Công tác tư tưởng, văn hóa quân đội thời kỳ kháng chiến chống mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng rất oanh liệt, vẻ vang của dân tộc, công tác tư tưởng, văn hóa là một trong những mặt hoạt động rất thành công, có nhiều đóng góp to lớn, tạo nên sức mạnh tinh thần quyết chiến và quyết thắng của quân đội, cùng toàn Đảng, toàn dân đánh thắng các chiến lược chiến tranh của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể khái quát những thành công nổi bật của công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên một số nội dung cơ bản sau.

Thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ giác ngộ dân tộc, giai cấp, giác ngộ mục tiêu lý tưởng cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Đây là một trong những thành công nổi bật nhất của công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội qua 21 năm kháng chiến; là cơ sở, xuất phát điểm cho những thành công tiếp theo trong mọi hoạt động tư tưởng, văn hóa thời kỳ này. Quán triệt quan điểm trong xây dựng quân đội “công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong toàn quân có nhận thức rõ tình hình mới, nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”. Theo đó, công tác tư tưởng đã quan tâm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ giác ngộ lý luận Mác – Lênin, đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hiểu rõ tình hình nhiệm vụ cách mạng chung và nhiệm vụ cách mạng ở hai miền Nam – Bắc, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt, tạo sự thống nhất cao cả về tư tưởng và hành động trong toàn quân. Nhận thức rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngụy quân, ngụy quyền. Trên cơ sở đó xây dựng tư tưởng cách mạng tiến công, chống trào lưu tư tưởng tư sản phản động, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả kháng chiến chống Pháp. Xây dựng lập trường kiên định và lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chống ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều về vũ khí luận, về chiến tranh hiện đại, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, xem nhẹ yếu tố con người trong chiến tranh. Cuộc đấu tranh này đã nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn của Đảng.

Thực tiễn cho thấy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, công tác tư tưởng, văn hóa đã chủ động, nhạy bén, bám sát từng chiến trường, dự báo xu hướng vận động của tình hình, nhất là những giai đoạn bước ngoặt của cuộc kháng chiến. Đã sớm xác định đế quốc Mỹ là kẻ thù trực tiếp và chủ yếu của cách mạng nước ta, đó chính là cơ sở để định hướng tư tưởng trong toàn quân, đảm bảo cho tinh thần chiến đấu của bộ đội ta luôn vững vàng quyết đánh, quyết thắng. Đặc biệt, từ năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam và dùng không quân, hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc, trong bối cảnh cục diện chính trị thế giới vô cùng phức tạp, nhất là sự bất đồng trong phe xã hội chủ nghĩa, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế về quan điểm đánh giá bản chất, sức mạnh của đế quốc Mỹ. Công tác tư tưởng, văn hóa đã tập trung giáo dục cho bộ đội nhất trí cao độ với đường lối quan điểm của Đảng, đánh giá đúng kẻ thù, kịp thời phê phán, khắc phục những quan điểm sai trái, đánh giá cao sức mạnh của Mỹ, không tin sức mạnh của chiến tranh nhân dân, không tin ta có thể đánh thắng Mỹ… Từ đó xây dựng và không ngừng nâng cao quyết tâm , với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để quân đội ta chiến đấu và chiến thắng.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, công tác tư tưởng, văn hóa đã liên tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Xây dựng và không ngừng nâng cao tinh thần chiến đấu, nâng cao ý chí quyết đánh thắng giặc Mỹ không chỉ là công việc của bản thân quân đội mà còn là kết quả của cuộc động viên chính trị toàn dân do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo. Thực tiễn qua 21 năm kháng chiến, chúng ta đã liên tục tổ chức phong trào thi đua, coi đó là một trong những biện pháp chủ yếu thường xuyên để biến đường lối, chính sách của Đảng thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng, của mọi tầng lớp nhân dân và đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong cả nước.

Ở miền Bắc, đó là các phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”, bên cạnh phong trào “ba nhất” của quân đội, còn có phong trào “ba sẵn sàng” của thanh niên, “ba đảm đang” của phụ nữ, “ba điểm cao” của công nhân, các phong trào “ba quyết tâm”, “hai tốt”, “tay cày tay súng”, “tay búa tay súng” và phong trào “toàn dân bắn máy bay”, “toàn dân bảo đảm giao thông vận tải”… Mỗi phong trào có những mục tiêu rõ ràng, thiết thực, có những chỉ tiêu cụ thể thích hợp với từng đối tượng và với những khẩu hiệu hành động tràn đầy tinh thần triệt để cách mạng, tư tưởng cách mạng tiến công như “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “đâu có giặc là ta cứ đi”…

Trên khắp miền Nam cả ở những vùng sát nách địch, đâu đâu cũng có phong trào thi đua lập công cụ thể, thiết thực và có hiệu quả như phong trào “ba dám”, phong trào “bắn tỉa”, phong trào “hầm chông, bẫy đá, bẫy tên”, phong trào “vành đai diệt Mỹ”, phong trào thi đua phá ấp chiến lược, đánh phá giao thông, bắn cháy và bắt sống xe bọc thép M.113, bắn trực thăng của địch với những khẩu hiệu đầy khí phách anh hùng “một mình một súng tiến công”, “đã ra quân là đánh thắng, đã xuất kích là mang chiến công trở về”, “một tấc không đi, một ly không rời“, “toàn quân là dũng sĩ”, “toàn dân là dũng sĩ”…

Các phong trào đó là những cuộc động viên chính trị rộng lớn và sâu sắc, thúc đẩy quân, dân cả hai miền phát huy cao độ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tình cảm Bắc – Nam ruột thịt, lòng căm thù quân xâm lược và bè lũ tay sai, tạo nên một sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, khó khăn, phát huy tinh thần sáng tạo trong chiến đấu và mọi nhiệm vụ, làm nên những thành tích kỳ diệu ở cả tiền tuyến và hậu phương. Quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ đã được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng hiệu quả chiến đấu, hiệu suất công tác trong mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và cán bộ chiến sĩ trong toàn quân.

Công tác tư tưởng, văn hóa đã củng cố, bồi dưỡng, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp bộ đội cụ Hồ

Sự xuất hiện, định hình, phát huy mạnh mẽ hình ảnh bộ đội cụ Hồ trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng là một hiện tượng rất độc đáo trong tiến trình lịch sử dân tộc ta. Hình ảnh bộ đội cụ Hồ là sản phẩm của bản thân cuộc đấu tranh cách mạng của cả dân tộc, trong đó công tác tư tưởng, văn hóa quân đội đã có đóng góp to lớn đối với việc phát hiện, nuôi dưỡng, cổ vũ, đúc kết, phát huy những phẩm chất đẹp đẽ đó.

Ngay từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những hình ảnh chàng vệ với những gương chiến đấu kiên cường, với cái cười thật đôn hậu, hồn nhiên và cái mũ nan có lưới ngụy trang cùng tấm áo trấn thủ “ba mươi sáu đường gian khổ”. Hình ảnh bộ đội về làng, bộ đội kéo pháo, tiêu diệt địch vừa thương dân, hiền hậu, vừa dũng cảm, kiên cường đã trở thành nhân vật trung tâm của văn hóa, văn nghệ, được chính văn hóa, văn nghệ biểu hiện, phản ánh, góp phần nuôi dưỡng và khẳng định, phát triển thêm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng những nỗ lực to lớn và không mệt mỏi, bằng sự cảm nhận sâu sắc yêu cầu của cuộc chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội đã trực tiếp củng cố, bồi dưỡng, phát triển nhân rộng trong đời sống của toàn quân những phẩm chất cao đẹp bộ đội cụ Hồ. Hình tượng đó không chỉ có tác dụng sâu sắc trong quân đội mà còn là hình tượng có tác dụng nêu gương vô cùng to lớn đầy sức hấp dẫn và thuyết phục đối với cả dân tộc trong suốt 21 năm kháng chiến. Cũng nhờ đó, quân đội ta đã vượt qua mọi gian khổ, dù vào sống ra chết cũng không nản chí, cán bộ chiến sĩ trong toàn quân ai ai cũng dốc lòng, dốc sức, quyết tâm và hành động cho sự nghiệp cách mạng thiêng liêng là giải phóng miền Nam, thực hiện bằng được khát vọng độc lập tự do, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc.

Công tác tư tưởng, văn hóa đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng nên một nền văn hóa, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang

Việc thông tin chính xác, kịp thời tin chiến thắng, tình hình chiến đấu và sản xuất, mọi hoạt động ở tiền tuyến và hậu phương, tình hình thế giới, nhất là tình hình nhân dân thế giới ca ngợi và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, lời thú nhận những thất bại của địch… là rất cần thiết, có tác động trực tiếp đến tinh thần, ý chí chiến đấu và lòng tin của toàn quân. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể khẳng định rằng, toàn bộ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các lực lượng đội ngũ cả quần chúng và chuyên nghiệp đều được huy động đến mức cao nhất phục vụ cuộc chiến đấu, phục vụ người chiến sĩ ở chiến trường. Chưa bao giờ có sự gắn bó mật thiết như thế giữa văn hóa, văn nghệ và cuộc sống chiến đấu của người lính như thời chống Mỹ. Những bài báo, cuốn sách, những lời ca tiếng hát, vở kịch, cuốn phim… phản ánh các phong trào hành động cách mạng, các gương anh hùng, gương người tốt việc tốt, những trận đánh hay, người đánh giỏi ca ngợi cuộc sống, chiến đấu và sản xuất ở tiền tuyến cũng như hậu phương, đều đã thấm sâu vào tâm tư, tình cảm và lý trí của mọi người, biến thành sức mạnh tinh thần to lớn, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều hết lòng, hết sức khắc phục khó khăn, vượt lên gian khổ, luôn luôn lạc quan, tin tưởng và hăng hái phấn đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Từ những hoạt động hết sức đơn giản, mộc mạc nhưng mang tính quần chúng sâu rộng và thiết thực phục vụ kháng chiến, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, qua những năm chiến đấu và xây dựng, công tác văn hóa, văn nghệ của quân đội đã góp phần quan trọng và to lớn xây dựng nền văn học, nghệ thuật cách mạng của dân tộc. Trong đó, lực lượng hoạt động văn học, nghệ thuật quân đội đã góp phần chủ yếu xây dựng nên thành tựu của dòng văn học, nghệ thuật Việt Nam với đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Vị trí đó thể hiện ở những sản phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao do những nghệ sĩ mặc áo lính sáng tạo nên. Một đội ngũ đông đảo, tài năng, giàu tâm huyết, gắn bó với cách mạng, với nhân dân, với kháng chiến đã lớn lên, trưởng thành từ trong quân đội, trở thành lực lượng nòng cốt, chủ lực trong đội ngũ sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của cả nước. Thành công của hoạt động văn hóa, văn nghệ trong 21 năm kháng chiến – một bộ phận hữu cơ của công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội, không chỉ thuộc về quân đội, có tác dụng đối với bản thân bộ đội, mà còn có ý nghĩa và giữ vị trí quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, văn nghệ cả nước.

Hiện nay, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn hóa đang và sẽ diễn ra rất phức tạp, tinh vi và gay gắt. Các thế lực thù địch ráo riết thực hiện các âm mưu và thủ đoạn diễn biến hòa bình để đánh phá vào quân đội, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, xây dựng con người. Mặt khác, tác động và ảnh hưởng của lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo đồng tiền… ngày càng mạnh vào quân đội, tạo nên những khuynh hướng tiêu cực, làm giảm sút sức chiến đấu của quân đội… Trong bối cảnh đó, những thành công nổi bật của công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục chắt lọc, vận dụng để góp phần xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng chính quy, hiện đại, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : VŨ THÀNH TRUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *