Ảnh hưởng của luật nhân quả đến đời sống tinh thần người dân

Phật giáo ra đời từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng nhân loại, và khi du nhập vào Việt Nam đã có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Một trong những nội dung căn bản có sự ảnh hưởng lớn là triết lý về luật nhân quả. Luật nhân quả trong triết học Phật giáo ảnh hưởng đến nhận thức, tình cảm, thái độ, động cơ, ý chí, nhu cầu, niềm tin và cách ứng xử trong hoạt động, quan hệ xã hội ở từng dạng thức hoạt động thuộc đời sống tinh thần người dân Việt Nam.


Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân là ảnh hưởng của một hiện tượng tinh thần (tôn giáo) đến một hiện tượng tinh thần của một cộng đồng người. Đây là sự ảnh hưởng của cái bên ngoài (ngoại sinh) đến cái bên trong (nội sinh) thuộc văn hóa, thuộc đời sống tinh thần người dân đã có trong quá trình sinh sống và tồn tại. Theo đó, có thể tiếp cận ảnh hưởng của luật nhân quả trong Triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân ở nước ta trên một số khía cạnh chủ yếu sau:

Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân với tính cách là một bộ phận thuộc hệ thống triết học phương Đông

Tiếp cận ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân nước ta còn ở phương diện triết học – thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan, thuộc đời sống tinh thần là chủ yếu. Thế giới quan, phương pháp luận trong luật nhân quả ảnh hưởng đến đời sống tinh thần người dân cũng qua thế giới quan, phương pháp luận trong Phật giáo với tính cách là một hệ thống triết học.

Luật nhân quả trong triết học Phật giáo lưu lại trong đời sống tinh thần người dân những nét duy tâm và duy vật lẫn lộn nhau. Nét duy vật là khi cho rằng không có dấu ấn của một lực lượng siêu nhiên sáng tạo ra thế giới. Tư tưởng vô tạo giả, sắc – không, không – sắckhổ hiện tại do kiếp trước rất mờ nhạt dấu hiệu của thế giới quan duy tâm. Tuy nhiên, nội dung duy vật ấy chưa triệt để, bởi trong đó còn ẩn dấu của thế giới quan duy tâm. Biểu hiện thế giới quan duy tâm là việc bàn đến kiếp trước, đến niết bàn – thế giới không có trong hiện thực và sự phân chia thế giới thành trần gian, địa ngục, niết bàn. Về bản chất thế giới quan, có thể thấy rõ sự lẫn lộn giữa duy vật và duy tâm. Khi ảnh hưởng đến đời sống tinh thần người dân nước ta, cũng có những biểu hiện của sự lẫn lộn ấy. Góc độ duy vật biểu hiện trong tư tưởng giáo dục con người ở thiện để đời sau không vướng vào khổ, do luật nhân quả quy định, như quan niệm: đời cha ăn mặn, đời con khát nước; gieo gió gặt bão. Trong mỗi nội dung này cũng có mặt duy tâm, biểu hiện ở định hướng sống thiện để sau khi chết lên cõi niết bàn. Những hiện tượng làm lễ cầu siêu cho người chết thể hiện bóng dáng của thế giới quan duy tâm rất rõ.


  Chùa Trấn Quốc. Ảnh Hồng Ánh

Luật nhân quả trong triết học Phật giáo ảnh hưởng đến đời sống tinh thần người dân nước ta cả tinh thần biện chứng và siêu hình. Về tinh thần biện chứng là ở nội dung về luân hồi – quả báo, thập nhị nhân duyên, nghiệp… Có thể thấy, từ thời cổ đại, tư tưởng về thập nhị nhân duyên đã hé mở về tư tưởng biện chứng với nhiều nguyên nhân tạo ra kết quả và một nguyên nhân ảnh hưởng đến nhiều kết quả. Nội dung này ghi dấu ấn, lưu lại trong lịch sử quan niệm về sự chịu khó tu tâm và khuyên dạy con người tu để thoát ra khỏi vòng luân hồi. Nó có sức mạnh lớn về mặt tinh thần để điều chỉnh suy nghĩ, hành vi con người. Tính chất siêu hình thể hiện ngay trong luật nhân quả, cũng như hệ quả từ luật này đến các quan niệm khác trong triết học Phật giáo là ở biện chứng vòng tròn của luân hồi, các kiếp, đầu thai… Trong quan niệm của người dân nước ta vẫn tồn tại những dấu ấn của các nội dung trên trong hoạt động, giao tiếp, quan hệ thuộc đời sống tâm linh khá điển hình.

Ở mặt nhân sinh quan, luật nhân quả trong triết học Phật giáo có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến đời sống tinh thần người dân. Mặt tích cực là hướng thiện trong giáo dục, bố thí, kỵ sát sinh… Mặt tiêu cực là hướng con người tìm hạnh phúc ở thế giới bên kia (sau khi chết), chấp nhận khổ trên trần gian để hy vọng vào sự sung sướng, hạnh phúc ở kiếp sau. Những dấu hiệu của tình cảm, thái độ, niềm tin về hạnh phúc kiếp sau, chấp nhận, nhẫn nhịn đau khổ trong hiện tại là biểu hiện của ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến thái độ, hành vi thui chột đấu tranh trên hiện thực.

Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân nước ta trong quan hệ với các ảnh hưởng của các tôn giáo khác

Luật nhân quả xâm nhập vào Việt Nam sớm và liên tục, trong đó nhánh Đại thừa có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tinh thần của người dân. Sự ảnh hưởng ấy do nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là lý thuyết Đại thừa (với tính chất là cỗ xe lớn) rất hấp dẫn với người Việt Nam. Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân nước ta theo cách thức truyền giá trị là cơ bản. Truyền giá trị là cách thức mang đặc trưng của văn hóa, tôn giáo trong quá trình giao lưu, giao thoa, tiếp biến. Truyền giá trị đối lập với cách thức có tính áp đặt, có hậu thuẫn của chính trị hay quân sự. So với các tôn giáo hay lý thuyết khác như Nho giáo, Kitô giáo…, thì Phật giáo, cũng như luật nhân quả trong triết học Phật giáo, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần con người Việt Nam không có hậu thuẫn của chính trị. Mặc dù Phật giáo phản ánh xã hội phân chia đẳng cấp, giai cấp và với mục đích là giải phóng con người thoát khỏi khổ, nhưng không bằng cách mạng xã hội, mà bằng tâm lý cá nhân, tự giải phóng bằng hy vọng ở kiếp sau. Các môn đồ của Phật giáo truyền đạo cũng không thực hiện mục đích và không cần đến hậu thuẫn của chính trị, quân sự.

Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân nước ta còn mang đặc trưng của sự cạnh tranh với ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác, trong đó nổi bật nhất là với Nho giáo, Kitô giáo. Nhưng sự ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân nước ta rất sâu đậm. Đã có cả một thời kỳ khá dài Phật giáo trở thành quốc giáo, hệ tư tưởng của dân tộc.

Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân được khúc xạ Việt hóa

Luật nhân quả trong triết học Phật giáo ảnh hưởng đến đời sống tinh thần người dân từ nhận thức đến thái độ, niềm tin và hành vi ứng xử trong hoạt động, quan hệ xã hội thuộc đời sống tinh thần con người. Nhận thức của các phật tử lan rộng ra các cá nhân con người trong cộng đồng ngày càng sâu rộng. Quá trình lan tỏa ấy là thay đổi thái độ, niềm tin có tính bản địa (gốc) của người dân nước ta. Sự mở rộng của những người theo đạo Phật lớn lên thì các lễ hội và thiết chế, chùa chiền cũng được xây dựng nhiều lên.

Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân Việt Nam bị “khúc xạ qua phương thức Việt hóa” các nội dung, giá trị. Nội dung giá trị Phật giáo nói chung và luật nhân quả nói riêng qua phương thức Việt hóa làm cho nó không còn nguyên nghĩa gốc. Tính chất cá nhân, tâm lý đơn thuần thành tính dân tộc, tinh thần yêu nước mang dáng dấp của chính trị, thậm chí quân sự. Vấn đề kỵ sát sinh trong luật nhân quả có tính tuyệt đối, tiêu cực đã thành sắc thái văn hóa dân tộc Việt Nam là sẵn sàng đánh giặc bảo vệ dân tộc. Những Phật tử tiêu diệt nhiều quân địch, anh dũng hy sinh vẫn không bị coi là vi phạm điều kỵ sát sinh của Phật, mà còn được tôn vinh trong lịch sử. Khi đã Việt hóa thì tư tưởng giết một kẻ ác cứu muôn người vẫn được coi là thiện.

Xã hội Việt Nam trong lịch sử xuất hiện tam giáo đồng nguyên, đồng quy giữa Phật – Nho – Lão giáo. Các tôn giáo này có xuất xứ từ các dân tộc khác nhau, nhưng không diễn ra xung đột kiểu chiến tranh tôn giáo mà là cùng tồn tại trong tính thống nhất với nhau. Nguyên nhân cơ bản là do tất cả các tôn giáo nước ngoài xâm nhập, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần con người dân tộc ta đều bị Việt hóa để có nét tương đồng với tín ngưỡng, truyền thống, bản sắc văn hóa Việt. Mặc dù vai trò, vị trí các tôn giáo ấy ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau là khác nhau, nhưng khi được lựa chọn là hệ tư tưởng vẫn không loại bỏ tôn giáo kia một cách cực đoan.

Ảnh hưởng của luật nhân quả trong triết học Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân nước ta diễn ra theo quá trình lâu dài, cùng với tiến trình phát triển lịch sử. Với cách nhìn biện chứng, lựa chọn các hạt nhân hợp lý trong triết lý Phật giáo, nội dung luật nhân quả đã phần nào làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tâm linh và điều chỉnh hành vi của người dân Việt. Triết lý Phật giáo với những giá trị nhất định, hiện nay đã và đang có những bước phát triển mới, gần gũi, giao thoa với đời sống tinh thần, truyền thống đạo đức dân tộc. Những nội dung chuẩn mực, giá trị đạo đức, tâm lý, cách ứng xử, giáo dục theo luật nhân quả trong triết học Phật giáo, không chỉ về lý thuyết, lý luận, mà rất phổ biến trong đời thường của con người. Trong hệ thống các hoạt động thuộc đời sống tinh thần, tâm linh nói chung thì hoạt động Phật giáo chiếm tỷ lệ khá lớn. Các lễ hội Phật giáo tuy không rầm rộ, nhưng không chỉ tồn tại ở phạm vi các chùa chiền, mà vẫn lắng đọng trong chiều sâu tâm thức gia đình, con người Việt.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : TẠ THỊ NGỌC LAN

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *