Đưa văn hóa phi vật thể vào giảng dạy trong trường học

Di sản văn hóa phi vật thể hàm chứa nhiều giá trị, biểu đạt nhiều bản sắc văn hóa của các dân tộc, các quốc gia. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là một trong những phương thức để giữ gìn bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những năm qua, Việt Nam đã có chương trình, nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, công tác đưa di sản văn hóa phi vật thể vào dạy học ở các trường phổ thông là một trong những biện pháp đã và đang được thử nghiệm, áp dụng ở nhiều địa phương, nhiều trường học.


Giáo dục di sản – một phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Văn hóa là một khái niệm phức tạp và có nhiều cách phân loại văn hóa khác nhau. Trong đó, các nhà dân tộc học chia văn hóa thành hai lĩnh vực chính là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Dù vậy, trong văn hóa vật chất luôn hiển thị những giá trị, biểu hiện của văn hóa tinh thần và ngược lại. Hiện nay, cách phân loại văn hóa của UNESCO được sử dụng phổ biến hơn cả. Theo đó, UNESCO phân loại văn hóa theo hai dạng thức, hai thuật ngữ cơ bản là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003, UNESCO định nghĩa: Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạp tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm và trong một số trường hợp là các cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.

Ở Việt Nam, công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã sớm được nhận thức, quan tâm. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa được ban hành, lần đầu tiên ở Việt Nam khái niệm di sản văn hóa phi vật thể được pháp lý hóa với đầy đủ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bắt đầu từ năm 2012, Bộ VHTTDL chính thức công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngay trong đợt đầu tiên công bố Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định 5079/QĐ – BVHTTDL ngày 27 – 12 – 2012 đã có 33 di sản phi vật thể ở nhiều địa phương trong cả nước được vinh danh. Tính đến nay đã có khoảng 100 di sản đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm nhiều loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam ghi nhận với 10 di sản đã được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Một trong những đặc trưng của di sản văn hóa phi vật thể là giá trị cũng như biểu trưng của di sản không phải luôn luôn bất biến mà ngược lại luôn đối mặt với thách thức bị mai một, biến đổi và hoàn toàn phụ thuộc vào con người với tư cách là chủ thể của di sản. Vì thế, công tác truyền trao, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể là một phương thức mấu chốt để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong trường học không chỉ là một giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà còn góp phần đổi mới giáo dục. C.Mác nói: “Muốn thưởng thức nghệ thuật thì trước tiên phải được giáo dục về nghệ thuật”. Giáo dục nghệ thuật, đưa di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong trường học có thể đưa đến cho các bạn trẻ những hiểu biết về nghệ thuật, về di sản văn hóa. Phải hiểu thì mới yêu thích, mới biết trân trọng giữ gìn những vốn quý báu của ông cha truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc đưa di sản vào giới thiệu, giảng dạy trong trường học cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 8 khóa XI về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo: học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Từng bước đưa di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường

Đưa di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ di sản. Đối với nhiều nước phát triển, việc đưa di sản văn hóa phi vật thể vào dạy học, phục vụ học tập suốt đời… không còn quá xa lạ. Nhưng đối với Việt Nam, giáo dục di sản cũng như công tác đưa di sản văn hóa phi vật thể nói riêng vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường chỉ mới bắt đầu vài năm trở lại đây. Năm 2004, GS Trần Văn Khê cùng các cộng sự đã thử nghiệm 12 mô hình giảng dạy âm nhạc truyền thống tại trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, TP.HCM. Chủ yếu chương trình thử nghiệm này của GS Trần Văn Khê và các cộng sự là luyện tai nghe cho chính xác, bước đầu đem đến những thẩm mỹ âm nhạc cho các em học sinh. Bên cạnh các lý thuyết cơ bản, chương trình do GS Trần Văn Khê tổ chức và trực tiếp đứng lớp còn giảng dạy cho các em học sinh những bài hát ru, bài vè, hát đố cũng như những kỹ năng “hò xê xang cống”…theo lối truyền trao âm nhạc cổ truyền.


  Xem hát Ca trù. Ảnh Anh Tuấn  

Ngày 22 – 7 – 2008, Bộ ban hành Chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT về việc phát động phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 – 2013 và phối hợp triển khai phong trào ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhìn chung, phong trào đã đạt được những hiệu quả tích cực như: thu hút sự tham gia của nhà trường, học sinh vào việc chăm sóc, phát triển giá trị các di tích văn hóa; tuyên truyền, phổ biến di sản văn hóa phi vật thể trong nhà trường góp phần ngăn ngừa nguy cơ mai một, thất truyền; học sinh được nâng cao ý thức, tính tự giác, chủ động trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường…

Năm 2010, Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, trực thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam với sự tài trợ của Văn phòng UNESCO Hà Nội đã triển khai thực hiên đề án Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa – lịch sử ở Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đề án bước đầu thí điểm xây dựng hệ thống tài liệu hướng dẫn cho giáo dục di sản ở Hà Nội. Nhìn chung đề án này tập trung vào ba hoạt động chính là: xây dựng nhóm thiết kế chương trình giáo dục di sản gắn với trường học; thiết kế chương trình học và khám phá ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa lịch sử; hoàn thiện và xuất bản một số bộ tài liệu về quy trình và phương pháp thực hiện các chương trình giáo dục di sản cho học sinh, cán bộ giáo dục bảo tàng, di tích và giáo viên… Những hoạt động của đề án này đã góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ di sản của các nhà nghiên cứu, giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, kết quả của đề án đã tạo cơ sở để hình thành các tài liệu, văn bản, chương trình, giáo án để có thể xây dựng khung chương trình cơ bản cho công tác đưa di sản vào giáo dục tại nhà trường.

Năm 2012, văn bản Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa phi vật thể trong trường phổ thông và các cơ sở giáo dục thường xuyên giữa Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ GDĐT được ký kết. Đây là tài liệu quan trọng mang tính định hướng cho công tác đưa di sản vào giới thiệu, giảng dạy tại trường học chuyển sang hướng chủ động, tích cực. Bước đầu, chương trình được thí điểm triển khai, áp dụng trong các trường học ở bảy tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh và Quảng Nam. Năm 2013, Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL ban hành Hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT – BVHTTDL sử dụng di sản văn hóa trong giảng dạy tại các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Hai bộ đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho các cán bộ, giáo viên và thí điểm đưa di sản văn hóa phi vật thể vào các môn học trong nhà trường tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU HẰNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *