Vấn đề quyền tác giả trong hoạt động xuất bản hiện nay

Quyền tác giả (QTG) ở Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng. Bằng nhiều cách thức và thủ đoạn tinh vi, các hành vi vi phạm QTG ngày càng phổ biến, gây bức xúc, cản trở sức sáng tạo của tác giả, giảm động lực của các đơn vị xuất bản, phát hành sách. Mặc dù nhà nước đã sử dụng nhiều hình thức quản lý, bảo hộ QTG, song thực tế hiệu quả chưa cao. Việc nhận diện, đánh giá và tìm ra nguyên nhân thực trạng của vấn đề này là cần thiết đối với quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ở Việt Nam.

1. QTG trong hoạt động xuất bản

QTG là quyền chính đáng của người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hoặc quyền của người sở hữu tác phẩm được pháp luật công nhận. Nói cách khác, QTG là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu được pháp luật thừa nhận.

Tác phẩm được bảo hộ là tác phẩm được luật pháp quốc gia và công ước Berne bảo hộ quyền tác giả. Đó là những tác phẩm gồm các loại hình: văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình, các tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác, bài phát biểu, bài giảng, tác phẩm sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc, văn học nghệ thuật dân gian, chương trình máy tính.

Các quyền của tác giả bao gồm: quyền tinh thần, quyền kinh tế đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Theo pháp luật Việt Nam, các quyền này chính là quyền nhân thân, quyền tài sản. Trong đó quyền nhân thân gồm: quyền đứng tên tác giả trên bản gốc, bản sao tác phẩm; quyền đặt tên tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền ngăn cấm hoặc cho phép người khác khai thác, sửa chữa tác phẩm; quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. Quyền đứng tên, quyền đặt tên và quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là quyền được pháp luật quốc gia và quốc tế bảo hộ vô thời hạn, không được chuyển giao. Quyền công bố tác phẩm là quyền có thể để lại thừa kế, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác.

Quyền tài sản là các quyền độc quyền do chủ sở hữu thực hiện hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng hoặc chuyển giao (gồm quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền sao chép, quyền biểu diễn, quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc bản sao, quyền truyền đạt, quyền cho thuê). Quyền tài sản và quyền nhân thân của tác giả tự động phát sinh ngay sau khi tác phẩm được hình thành dưới dạng vật chất nhất định. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Chủ sở hữu QTG được hưởng tiền nhuận bút, thù lao và lợi ích vật chất khác từ việc cho phép tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng tác phẩm.

 Liên quan trực tiếp đến QTG còn có quyền liên quan (QLQ), là quyền của tổ chức, cá nhân đối với các sản phẩm do lao động sáng tạo của họ tạo ra trong việc chuyển tải tác phẩm thuộc QTG đến công chúng (gồm: quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, quyền của tổ chức phát sóng).

2. Tình trạng vi phạm bản quyền và công tác xử lý hành chính

Tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ nói chung, xuất bản nói riêng, là vấn đề đáng báo động hiện nay. Nhiều vi phạm xảy ra với tần suất, mức độ có xu hướng gia tăng. Hình thức, tính chất vi phạm ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp, tinh vi. Qua nghiên cứu thực tế, một số dạng vi phạm bản quyền thường gặp hiện nay:

Vi phạm, bản quyền một tác phẩm là dạng vi phạm khá phổ biến. Các đơn vị làm sách không xin phép, cũng không trả nhuận bút cho các tác giả khi sách được tái bản. Có những cuốn sách được tái bản nhưng tác giả vẫn không hề hay biết, hoặc cuốn sách được nối bản vượt quá số lượng xin phép.

Sao chép nguyên văn một phần hay toàn bộ tác phẩm đã có từ trước nhưng không có sự cho phép của người có bản quyền. Đối với tác phẩm chưa được công bố, sao chép tác phẩm là độc quyền thuộc về tác giả hoặc chủ sở hữu QTG. Đối với tác phẩm đã được công bố, các tổ chức, cá nhân khác muốn sao chép, phải xin phép, được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, phải thông tin về tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Tình trạng sách giáo khoa, giáo trình, công trình nghiên cứu, bài viết khoa học sử dụng trích dẫn tư liệu minh họa không có nguồn trích, không xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm diễn ra khá phổ biến.

Tình trạng in lậu, nối bản, nhân bản lậu, văn bản không bị sao chép nguyên văn nhưng toàn bộ ý tưởng của một tác phẩm bị sao chép hoặc mạo danh tác giả, đứng tên tác phẩm của người khác cũng diễn ra phức tạp trong thời gian qua. Các dạng vi phạm này thường xảy ra đối với các loại sách giáo trình, giáo khoa, mảng kiến thức, kỹ năng chế biến món ăn, cách phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe.

Văn bản bị xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm. Hành vi này không chỉ xảy ra với các sách bị in lậu, nối bản lậu mà ngay cả những bản thảo tác giả gửi ở nhà xuất bản cũng bị xâm phạm. Biên tập viên nhà xuất bản có thể tự sửa chữa, cắt xén hoặc bổ sung nội dung tác phẩm, mà không xin phép tác giả, hoặc không cấp giấy phép xuất bản nếu tác giả không đồng ý.

 Làm tác phẩm phái sinh không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông, các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm nhưng không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Dạng vi phạm này đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại các khu vực cạnh trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ở nước ta. Sách giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo bị nhân bản, sao chép, bày bán công khai.

Một dạng vi phạm khác là các tác phẩm, công trình, bài viết có giá trị, nguồn tư liệu khoa học quý bị chính những người tiêu dùng, hưởng thụ chia sẻ, truyền đạt trên mạng truyền thông xã hội. Thậm chí hành vi này bị tam sao thất bản, cả người chia sẻ và người nhận thông tin đều vô tư không hề nhận thức được hành vi xâm phạm bản quyền…

3. Công tác bảo hộ bản quyền

Hiện nay, để đảm bảo quyền chính đáng giữa người sáng tạo, cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm và công chúng thụ hưởng tác phẩm, nhà nước thực hiện việc bảo hộ QTG và QLQ. Nhà nước ban hành các quy định pháp luật về quyền, giới hạn quyền, một số ngăn cấm các hành vi xâm phạm QTG, QLQ, quy định các chế tài phù hợp, áp dụng các biện pháp thực thi về hành chính, dân sự, hình sự nhằm chống lại các hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, còn có quy định địa vị pháp lý của hệ thống quản lý hành chính, thẩm quyền của các cơ quan thực thi tại thị trường nội địa, cửa khẩu, biên giới; hệ thống tư pháp để xét xử các vụ án xâm phạm QTG, QLQ.

Hệ thống pháp luật về QTG, QLQ bao gồm các quy định trong hiến pháp, bộ luật dân sự, bộ luật hình sự, luật sở hữu trí tuệ, luật báo chí, luật xuất bản, luật di sản văn hóa, luật điện ảnh, luật hải quan, pháp lệnh quảng cáo, pháp lệnh thư viện, pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Hệ thống hành chính quản lý bản QTG ở nước ta gồm: chính phủ là cơ quan tối cao thống nhất quản lý nhà nước về QTG, QLQ; Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm trước chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý nhà nước về QTG, QLQ. Bên cạnh đó, Cục Bản quyền tác giả giúp Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL thực hiện quản lý nhà nước về bảo hộ QTG, QLQ và công nghiệp văn hóa. Thanh tra chuyên ngành văn hóa – thông tin thực hiện xử lý các vụ tranh chấp vi phạm QTG, QLQ. Sở VHTTDL giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về QTG, QLQ. Ngoài ra, còn có các cơ quan chức năng quản lý liên ngành tham gia như hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, an ninh văn hóa, bộ đội biên phòng.

Trong những năm gần đây, hoạt động xuất bản đã có sự phát triển vượt bậc với những thành tựu đáng kể. Thị trường xuất bản phẩm phát triển sôi động với sự đa dạng về cơ cấu, chủng loại, số lượng và chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực của thị trường xuất bản phẩm trong những năm qua chính là sự phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội trong chính sách phát triển nền kinh tế đa thành phần của nhà nước. Sự thay đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, chính sách quản lý hiện nay vừa là nền tảng pháp lý, vừa là môi trường hấp dẫn cho quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa nói chung, hoạt động xuất bản nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động xuất bản cũng còn nhiều hạn chế. Tốc độ phát triển của ngành còn chậm, cho đến nay, ngành vẫn còn lúng túng, chưa tìm và lựa chọn được một mô hình hoạt động phù hợp. Đội ngũ cán bộ của ngành chưa đủ lớn mạnh ngang tầm với sứ mệnh hội nhập của đất nước. Mạng lưới phát hành chưa phát triển đồng đều ở các vùng miền, chủ yếu tập trung ở các thành phố, đô thị. Thị trường xuất bản phẩm còn nhiều sai phạm. Đặc biệt là các vi phạm về bản quyền tác giả…

4. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền

Thứ nhất, hệ thống thực thi pháp luật về bảo hộ QTG, QLQ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các văn bản pháp quy được ban hành, bổ sung chưa theo kịp những phát sinh, thay đổi lớn của thực tiễn. Hình thức và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Các cơ quan quản lý, bảo đảm thực thi pháp luật về hoạt động này chưa thực sự phù hợp. Chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản và quản lý nhà nước về QTG, QLQ hiện đang nằm ở hai bộ chức năng khác nhau. Bộ TTTT là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành nhưng Bộ VHTTDL là cơ quan quản lý nhà nước về QTG, QLQ.

Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh trở thành nguyên tắc nền tảng trong mọi hoạt động kinh tế, lợi nhuận trở thành mục tiêu của bất kỳ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, cạnh tranh đồng nghĩa với phát triển, nhưng dưới sức ép của cạnh tranh trong quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm duy trì, phát triển doanh nghiệp trên thương trường, nhiều cá nhân, doanh nghiệp mải mê tìm kiếm lợi nhuận quên mất trách nhiệm với cộng đồng. Nhà nước cần có một định hướng chiến lược cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển. Việc xây dựng một triết lý kinh doanh, xác định mục tiêu đạt tới của tổ chức, doanh nghiệp, ý thức về sứ mệnh, trách nhiệm xã hội với cộng đồng là cần thiết, cấp bách hiện nay.

Thứ ba, người tiêu dùng có tâm lý ưa chuộng hàng giá rẻ. Quá trình hội nhập quốc tế hiện đã và đang tác động tích cực đến khả năng thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu của công chúng trong nước. Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, thỏa mãn nhu cầu cá nhân bằng những sản phẩm hoặc dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, dịch vụ bán hàng tốt từ nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình hội nhập còn phát sinh những yếu tố tiêu cực, xâm nhập vào nền kinh tế nhiều thành phần với tính cạnh tranh cao, diễn biến phức tạp của nước ta. Nhiều người tiêu dùng ưa lựa chọn những sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng mẫu mã đẹp, giá bán phải chăng. Lợi dụng tình trạng này, không ít doanh nghiệp thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, vì mục tiêu lợi nhuận sẵn sàng làm giả, làm nhái những cuốn sách của các nhà xuất bản để trục lợi. Vì vậy rất cần sự thông thái, chia sẻ và trách nhiệm cao của người tiêu dùng, người thụ hưởng các sản phẩm trí tuệ.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, thực thi bảo hộ QTG, QLQ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhận thức về QTG, QLQ còn nhiều hạn chế, nhiều chủ thể chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về QTG, QLQ, thậm chí còn cố tình vi phạm vì mục đích lợi nhuận. Quy trình, thủ tục xử lý rườm rà, mất thời gian, tốn kém chi phí, kết quả mang lại không đáng kể nên ngay tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cũng chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ QTG hoặc bỏ ngỏ quyền lợi chính đáng của mình. Phần lớn các chủ sở hữu QTG chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa có ý thức trong việc đăng ký bảo hộ QTG. Vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp triển khai có hiệu quả.

Tóm lại, bảo vệ QTG, QLQ, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm bản quyền là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người. Bảo hộ bản quyền nhằm tạo môi trường sáng tạo hấp dẫn, đồng thời bảo hộ quyền lợi chính đáng của những người tham gia khai thác, sử dụng, hưởng thụ tác phẩm của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, làm lành mạnh nền văn hóa đọc, văn minh tiêu dùng của quốc gia. Công tác quản lý, bảo hộ bản quyền đối với sản phẩm sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp trước sự phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ, kỹ thuật. Xuất bản điện tử đang trở thành xu hướng thịnh hành ở Việt Nam là cơ hội lớn cho các nhà xuất bản, in, phát hành. Đây cũng là cơ hội ẩn dấu cho các hành vi vi phạm bản quyền tồn tại. Ngăn chặn, loại trừ hành vi xâm phạm bản quyền ra khỏi đời sống xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, những người tham gia vào quá trình khai thác, sử dụng, thụ hưởng tác phẩm là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi công dân. Những giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ bản quyền trong hoạt động xuất bản không chỉ trông chờ từ chính sách pháp luật của nhà nước, sự nghiêm minh của các cơ quan chức năng, còn đòi hỏi ý thức, trách nhiệm cao của những tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, lưu thông phân phối sản phẩm sở hữu trí tuệ và trách nhiệm tiêu dùng văn minh của những người thụ hưởng sản phẩm sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017

Tác giả : ĐỖ THỊ QUYÊN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *