động vật, nhà cửa và kinh thánh đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng người Ga”.

         Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các nền văn hóa truyền thống chuẩn bị như thế nào để đối mặt với những biến đổi văn hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng? Bản thân các nền văn hóa dân gian không bao giờ tĩnh tại và không thay đổi; ngược lại, văn hóa bao giờ cũng năng động, vận động không ngừng. Sự sống còn của văn hóa phụ thuộc vào việc tái sinh liên tục, sáng tạo, khả năng thích nghi, thay đổi, cải tổ và chuyển biến. Khi đó, thay đổi không phải là điều gì đó ngoại lai hay đối lập với truyền thống – sự biến dị, sáng tạo và sáng kiến, thay vào đó định ra các đặc tính của các nền văn hóa truyền thống trong khái niệm đương đại. Các giá trị hàm chứa trong một nền văn hóa cụ thể cũng là những viên gạch xây nên ý thức bản sắc gắn bó cội nguồn, hình thành thái độ về cuộc sống gia đình, làm việc và tiêu dùng, định hướng hành vi chính trị khơi dậy hành động tập thể (7).

         Qua thực tế cũng như các công trình nghiên cứu về trưng bày, đã thấy rõ lợi ích để phát triển bảo tàng, cung cấp nhu cầu giải trí địa phương, du lịch khu vực dựa trên bản sắc. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, mà còn là địa chỉ nghiên cứu hiện tại, nhìn nhận về tương lai văn hóa và con người của một địa phương hay một quốc gia, một khu vực. Vấn đề là bảo tàng tổ chức những hoạt động, sáng tạo như thế nào để xây dựng các trưng bày thể hiện rõ bản sắc của cộng đồng. Chúng tôi trích dẫn lời của tác giả Ivan Karp: “Xét từ mọi góc độ, các yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo nên bản sắc có vẻ không phải là người tạo tác hiện vật, cũng không phải là người xem, mà là bản thân người tiến hành trưng bày, những người có quyền năng làm trung gian giữa các bên không liên hệ trực tiếp với nhau”(8).

         _______________

         1. Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quá trình phát triển bảo tàng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với văn hóa và sự phát triển bền vững, UNESCO Paris, 2010, tr.2.

         2. Peter Vergo chủ biên, New Museology, Nxb Reaktion Book, London, 2006, tr.8.

         3. Ana Maria Theresa P. Labrador, Sự phát triển nhảy vọt của Bảo tàng, trong Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong quá trình phát triển bảo tàng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với văn hóa và sự phát triển bền vững, UNESCO, Paris, 2010, tr.106.

         4. Liên minh Bảo tàng Hoa Kỳ, Cuộc thi chú thích trưng bày, 2013.

         5, 6. Christina Kreps, Hỗn hợp văn hóa và ý thức về bảo tàng, Tạp chí Citra Indonesia, số 007/Vol II, tháng 7 -1996, tr.16, 14.

         7. Các Tổ chức liên hợp quốc tại Việt Nam, Văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Hà Nội, 2003, tr.2.

         8. Ivan Karp, Văn hóa và sự thể hiện, trong Trưng bày bảo tàng, Hoa Kỳ, 1999.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : PHẠM LAN HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *