Thực hiện dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở hải dương

Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển với những thành tựu kinh tế xã hội mới. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra cho Việt Nam những thời cơ, thách thức và nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Những thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian qua rất to lớn và đáng tự hào. Song, đối với Việt Nam, mục tiêu quan trọng hàng đầu là trở thành một nước công nghiệp. Nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay trước hết và chủ yếu là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM).

1. Ý nghĩa, tầm quan trọng của phát huy dân chủ cơ sở trong xây dựng NTM

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng NTM, ngày 4-6-2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 800/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn  2010 – 2020. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và để phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, ngày 16-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó xác định: “Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững” (1).

Xây dựng NTM là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đòi hỏi phải phát huy sáng tạo, hiệu quả mọi nguồn lực và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội… Trong đó, nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng và chủ thể trong thực hiện chương trình này không ai khác chính là các tầng lớp nhân dân ở nông thôn.

Vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM thể hiện ở chỗ người dân chính là người tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện việc xây dựng NTM. Chính quyền cơ sở chỉ đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt thực hiện. Thực tiễn cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng NTM; quyết định việc sử dụng nguồn vốn, giám sát việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp… Đồng thời, cán bộ Đảng, chính quyền cơ sở thực hiện tốt vai trò cầm lái, công khai, minh bạch, phát huy dân chủ ở cơ sở, huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của nhân dân thì sẽ sớm cán đích xây dựng NTM.

Quan điểm xuyên suốt của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 là các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân cần nhận thức sâu sắc xây dựng NTM phải là một phong trào quần chúng rộng lớn, phát huy đầy đủ quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân. Trong đó nhấn mạnh, đối tượng thụ hưởng của chương trình là người dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn nông thôn. Đối tượng thực hiện gồm: người dân và cộng đồng dân cư nông thôn; hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội… Như vậy, thực hiện và phát huy tốt dân chủ cơ sở vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng của xây dựng NTM.

2. Kết quả phát huy dân chủ trong xây dựng NTM ở Hải Dương

Trong những năm qua, cùng với công cuộc đổi mới chung của cả nước, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương đã có nhiều tiến bộ rõ nét, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn đã có những biến đổi tích cực. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những kết quả to lớn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 64 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM, chiếm 28,3% tổng số xã, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 25% tổng số xã). Đồng thời, đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã còn lại (2).

Những thành tích đã đạt được do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng đó việc phát huy dân chủ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/  PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Tỉnh ủy Hải Dương đã có Công văn chỉ đạo số 691-CV/TU, ngày 22-4-2010 thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Quyết định số 207 ngày 20/5/2011 và Quyết định số 612, ngày 27-7-2012 về kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo và tổ thư ký Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…

 Theo Báo cáo số 148-BC/TU ngày 11-7-2013 của Tỉnh ủy Hải Dương sơ kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh (2007 – 2012), những nội dung phải công khai trước nhân dân theo quy định cơ bản được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Trong đó, những nội dung công khai được thực hiện khá tốt là những vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân như: kế hoạch phát triển kinh tế  xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những dự án đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc tổ chức bình xét hộ nghèo, việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ cho địa phương, các khoản đóng góp huy động trong nhân dân…

Nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp chủ yếu chủ trương, mức đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng ở địa phương như nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế, xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng… Nhiều địa phương đã huy động được sức người, sức của, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi (3).

Những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định như: xây dựng hương ước, quy ước thôn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn… được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, 100% các thôn trên địa bàn toàn tỉnh đều xây dựng được quy ước làng.

Những nội dung quan trọng như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; phương án phát triển ngành nghề, quản lý sử dụng đất đai; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng đều được nhân dân tham gia ý kiến trước khi các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Tỷ lệ nhân dân dự họp đạt bình quân từ 60% trở lên trên tổng số hộ. Trong đó, nhiều ý kiến có chất lượng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Có thể khẳng định việc phát huy dân chủ cơ sở ở Hải Dương đã góp phần tạo ra đời sống chính trị sôi nổi ở các địa phương, có tác động tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình nông thôn, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân… Là tiền đề quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015 và những năm tiếp theo. Những kết quả đã đạt được đều thể hiện vai trò rất quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở cơ sở.

3. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong thực hiện dân chủ cơ sở gắn với xây dựng NTM

Yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là gắn xây dựng NTM với thực hiện dân chủ ở cơ sở, với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi. Để phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng NTM, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở cơ sở cần quan tâm một số vấn đề sau đây:

Một là, cần phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình; tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân cùng tham gia để xây dựng NTM. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đảm bảo nhân dân vừa là người thực hiện, vừa là người được thụ hưởng những thành quả của chương trình quốc gia xây dựng NTM.

Hai là, cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động; phát huy hiệu quả quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt việc nghe dân nói, nói dân nghe để người dân hiểu chương trình xây dựng NTM nhằm mục đích phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của chính dân cư nông thôn.

Ba là, cần đẩy mạnh các hoạt động giám sát, nhất là giám sát thực hiện dân chủ cơ sở, giám sát đầu tư cộng đồng, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, theo pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nắm bắt dư luận xã hội và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Đồng thời, tham gia giải quyết tốt những kiến nghị của quần chúng nhân dân…

Bốn là, phải đóng vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu tham gia các hoạt động nói chung, đóng góp tiền công, ngày công… nói riêng trong các hoạt động xây dựng NTM. Tích cực tạo dựng và tham gia thường xuyên vào các phong trào thi đua thực hiện chương trình quốc gia xây dựng NTM ở địa phương.

Năm là, huy động tối đa các nguồn lực, tuy nhiên, không được quá sức của dân và tạo cảm giác chương trình NTM là một gánh nặng đối với nhân dân. Trong việc huy động sức dân, cần kiên trì, từng bước, tránh nóng vội. Khắc phục triệt để những hạn chế trong giai đoạn vừa qua, nhất là những biểu hiện chủ quan duy ý chí, xây dựng NTM bằng mọi giá. Đặc biệt, là tình trạng sử dụng kém hiệu quả của kết cấu hạ tầng nông thôn và nợ đọng xây dựng NTM trong thời gian qua (4).

Tóm lại, để phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và vai trò chủ thể của người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở cơ sở rất quan trọng.

Việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Hải Dương trong giai đoạn hiện nay sẽ thực sự tạo ra một diện mạo mới cho nông thôn. Đồng thời, góp phần quan trọng đưa Hải Dương sớm trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

___________

1. Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

2. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

3. Tiêu biểu như huyện Kim Thành huy động nhân dân đóng góp gần 165 tỷ đồng, huyện Cẩm Giàng trên 100 tỷ đồng, huyện Kinh Môn trên 85 tỷ đồng, huyện Thanh Miện trên 143 tỷ đồng, nhân dân tình nguyện hiến hơn 2.000m2 đất thổ cư và 76.500m2 đất canh tác để mở rộng đường giao thông nông thôn và giao thông thủy lợi nội đồng…  Đặc biệt, huyện Thanh Hà đã vận động nhân dân tự nguyện hiến 44.789m2 đất, 6842 ngày công và đóng góp kinh phí khoảng 41,567 tỷ đồng.

4. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2016 số nợ đọng xây dựng nông thôn mới là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực nợ cao nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như: Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : PHẠM XUÂN THIÊN – NGUYỄN THỊ MAI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *