Xây dựng và phát triển tinh thần chiến đấu cho người chiến sĩ

Tinh thần chiến đấu được coi là một trong những phẩm chất cốt lõi của nhân cách người chiến sĩ, là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội cách mạng, quyết định sự thành bại của hoạt động quân sự. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển tinh thần chiến đấu cho người chiến sĩ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác huấn luyện giáo dục ở các đơn vị quân đội hiện nay.

Tinh thần chiến đấu là khái niệm được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực hoạt động quân sự, là một trong những phẩm chất cốt lõi cho phép người chiến sĩ hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Ph.Ăngghen viết: “Có thể đòi hỏi nó (quân đội) những gì mà không sợ làm cho nó mất tinh thần” (1). Tinh thần giữ vai trò quyết định trong chiến tranh, vì khi được thể hiện ở sức mạnh vật chất, nó có thể làm cho sức chiến đấu của quân đội tăng lên hoặc giảm xuống. Có tinh thần chiến đấu cao, người lính mới có thể chịu đựng và vượt qua được hy sinh, sử dụng có hiệu quả vũ khí, kỹ thuật. Có thể nói, sức mạnh chiến đấu của quân đội được thể hiện ở tinh thần chiến đấu của người lính. Trong quá trình xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, V.I.Lênin rất quan tâm chăm lo xây dựng cho quân đội cách mạng luôn có sức mạnh chiến đấu cao, nhất là sức mạnh chính trị – tinh thần. Ông đã đề ra một luận điểm có thể coi là một trong những quy luật quan trọng và phổ biến nhất của chiến tranh: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tâm trạng của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường” (2).

Tiếp thu một cách sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo xây dựng quân đội về mọi mặt. Một trong những vấn đề Người quan tâm hàng đầu là xây dựng tinh thần chiến đấu cho người lính, nhân tố đặc biệt quan trọng đảm bảo cho chiến thắng của quân đội. Trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng Việt Nam 22 – 12 – 1947, Người đã viết: “Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của giải phóng quân” (3). Trong một số bức thư gửi cán bộ, chiến sĩ, một trong những vấn đề đầu tiên Hồ Chí Minh đề cập đến là việc nâng cao tinh thần chiến đấu cho bộ đội. Đối với Người, vấn đề xây dựng lực lượng thật tốt, chất lượng thật cao, làm cho cán bộ chiến sĩ giữ vững và nâng cao ý chí chiến đấu, là vấn đề cốt tử. Đó cũng là vấn đề xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng của Người.

Với những tư tưởng mới trong xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh chỉ rõ việc làm đầu tiên để xây dựng tinh thần cho người lính là: làm cho mỗi đội viên hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của họ, hiểu rõ mục tiêu chiến đấu của quân đội ta là: chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình xây dựng tinh thần chiến đấu cho người lính, Hồ Chí Minh đòi hỏi công tác tư tưởng phải đi trước một bước: “Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất, tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc” (4).

Từ những năm đầu tiên của sự nghiệp xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quân đội ta nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại” (5). Người đã nhìn thấy trước những đòi hỏi khách quan của công cuộc bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới, những đòi hỏi về phẩm chất và năng lực chiến đấu của người lính trong cuộc chiến tranh nếu có xảy ra trong tương lai. Để chiến thắng trong cuộc chiến tranh đó, phải xây dựng quân đội ta trở thành một quân đội chính quy, tinh nhuệ, thiện chiến, có kỷ luật. Tính kỷ luật chính là một nội dung quan trọng của tinh thần chiến đấu. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải coi quân lệnh như sơn, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải tự giác nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật. Người thường căn dặn: phải bằng giáo dục, thuyết phục để việc chấp hành kỷ luật trở thành nhu cầu của mỗi chiến sĩ. Người đòi hỏi kỷ luật phải nghiêm minh, công bằng, dân chủ; cán bộ phải gương mẫu trong chấp hành kỷ luật, thực hiện thưởng phạt công minh và lấy duy trì kỷ luật để ngăn ngừa các vụ việc vi phạm kỷ luật. Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, duy trì, củng cố kỷ luật là biện pháp tích cực để xây dựng tinh thần chiến đấu cho quân đội.

Trong quá trình hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ nhu cầu cấp bách cần phải bồi dưỡng những tri thức quân sự hiện đại cho đội ngũ quân nhân trong quân đội, bởi lẽ, đây là yếu tố quan trọng của tinh thần chiến đấu. Người nói: “Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng” (6). Như vậy, trí theo tư tưởng của Người chính là thế giới quan, với tri thức là điểm khởi đầu. Vì thế, Người động viên cán bộ, chiến sĩ quân đội ta phải tích cực học tập, luôn luôn ra sức cầu tiến. Đặc biệt, đối với cán bộ quân đội, Người căn dặn: “Các chú phải học tập tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu” (7). Người coi trọng việc nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, đồng thời phải học cái mới, học phải đi đôi với hành, bởi khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại, không học tập thì sẽ bị lạc hậu.

Xuất phát từ hoạt động quân sự là một hoạt động mang tính đặc thù, trong thời bình người lính học tập, rèn luyện ở cường độ cao, trong những điều kiện sát với thực tiễn chiến đấu. Còn trong thời chiến, người lính phải hoạt động căng thẳng, chịu đựng sự ác liệt của chiến tranh, đấu tranh giữa sống và chết… Điều đó đòi hỏi người lính còn phải có những phẩm chất đạo đức, tâm lý vững vàng, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai để đủ sức chịu đựng những thử thách cam go nặng nề nhất. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã từng căn dặn bộ đội: “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng. Trái lại nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được” (8).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tinh thần chiến đấu cho bộ đội là một di sản vô giá, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn to lớn trong quá trình xây dựng, chiến đấu của quân đội ta và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Quán triệt những tư tưởng trên, các thế hệ lãnh đạo quân sự Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề xây dựng tinh thần chiến đấu cho bộ đội trong các cuộc kháng chiến cứu quốc trước kia cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã từng nhận định: “Không có tinh thần chiến đấu hoặc tinh thần chiến đấu thấp kém thì không thể có nghị lực cách mạng sáng tạo, không thể có hành động chiến đấu tích cực, không có cơ sở để phát huy sức mạnh của các yếu tố vật chất, kỹ thuật, nghệ thuật tác chiến… Một quân đội dù được tổ chức, trang bị, huấn luyện tốt cũng dễ dàng bị đánh bại nếu tinh thần chiến đấu kém” (9). Vì vậy, nhiều lần Đại tướng khẳng định tinh thần chiến đấu của bộ đội là nhân tố tạo thành sức mạnh chiến đấu của quân đội cách mạng. Theo Đại tướng, nội dung của tinh thần chiến đấu bao gồm: “Lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng của nhân dân; quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc; tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; tinh thần quốc tế vô sản chân chính; ý chí quyết chiến quyết thắng, ý chí tiến công tiêu diệt địch; anh dũng, sáng tạo, mưu trí; ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh; đoàn kết, yêu thương đồng đội và căm thù giặc sâu sắc; tinh thần cảnh giác cách mạng cao” (10).

Và để thực hiện được những nội dung của tinh thần chiến đấu ở trên, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra con đường cơ bản để xây dựng tinh thần chiến đấu cho bộ đội là: “Tăng cường giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm túc chấp hành mọi điều lệnh, điều lệ. Tăng cường trình độ quản lý về mọi mặt” (11).

Qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng đã khẳng định: “Từ thực tiễn của cuộc đọ sức giữa quân đội ta và quân đội thực dân Pháp, chúng ta đã rút ra một kết luận rất quan trọng là: tinh thần của quân đội là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi trên chiến trường” (12). “Một trong những nguyên nhân cơ bản của thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung là do tinh thần chiến đấu của quân dân ta cao hơn hẳn kẻ địch” (13).

Theo cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gồm các yếu tố tạo thành là: di sản truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng của dân tộc; tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản; sự tôi luyện của đội quân công nông trong cuộc đấu tranh giai cấp; lý tưởng chiến đấu bảo vệ và xây dựng một chế độ xã hội tiên tiến, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để xây dựng, phát triển tinh thần chiến đấu cho những người lính, Đại tướng đã chỉ ra những biện pháp cơ bản đó là: giáo dục giác ngộ giai cấp, giác ngộ chính trị cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, xác định cho họ lý tưởng chiến đấu cao đẹp của Đảng; đi đôi với giáo dục hệ tư tưởng của giai cấp vô sản phải đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng phi vô sản, phản động lỗi thời; giáo dục tình yêu tổ quốc, yêu chế độ và lòng căm thù giặc.

Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những biện pháp trên làm cho: “Tinh thần chiến đấu của quân đội sẽ không ngừng được củng cố và phát triển, ý thức trách nhiệm của họ sẽ được nâng cao, tinh thần đoàn kết của quân đội sẽ được bền chặt như gang thép và đặc biệt lòng trung thành của họ đối với cách mạng, đối với Đảng, đối với nhà nước sẽ không bao giờ lay chuyển” (14).

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn luôn trung thành với tổ quốc, với Đảng, với nhân dân. Sức mạnh chiến đấu của quân đội ta bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước, sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân. Đó là sức mạnh của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, biết kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, đã sát cánh cùng với nhân dân lập nên những thắng lợi vĩ đại, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, nhằm đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Song, giai đoạn cách mạng hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh toàn diện, đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân đập tan mọi mưu đồ chống phá, xâm lược dưới mọi hình thức của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp: chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, can thiệp lật đổ, khủng bố vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, với tính chất phức tạp ngày càng tăng. Hơn nữa, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ dẫn đến nhiều biến đổi lớn trong đời sống xã hội, đến việc ra đời những học thuyết quân sự mới, sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao…

Đối với nước ta, các thế lực thù địch đang tiếp tục thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, thâm nhập chống phá trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, lối sống. Trong khi đó, bọn phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài ra sức tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vu cáo chúng ta vi phạm nhân quyền, dân chủ, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng phủ nhận những thành tựu phát triển của đất nước qua 30 năm đổi mới, phối hợp với bọn phản động trong nước tổ chức hoạt động chống phá, gây rối ở một số nơi, nhất là trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, làm mất ổn định an ninh chính trị, xã hội. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần phải tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng và phát triển tinh thần chiến đấu cho bộ đội, làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố hòa bình, giữ vững ổn định chính trị, đánh bại chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đồng thời, cần luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược dưới bất cứ quy mô và hình thức nào, hoàn thành tốt chức năng đội quân chiến đấu, lao động, sản xuất, công tác trong thời kỳ mới. Cần tập trung giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhằm khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cộng đồng, đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì tương lai của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, phải đấu tranh chống các quan điểm cơ hội về chính trị, các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đấu tranh chống các tệ nạn tiêu cực của xã hội. Điều đó, chính là thể hiện tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức chăm lo xây dựng sức mạnh tổng hợp của quân đội nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân, đánh thắng kẻ thù xâm lược, nếu chúng liều lĩnh xâm lược nước ta bằng bất cứ hình thức nào.

Phát huy truyền thống hơn 70 năm qua, quân đội nhân dân tiếp tục củng cố vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội, nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, trước hết là tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, quân đội củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trung thành, tin cậy, sắc bén của Đảng, Nhà nước và dân tộc, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

_______________

1. Chủ nghĩa Mác – Lênin bàn về chiến tranh và quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.518.

2. V.I.Lênin, Diễn văn tại hội nghị mở rộng của công nhân và binh sĩ Hồng quân khu Rôgơxcơximônôpxki ngày 13-5-1920, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.147.

3. Hồ Chí Minh, Kỷ niệm ngày thành lập giải phóng quân Việt Nam, Toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.330.

4. Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18, Toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.206.

5. Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các Tổng cục, Toàn tập, tập 8, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.391.

6. Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ năm họp 8-1948, Toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.479.

7, 8. Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại Trường chính trị trung cấp quân đội, Toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.319, 320.

9, 10, 11. Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr.388, 390, 619.

12, 13, 14. Nguyễn Chí Thanh, Luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr.183, 193, 182.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : TRẦN HỮU HÒA

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *