Văn hóa vùng đồng bằng bắc bộ đầu thế kỷ xx nhìn từ một bộ tranh

Những dòng tranh dân gian ở đồng bằng Bắc Bộ ra đời từ hàng trăm năm trước nhưng có lẽ, chưa dòng tranh nào xây dựng được một cách có hệ thống và kỹ lưỡng các bộ tranh phản ánh hoạt động lao động sản xuất của người Việt. Một số nghệ nhân dân gian cũng đã dựng được các hoạt cảnh miêu tả cuộc sống thường nhật của người dân song rất ít và đơn giản về đường nét, bố cục.
Cho đến khi bộ tranh Kỹ thuật của người Annam (1) do Henri Joseph Oger, một người Pháp trẻ tuổi, làm việc cùng các thợ vẽ và thợ khắc bản địa được công bố, không chỉ người Pháp mà cả người Việt Nam tây học thời đầu TK XX cùng phải ngỡ ngàng trước khả năng quan sát, chọn lọc và hệ thống hóa những hình ảnh lao động của người Việt thành các dạng thức biểu hiện văn hóa bản địa một cách chân thực, sinh động.

Những hình ảnh về canh tác nông nghiệp

Đồng bằng Bắc Bộ là một trong hai vùng đồng bằng châu thổ quan trọng nhất của Việt Nam, với lưu vực của sông Hồng và sông Thái Bình màu mỡ, tạo nên vùng châu thổ Bắc Bộ phì nhiêu và rộng lớn so với mật độ dân số lúc bấy giờ. Người nông dân miền Bắc thường có hai mùa canh tác chính, gọi là vụ mùa và vụ chiêm. Vụ mùa thường bắt đầu vào tháng 6, kéo dài đến tháng 10 âm lịch, và vụ chiêm (hay còn gọi là vụ chiêm xuân) kéo dài từ tháng giêng đến khoảng tháng 5.

Đóng một vai trò rất quan trọng, không thể thay thế trong đời sống người dân, cây lúa và hạt gạo được ví như mẹ ruột (2). Nhưng để có được những hạt lúa ấy, người nông dân Việt Nam kỳ thực rất vất vả, trải qua nhiều công đoạn lao động hoàn toàn thủ công. Trong bộ Kỹ thuật của người An Nam, H.Oger cùng những người thợ khắc đã khái quát được công việc đi cày và bừa ruộng của người nông dân, thông qua hình ảnh một người lực điền khỏe mạnh và “con trâu đi trước cái cày theo sau”, rất đặc trưng.

Cày là một loại hình nông cụ, nhưng về cơ bản có đến bốn hình dáng khác nhau, phù hợp với từng loại địa hình. Nếu như ở vùng dọc sông Thao, người nông dân sử dụng lưỡi cày hình tam giác có họng tra cán to khỏe, lưỡi cày hình thoi tập trung phân bố ở vùng sông Mã, lưỡi cày hình xẻng vai ngang có mặt ở vùng làng Vạc (Nghệ An), thì ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, lưỡi cày lại có hình thoi.

Nói đến công việc đồng áng, người Việt đúc kết nên câu ngạn ngữ: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, để nói về các yếu tố quan trọng, quyết định thành quả của mùa màng. Trước đây, do hệ thống thủy lợi chưa được phát triển, người nông dân muốn lấy nước về ruộng mình đa phần đều phải dẫn qua thửa ruộng bên cạnh. Từ đặc điểm này, chế độ đổi công cho nhau giữa những người nông dân đã hình thành, trong đó người ta có thể làm giúp nhau rất nhiều công việc như làm nhà, cấy cày, hay tát nước, gặt lúa… Chế độ đổi công và mối quan hệ qua lại như vậy đã tạo ra tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong làng xóm. Công việc tưới nước cho ruộng hay cào cỏ đều được H.Oger và các thợ khắc An Nam miêu tả đầy đủ và rất sinh động, thể hiện được khá trọn vẹn tính chất công việc đó. Như ở hình khắc Tưới nước ngoài ruộng, với hình ảnh hai người nông dân, một người ngồi làm đất, một người tưới nước bên cạnh với dụng cụ tưới nước được mô tả gần giống như bơm tiêm. Rất có thể, vào thời điểm những năm cuối TK XIX đầu TK XX khi chưa có nhiều yếu tố hiện đại xuất hiện, dụng cụ tưới này có thể được làm từ tre, thể hiện tính sáng tạo của người nông dân xứ An Nam.

Đánh bắt thủy hải sản

Đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất trù phú màu mỡ, với mạng lưới sông ngòi, ao hồ chằng chịt, là nguồn nước tưới quanh năm và đặc biệt là nơi tiêu nước trong mùa mưa bão. Vì vậy, bên cạnh việc trồng lúa, người nông dân vùng châu thổ Bắc Bộ còn rất thành thạo việc nuôi và đánh bắt thủy sản. “Ngoài sông ngòi, cái ao, mặt đầm hồ là hình ảnh quen thuộc với người nông dân và có lúc việc khai thác ao hồ trong việc nuôi thả cá tôm đã được người nông dân ở đây đưa lên vị trí hàng đầu: “nhất canh trì, nhì canh viên, ba canh điền” (nhất thả cá ao, nhì làm vườn, ba làm   ruộng (3). Chính yếu tố nước tạo ra sắc thái riêng biệt trong tập quán canh tác, cư trú, tâm lý ứng xử cũng như sinh hoạt cộng đồng của cư dân trong khu vực, dần hình thành nền văn minh lúa nước, vừa có cái chung của văn minh khu vực, vừa có cái riêng độc đáo của mình.

Ở hình Bắt lươn H.Oger đã cho khắc họa hình ảnh một người nông dân mặc áo tơi, một tay cầm gậy, dụng cụ để bắt lươn, tay kia cầm “chiến lợi phẩm” là một con lươn, bên hông người nông dân có đeo một chiếc giỏ đựng, có đầy đủ cả chi tiết hom giỏ, thể hiện sự quan sát tỉ mỉ của tác giả. Hay như hình khắc chiếc trúm ở trang 115, tác giả còn cẩn thận cho khắc cả những dòng chữ Nôm ghi chú và giải nghĩa rõ: “Khi trời mưa to, dân làm đồng làm vật này đặt ở dòng nước khe rãnh để bắt tôm cá nhỏ” (tạm dịch). Để làm được một ống trúm hoàn chỉnh, người nông dân phải lựa chọn những cây tre già, đã được ngâm dưới ao lâu ngày. Trúm được làm từ hai hoặc ba mắt tre, một đầu kín, một đầu được làm thủng và thông từ mắt tre này sang mắt tre kia, phía trong trúm đặt cái tôi (4). Người nông dân thả mồi thường được làm từ những con giun đất hay trùn để dụ tôm, cá, lươn vào trúm.

Chỉ với một vài bản khắc, nhưng H.Oger và các cộng sự đã khái quát được rõ nét một trong những đặc trưng truyền thống của người nông dân vùng châu thổ Bắc Bộ.

Một số nghề thủ công truyền thống

Người nông dân xưa thường chỉ thâm canh hai mùa, do đó họ có khoảng thời gian nông nhàn, nghỉ ngơi giữa các mùa vụ. Vào những khoảng thời gian nhàn rỗi này, họ thường làm thêm các nghề thủ công truyền thống, vừa là phục vụ các nhu cầu thiết yếu của gia đình, sau nữa có thể đem bán hoặc trao đổi hàng hóa ở chợ quê.

Nhằm tìm hiểu về văn hóa, đời sống bản địa, đồng thời lập bảng từ vựng kỹ thuật nghề, nghiên cứu hình họa các dụng cụ và đồ nghề, cũng như cách sử dụng chúng, H.Oger đã cùng cộng sự người Việt đi đến các xưởng, cửa hàng ở Hà Nội. Ở đó, ông đặt ra nhiều câu hỏi về cách làm một công cụ hay đồ nghề, kích thước, một cái tên đặc biệt và tái hiện vật liệu, công cụ, thao tác kỹ thuật, một công đoạn sản xuất… trên giấy. Không chỉ vậy, H.Oger còn ghi chép về các công cụ, nguyên vật liệu, kỹ thuật sản xuất; quan sát và đánh giá mức độ phát triển của các nghề thủ công của Hà Nội.                                

Tác giả mô tả tương đối đầy đủ về các nghề thủ công của Hà Nội đầu TK XX, trong đó, không dưới 38 bức vẽ liên quan đến các công cụ và thao tác của quy trình làm giấy dó. Điều này dễ hiểu bởi như các bức tranh dân gian khác, tập bản vẽ Kỹ thuật của người An Nam của ông cũng được in trên giấy dó. Kỹ thuật làm giấy dó được tái hiện qua hình ảnh và ghi chép một cách tỉ mỉ từ các xưởng làm giấy dó tại làng Yên Thái (làng Bưởi), nơi nổi tiếng với nghề làm giấy dó từ 7 thế kỷ nay. Theo mô tả của H.Oger, loại giấy dó truyền thống xốp nhẹ và bền dai, được sản xuất từ vỏ cây dó, một loại cây thụy hương, thường được kết hợp với vỏ cây dướng. Sản xuất giấy dó gồm nhiều công đoạn, như: ngâm dó, nấu dó, giặt dó, bóc vỏ dó và phân loại, giã dó và hòa bột giấy, seo giấy, ép, sấy khô…

Đồ gốm là một trong những đồ dùng có mặt sớm nhất trong lịch sử của nhân loại. Ở Việt Nam, nghề làm gốm có một lịch sử phát triển rất dài, từ thời văn hóa Bắc Sơn, gốm được nhào từ đất sét với cát để nặn xương gốm, nhưng trong cát có lẫn tạp chất, và vì không được lọc nên bề mặt gốm thường không mịn. Nghề làm gốm xuất hiện ở nhiều vùng của Việt Nam như Bát Tràng, Phù Lãng… H.Oger dành hẳn một bản khắc để miêu tả về các công đoạn làm gạch Bát Tràng: “Gạch này vốn là lấy cát sông trộn lẫn với gạch non đúc thành. Ban đầu, đưa vào lò nung lên, xong lấy búa sắt đập nhỏ ra bằng hạt ngô hạt đậu rồi trộn với một nửa phần đất cát, xong lại đúc thành khuôn, đưa vào lò nung lần nữa. Nung chín mới dỡ ra đem bán ở các tỉnh. Đó gọi là gạch Bát Tràng. Nếu có viên nào nứt vỡ lại đem đập nhỏ ra giữ lại cho mẻ sau. Vì thế vỏ lò phần lớn xây bao bằng gạch. Không có loại gạch này thì không làm ra thành phẩm được. Nghề này vốn rất vất vả, nên đàn ông, phụ lão xã ấy toàn giao phó công việc cho đàn bà trông nom. Dân trú ngụ ở xã ấy phần nhiều là người từ Thái Bình đến làm thuê”.

Các ngành nghề khác cũng được thể hiện cụ thể trong tác phẩm của H.Oger, như nghề khắc gỗ, tập trung ở phố Hàng Quạt, nghề dệt tơ lụa và bán các sản phẩm tơ lụa ở Hàng Đào, nghề sản xuất áo bông ở phố Hàng Bông, làm đèn lồng giấy ở Hàng Mã…

Thương nghiệp kiểu chợ quê

Xưa nay, chợ vốn là nơi giao lưu buôn bán, trao đổi các mặt hàng. Từ xa xưa, họp chợ đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt. Ở các vùng quê, mỗi xã đều có ít nhất một cái chợ nhỏ. Các chợ này thường lập ở các trung tâm, các đầu mối giao thông để tiện bề cho người dân qua lại, trao đổi giao lưu hàng hóa. Chợ thường chỉ họp từ tinh mơ, đến 9, 10h sáng. Có những phiên chợ họp giữa sân đình, cạnh một cái quán, cái cầu hoặc họp trên mặt đê, bên gốc cây bàng, cây đa, cây đề cổ thụ với những gian hàng được lợp bằng tranh, tre, nứa, lá… Chợ quê có phiên chính, phiên phụ, vài ngày lại có một phiên. Các phiên chợ trong một khu vực dân cư rộng lớn hơn thường được sắp xếp không trùng ngày để bà con tiện giao lưu, buôn bán. Tính chất chính của chợ quê là tự cung tự cấp. Người dân trong thôn mang mớ tôm, mớ tép, hay ít rau quả trong vườn nhà, hoặc dăm đồ thủ công họ tự làm… Hàng hóa có lúc ít, lúc nhiều, nhưng hàng quà thì thường không bao giờ thiếu. Những người bà, người mẹ, người chị… khi đi chợ về, thường sẽ không quên mua đồng quà tấm bánh cho trẻ nhỏ ở nhà, có lẽ vì thế mà có câu ngạn ngữ: “Mong như mong mẹ về chợ”.

Phiên chợ quê đơn giản, hòa lẫn với thiên nhiên, là một phần không thể thiếu trong đời sống biết bao thế hệ người Việt. Chợ quê vùng đồng bằng Bắc Bộ còn có hát xẩm độc đáo, hấp dẫn. Những nét văn hóa đặc sắc này ở một đất nước An Nam xa xôi, gợi nhiều trí tò mò, khám phá với một chàng thanh niên người Pháp và tản mát trong hơn 4.000 bản khắc, H.Oger đã lưu tâm nhiều đến những hình ảnh phiên chợ quê của người Việt, từ trang phục đi chợ, thói quen đội thúng, mẹt lên đầu của những người phụ nữ, những bức khắc thể hiện chi tiết về người “tiểu thương” với những mặt hàng của họ, hay nguyên một bức khắc lớn thể hiện đầy đủ phiên chợ tết.

Dù tồn tại những nguồn tư liệu tranh ảnh khác, nhưng điểm độc đáo trong Kỹ thuật của người An Nam là việc thu thập dữ liệu rất toàn diện về một nền văn hóa vật chất vốn rất phong phú. Bởi thế công trình nghiên cứu của H.Oger được coi là một kho tàng thông tin về kỹ thuật sản xuất, và cuộc sống văn minh vật chất vùng châu thổ Bắc Bộ Việt Nam đầu TK XX

___________

1. Năm 1907, chàng thanh niên người Pháp Henri Joseph Oger, dẫn theo thợ vẽ, đi khắp nơi, ghi chép mọi khía cạnh của cuộc sống riêng tư và cộng đồng, của nghề buôn, của công nghiệp, và các kỹ thuật của người dân miền Bắc Việt Nam. Hơn 4.000 bản vẽ đã được thu thập, bao gồm những mô tả các công cụ, đồ nghề, thao tác thủ công cùng những ký họa, và thuật ngữ kỹ thuật tương ứng đã phản ánh được tương đối đầy đủ nền văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, giai đoạn những năm cuối TK XIX đầu TK XX. H.Oger cho rằng công trình của mình “chưa từng có ai tiến hành ở Đông Dương”.

2. Từ câu ngạn ngữ: Cơm tẻ mẹ ruột.

3. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2004, tr.90.

4. “Cái tôi”, gọi tên khác là hom cho ống trúm, đan bằng giang, hình chóp, hở các ô nhỏ, gắn vào miệng ống, đầu hom quay vào trong, khiến lươn hám mồi  trườn vào trúm, không bị trầy xước nhưng không trườn ra được. Theo Huy Thư, Mùa thả trúm bắt lươn đồng, báo Nghệ An, 8 – 4 – 2017.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : HOÀNG AN CHI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *