GIÁ TRỊ CỦA DI SẢN VĂN HÓA VỚI SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Giá trị thẩm mỹ của tài nguyên nhân văn đối với sự phát triển du lịch Nói đến giá trị thẩm mỹ tức là nói đến cái đẹp, cái hoàn mỹ nói chung. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ du lịch học, giá trị thẩm mỹ được biểu hiện rõ nhất ở loại hình danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật và di tích, danh thắng, chúng thường đi liền với nhau thành một khối không tách biệt bởi mỗi loại hình phải có sự bổ trợ, hòa quện vào nhau. Khi xây dựng di tích theo quan niệm của phương Đông, phải đảm bảo sự hài hòa giữa trời đất vạn vật, phải thuận âm, thuận dương theo thuật phong thủy tụ thủy, tụ sơn. Vì vậy, khi một di tích đứng trong quần thể thắng cảnh đẹp, có thế rồng cuộn hổ chầu sẽ tạo được sự vững chắc uy nghiêm. Đất nước ta có nhiều di tích nổi tiếng để khai thác phát triển du lịch như: chùa Hương (Hà Nội), chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình)… Ngoài những di tích tiêu biểu, trong cuộc sống hàng ngày theo quan niệm dân gian, chúng ta cũng rất chú tâm đến việc chọn nơi ở. Vì vậy, xưa kia, vua Lý Công Uẩn khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cũng chọn một vị thế đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng kinh đô, đảm bảo cho việc tồn tại lâu dài của một triều đại. Song song với hệ thống di tích thì danh thắng cũng trực tiếp góp phần giúp du khách ý thức được việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống tài nguyên là việc làm cấp bách. Đi thăm vườn quốc gia Pù Mát, du khách hiểu thêm về sự đa dạng sinh học, những động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cần phải bảo vệ, những thảm thực vật bị xâm hại nếu chúng ta không có ý thức. Thăm biển đảo, du khách thấy được tác hại của việc xả rác bừa bãi, không có ý thức bảo vệ môi trường.         Như vậy, giá trị thẩm mỹ của di tích, danh thắng được hội tụ một cách đầy đủ, rõ nét ở hệ thống danh thắng. Tuy mỗi danh thắng có một vẻ đẹp riêng, nét độc đáo riêng nhưng khi du khách đến tham quan đều có thể gián tiếp giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn, phù hợp với việc phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. 2. Giá trị của di tích, danh thắng đối với hoạt động du lịch Giá trị của di tích, danh thắng ẩn chứa những nét tinh tế, hội tụ truyền thống văn hóa, vẻ đẹp, sự hùng vĩ. Đối với phát triển du lịch, cần phải phát huy được giá trị, tức là quá trình khai thác nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao nhận thức của người dân.      Trên thực tế, không phải bất cứ di tích lịch sử văn hóa, danh thắng nào cũng có thể đưa vào khai thác để phát triển du lịch, không phải bất cứ một sản phẩm văn hóa nào cũng có thể khai thác như một sản phẩm du lịch, song không có một sản phẩm du lịch chính đáng nào lại không mang những giá trị văn hóa. Dù người ta đi thăm một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử hoặc di tích văn hóa thì bên cạnh cái đẹp, cái hoành tráng hay sự hấp dẫn bề ngoài, sự cổ kính đều chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa nhất định. Giá trị văn hóa như cái hồn của di tích làm tăng thêm vẻ đẹp, sự hấp dẫn bởi chiều sâu lịch sử hay bề dày văn hóa. Vì thế, cần phải khai thác giá trị của di tích để từ đó làm cho mọi người biết, thẩm nhận được cái cốt lõi, tinh túy của nó. Theo tác giả Trịnh Thị Minh Đức, thì “mục đích phát huy giá trị các di tích là khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của các loại hình di tích phục vụ công chúng”. Danh thắng Tràng An. Ảnh Phạm Lự  Đối với hệ thống di tích và danh thắng, các giá trị tồn tại trong đó sẽ tạo nên tính vĩnh cửu. Trên cở sở các loại hình di tích lịch sử, các di tích thuộc di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, giá trị nổi bật là lịch sử văn hóa, khoa học. Còn với danh lam thắng cảnh, giá trị nổi bật là giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Để hệ thống di tích, danh thắng phát huy được giá trị phục vụ cho hoạt động du lịch thì nó phải chứa đựng trong đó nhiều giá trị. Những giá trị đó mới là cái đích thực, nét văn hóa sâu sắc tạo nên nét đặc trưng cho dân tộc. Bảo tồn, phát huy được những nét văn hóa này, chúng ta mới tạo được bước đột phá, đưa ngành du lịch phát triển. Ở Việt Nam, việc phát triển ngành du lịch dựa vào nền tảng di tích lịch sử văn hóa phải là chủ đạo. Nó cũng thể hiện được bề dày truyền thống, phát huy giá trị văn hóa trong di tích để phát triển du lịch cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn di tích, bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Đối với di tích thì sự biển hiện rõ nhất ở hai giá trị là giá trị vật thể, phi vật thể. Giá trị vật thể là giá trị mà chúng ta có thể quan sát thấy bằng trực quan, nó hiện hữu bằng thực tế, có thể sờ được, nắm được, cảm nhận được. Giá trị phi vật thể tồn tại song song với di tích, đó là những lễ hội, chính nhờ những giá trị này đan xen với nhau đã tạo nên sự trường tồn. Qua thời gian, cái vật thể có thể bị xuống cấp nhưng cái phi vật thể, phần hội, cái huyền thoại truyền thuyết thì có một sức sống mãnh liệt. Phần lễ và phần hội thu hút được sự quan tâm nhất. Các nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian được thực hiện trong hội, các truyền thuyết, huyền thoại gắn với di tích đó được tái hiện là điều mà khách thập phương quan tâm. Nó là một phần không thể thiếu của di tích, tạo nên nét hấp dẫn thu hút khách du lịch. Hầu như di tích nào cũng đều có lễ hội vì di tích và lễ hội là hai cái không thể tách rời. Đây là một sinh hoạt dân gian mang tính truyền thống tín ngưỡng không thể thiếu của người dân Việt Nam. Để khai thác được những giá trị của di tích, danh thắng, chúng ta nhất thiết phải phát triển hình thức du lịch. Theo điều 4, Luật Du lịch: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định”. Để phát huy các giá trị tiêu biểu chứa đựng trong di tích danh thắng, đòi hỏi phải có sự bảo tồn, tôn tạo. Để di tích danh thắng có sự hấp dẫn cao đối với du khách, khi tổ chức cho du khách tham quan hệ thống này cần đề cập tới giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học chứa đựng trong nó. Vị trí địa lý và lịch sử văn hóa lâu đời đã đem lại cho nước ta nhiều di tích, danh thắng có giá trị. Di tích, danh thắng có sự kết hợp hài hòa cả vẻ đẹp bên ngoài lẫn vẻ đẹp bên trong, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Mỗi di tích đều mang trong đó nhiều giá trị nên mới tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút, sức sống và sức lan tỏa để thu hút khách du lịch.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016

Tác giả : HOÀNG VĂN HIẾU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *