Văn hóa ứng xử của người khơme nam bộ trong tổ chức lễ hội

Hàng năm, người Khơme Nam Bộ tổ chức nhiều lễ hội độc đáo như chol chnam thmay, đôn ta, đua bò Bảy Núi, ok om bok… Đối với người Khơme Nam Bộ, lễ hội có vai trò quan trọng, thể hiện mối quan hệ ứng xử giữa người với người trong xã hội cũng như mối quan hệ giữa con người với thần linh và những người đã khuất.

 

ng x gia người vi người

Người Khơme quan niệm ngôi chùa là nơi gửi gắm nhiều tình cảm từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời, đồng thời cũng là nơi tổ chức các lễ hội, kết nối các cá nhân trong cộng đồng. Vào ngày lễ hội truyền thống, nhiều người dân trong phum sóc tập hợp tại ngôi chùa để cùng tổ chức các nghi lễ như rước đại lịch, đắp núi cát, tắm tượng Phật, tắm sư sãi, cầu siêu, dâng cơm, cúng trăng…

Lễ hội của người Khơme mang tính cộng đồng cao, thể hiện ở sự đồng lòng của mọi người khi chung tay góp sức cả về vật chất lẫn tinh thần, cùng nhau đón nhận những phước lộc mà đức Phật, thần linh, ông bà, tổ tiên… mang đến. Đồng thời, người Khơme cũng rất nhiệt tình tham gia nghi lễ đắp núi cát. Lời tụng niệm của các sư hòa vào âm thanh của dàn nhạc ngũ âm vang khắp ngôi chùa, vọng ra cả phum sóc. Khi sư sãi tụng kinh, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ rước đại lịch, lễ cầu siêu, lễ dâng cơm, lễ tắm tượng Phật… thì những người tham gia cùng đọc theo lời kinh và chắp hai tay trước ngực để lạy Phật. Tất cả đều đồng lòng hướng về đức Phật, ông bà, tổ tiên, những vị thần thiên nhiên… với tấm lòng thành kính, tưởng nhớ và biết ơn.

Vào ngày lễ hội, sau nghi lễ tụng kinh, niệm Phật, dâng thức ăn lên những người đã khuất, mọi người thường cùng ăn một bữa cơm tập thể. “Đó không còn là bữa ăn vật chất đơn thuần mà đó là bữa ăn tinh thần, bữa ăn của tình đoàn kết, của sự thống nhất ý chí và bữa ăn của tình người”(1). Ngày nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, bữa ăn chung ở chùa ít dần, nhưng ở từng gia đình vẫn được duy trì.

Mọi người Khơme dường như quên hết thân phận, hoàn cảnh cá nhân khi cùng tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Trong hội đua ghe ngo, những người tổ chức, người tham gia thi đấu, người đến xem cùng hào hứng hướng về những chiếc ghe ngo. Niềm vui của người chiến thắng trong hội đua cũng là niềm vui của cả đội, cả ghe đua và cả cộng đồng. Chính vì thế, trong thời gian diễn ra lễ hội, những cách biệt về địa vị xã hội, các mâu thuẫn đều được xóa bỏ, thay vào đó là tình cảm thân thiện, nhiều mối quan hệ tốt đẹp đã nảy sinh, phát triển.

Lễ hội của người Khơme cũng là dịp để mọi người sum họp, cùng nghe những người lớn tuổi, sư sãi cao niên thuyết pháp, ôn lại tích xưa về cội nguồn tổ tiên. Những nghi lễ và buổi tụng kinh nhằm giáo dục, nhắc nhở thế hệ sau phải giữ gìn phong tục, truyền thống của dân tộc. “Lễ hội nhắc nhở người ta sự trật tự, sự mực thước hàng ngày” (2). Nghi lễ đắp núi cát trong lễ chol chnam thmay nhằm giáo dục mọi người không được làm điều ác, phải hướng thiện, tích đức cho bản thân và con cháu. Nghi lễ đút cốm dẹp cho trẻ em theo thứ tự từ lớn đến nhỏ trong lễ cúng trăng, nhằm giáo dục con người về tính tôn ty trật tự trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Việc mang thức ăn lên chùa trong lễ dâng cơm cho các vị sư sãi vào ngày lễ chol chnam thmay và lễ sen đolta nhằm nhắc nhở, giáo dục mọi người làm điều thiện. Họ quan niệm rằng càng làm nhiều việc thiện thì núi phước càng cao, và làm phước càng nhiều thì ông bà quá vãng, bản thân họ ở kiếp sau sẽ được sung sướng, hạnh phúc. Trong phạm vi phum sóc, lễ hội là môi trường giáo dục để người lớn, những người có hiểu biết sẽ dẫn dắt, trao truyền phong tục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các cá nhân sẽ cảm nhận được văn hóa cộng đồng qua môi trường sinh hoạt lễ hội, từ đó kế thừa, phát huy và trao truyền cho thế hệ sau.

Tính dân chủ trong lễ hội của người Khơme thể hiện ở sự bình đẳng giữa các thành viên trong cộng đồng, mọi người đều có nhiệm vụ tổ chức và tham gia lễ hội. Khi quyết định các vấn đề liên quan đến hình thức tổ chức lễ hội hay chọn lễ vật, hoặc phân công công việc, từ sư sãi đến người bình dân đều có sự bàn bạc, thống nhất. Mọi người đều chan hòa trong không khí thiêng liêng, hào hứng của lễ hội. Dường như không có sự phân biệt giàu nghèo, tất cả đều bình đẳng tham gia tranh tài, tranh phần thắng, phần danh dự về cho bản thân, gia đình và phum sóc.

Việc lựa chọn các hình thức nghi lễ, chọn thực phẩm dùng làm lễ vật của người Khơme không quá nguyên tắc, cứng nhắc. Trong từng nghi lễ, tên gọi, hình thức chung là giống nhau, nhưng cách thực hiện có thể thay đổi tùy từng nơi. Trong nghi lễ đắp núi cát, không chỉ có cát mà có thể là lúa, gạo hoặc chỉ một ít cát tượng trưng để thực hành nghi lễ. Về phương thức thực hiện cũng rất linh hoạt, có nơi mỗi người tự mang một ít cát hoặc lúa vào chùa trong ngày lễ, có nơi ban quản lý chùa quyên góp tiền trong dân chúng để mua cát vào chùa, thực hiện nghi lễ. Sư sãi, ban quản lý chùa có thể đắp núi cát trước, rồi vào ngày lễ, người dân có thể thắp nhang cầu nguyện. Có chùa lại tổ chức cho người dân tham gia đắp núi cát, tạo không khí vui tươi. Ngoài ra, số núi cát được đắp cũng thay đổi tùy từng chùa, có chùa chỉ đắp một núi trong sân trước chánh điện, có chùa đắp chín núi xung quanh chánh điện…

Ứng xử giữa con người với thần linh và những người đã khuất

Người Khơme Nam Bộ tin rằng có một thế giới thần linh tồn tại, có khả năng điều khiển mọi hoạt động của con người, nên họ sùng bái, thờ cúng các vị thần linh. Thần Arăk, thần Neak ta… là những vị thần có quyền năng quyết định sức khỏe, sự giàu sang của một người cũng như của cộng đồng, phum sóc. Mối quan hệ giữa con người với thần linh là mối quan hệ xin cho. Ngoài những ngày lễ cúng riêng các vị thần, trong dịp lễ hội, người Khơme vẫn dâng lễ vật, cầu xin các vị thần phù hộ cho họ được bình an, mạnh khỏe. Mọi người Khơme đều thành tâm lựa chọn và sắp xếp lễ vật. Họ tin tưởng sự thành tâm là một trong những yếu tố quan trọng để được thần linh ban cho phước lành.

Theo từng nghi lễ mà người Khơme lại dâng những lễ vật khác nhau với những mong ước khác nhau. Trong ngày đầu tiên của lễ chol chnam thmay, sư sãi, người Khơme ở chùa và ở từng gia đình dâng trà, hoa, thắp nhang… tiễn Têvôda cũ, đón Têvôda mới, nhằm cầu mong vị thần bảo hộ phum sóc sẽ mang đến sự bình an, hạnh phúc cho mọi người trong năm mới. Trong các ngày lễ chol chnam thmay, sen đolta, ok om bok, người Khơme dâng nhiều lễ vật khác nhau đến các vị thần đất, thần nước, thần mặt trăng… cầu mong các vị thần tạo mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu.

Trong lễ hội truyền thống, người Khơme quan niệm ma quỷ đã đưa linh hồn ông bà, cha mẹ về nhà đoàn tụ với gia đình, và đón ông bà trở về nơi linh hồn trú ngụ trước khi ra đi vào ngày lễ sen đolta. Do vậy, trong ngày lễ sen đolta, người Khơme Nam Bộ dành riêng phần lễ vật để cúng những vong hồn vô chủ với ý nghĩa vừa ban ơn, vừa bố thí. Thái độ của người Khơme đối với thần linh và ma quỷ không hoàn toàn giống nhau. Với các vị thần linh, người Khơme trân trọng đặt lễ vật lên bàn, thắp nhang cầu nguyện, còn với ma quỷ, họ chỉ mang thức ăn đặt ở ngoài sân, ở ngã ba đường hoặc ở góc chánh điện chùa. Đây là một hình thức ban bố thực phẩm cho những vong hồn vô chủ.

Lễ hội của người Khơme Nam Bộ thể hiện mối quan hệ tôn trọng giữa con người với thần linh cũng như với những người đã khuất. Đối với ông bà, tổ tiên, người Khơme quan niệm rằng “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước còn nguồn mới bể rộng sông sâu” (3). Khi ông bà, tổ tiên qua đời, những người còn sống gửi tro cốt của họ vào chùa. Người Khơme tin rằng, sau khi chết linh hồn sẽ bay về chùa để hàng ngày nghe kinh kệ. Hàng ngày, những người còn sống thường xuyên nhắc nhở, ghi nhớ công ơn người đã khuất. Người Khơme thực hành nhiều nghi lễ để cầu mong linh hồn những người thân được giảm tội (lễ đắp núi cát), sớm được siêu thoát (lễ cầu siêu), có cơm ăn, áo mặc, có tiền tiêu xài (lễ dâng cơm)… Người Khơme quan niệm, thế giới của người đã khuất giống như thế giới của người đang sống, họ cũng cần phải ăn, phải mặc… Trong những ngày lễ hội, người Khơme đều dâng thức ăn, quần áo, tiền, vàng bạc cho người chết để họ có cuộc sống đầy đủ, no ấm ở thế giới bên kia.

Người Khơme xưa “không lập bàn thờ tổ tiên trong nhà, bởi họ đã mang hài cốt người thân mình gởi vào chùa để đến ngày sóc vọng, lễ tết, họ đến chùa cúng bái” (4). Ngày nay, người Khơme ở Nam Bộ vẫn giữ phong tục mang hài cốt những người đã khuất gửi vào chùa. Do ảnh hưởng từ phong tục thờ cúng tổ tiên tại nhà của người Kinh, nên nhiều người Khơme đã lập bàn thờ trong nhà để hương khói và cúng giỗ vào ngày mất của ông bà, tổ tiên, song song với việc mang cơm lên chùa vào các ngày sóc vọng. Vào ngày sóc vọng, lễ dâng cơm, lễ đặt cơm vắt là dịp người Khơme bày tỏ sự thành kính đối với ông bà tổ tiên. Việc thờ cúng chính là cầu nối giữa thế giới hữu hình với vũ trụ thần linh, là sợi dây liên hệ mật thiết giữa người sống và người chết.

Trong lễ hội, sự quan tâm của người sống đối với người chết còn thể hiện qua việc thực hiện một số nghi lễ. Người Khơme đắp núi cát, mong muốn xóa bỏ tội lỗi cho chính bản thân và cho những linh hồn người thân. Với mong muốn được thanh tẩy, họ thường lấy nước thơm rắc lên hài cốt những người đã chết trong lễ cầu siêu, và rắc nước thơm lên người còn sống trong nghi lễ cầu an.

Người Khơme quan niệm dù đi làm ăn, học hành…. xa quê, nhưng đến ngày lễ hội tất cả đều phải trở về gia đình, nơi mình sinh ra để tham gia vào các lễ hội. Thậm chí, những phụ nữ lấy chồng xa, vào ngày lễ hội, ngoài việc mang lễ vật đến chùa gần nơi sinh sống, họ còn mang lễ vật về chùa nơi họ được sinh ra. Bởi lẽ, theo quan niệm của người Khơme, trong ngày lễ hội, linh hồn ông bà, cha mẹ… sẽ trở về tìm con cháu ở những ngôi chùa quen. Nếu trong ngày lễ, họ không đến chùa thì linh hồn những người đã khuất không tìm thấy sẽ buồn tủi, trách cứ con cháu. Do vậy, trong ngày lễ hội, người Khơme vẫn lên chùa, nhờ lời tụng niệm kinh phật của các vị sư sãi để chuyển lễ vật đến linh hồn của những người đã khuất. Việc thực hành những nghi lễ trong dịp lễ hội là thực hành các hành vi giao cảm giữa người đang sống với người đã khuất. Điều này thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên, đồng thời phản ánh ước vọng cầu mong sự giúp đỡ của thần linh trước cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Tùy vào từng loại lễ hội, người thực hiện nghi lễ sẽ có những lời cầu nguyện khác nhau, nhưng tất cả đều bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng thần linh và cầu mong sự che chở trong tương lai. Ngoài việc dâng lễ vật cho ông bà, cha mẹ, họ còn dâng lễ vật và cầu nguyện cho tất cả mọi người. Điều đó thể hiện sự quan tâm của người sống đối với những người đã mất. Ước nguyện “làm sao kéo được các vị thần linh từ trên thượng giới xuống cõi trần gian để sự thờ cúng được dễ dàng hơn, để các vị đó gần gũi dễ thông cảm với người trần thế hơn”(5) là mong muốn được sống gần gũi, được sự trợ giúp của một thế giới vô hình có quyền năng và sức mạnh vô biên.

Văn hóa ứng xử giữa người với người, giữa người với thần linh cũng như với người đã khuất được thể hiện rõ qua các lễ hội của người Khơme. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người Khơme, đồng thời mang lại những chuẩn mực văn hóa giàu tính nhân văn cho cả cộng đồng.

_______________

1, 5. Hoàng Lương, Lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.196, 90.

2. Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Lao động, Hà Nội, 1997, tr.137.

3, 4. Trần Văn Bổn, Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.117, 110.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Nguyễn Thanh Luân

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *