Làng cổ tân ninh, vùng lịch sử văn hóa


1. Lịch sử núi Nưa, làng cổ Tân Ninh

Vùng đất này có nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ lịch sử, nó cũng gắn liền với những huyền thoại thần tiên về quá trình dựng làng, lấp bản. Huyền thoại được lưu truyền nhiều nhất là về ông Tu Nưa, ông Tu Vồm, Thánh Bưng, Thánh Tến…, là những vị thần gắn liền với quá trình hình thành đồng bằng sông Mã, vùng đất Ngàn Nưa.

Núi Nưa (Ngàn Nưa) là tên nôm mà dân gian thường gọi, còn tên chữ ghi trong sử sách là Núi Na, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ở phần dư địa chí, mục phủ Tĩnh Gia, chép về Na Sơn (núi Nưa) cũng có những nhận xét tương đồng với Đại Nam nhất thống chí: “Phủ Tĩnh Gia ở phía Tây, Thanh Hóa, huyện Nông Cống ở vào miền thượng du, đất liền huyện Đông Sơn, phía Tây Nam có nhiều ngọn núi chập chùng bao quanh, một chi nhánh Na Sơn chót vót đứng thẳng”. Thanh Hóa tỉnh chí (bản dịch của Nguyễn Mạnh Duân) ghi “Na Sơn, tức núi Nưa ở Cổ Định, Nông Cống. Lại còn gọi là núi Khu Khan”. Như vậy, khi viết về núi Nưa, sử sách tập trung nhiều về mô tả ngọn núi cao nhất vùng. Ngọn núi này cao nhất các dãy núi phía Nam đồng bằng sông Mã nên còn được gọi là núi Chúa. Núi Nưa là dãy núi cuối cùng chạy theo hướng Tây Bắc đến Đông Nam dài trên 20km từ Thọ Xuân đến Nông Cống, nó như một bức tường thành tự nhiên phía Đông Nam, tạo nên một thung lũng rộng lớn, màu mỡ, là vựa lúa thứ hai của châu thổ sông Mã. Các dãy núi nối tiếp như những chiếc bát úp này không những nổi tiếng về huyền thoại thần tiên mà trong lòng nó còn có một mỏ quặng crôm vô cùng quý giá với trữ lượng lớn nhất Việt Nam cũng như cả vùng Đông Nam Á.

Xã Tân Ninh ngày nay chính là vùng đất Kẻ Nưa, thuộc phủ Tĩnh Gia, huyện Nông Cống. Thời Gia Long (1802 – 1827), tỉnh Thanh Hóa vẫn được gọi là trấn. Khi đó trấn Thanh Hoa có 4 phủ với 18 huyện, 3 châu, 1 phường thủy cơ. Vùng đất Tân Ninh lúc đó thuộc huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, đương thời có 9 tổng, trong đó có Cổ Định, sau đổi thành Cổ Ninh. Năm 1965, xã Tân Ninh lại chia tách thành xã Thái Hòa, xã Tân Ninh; địa phận làng cổ Kẻ Nưa chủ yếu thuộc xã Tân Ninh hiện nay.

2. Vùng văn hóa làng cổ Tân Ninh

Xã Tân Ninh hiện nay có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.573,99 ha, số dân có khoảng 8.706 nhân khẩu. Tân Ninh có các tên gọi khác nhau, song đều chỉ vùng đất cổ có xuất xứ từ chữ Kẻ Nưa của dân gian, được phiên âm thành tên chữ Cổ Nưa. Đây là một trong những làng Việt cổ có từ thời Hùng Vương, thời Bắc thuộc vẫn gọi là Kẻ Nưa. Đến thời Đường (618 – 905), có sự sắp xếp lại các đơn vị hành chính, phân chia quận huyện thì Kẻ Nưa được gọi là hương Cổ Na, sau đổi là giáp Cổ Na. Tên này được duy trì đến thời Lý – Trần lại đổi từ giáp sang hương. Đến thời Lê, đổi hương Cổ Na thành hương Cổ Ninh, sau đó đổi thành Tân Ninh. Những dẫn liệu trên nói lên vùng đất này cũng cần phải được giải mã thêm mới thấy rõ hơn tính đặc trưng của tiểu vùng văn hóa núi Nưa trong nền cảnh văn hóa xứ Thanh. Khi nghiên cứu về các vùng văn hóa xứ Thanh, cũng có nhà nghiên cứu đặt vấn đề nên xem vùng núi Nưa (bao gồm toàn bộ vùng đất dưới chân núi, cả đất Tân Ninh, Thái Hòa hiện nay) như một tiểu vùng văn hóa. Vấn đề này cũng còn nhiều tranh cãi, song bước đầu tìm hiểu về vùng đất này cho thấy nơi đây mang những nét văn hóa khá đặc trưng. Nó vừa mang mẫu số chung văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng sông Mã, lại mang sắc thái văn hóa riêng của cư dân đồi núi thấp, vừa mang dáng dấp của kẻ chợ, lại là vùng đất thi thư nổi tiếng trong nhiều thời đại từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Phải nói rằng, làng cổ Tân Ninh là một trong những vùng đất cổ của xứ Thanh chứa đựng nhiều lớp trầm tích văn hóa. Một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa với 27 di tích (bao gồm cả những di tích hiện còn, cả các phế tích) đủ thấy sự ngưng tụ anh tài ở vùng đất này. Các di tích có qui mô như những đại danh lam: đền Nưa, hang Cắc Cớ, trang đồng bể, làng Các, làng Chén, am Tiên…

Một vấn đề cần quan tâm đến các lớp trầm tích văn hóa phi vật thể ở làng cổ Tân Ninh, là hệ thống phong tục tập quán, các lễ hội dân gian. Nơi đây có những mỹ tục vô cùng phong phú, những giá trị này cho đến ngày nay người dân vẫn trân trọng giữ gìn, phát huy để giáo dục con cháu. Hương ước làng Cổ Định do hương tài hàn lâm học sĩ Lê Đình Ngữ soạn năm Ất Hợi, có gần 40 điều, trong đó nội dung phản ánh đầy đủ những mỹ tục của làng, đặc biệt là mục có nội dung trách nhiệm của từng thành viên trong làng về quản lý đất đai, việc an ninh thôn xóm, chăm sóc giúp các hoàn cảnh cô đơn, neo đơn, những gia đình có người xung lính, truyền thống hiếu học, đạo học để người dân nhiều đời trong làng thực hiện.

Tân Ninh còn là vùng đất sinh dưỡng những bậc đại khoa của nhiều vương triều phong kiến Việt Nam, nhiều bậc anh tài. Chính vì vậy mà miền đất này cũng được coi là cõi đất thiêng đã hun đúc, ngưng tụ nhiều giá trị tinh hoa văn hóa của đất nước, đóng góp nhiều cho lịch sử dân tộc.

3. Điểm hẹn của du lịch văn hóa tâm linh

Làng cổ Tân Ninh được mệnh danh là vùng văn hóa, nơi đây hiện còn lưu giữ một kho tàng các giá trị văn hóa tiêu biểu cho lớp cư dân châu thổ sông Mã, bao gồm các truyền thuyết, truyện cổ dân gian, ca dao, hò, vè, các trò diễn sân khấu…, đã từng làm rung động lòng người. Suốt thời kỳ phong kiến, vùng đất Tân Ninh dã sinh dưỡng ra nhiều bậc anh tài. Chính vì vậy miền đất này được coi là một trong những vùng đất thiêng của Thanh Hóa, ngưng tụ nhiều lớp văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa tâm linh. Điều đó cũng nói lên rằng, Tân Ninh chắc chắn sẽ là điểm hẹn của loại hình du lịch văn hóa tâm linh, một loại hình du lịch đang rất phát triển hiện nay ở Việt Nam, trên thế giới.

Một thực tế cho thấy khi con người có cuộc sống về vật chất đầy đủ thì nhu cầu về đời sống tinh thần ngày càng cao, trong đó nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm du lịch, cũng như các loại hình du lịch càng phong phú. Hiện nay có nhiều loại hình du lịch ra đời để đáp ứng cho du khách như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa tâm linh đang có xu thế phát triển nhanh, mạnh mẽ. Du lịch tôn giáo là một loại hình du lịch rất phát triển ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các quốc gia Hồi giáo. Du khách theo loại hình du lịch này thường tìm đến các công trình tôn giáo, các thánh thất, nhà thờ, các thắng tích tôn giáo để vãn cảnh, thi lễ cúng bái, cầu nguyện, rồi hòa mình vào dòng các tín đồ để cảm nhận sự bình yên, thanh thản, tĩnh tâm cho lòng mình.

 Du lịch văn hóa tâm linh ở Việt Nam bước đầu có thể tạm hiểu là loại hình du lịch gắn với đời sống tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân Việt. Nó diễn ra vừa theo chu trình thời gian (vào mùa xuân, mùa thu hàng năm), mang tính liên tục theo thời gian hoạt động của các nghi thức tri ân các vị anh hùng trong lịch sử dân tộc, hay các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo. Những điểm đến hấp dẫn của du lịch văn hóa tâm linh ở Việt Nam thường có lượng du khách đông. Thanh Hóa là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, đền, chùa, miếu mạo nổi tiếng linh thiêng. Sự hành hương theo hướng tâm linh của du khách về xứ Thanh ngày càng đông trong những năm gần đây, đặc biệt là làng cổ Tân Ninh.

4. Những di tích của làng cổ Tân Ninh

Đền Nưa (phủ Nưa), tên chữ là Na Sơn. Đây là một trong những nơi thờ Bà Triệu, dân gian còn gọi là đền Đức Vua Bà hay đền Bà Chúa Ngàn Nưa. Đền Nưa tọa lạc ở chân núi ngay cửa rừng Nưa, trên địa thế cao ráo, lưng dựa núi, phía trước là hồ nước tự nhiên. Tương truyền vào thời vua Tự Đức, lệ vua lệnh cho các quan địa phương cứ 3 năm phải tiến vua một con hươu. Cao Bá Đạt, tri huyện Nông Cống, cùng các phường săn giăng bẫy mà không bắt được con hươu nào, đã chuyển hướng săn sang phía chân núi Nưa. Ông đang tìm hướng dựng trại thì nhìn thấy một phiến đá lớn bằng phẳng trên có bát hương, bèn tìm hỏi người dân mới biết đây là bàn thờ Bà Triệu, nhân gian tôn thờ thành bà chúa thượng ngàn. Cao Bá Đạt sai quân lính sắm lễ vật, kính cẩn cầu xin lệnh bà phù hộ, giúp đỡ. Quả nhiên đêm đó ông được vua bà báo mộng. Ngày hôm sau, lính săn từ Eo Sở báo về đã giăng bẫy được hai con hươu sao, một tiếng sau đó lại sập bẫy một con hươu đen. Quan huyện Cao Bá Đạt đem tiến hươu cho vua, kể về giấc mơ lạ. Vua Tự Đức cho rằng đây là vùng đất hết sức linh thiêng, nên xuống chiếu lệnh cho quan sở tại trích công quỹ 1.200 quan tiền đồng dựng đền thờ, sắc phong bà chúa thượng ngàn làm thượng đẳng thần, lệnh cho dân trong vùng vào dịp xuân thu nhị kỳ phải thờ phụng thần, mỗi năm một lần tổ chức nghi thức tế thần vào mùa xuân. Ngôi đền sau đó không còn nguyên trạng như khi mới xây, chỉ còn lại cổng nghinh môn bốn tầng mái, xây thời Tự Đức. Đến năm 1926, Bảo Đại vi hành đến vùng đất này thấy cảnh tiêu điều của ngôi đền đã đưa nghệ nhân ở Huế ra tu bổ, do vậy đây là một trong những nghinh môn mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn còn lại ở Thanh Hóa. Sự linh thiêng của đền Nưa cho đến nay vẫn còn truyền khẩu khắp nơi trong nhân gian, đây là một trong những điểm dừng chân của tất cả khách hành hương trước khi lên am Tiên.

Núi Nưa là ngọn núi cao nhất, chạy dài nhất của mạch núi từ huyện Thọ Xuân. Các nhà phong thủy cho rằng núi Nưa có nước đổ dồn về thung lũng châu thổ sông Mã, là ngọn núi có 7 hình thế long chầu, hổ phục, tạo nên địa thế linh thiêng của vùng đất này. Trong các ngọn núi của dãy Ngàn Nưa có một ngọn cao chót vót gọi là núi chúa, cao trên 500m, từ đây nếu hôm trời trong sẽ thấy dãy Hoàng Nghiêu, núi Thường Xuân, Lang Chánh, dòng Lãn Giang, sông Yên. Tất cả đã tạo nên sự huyền bí của Ngàn Nưa.

Con người tạo nên sự linh thiêng của Ngàn Nưa. Truyền thuyết cho rằng Bà Triệu đã luyện binh ở núi Nưa để đánh đuổi giặc Ngô năm 248, trước khi xuất đánh trận Bồ Điền, nghĩa quân đã xuống núi bằng ngựa; trận đánh này Bà Triệu đã hy sinh, được nhân dân xây cất lăng mộ trên núi Tùng. Nhưng có người nói rằng am Tiên chính là nơi ở ẩn của vị tu sĩ Hoàng My tiên sinh. Có thể nói từ đỉnh núi Nưa, am Tiên, cho đến các vùng chân núi đều ghi đậm dấu ấn của đạo tu tiên, được xem như một huyệt đạo của các đạo sĩ tu luyện đắc đạo. Trong suốt cả quá trình dài của lịch sử, ở Ngàn Nưa, từ đỉnh cao huyệt đạo am Tiên cho đến các vùng chân núi, chỗ nào cũng thấy có dấu chân các đạo sĩ tu tiên, các hiện vật liên quan.

Phía tây nam ngôi cổ tự có một cái giếng cạn (giếng tiên), quanh năm nước đầy, trong vắt, ngấm từ các kẽ đá thánh thót tạo thành giếng nước uống rất ngọt, khách hành hương còn gọi đây là nước tiên. Dân gian còn lưu truyền rằng đây là giếng dành riêng cho Bà Triệu tắm. Một bên giếng có phiến đá phẳng, nhẵn, rộng chừng hơn một chiếc chiếu đôi, tương truyền là nơi ngồi chơi cờ của các tiên ông. Rõ ràng, cả thiên tạo, nhân tạo đã góp phần tạo nên một không gian thiêng khiến cho khách hành hương tìm về ngày một đông.

Những địa danh, địa điểm, truyền thuyết ở vùng núi Na Sơn, Tân Ninh không thể xem là tư liệu hay sự kiện lịch sử chính thống, song xét trên bình diện của văn hóa học, xã hội học hay dân tộc học thì tất cả các địa danh, địa điểm có truyền thuyết ấy đều có giá trị phản ánh tinh thần, dấu ấn, dấu chân dựng làng, giữ bản của cả cộng đồng cư dân châu thổ sông Mã. Đó còn là nơi lưu giữ dấu ấn của lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, về huyền thoại nữ anh hùng Bà Triệu. Các ngôi cổ tự, đền Nưa, am Tiên… còn lưu giữ lại di vật của nhiều triều đại phong kiến, có giá trị chứng minh một cách xác thực về sự tồn tại khá lâu của nhiều loại hình nghệ thuật kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, sự dung hòa Phật – Đạo – Mẫu của người Việt ở Thanh Hóa.

Hiện nay, những giá trị văn hóa làng còn lưu giữ được ở làng cổ Tân Ninh đang mỗi ngày thu hút khách du lịch tâm linh trên mọi miền đất nước tụ hội hành hương. Bài viết nhằm gợi mở một hướng phát triển loại hình du lịch tâm linh ở Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa để đóng góp vào sự phát triển chung của vùng đất này.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : PHẠM HOÀNG HIỀN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *