Đình làng thạch lỗi, một công trình kiến trúc độc đáo


 

Là loại hình kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn liền với lịch sử phát triển lâu đời của người Việt, đình làng được xây dựng hầu hết ở các làng, xã của vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Chức năng chính của đình là nơi thờ thành hoàng làng và là nơi hội họp, giải quyết công việc của làng xã. Đình làng Việt có một giá trị văn hóa nghệ thuật to lớn đối với lịch sử của dân tộc. Hải Dương có nhiều ngôi đình đẹp. Tuy nhiên, những ngôi đình độc đáo được xây dựng vào TK XVII, như đình Thạch Lỗi được xếp hạng di tích quốc gia năm 1997, thì không nhiều.

Làng Thạch Lỗi nằm trong thôn Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi, Cẩm Giàng, Hải Dương, đông giáp xã Cẩm Hoàng, nam giáp xã Kim Giang, tây giáp thị trấn Cẩm Giàng, bắc là sông Bùi.

Những người cao tuổi và các nguồn tư liệu đều khẳng định: trước đây khi mới lập, làng có tên là A Lỗi Trang, về sau khi dân cư đông đúc, cuộc sống thịnh vượng làng mới đổi tên là Thạch Lỗi.

Đình làng Thạch Lỗi

Thạch Lỗi là làng lớn, đất rộng, dân đông có truyền thống lâu đời nên từ xa xưa làng đã có cả một hệ thống di tích, đình, chùa, đền, miếu bề thế hơn các thôn, làng trong xã và tổng (1).

Theo lời kể của cụ Phạm Kim Điều, 80 tuổi và tài liệu Sự tích thành hoàng của làng Thạch Lỗi thì trên vị trí ngôi đình ngày nay, xưa kia là một ngôi miếu nhỏ, được tạo dựng để thờ hai nhân vật Lý Quốc Bảo và Vũ Thị Hương (2).

Hơn 300 năm tồn tại của ngôi đình, phần do chiến tranh, lũ lụt, phần do sự tàn phá của con người và nhận thức không đúng về tín ngưỡng với dị đoan, đình Thạch Lỗi đã bị tàn phá, hư hoại nhiều thành phần và cũng đã được tu tạo nhiều lần: “Ngày 21 tháng 5 năm Giáp Tý (1744) đình bị giặc tàn phá, nhân dân phiêu tán, đến năm Canh Ngọ (1750) bắt đầu khôi phục, mua sắm vật liệu, năm Tân Tỵ (1761) sửa đình, chỗ nào dập nát thì tu bổ lại”(3).

Đình Thạch Lỗi nằm trên khu đất rộng 1.092m2, cao thoáng, bằng phẳng, nhìn về hướng nam, ngoài khuôn viên đình là đường làng nối xóm Đông với xóm Tây. Trước mặt đình bên kia con đường nhỏ là hồ đình rộng 9.370m2. Giữa hồ đình có một gò đất tròn mà trong truyền thuyết về phong thủy được gọi là Tam Thai. Phía đông và đông bắc đình là quần cư có tên gọi là xóm Đông. Phía tây đình có nhiều ao nhỏ, tiếp đến là quần cư có tên gọi là xóm Tây.

Cấu trúc mặt bằng đình

“Đình Thạch Lỗi nằm trên một khu đất vuông, cao ráo, thoáng mát, quay về hướng nam”(4). Trên khuôn viên hiện tại, cấu trúc mặt bằng đình được chia thành các lớp trụ biểu, sân đình, tòa tiền tế 7 gian hình chữ nhất, tòa đại đình 7 gian to, 2 gian xép hình chữ đinh. Hậu cung gồm 3 gian nhỏ, được ngăn làm hai lớp không gian. Lớp không gian ngoài hai gian nối thông với đại đình, nơi bày đặt đồ tế khí. Lớp không gian trong một gian là cấm cung, nơi bày ngai thờ, bài vị hai đức thành hoàng. Hai bên sân đình là hai dải vũ, xung quanh đình có tường bao cao 1,2m. Quanh tường bao mở lối vào từ ba phía: phía trước có 3 cổng được hình thành bởi các trụ biểu, hai bên có hai cổng. Theo tài liệu còn lưu lại và lời kể của các bậc cao niên thì đình Thạch Lỗi khi xưa chỉ có các công trình: trụ biểu, tiền tế, đại đình. Như vậy khởi đầu đình Thạch Lỗi có cấu trúc mặt bằng hình chữ nhị, đến đời Nguyễn mới xây thêm hậu cung và hai dải vũ, tạo kết cấu mặt bằng định hình như ngày nay. Đây là dạng cấu trúc không thấy nhiều trong kiến trúc đình làng, vốn thường phổ biến ở dạng chữ đinh.

Đại đình là nơi đặt bài vị các đức thành hoàng và cũng là nơi nghị sự của chức sắc, kỳ mục trong làng. Đến đời Nguyễn, đình mới xây thêm hậu cung và hai dải vũ. Hậu cung xây thêm để đưa bài vị các vị thành hoàng từ đại đình vào. Thậm chí hậu cung còn được chia thành 2 lớp: nơi đặt bài vị, ngai thờ được đóng kín trong những ngày thường (gọi là cấm cung); nơi bày đồ tế khí thông với đại đình. Như vậy, không gian thần quyền và không gian thế tục được tách bạch hơn. Xây thêm hai dải vũ để làm nơi chuẩn bị vật dụng tiến hành nghi lễ cũng là hình thức cụ thể hóa không gian kiến trúc với từng chức năng của nó.

Nhìn chung cấu trúc mặt bằng không gian kiến trúc đình Thạch Lỗi biến đổi qua thời gian. Tất cả cho thấy cách chọn vị thế đặt để ngôi đình, cách xử lý không gian, tạo lập các công trình đều rất hợp lý. Khi ở dạng chữ nhị, nó hài hòa, cân đối với tổng thể không gian, tạo nên cảm giác thông thoáng bốn bề. Khi chuyển sang kết cấu tiền nhất hậu đinh, không gian phía sau có cảm giác bị đóng lại bởi sự chiếm chỗ của hậu cung, nhưng khối công trình hậu cung nhỏ được bố trí khiêm nhường ở phía sau không tạo nên cảm giác nhiều biến đổi cho không gian chung.

Nhìn chung, mặt bằng hình vuông, vị trí cao, không gian thoáng, cách tổ chức các lớp kiến trúc: tam quan, sân đình, tiền tế, đại đình có hình khối, tỷ lệ, độ giãn cách hợp lý, đường đi lối lại lưu thông theo nhiều hướng… đã tạo cho kiến trúc đình Thạch Lỗi sự thoáng đãng, có tĩnh động, chiều sâu, chính phụ, đáp ứng được nhiều chức năng, tạo nên cảm giác nghiêm trang nhưng cởi mở.

Kiến trúc đình

Tòa tiền tế có nền cao hơn nền sân 30cm, thấp hơn nền đường 50cm, gồm 7 gian được tạo dựng theo nguyên tắc sự liên kết của các vì kèo. Thành phần chịu lực là các hàng cột được đặt trên đá tảng. Mỗi vì kèo có 4 cột, cột cái cao 3,93m, chu vi xấp xỉ 150cm; cột quân cao 2,59m, chu vi xấp xỉ 106cm. Cả tòa tiền tế có 32 cột, khoảng cách các cột cái theo chiều dọc là 3,2m, chiều ngang là 3,7m, khoảng cách từ cột cái đến cột quân là 2,25m, chiều cao của ngôi đình là 5,68m (tính từ nền đình đến thượng lương). Các vì kèo liên kết với nhau bởi hệ thống xà ngang, xà dọc, con rường, kẻ, bẩy, tạo thành bộ khung vững chãi. Ráp nối các thành phần kiến trúc là mộng luồn, mộng thắt, mộng mang cá… Mái tòa tiền tế rộng bằng 2/3 chiều cao của ngôi nhà và được làm theo kiểu tầu đao, mái lá thoải dần, 4 đầu đao vuốt vút dần lên ở bốn góc.

Cùng nằm trên một trục với tòa tiền tế, cách khoảng 2,5m về phía sau, tòa đại đình có quy mô 7 gian và 2 gian xép. Công trình này cũng tạo dựng theo nguyên tắc sự liên kết của các vì kèo bởi hệ thống xà ngang, dọc, trên, dưới, ngưỡng, con rường, kẻ, bẩy. Tòa đại đình có 6 hàng cột, toàn bộ công trình có 60 cột, cột cái cao 3,66m, chu vi xấp xỉ 152cm; cột quân cao 2,67m, chu vi xấp xỉ 150cm, cột hiên cao 2,20m. Kết cấu một vì kèo của đại đình có 6 hàng cột, các cột liên kết với nhau bởi con rường, kẻ, bẩy, kẻ hiên, và bẩy hiên. Hệ thống vì nóc có kết cấu theo kiểu chồng rường, đấu vuông trơn, xen lẫn đấu vuông tròn. Khoảng cách giữa các cột cái theo chiều ngang là 3,8m; từ cột cái đến cột quân là 1,8m, từ cột quân đến cột hiên là 1,3m. Ba gian giữa của đại đình có diện tích bằng nhau nên khoảng cách các cột theo chiều dọc là 3,2m. Các gian bên phải trái nhỏ hơn nên khoảng cách các cột theo hàng dọc là 3,05m. Hai gian xép ở hai đầu hồi có khoảng cách 2 cột là 1,4m.

Kết nối các thành phần kiến trúc ở đây là mộng luồn, mộng xập, mộng thắt, mộng mang cá. Mái toà đại đình rộng và thấp hơn mái tòa tiền tế. Theo dấu vết còn lại, đại đình trước đây có hệ thống sàn gỗ và ván bưng chạy xung quanh. Mặt trước của đại đình là hệ thống cửa bức bàn. Hệ thống ván bưng và sàn đình đã bị Pháp tháo rỡ vào khoảng 1947 – 1949.

Trang trí ngoại thất đình

Trang trí ngoại thất đình Thạch Lỗi có ở nhiều đơn vị, thành phần kiến trúc: trụ biểu, tiền tế, đại đình, hậu cung. Trước đây trang trí còn có ở cổng đình với đề tài rồng mây, hổ, hạc, nhưng nay cổng đình không còn nữa.

Trang trí ngoại thất tòa tiền tế, trên bờ nóc (phần trên sát hàng ngói nóc) là một khối vữa thằng, dày xấp xỉ 10cm với chức năng kết nối, đè hàng ngói nóc tạo sự chắc chắn, bền vững, chống thấm nước, gió bão. Để làm đẹp bờ nóc, nghệ nhân đã dùng gạch trang trí màu đỏ hoa văn hoa thị cấy thành hàng, tạo nên sự cong võng đều từ hai đầu vào giữa. Trên nóc mái ở khoảng giữa có đắp nổi hình hai con rồng chầu mặt trời gắn kính màu đỏ hoa văn bao quanh tượng trưng quầng hào quang. Hai con rồng có khúc uốn nhịp nhàng được đắp bằng vữa, gắn mảnh gốm màu. Đầu rồng ngẩng cao, bờm dựng lên, miệng há rộng, chân bám trên bờ nóc. Ở đầu hai bờ nóc (tức đỉnh hồi) có hai con kìm đứng chầu vào. Cách sắp xếp hình trang trí trên đỉnh nóc có tĩnh có động, cân bằng, đăng đối.

Bốn bờ mái của hai mái đình sau trước đều có một đoạn thằng lao từ đỉnh hồi xuống (khoảng 1/3 mái nhà), đột ngột chuyển hướng ra hai bên, rồi lao dần xuống để cong dần lên đến đỉnh đầu đao, tạo nên điểm gãy trên bờ mái. Để hóa giải điểm gãy chối mắt này, người thợ đã tạo hình một con xô lao theo bờ mái rồi nghẹo đầu, nhao mình về phía trong mái đình. Bên dưới điểm gãy là một con nguỷnh lao theo đường rẽ của bờ mái về phía mái nhà nhìn xuống phía sân. Các con xô, con nguỷnh được tạo dáng gợi sự động khá thành công (đầu lao về trước, mình cong, chân rướn). Những đường nét khúc triết trong diễn tả khối hình đã xác lập rõ nét hình thể sự vật trong không gian rộng, nhiều ánh sáng. Đây là thành công khác biệt so với các nhóm tượng trang trí trong khuôn viên ngoại thất đình.

Đầu đao tòa tiền tế đình Thạch Lỗi là những khối cong vươn lên (tùy theo tưởng tượng của mỗi người: nó là mũi thuyền rồng, bông hoa móng rồng xòe nở…). Để tạo dáng và làm đẹp phần kiến trúc này các nghệ nhân đã biến đầu tầu đao gỗ thành hình đầu một con chim. Phần vươn lên của đầu đao được đắp bằng vữa, gắn mảnh ngói, thể hiện rõ các lớp mang ý thức trang trí (các mẩu ngói được dán xếp thành nhiều lớp với tỷ lệ thu đều lên phía trên đỉnh đao). Đầu đao nhỏ dần cong xoắn lên như những cánh hoa. Cũng ở vị trí đầu đao trên bờ mái hướng lên nóc đình là hình ảnh một con xô, con sóc nhỏ được tạo dáng có hướng chuyển động lên trên (ngược chiều với con nguỷnh lao xuống) để phù hợp và ăn nhập với khối hình, nhiều đường nét thanh nhỏ ở đỉnh đầu đao, các con vật này chủ yếu được diễn tả bằng nét.

Đầu hồi đình có nhiều trang trí hình con xô trên bờ mái, đầu rồng trên đỉnh vỉ ruồi. Đầu rồng này được đắp mắt mở to, hai chân trước xòe rộng bám vào hai bờ mái. Tại điểm gãy của bờ mái đồng thời cũng là hai điểm của cạnh dưới bức vỉ ruồi là hai nhóm hình con xô nô đùa vờn giỡn nhau. Vỉ ruồi ở đầu hồi được tạo tác bằng gỗ, trên đỉnh chạm khắc hình mặt hổ phù với những nét diễn tả khá chi tiết.

Nhìn chung trang trí ngoại thất mái tiền tế đình Thạch Lỗi được thực hiện theo đồ án trang trí đường diềm có điểm nhấn có trung tâm. Nguyên tắc cân đối là thủ pháp được tuân thủ triệt để. Việc trang trí của công trình này luôn gắn liền với các thành phần kiến trúc, tạo nên sự cân đối, hài hòa với kiến trúc cả về tỷ lệ và màu sắc chất liệu. Nó đã khiến không gian mái tòa tiền tế hết sức sinh động. Đứng ở các điểm nhìn khác nhau (cửa đình, hai đầu hồi, góc chéo) ta đều cảm thấy những vẻ đẹp có sức cuốn hút gây ấn tượng.

Đại đình đứng ở phía sau, song song với nhà tiền tế và có kích thước lớn hơn. Nét khác của mái đại đình so với mái tiền tế là có thêm phần mái hiên. Những đặc điểm cơ bản trên làm cho khối mái đại đình khi nhìn thẳng từ phía trước đến bị khuất lấp bởi mái nhà tiền tế. Và nó có cảm giác nặng nề hơn.

Cách thức trang trí ngoại thất tòa đại đình vẫn theo cách thức trang trí ngoại thất tòa tiền tế, đó là đồ án trang trí đường diềm các cạnh của bờ mái, bờ nóc. Tại các điểm đầu hai bờ nóc, phần giữa nóc, điểm gãy của bờ mái phía đầu hồi và các đầu đao đều được tạo hình trang trí, các hình trang trí ở các vị trí trên là: con kìm ở hai đầu hồi đỉnh nóc, rồng chầu mặt trời ở phần giữa nóc và con xô, con nguỷnh ở điểm gãy bờ mái.

Trang trí đầu hồi đại đình, đầu rồng nhìn thẳng, hai chân trước xòe ra bám vào bờ mái. Bên dưới đầu rồng lại chạm gỗ thủng, đường nét mờ chìm chỉ đủ để gợi hình (có lẽ do chất liệu gỗ tồn tại đã lâu năm trong nắng mưa nên hình chạm đã bạc mốc và mờ). So với tòa tiền tế, phần mái của tòa đại đình rộng hơn dẫn đến bờ mái dài hơn và độ cong từ điểm gãy đến đầu đao cũng lớn hơn, nghĩa là tỷ lệ giữa đoạn bờ mái thẳng với bờ mái cong không hài hòa như bờ mái tiền tế. Đặc điểm và cũng là điểm yếu của tỷ lệ, thẩm mỹ bờ mái đại đình hiện rõ khi ta so sánh với tỷ lệ và thẩm mỹ bờ mái tiền tế đứng song song.

Kỹ thuật và nghệ thuật trang trí không gian trên mái đại đình có nhiều nét tương đồng như bờ mái tòa tiền tế. Sự hạn chế thể hiện rõ ở nghệ thuật tạo dáng hình con xô, con nguỷnh, con kìm. Các khối lớn (mình, đầu) con vật không khúc triết, mạch lạc mà diễn tả chi tiết, lạm dụng yếu tố nét, vê tròn các mép chuyển diện… Kỹ xảo này hạn chế đi khả năng định hình của sự vật trong không gian nhiều ánh sáng.

Khối của các đầu đao đại đình do ăn theo kiến trúc nên cũng lớn hơn đầu đao tòa tiền tế. Trang trí ở đây đồng dạng với trang trí đầu đao tiền tế nhưng nhiều chi tiết hơn.

Do vị trí của tòa đại đình nằm ở phía sau tòa tiền tế nên hiệu quả thẩm mỹ trang trí tòa đại đình bị hạn chế đi nhiều, đặc biệt ở điểm nhìn chính diện.

Đề tài trang trí chạm khắc có rồng, mây, hoa, lá, cảnh ngựa lồng, trâu húc nhau, con cua con cá. Các mảng chạm khắc khá công phu với các hình thức chạm nông, chạm lộng, chạm thủng.        

1.

 

2.

 

2.1.

 

2.2.

 

2.3.

 

2.4.

 

Qua hơn 300 năm, dù có nhiều biến đổi, nhưng đình làng Thạch Lỗi về căn bản vẫn giữ được những giá trị văn hóa nghệ thuật căn cốt của nó. Đó là nghệ thuật chọn vị trí không gian để xây dựng công trình và khả năng phối tạo công trình trở thành tác phẩm gắn bó và làm đẹp hơn lên cảnh quan tự nhiên; nghệ thuật tạo dựng các công trình phục vụ thiết thực các nhu cầu sử dụng của con người một cách tiện ích; nghệ thuật trang trí gắn liền với không gian kiến trúc và chức năng sử dụng của mỗi thành phần kiến trúc; kiến trúc và trang trí nhiều thành phần, được thực hiện bởi nhiều thủ pháp, kỹ thuật, kỹ xảo khác nhau, nhưng gắn kết thành một quần thể có chiều sâu, có sức sống.

Những yếu tố, tính chất trên gắn bó, nâng đỡ nhau để công trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí đình làng Thạch Lỗi trở thành một công trình thiết thực, hữu ích cho đời sống cộng đồng cư dân Thạch Lỗi và cả nước.

_______________

1. Ngô Vi Liễu, Địa dư huyện Cẩm Giảng, Nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1931.

2. Theo truyền thuyết lưu truyền ở trong dân, thần tích thành hoàng bản xã và theo sách Hải Dương di tích và danh thắng thì Lý Quốc Bảo là con của Lý Thiên Bảo và bà Vũ Thị Thùy (ông Lý Thiên Bảo là em trai của vua Lý Nam Đế).

3. Văn bia khắc vào năm Cảnh Hưng 23 (1762) nay còn trong nội thất tòa tiền tế đình Thạch Lỗi.

4. Xem Hồ sơ đình Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng (từ tháng 1-1968, Cẩm Bình gồm hai huyện Cẩm Giảng và Bình Giang sáp nhập, Hải Hưng gồm hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập).

Nguồn : Tạp chí VHNT số 362, tháng 8-2014

Tác giả : Nguyễn Sơn Tùng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *