Ảnh hưởng của luật nhân quả đến đời sống tinh thần của người hà nội

Phật giáo ra đời rất sớm trong lịch sử tư tưởng nhân loại, khi du nhập vào Việt Nam đã có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân, trong đó nổi bật là tư tưởng nhân quả. Với sự thâm nhập mạnh mẽ, hết sức tự nhiên vào đời sống tinh thần của nhân dân, nó đã góp phần củng cố thêm những truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc Việt Nam như tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường. Thông qua hình thức sinh hoạt văn hóa, tư tưởng Phật giáo đã hướng con người đến cái chân, thiện, lánh xa cái xấu, cái ác, có tinh thần vị tha bác ái, từ bi hỷ xả, khuyến khích sự yêu thương đồng cảm giữa người với người, người với tự nhiên.

Thuyết nhân quả của Phật giáo đã đem con người từ bàn tay của siêu nhiên trả về tự nhiên, xã hội. Số phận của con người là do con người tạo ra không phải do thiên mệnh hay định mệnh nào cả. Nghiệp (Karma) là nhân tố tạo thành quan hệ nhân quả, là nguyên nhân của luân hồi, hoàn toàn do con người tạo ra. Thuyết nhân quả của Phật giáo dạy con người Việt Nam nhiều bài học quý giá, để tự mỗi người xây dựng cho mình một đời sống an lành, hạnh phúc dựa trên chất liệu tự thân. Tin và hiểu luật nhân quả dường như đã xây đắp nên tính cách con người Việt Nam bao dung, rộng lượng, hiền hòa. Giáo lý nhân quả dạy cho con người biết chế ngự, ngăn ngừa cái ác trong tâm khởi sinh, khuyến khích cái thiện sinh sôi, xua tan nghiệp quả, đem lại niềm tin cho bản thân, xã hội… Luật nhân quả trong Phật giáo có tác dụng răn dạy con người từ bên trong, mang tính tự nguyện nên giá trị nhân văn rất bền vững. Sức mạnh tinh thần mà Phật giáo đưa lại là một yếu tố quan trọng để người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn trở ngại, giữ vững và phát huy được những nét đẹp vốn có. Những đóng góp ấy của Phật giáo cho đến tận ngày nay vẫn đang phát huy giá trị.

Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, hành chính của cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội hiện nay có 30 Ban trị sự Phật giáo cấp quận/ huyện trực thuộc, số lượng tăng, ni chính thức là 2.050 vị, số lượng tự viện có 1.632 ngôi. Đây là sự kế thừa, hội tụ tinh hoa của hai truyền thống Phật giáo được hình thành, phát triển từ ngàn năm trước: Phật giáo Thăng Long và Phật giáo xứ Đoài. Ngày nay, giá trị của Phật giáo vẫn có những ảnh hưởng sâu sắc tới phong tục, tập quán người Hà Nội như: rằm tháng giêng, rằm tháng Bảy người dân nô nức đi lễ chùa, cầu phúc. Ngày tết, ở ngoại thành vẫn còn tục trồng cây nêu, hay khi có người thân qua đời, hầu hết dân Hà Nội sau 5 tuần (35 ngày), hoặc 7 tuần (49 ngày) đều làm lễ đưa vong lên chùa… Theo thống kê năm 2008 của Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ VHTTDL, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước với 1.095 lễ hội. Dịp đầu xuân, người dân đến chùa dâng hương lễ Phật, cầu lộc, cầu tài, bởi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Hà Nội hiện nay không chỉ là nhu cầu tâm linh của các tín đồ mà còn là nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng. Có thể nói, Phật giáo là một tôn giáo có đóng góp tích cực cho sự phát triển của thủ đô trên nhiều mặt.

Trong điều kiện hiện nay, ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo nói chung, luật nhân quả nói riêng đến đời sống tinh thần của người Hà Nội đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, cụ thể:

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa việc phát huy ảnh hưởng tích cực của tư tưởng Phật giáo nói chung, luật nhân quả nói riêng với những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường.

Trong quá trình tồn tại, phát triển những giá trị, tư tưởng của Phật giáo đã góp phần quan trọng vào việc định hướng lối sống của người Hà Nội. Người Hà Nội văn minh – thanh lịch đã trở thành hình mẫu, biểu tượng cho nền văn hóa nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, sức mạnh của đồng tiền chi phối mọi mối quan hệ xã hội, cái tôi cá nhân được tôn sùng, tồn tại một bộ phận người dân bất chấp lòng tốt, chà đạp lên chuẩn mực đạo đức để đạt được mục đích. Họ bất chấp hậu quả có thể xảy ra đối với bản thân, cộng đồng, biểu hiện rõ nhất trong vấn đề vệ sinh, môi trường, lương thực thực phẩm bẩn, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất cấm trong chế biến nông sản, chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hàng ngày, đến sức khỏe của người sử dụng… Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cảnh báo: “Có thể nói, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế…”. Sở dĩ có thực tế này một phần là do cư dân ở Hà Nội hiện nay vẫn còn quay quanh nỗi khổ về vật chất. Tiếng gọi của sự mưu sinh đang chi phối đời sống tinh thần của họ. Diễn biến tâm lý của người dân hiện nay dường như đang diễn ra sự xung đột, mâu thuẫn, một bên là việc thực hiện lý tưởng sống nhân văn của Phật giáo với một bên là cuộc sống hiện thực còn nhiều khó khăn. Trước hiện thực phức tạp đó, để giữ được lý tưởng sống tích cực, hướng thiện, vô ngã, vị tha, tu tâm, hướng nội theo tinh thần nhân sinh của Phật giáo là một vấn đề lớn cần được giải quyết.


  Người dân làng Giá đi lễ nhân ngày hội. Ảnh Tất Dương 

Trước tiên, cần nâng cao, thống nhất nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân nhận diện đúng vai trò của Phật giáo nói chung và nhân sinh quan Phật giáo nói riêng đối với đời sống xã hội. Cùng với đó, Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hoằng pháp, phối hợp chặt chẽ công tác hướng dẫn Phật tử và từ thiện xã hội, đưa lý tưởng giác ngộ của đức Phật đến quảng đại quần chúng; nâng cao chất lượng sinh hoạt tu học, trau dồi đạo đức, phẩm hạnh cho Phật tử, góp phần phụng chính pháp, xây dựng thủ đô. Mặt khác, cần phải cải tạo đời sống vật chất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Thứ hai, một bộ phận dân cư không nhỏ ở Hà Nội còn có nhận thức sai lệch về những giá trị nhân bản, tích cực của Phật giáo nói chung, luật nhân quả nói riêng.

Tinh thần Phật giáo thể hiện lòng nhân ái, độ lượng, bao dung, đức hiếu sinh (từ bi, hỷ xả); lấy hạnh phúc con người và sự giải thoát làm mục đích, không phân biệt già trẻ trai gái, cao thấp, sang hèn. Với bản chất hướng thiện, mang đậm tính nhân văn, Phật giáo rất cần thiết cho việc tạo dựng một triết lý sống cho xã hội Việt Nam cũng như cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải tất cả người Hà Nội đã nhận thức đúng, đủ về giá trị của Phật giáo. Nhiều người đã vô tình hoặc cố ý biến Phật, Bồ Tát thành thần thánh với đầy đủ quyền năng, pháp lực, có thể làm được mọi thứ, hóa giải được mọi chuyện. Do hiểu biết không thấu đáo, họ nghĩ rằng Phật có khả năng cứu khổ, cứu nạn, cứ năng cầu khấn thì ắt sẽ thành hiện thực. Không ít người có niềm tin mù quáng vào thánh nhân, Bồ Tát, đức Phật dẫn tới việc một số cá nhân bị lôi kéo thực hiện những hành vi mê tín.

Trong nền kinh tế thị trường, trước áp lực kinh doanh, lợi nhuận, sự tồn tại, khẳng định vị thế, một số người ở Hà Nội giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng có không ít người phá sản, lâm vào cảnh nợ nần, tù tội. Có nhiều người trong số họ có tư tưởng cầu mong sự che chở, giúp đỡ từ một thế lực thần linh vô hình, đã đến chùa với đầy đủ các loại lễ vật gây ra sự sai lệch trong nét đẹp của văn hóa tâm linh, tín ngưỡng vốn đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhiều chùa ở Hà Nội hiện nay như chùa Hương, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Hà… vào dịp đầu năm người đi lễ chùa chen lấn, xô đẩy, nói tục, chửi bậy… làm giảm sự tôn nghiêm, thanh tịnh chốn thiền môn. Ở một số nơi, thày chùa cũng tham gia vào việc cúng lễ cho con nhang, đệ tử, tham gia vào việc cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ, cúng khánh thành công trình, động thổ, khai trương cửa hàng… Nơi thờ tự Phật giáo tựa như một thị trường kinh doanh về mặt tinh thần, tín ngưỡng hơn là một chốn tâm linh, thanh tịnh.

Nhận thức của người dân chưa đúng, chưa đủ sẽ dẫn tới hành động sai trái, làm giảm giá trị tích cực, gia tăng ảnh hưởng tiêu cực của nhân sinh quan Phật giáo. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị cũng như hạn chế của nhân sinh quan Phật giáo, thông qua hoạt động tuyên truyền, giải thích con đường, biện pháp thoát khổ, bản thân mỗi người phải không ngừng nỗ lực học tập, tích cực lao động, sản xuất. Đồng thời, động viên tăng, ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào xây dựng, bảo vệ tổ quốc, nâng cao uy tín của Phật giáo với xã hội.

Thứ ba, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng Phật giáo làm phương hại đến lợi ích của đất nước, thủ đô.

Thủ đô Hà Nội là một địa bàn rộng, phức tạp, tiếp nhận nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch quốc tế. Người theo đạo Phật chiếm một tỷ lệ lớn, các hoạt động Phật giáo diễn ra sôi nổi, quy mô… Bởi vậy, Phật giáo nơi đây là một mục tiêu trọng yếu, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phản động hoạt động chống phá, gây trở ngại cho sự nghiệp xây dựng, ổn định đất nước, phát triển của thủ đô. Các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng xu thế đổi mới, dân chủ; lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý nhà nước đối với tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống lại chế độ. Để các thế lực thù địch trong, ngoài nước không lợi dụng được Phật giáo, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, tăng, ni, phật tử, nhân dân phải nêu cảnh giác, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau, phát hiện kịp thời âm mưu của các phần tử phản động; tăng cường công tác quản lý tăng ni, tự viện, giáo dục đội ngũ tăng ni trẻ có đủ đạo, hạnh, năng lực, trình độ Phật học và Thế học, vững vàng trong quan điểm, hiểu sâu giáo pháp, có tinh thần dấn thân phục vụ Giáo hội, xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo các cấp từ thành phố đến xã, phường.

Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, luật nhân quả đến đời sống tinh thần người Hà Nội hiện nay cho thấy, có nhiều mâu thuẫn đang đặt ra, cần phải giải quyết kịp thời. Cần có quan điểm, giải pháp đồng bộ trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : TẠ THỊ NGỌC LAN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *