Ánh sáng, màu sắc trong nội thất nhà ở

Trang trí nhà ở từ lâu đã trở thành nếp sống của các thành viên trong xã hội – một nếp sống văn minh, hiện đại, nhưng vẫn mang những yếu tố truyền thống của từng dân tộc. Thiết kế nội thất nhà ở phải đề cập đến mọi vấn đề liên quan như tâm sinh lý, văn hóa giao tiếp, ứng xử, phong tục, tập quán của từng nơi. Thiết kế nội thất ngoài những yếu tố cơ bản như đường nét, hình khối, chất liệu để thiết kế những đồ dùng, vật dụng hợp lý cho nhu cầu sinh hoạt thì việc sử dụng ánh sáng, màu sắc là một yếu tố quan trọng tạo ra một không gian tốt để làm việc, thư giãn, nghỉ ngơi và vui chơi…


1. Ánh sáng trong thiết kế nội thất

Nguồn sáng và ánh sáng

Nguồn sáng tự nhiên là loại nguồn sáng được phát ra từ những thực thể trong tự nhiên như mặt trời, mặt trăng, các vì sao…, được áp dụng trong thiết kế nội thất thông qua hệ thống cửa, giếng trời, ô ánh sáng… Mặc dù chúng ta không thể trực tiếp điều chỉnh được cường độ của loại ánh sáng này nhưng có thể áp dụng khoa học công nghệ sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như tấm gương, kính trắng và màu… để lựa chọn màu sắc phù hợp trong trang trí nội thất. Nguồn sáng tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế nội thất chuyên nghiệp. Nó tạo nên những vùng sáng tối đối lập và thể hiện được cái hồn của đồ vật trong mỗi căn phòng thông qua việc tạo bóng đổ cho các đồ vật.

Nguồn sáng nhân tạo là nguồn sáng do con người tạo ra để đem lại ánh sáng trong công trình như đèn điện, nến, sợi đốt, halogen, huỳnh quang… Với nguồn sáng này, chúng ta có thể dễ dàng điều chỉnh cường độ màu sắc bằng cách sử dụng các loại đèn khác nhau tại bất cứ vị trí nào trong căn phòng. Nguồn sáng này ngoài việc đem lại ánh sáng cho căn phòng những lúc trời tối thì việc kết hợp các màu sắc, vị trí lắp đặt sẽ tạo cho căn phòng trở nên đẹp, sang trọng, phong cách hơn và tạo một không gian rất riêng cho mỗi công trình.

Ánh sáng trực tiếp là loại ánh sáng đi thẳng từ nguồn sáng đến các vật thể cần chiếu sáng, ánh sáng đi qua cửa kính trong suốt cũng được coi là ánh sáng trực tiếp. Ánh sáng trực tiếp có cường độ mạnh nên hiệu quả chiếu sáng cao tạo nên bóng đổ rõ sắc nét nhưng lại gây ra cảm giác không thoải mái cho người sử dụng.

Ánh sáng gián tiếp, còn gọi là ánh sáng phân tán (khuếch tán) là ánh sáng được khuếch tán qua một môi trường khác như đám mây, rèm cửa, tường nhà… Loại ánh sáng này có cường độ chiếu sáng yếu, dịu nhẹ.

Hướng chiếu của ánh sáng có thể từ trên xuống với góc nghiêng từ 400 – 600 so với mặt phẳng ngang, ánh sáng chiếu từ dưới lên thường tạo ra những không gian ấn tượng khi sử dụng tại phía dưới chân cầu thang hay kết hợp hai dạng chiếu sáng trên để tạo nên một không gian kiến trúc nhiều chiều.

Các phương pháp sử dụng ánh sáng

Chiếu sáng toàn cảnh: ban ngày, có thể thực hiện việc chiếu sáng này bằng cách lấy ánh sáng qua hệ thống các cửa sổ. Vào buổi tối, với mục đích thay thế hay bổ sung cho nguồn chiếu sáng tự nhiên, cần bố trí ánh sáng đều khắp, độ sáng vừa phải, không chọn các màu ánh sáng quá nóng bằng cách dùng hệ thống đèn trần.

Chiếu sáng tập trung: trên nền ánh sáng dịu nhẹ, ta có thể sử dụng những dải sáng để tạo nên vẻ đẹp nổi bật hay linh thiêng cho không gian. Lúc ban ngày chỉ lấy nguồn ánh sáng tự nhiên rọi trực tiếp qua các ô cửa kính nhỏ cũng đủ tạo nên những vệt nắng kỳ ảo cho các không gian phụ như sảnh tối, chân cầu thang, bếp. Vào buổi tối có thể sử dụng các loại đèn tường, đèn bàn, đèn chiếu nhỏ có khớp xoay hướng chiếu để tạo hiệu quả. Tuy nhiên chỗ đọc sách, làm việc thì thường dùng bóng đèn sợi đốt để ánh sáng tập trung nhất.

Chiếu sáng làm nổi bật: khi cần đánh dấu nhấn chi tiết kiến trúc, bảng hiệu logo, các vật mẫu trưng bày, tranh treo tường… chẳng hạn, thì có thể dùng những loại đèn chiếu halogen lộ diện trượt trên giá hay âm tường, tủ để tập trung nguồn sáng. Nhiều khi chỉ một cây đèn có chân đặt vào không gian cần nhấn cũng làm bật lên khung cảnh mà nguồn sáng tản không biểu hiện được.

Chiếu sáng theo cường độ: trong một không gian sống đòi hỏi nhiều thái cực, thì việc sử dụng hệ thống điều chỉnh cường độ ánh sáng rất hữu hiệu. Để tạo nguồn sáng chung cho không gian, thường thiết kế hệ thống đèn chùm với trần thạch cao để tạo nguồn sáng tỏa rộng, bao trùm. Tuy nhiên, nguồn sáng chung là chưa đủ, ta cần nhiều tầng ánh sáng để đáp ứng cả yêu cầu mỹ thuật cũng như sự thực dụng của bất kỳ căn phòng nào. Bộ điều chỉnh đèn mờ tỏ sẽ thay đổi khung cảnh căn phòng theo ý người sử dụng. Nếu trong các góc, ánh sáng bị che khuất, dùng những đèn áp tường để chiếu sáng từng khu vực riêng. Với những tác phẩm mỹ thuật hay đồ vật ưa thích, chẳng hạn như tranh treo tường…, để làm nổi bật chúng, nên sử dụng những luồng ánh sáng có tác dụng nhấn mạnh chiếu thẳng vào.


 Nội thất phòng khách. Ảnh Lan Hương  

Để sử dụng ánh sáng một cách hiệu quả, nhà thiết kế phải có ý tưởng từ trước, để biết khu vực nào cần chiếu sáng, sử dụng nguyên lý chiếu sáng nào, mục đích chiếu sáng là gì, dùng ánh sáng loại gì, màu sắc, vị trí nguồn sáng… từ đó mới hình thành cơ sở để chọn những kiểu đèn, loại bóng đèn phù hợp.

Hành lang, lối vào nhà: ánh sáng cho khu vực đi lại, tiền sảnh hay lối vào cần được chiếu sáng gián tiếp với nhiều điểm sáng để tạo không khí thân thiện. Lối vào hẹp, dài dọc hành lang có thể chiếu sáng rõ hơn với những đèn chiếu nhỏ áp tường là thích hợp để dẫn dắt lối đi, không tạo cảm giác hun hút, hoang lạnh.

Phòng khách: nên bố trí nhiều điểm sáng để có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu. Ban ngày, phòng khách nên tận dụng được nguồn ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt, vì thế phải bố trí các cửa kính lớn tạo sự giao hòa giữa thiên nhiên và nhà ở. Việc bố trí nguồn sáng cho phòng khách bằng ánh sáng điện cũng rất cần thiết. Để tạo được sự sang trọng, không khí ấm cúng, gần gũi cho căn phòng nên sử dụng đèn chùm. Không nên thắp sáng nhiều quanh tivi, mặt gương, kính vì dễ gây ra phản chiếu làm chói mắt.

Phòng bếp và phòng ăn: Ánh sáng phòng ăn nên có sự kết hợp giữa ánh sáng trắng và vàng, tạo sự ấm cúng, ngon miệng. Ở không gian bếp nên dùng ánh sáng trắng của đèn huỳnh quang để nhìn rõ đồ vật.

2. Màu sắc trong thiết kế nội thất

Các thành tố màu sắc

 Ðộ sáng chỉ tính cách sáng hay tối của màu, tức là lượng ánh sáng phản chiếu hay truyền đi. Màu trắng có độ sáng tốt nhất, màu đen có độ sáng kém nhất, màu bổ sung là màu đứng cạnh nhau sẽ có tác dụng tôn sắc thêm tươi, không gây chói mắt. Khi thực sự pha trộn với nhau hay có các điểm màu nhỏ xen nhau lẫn lộn, chúng sẽ tạo nên một màu sắc khác.

 Màu tương phản là màu làm nổi nhau lên, khi đặt cạnh nhau thì tương phản mãnh liệt. Cường độ chỉ mức tinh khiết mạnh yếu hay độ bão hòa của một màu. Mỗi màu có một cường độ rõ rệt, riêng biệt, ngăn cách hẳn với màu kia. Sự kết hợp màu sắc tạo nên nhiều tác dụng thú vị từ hòa hợp êm dịu đến đối chọi cứng rắn. Ðặt màu cam trên nền xanh dương, màu đỏ cạnh xanh lục hay vàng xanh lục cạnh đỏ tím sẽ được sự đối chọi tương phản nhưng cũng cân xứng đều đặn. Kết hợp các màu xanh dương, xanh lục, xanh lục dương có khuynh hướng êm ả, hòa hợp vì chúng đều liên quan với nhau.

Vai trò của màu sắc: mọi hình ảnh mà thường ngày mắt chúng ta thấu nhận được đều có màu sắc. Màu sắc giúp chúng ta phân biệt giữa đồ đạc này với đồ đạc khác không chỉ qua khối dáng và đặc tính. Màu sắc quần áo còn tạo sự mạnh mẽ cho con trai, nét dịu dàng của bạn gái, tính hồn nhiên trẻ thơ và sự sang trọng ở người trưởng thành. Trong giao thông, màu các tín hiệu đèn được quy định thành luật lệ để tạo sự an toàn khi lưu thông trên đường. Trong văn học, các nhà văn mượn màu sắc để xây dựng cá tính nhân vật. Trong kiến trúc, từ nghìn xưa con người đã biết tận dụng màu sắc để che lấp các khiếm khuyết của các loại vật liệu chưa đẹp, tạo nên các thành tố trang trí chủ yếu và làm công cụ tác động đến tâm lý chủ nhân ngôi nhà.

Màu sắc có ảnh hưởng đến tâm sinh lý con người bởi vì mỗi màu có một nhiệt độ riêng. Các màu đỏ, cam, vàng có tính cách nóng ấm và động. Những cái gì ở trên nền màu này đều có khuynh hướng sát lại gần nhau. Các màu này được gọi là màu tiến vì chúng tạo cảm tưởng ta gần hơn so với vị trí của chúng. Ðặc tính này đưa đến hai kết quả song song: đồ đạc bọc nệm màu đỏ rực làm tăng kích thước của chúng. Nhưng các bức tường đều sơn đỏ thì lại làm cho phòng bớt rộng đi. Một căn phòng quá lạnh lẽo có thể làm nóng ấm lên bằng các tường màu vàng, thảm màu nâu và giường ghế bọc nệm màu cam.

 Màu xanh dương, xanh lục và tím có tính cách lạnh và tĩnh vì chúng có vẻ xa ta hơn so với vị trí thực của chúng, được coi là màu thoái. Chúng làm giảm kích thước của đồ đạc nhưng làm tăng kích thước của căn phòng.

 Chính vì những tác động đến tâm lý con người, màu sắc được sử dụng sẽ thể hiện tính cách của mỗi người. Nếu công việc thường ngày của bạn là tĩnh lặng và buồn tẻ thì căn phòng được thiết kế với những màu sắc sôi nổi, mạnh mẽ như một mong muốn giải thoát. Trong truờng hợp môi truờng làm việc của bạn quá sôi nổi và ồn ào căng thẳng, màu xanh sẽ có tác dụng cân bằng tâm lý ấy và bạn sẽ nhẹ nhàng thanh thản. Còn nếu việc cố ý tạo ra các màu sắc như thế trong trang hoàng nhà cửa không vì mục đích giải tỏa áp lực công việc hàng ngày hẳn chủ nhân là con người có cá tính như những “ẩn dụ” do màu sắc mang lại.

Một số nguyên tắc sử dụng màu sắc

Màu sắc không chỉ làm đẹp mà còn giúp khắc phục một số nhược điểm căn phòng. Vì vậy nhiều nhà thiết kế nội thất đã sử dụng màu sắc một cách điệu nghệ dựa trên một số nguyên tắc màu cơ bản như:

Màu tương phản (đỏ><xanh hay còn gọi màu nóng><màu lạnh; đen><trắng hay còn gọi sáng>< tối). Hiệu quả của màu tương phản là tạo ra ấn tượng, điểm nhấn.

Màu tương đồng (vàng, vàng cam, vàng chanh: màu đỏ, hồng; xanh lá cây, xanh nõn chuối). Màu ấm, màu nóng (thiên về đỏ) kích thích hoạt động, cho ta cảm giác gần, mạnh, ấn tượng, ấm áp… Màu lạnh (thiên về xanh) khiến ta thụ động muốn nghỉ ngơi, cho cảm giác xa, nhẹ, lạnh, buồn…

Phương pháp sử dụng màu sắc cho một số không gian cụ thể

Nói về màu sắc không thể cho một vài ví dụ mà chúng ta có thể hình dung được, vì màu sắc rất phong phú, muôn màu tạo ra nhiều loại không gian khác nhau, dựa vào không gian đó ta có thể hiểu được chủ nhân của nó có sở thích, tâm lý, cá tính và lứa tuổi như thế nào…

Phòng khách: tường phòng khách nên chọn màu vàng nhạt, màu hồng nhạt (có thể bất cứ gam màu nào mà người sử dụng thích nhưng đã được giảm sắc tố màu gốc bằng cách dùng nhiều màu trắng kết hợp), để làm nổi bật những vật dụng treo tường như tranh, bộ sưu tập… Tường và trần phải sáng hơn nền nhà hoặc đồ vật tạo cho ta cảm giác phòng thêm thông thoáng, nhẹ nhàng hơn. Màu của rèm cửa nên đậm hơn một tông với màu tường và một vài đồ đạc nhỏ có thể điểm bằng màu gần như nguyên gốc không pha. Phòng ngủ: là nơi thư giãn, nghỉ ngơi ấm cúng nên ưu tiên sử dụng màu xanh nhẹ. Màu bổ sung là màu vàng nhạt, nâu, màu gỗ tự nhiên của tủ giường. Trần có thể sử dụng màu nhạt đậm hơn không gian trần phòng khách để không cảm thấy quá bồng bềnh, quá cao khi ngủ. Nền gạch, gỗ màu đậm hơn không gian sàn phòng khách và không nên quá trơn láng. Có thể trải thảm màu nâu hay họa tiết nâu với trắng. Tuy nhiên phòng của trẻ em có thể sử dụng nhiều màu khác nhau, tạo không khí vui tươi, rực rỡ nhưng phải dễ lau chùi, không gây độc hại.

Phòng bếp: tường phòng bếp nên sử dụng màu vàng chanh, vàng cam, xám, xanh nhạt, màu gạch nhưng không nên kết hợp quá nhiều màu. Cần chú ý phối màu với tủ bếp, gạch men ốp tường. Nếu tường màu gạch thì bếp có thể màu kem, bộ ghế ăn màu gỗ sẫm, điểm một vài chậu cây xanh có màu lá đậm hay hoa có màu lá mạ đậm.

Màu sắc tạo cảm giác sang trọng, lịch sự, vui buồn, nóng lạnh, động tĩnh… Có thể dựa vào những yếu tố của màu sắc để làm cho một không gian chật có cảm giác rộng hơn và ngược lại, một đồ dùng cao có cảm giác thấp hơn, một đồ vật to có cảm giác nhỏ hơn… Và nhà có hướng đông, tây nên dùng màu lạnh để giảm sức nóng, trong khi nhà có hướng bắc và nam dùng màu nóng và ấm.

Ánh sáng và màu sắc có vai trò quan trọng trong việc trang trí nội thất. Muốn có một căn phòng đẹp, sang trọng, tiện ích phải có sự kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa ánh sáng, màu sắc và đồ vật. Treo tranh, bày tượng để tăng thêm nét đẹp cho ngôi nhà nhưng nên đặt đúng chỗ, tránh bất tương hợp với khung cảnh chung. Tranh sẽ làm cho sinh hoạt hàng ngày thêm ý nhị, giúp cho tâm hồn con người thoát khỏi trói buộc trong nếp sống thực dụng. Một lọ hoa trên bàn làm việc, bàn uống nước, một chậu hoa cây cảnh, một dáng dây leo nơi cửa sổ sẽ làm thay đổi không gian trong nhà, sẽ đem lại những khoảnh khắc nghỉ ngơi tốt, giúp cho tâm hồn thêm yên tĩnh, tươi đẹp và hy vọng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : NGUYỄN LAN HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *